Thực hư chuyện Việt Nam lên kế hoạch... ghép đầu người?

Thứ Tư, 20/01/2016, 11:25
Gần đây, báo chí rộ lên thông tin Việt Nam sẵn sàng cho ca ghép đầu người vào năm 2017. Thông tin này bắt nguồn từ đâu? Việt Nam có thể ghép đầu người được không? Có thể tin vào lời phát ngôn này từ một chuyên gia y tế hay chỉ là phát ngôn hão huyền? Vậy thực hư vấn đề này ra sao?


Từ một buổi sinh hoạt khoa học tại Bệnh viện

Tin này được đưa lên nhiều tờ báo điện tử và dẫn nguồn là Giáo sư (GS) Trịnh Hồng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia đưa ra tại buổi: “Sinh hoạt Khoa học điều phối ghép tạng” do Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia vào tổ chức ngày 12-1. Buổi sinh hoạt chuyên môn do GS. Sơn chủ trì gồm nhiều nội dung trong đó có nội dung GS trình bày về lịch sử ngành ghép tạng thế giới, Việt Nam, cập nhật mới, những bước tiến và triển năng của ngành ghép tạng thế giới,  trong đó có một mục nói về khả năng ghép đầu người.

GS. Trịnh Hồng Sơn trình bày về vấn đề ghép đầu người tại buổi sinh hoạt khoa học.

Xin nói thêm. Gs. Trịnh Hồng Sơn cũng là một trong số những phẫu thuật viên chính trong ca ghép tạng xuyên Việt từ bệnh nhân chết não tại TP Hồ Chí Minh, chuyển tạng vượt 2.000km ra Hà Nội hiến cho người nhận.

Theo GS. Sơn, thế giới dự kiến năm 2017 sẽ tiến hành ca ghép đầu người đầu tiên. Đối tượng cho và nhận tạng là những bệnh nhân phần “đầu óc” vẫn bình thường nhưng phần cơ thể phía dưới không hoạt động được do các bệnh lý về cơ, về thần kinh ngoại biên. Trong trường hợp này, “đầu” còn tốt sẽ được ghép cho một người thân còn tốt nhưng bị chết não (ví dụ như do chấn thương).

Ca phẫu thuật sẽ được bác sĩ người Italia Sergio Canavero và bác sĩ người Trung Quốc Ren Xiaoping chủ trì dự kiến tiến hành vào năm 2017.  Người hiến đầu là một người Nga, anh Valery Spiridonov, 30 tuổi mắc chứng rối loạn teo cơ di truyền khiến cho cơ thể ngày càng bị teo nhỏ dù phần đầu và khuôn mặt vẫn phát triển bình thường. Đây là người đầu tiên trên thế giới tình nguyện tham gia ca ghép đầu người. Người nhận đầu là người bị chết não nhưng thể trạng khỏe mạnh.  Kinh phí ca ghép dự kiến sẽ lên tới 15 triệu USD.

GS. Sơn cho biết, các bước cấy ghép đầu người mà các nhà phẫu thuật thế giới đưa ra bao gồm: đầu tiên, phần đầu của bệnh nhân và phần thân của người chết não hiến tặng sẽ được “bảo quản” bằng cách làm lạnh tuyệt đối để giữ cho các tế bào không bị tổn thương. Sau đó, các mạch máu lớn nuôi não bộ sẽ được nối với hệ tuần hoàn ngoài cơ thể trước khi tủy sống được cắt ngang thật gọn để tránh tổn thương bằng một loại dao kim cương hoặc dao nano với chất liệu là silicon nitride.

Phần quan trọng nhất là ráp đầu tủy sống của bệnh nhân với đầu tủy sống của thân người cho có sử dụng một chất gọi là polyethylene glycol, hợp chất này có khả năng kích thích các tế bào chất béo ở tủy sống kết nối và đan vào nhau. Cuối cùng là công việc nối các mạch máu, cơ xương và khâu liền vết mổ.

Ca phẫu thuật này dự định kéo dài 36 tiếng với sự trợ giúp của 150 cộng sự. Bệnh nhân sau đó sẽ được giữ trong tình trạng hôn mê từ 3-4 tuần để tránh những cử động không cần thiết và khoảng 12 tháng thì tủy sống mới có thể lành hoàn toàn. Trong thời gian này, bệnh nhân phải liên tục được điều trị vật lý trị liệu và dùng thuốc để tránh việc thải loại mảnh ghép.

Trong phần trình bày kỹ thuật ghép đầu, GS. Sơn đưa ra quan điểm: “Và tôi nghĩ rằng, Việt Nam cũng cần phải chuẩn bị tiếp nhận kỹ thuật ghép đầu”. GS. Sơn cũng lưu ý: “Dự kiến thì chưa có gì dám chắc, có thể thành, có thể không. Nếu thành công thì Việt Nam sẽ sẵn sàng mời các chuyên gia y tế thế giới tới để chuyển giao kỹ thuật. Việt Nam sẽ học tập theo”. Dù Việt Nam bắt đầu ghép tạng muộn 50 năm nhưng lại đạt được những thành quả rất đáng kể. Trình độ ghép tạng của Việt Nam không thua kém gì thế giới. Vấn đề ở đây là khan hiếm nguồn tạng.

Những khó khăn xung quanh vấn đề ghép đầu người

GS. Sơn cung cấp những ý kiến của các nhà khoa học trên thế giới đưa ra xung quanh vấn đề ghép đầu người. GS cho biết, bộ não là trung tâm chỉ huy mọi nhận thức, tư duy cũng như điều hành toàn bộ hoạt động của cơ thể con người. Chỉ cần bộ não hoạt động “chệch choạc” một chút là con người sẽ không còn là con người nữa. Do tính chất quan trọng như vậy nên cấu trúc và hoạt động của não bộ cực kỳ phức tạp mà cho đến nay còn có rất nhiều vấn đề mà khoa học hiện đại vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu.

GS. Trịnh Hồng Sơn trả lời phóng viên bên lề buổi Sinh hoạt khoa học.

Điểm qua lịch sử của quá trình nghiên cứu ghép đầu trên thế giới, GS cho hay: năm 1908, chiếc đầu chó sống đã được ghép và sống 20 phút. Tới năm 2002, Nhật Bản ghép được đầu chuột. Vấn đề ghép đầu, quan trọng và khó nhất là đảm bảo cung cấp được oxi. Tế bào gan có thể bảo quản trong dung dịch được 18 tiếng nhưng tế bào não chỉ có thể bảo quản trong dung dịch được 15 phút hoặc 2 tiếng. Khó khăn nhất là vấn đề ôxy lúc nào trên não cũng có.

Các hoạt động nhận thức và tư duy, não bộ sẽ chỉ huy cơ thể thông qua các đường dẫn truyền (vận động, cảm giác) đi xuống dưới qua tủy sống và theo các nhánh thần kinh ngoại vi đến từng cơ quan. Nếu tủy sống bị cắt ngang, như khi bị chấn thương chẳng hạn, các đường dẫn truyền bị cắt đứt và bệnh nhân sẽ bị liệt hoặc mất cảm giác tùy theo vị trí tổn thương.

Đã có rất nhiều nhà khoa học lao vào thực nghiệm ghép đầu ở động vật. Năm 1959, Vladimir Demiknov, một nhà phẫu thuật thời Xôviết, tiên phong trong lĩnh vực cấy ghép tạng, đã tiến hành ghép đầu cho chó nhưng chú chó được ghép chỉ sống được 6 ngày.

Năm 1970, bác sĩ Robert White người Mỹ đã ghép thành công đầu đổi đầu cho hai con khỉ. Vấn đề là ở chỗ, tủy sống không được nối nên con khỉ bị liệt sau ghép và chết do phản ứng loại thải mảnh ghép 10 ngày sau đó. Còn rất nhiều các thực nghiệm ghép đầu động vật khác được tiến hành nhưng nhìn chung, kết quả không mấy khả quan.

Thực tế, ghép đầu động vật (bao gồm cả người) là ghép nối giữa các phần gân cơ, xương, mạch máu, da và tủy sống. Các phần khác, việc ráp nối không có gì khó khăn nhưng rào cản nằm ở phần nối tủy sống. Tủy sống là một cấu trúc phức tạp bao gồm cả phần chất xám - các tế bào thần kinh và phần chất trắng: các sợi trục dẫn truyền.

Trong tủy sống, có rất nhiều bó sợi, có thể ví như một bó cáp điện với rất nhiều chức năng khác nhau nên việc “ráp nối” sao cho các bó này khớp nhau là điều không đơn giản. Bên cạnh đó, các tế bào thần kinh - vốn đã sinh ra bao nhiêu thì chỉ có thoái hóa đi chứ không phát triển thêm nên khả năng hồi phục rất kém sau khi bị cắt ngang.

Hơn nữa, việc duy trì nguyên vẹn 100 tỷ tế bào thần kinh của não bộ sau khi bị mất nuôi dưỡng (thiếu đường, ôxy) sau khi bị “cắt ngang”, tách khỏi hệ mạch máu từ tim lên cũng không hề đơn giản do các tế bào thần kinh chỉ chịu được tình trạng thiếu ôxy và chất dinh dưỡng không quá 5 phút.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, chưa có bằng chứng nào cho thấy não bộ sẽ hoạt động tốt sau ghép khi chỉ huy một cơ thể hoàn toàn “mới lạ”. Việc phải cho bệnh nhân hôn mê có kiểm soát khoảng 4 tuần sau ghép đầu như dự tính sẽ chịu nhiều rủi ro như nhiễm khuẩn, tắc mạch... và bệnh nhân sẽ khó qua khỏi.

Còn gây nhiều tranh cãi

Có nhiều người ủng hộ việc tiếp tục triển khai thực nghiệm ghép đầu, trong khi những người khác lại không và nghe phân tích thì bên nào cũng có lý cả.

Tuy vậy, các thành tựu về ghép tạng nói chung, hay khi cấy ghép đầu người thành công nói riêng, dù cho sẽ giúp rất nhiều người được sống thêm, nhưng nhìn chung liệu có là... trái với quy luật tự nhiên hay không?  Một bác sĩ người Mỹ đã nói: “Sau ca ghép đầu là cả một cuộc sống tồi tệ hơn cái chết”. Một vấn đề rất lớn là não bộ sẽ hoạt động ra sao trong tình trạng luôn bị “phân thân” đấu tranh loại bỏ qua phản ứng loại thải mảnh ghép? Rồi các vấn đề khác về tâm linh - “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, các vấn đề xã hội, tâm sinh lý sau ghép, tôn giáo, pháp luật... cũng cần được đặt ra khi tiến hành những ca ghép đầu thực sự ở người.

Chúng ta sinh ra từ đầu đến chân là một khối thống nhất, cùng chung một bộ gen, cùng chung một linh hồn (nếu có). Nếu chỉ được ghép một bộ phận, sẽ có hai kiểu gen, ba bộ phận sẽ có ba kiểu gen và lúc đó, sẽ ra sao với một cơ thể “đa quốc gia” như vậy?

Thêm nữa, về mặt pháp luật thì của cải sẽ mang tên người có đầu hay mang tên người có thân? Nói một cách khác, thân được ghép đầu hay đầu được ghép thân?! Gia đình người có đầu sẽ nhận con hay gia đình người có thân sẽ nhận con?! Và còn vô vàn những vấn đề khác sẽ phát sinh sau khi việc cấy ghép đầu thành công mà hiện nay chúng ta vẫn chưa lường hết được.

Ghép đầu người không hoang đường nhưng quá khó khăn

Sau khi nhiều tờ báo điện tử đăng bài với những tít giật gân trên, để thêm cái nhìn đa chiều và đánh giá khách quan, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, chuyên gia đầu ngành trong ghép tạng Việt Nam. PGS Nguyễn Tiến Quyết khẳng định: “Đây không hề là chuyện hoang đường. Nhưng tôi nghĩ ca này thành công ở mức độ thấp và rất khó khăn vì hiện nay, mổ nối tủy sống gần như trên thế giới chưa đâu làm được”.

Cũng theo PGS Quyết, nối tủy sống vẫn được tiến hành nối nhưng nối để có chức năng thì không dễ dàng. "Tách tủy sống ra ở dưới sẽ liệt nên theo tôi tiến trình này có thể thành công nhưng còn cần thời gian lâu dài, vì nền khoa học nói chung và nền y học nói riêng chưa hiểu đến tận ngọn ngành thấu đáo chức năng của hệ thần kinh. Xử lý ca này khá khó khăn.

Tôi lấy ví  dụ như ghép gan, tim, thận thì chúng tôi hiểu rõ chức năng của gan, tim, thận. Vì nối mạch máu đơn giản, cái khác cũng đơn giản hơn nhưng nối thần kinh thì không như vậy. Nó không đơn thuần về ngoại khoa mà phải hiểu sâu về thần kinh” - PGS Quyết nói.

Nói về “con dao đặc biệt để mổ”, ông vẫn khẳng định không thể nói điều gì sẽ xảy ra vì nhân loại chưa hiểu hết ngọn ngành về thần kinh.

Và việc nghiên cứu, nối đầu chuột của một trong những bác sĩ tham gia ca mổ sẽ là cơ sở để các bác sĩ dựa vào đó đưa ra phương án tối ưu. Từ đó, tiến hành ghép đầu người. Nhưng vị chuyên gia này đã phải thực nghiệm trên 1.000 con chuột mới được 1 con,  và ghép trên người thì khác hoàn toàn.

Thanh Loan
.
.