Trẻ bị lác mắt nếu sử dụng điện thoại thông minh quá 4 tiếng/ngày
Hiện tại, ngày càng có nhiều trẻ em dưới 16 tuổi được cha mẹ cho sử dụng loại điện thoại này, và hầu hết đều dùng để chơi game. Tuy nhiên, một khảo sát của các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Chonnam, Seoul, Hàn Quốc đã chứng minh nếu để trẻ sử dụng smartphone từ 4 đến 8 tiếng/ngày, trẻ sẽ có nguy cơ bị lác mắt!
Theo nghiên cứu của các chuyên gia về mắt tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Chonnam, Seoul, Hàn Quốc, có một sự liên quan rất rõ rệt về chứng lác mắt (hay còn gọi là mắt lé) giữa những trẻ em thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh từ 4 đến 8 tiếng/ngày và khi dùng, họ để điện thoại quá gần với đôi mắt.
Nhiều bậc cha mẹ vẫn hãnh diện vì con mình còn bé mà đã sử dụng rành rẽ điện thoại thông minh (ảnh minh họa). |
Bằng các thiết bị đo đạc tối tân, nhóm nghiên cứu nhận thấy khi chơi game, mắt tập trung tối đa vào các chuyển động trên màn hình, các cơ điều khiển vận động của nhãn cầu (gọi là cơ vận mắt) cũng phải hoạt động gấp 4 lần bình thường. Ở trẻ không sử dụng điện thoại thông minh, trung bình khoảng 5 giây họ chớp mắt 1 lần thì với trẻ chơi game, con số này là 20 giây!
Bức xạ phát ra từ màn hình điện thoại cộng với thời gian giữa hai lần chớp mắt quá dài dẫn đến hiện tượng khô mắt. Bên cạnh đó, não bộ cũng phải tập trung xử lý những hình ảnh do mắt truyền về rồi ra lệnh cho các ngón tay thao tác trên bàn phím. Sau khoảng 3 tháng, 47 trong số 120 trẻ được nghiên cứu xuất hiện dấu hiệu lác mắt mà nguyên nhân là sự mất thăng bằng của các cơ vận nhãn.
Lác mắt hoặc lé mắt là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng hai mắt không thẳng hàng hay nói một cách khác: Một mắt nhìn thẳng và một mắt khác nhìn lệch đi. Giáo sư Lee Song Yok, chủ Bình thường, ở những trẻ dưới 3 tuổi, tỉ lệ lác mắt chiếm khoảng 2%.
Từ 4 đến 16 tuổi con số này là 3% mà nguyên nhân hoặc do di truyền, do sự thiếu cân bằng của não kết hợp với mắt, hoặc bất cứ thứ gì cản trở thị lực ở một bên mắt (thí dụ như bị cườm ở thời thơ ấu). Đôi khi, nó cũng có nguyên nhân từ các dây thần kinh điều khiển cơ mắt hoặc một bất thường trong các cơ mắt, hoặc các mô xung quanh trong hốc mắt, do tật khúc xạ…
Giáo sư Lee Song Yok nói: “Tuy nhiên, các nguyên nhân nêu trên đều có thể điều trị bằng các biện pháp như đeo kính, mổ điều chỉnh các cơ vận động nhãn cầu, tập cho trẻ sử dụng hai mắt cùng một lúc nhưng với những trẻ bị lác mắt do thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh, lâu dài trẻ sẽ mắc phải “bệnh mắt lười - y học gọi là nhược thị”, biểu hiện bằng hiện tượng mắt lờ đờ, phản xạ nhìn suy giảm”.
Vẫn theo Giáo sư Yok, điều nguy hiểm nhất với người lác mắt là mất thị giác của cả 2 mắt (thị giác này cần thiết để nhìn hình nổi và phân biệt chính xác khoảng cách gần xa). Nó thường xảy ra trong trường hợp bị lác trước 9 tuổi nhưng không được điều trị. Người mất thị giác của cả 2 mắt vẫn có thể nhìn thấy được nhưng không thể làm những nghề đòi hỏi sự chính xác cao và hay gặp nguy hiểm khi lái tàu, xe.
Sau một thời gian dài sử dụng thường xuyên điện thoại thông minh, dấu hiệu dễ nhận ra trẻ bắt đầu bị lác mắt là hai mắt không cân đối hoặc không thẳng hàng.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Vũ, Giám đốc Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Ngô Quyền, quận 5 TP HCM cho biết: “Thí dụ tròng đen của mắt phải nằm ngay chính giữa nhãn cầu nhưng tròng đen của mắt trái lại nằm gần khóe mắt phía sống mũi, hoặc nằm gần đuôi mắt. Cũng có khi tròng đen của mắt phải nằm cao hơn, hoặc thấp hơn tròng đen mắt trái, hoặc hai tròng đen nằm xích lại gần nhau, hoặc cách xa nhau thì trẻ đã bị lác”.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp lác mắt, trẻ thường nhìn một thành hai (hình ảnh kép). Lúc đó, trẻ thường nhắm một mắt để nhìn cho rõ hơn hoặc nghiêng đầu khi nhìn để hình ảnh được thẳng hàng.
Không chỉ có nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Quốc gia Chonnam, Seoul, Hàn Quốc, chứng minh sự liên quan của hiện tượng lác mắt đối với những trẻ em thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh từ 4 đến 8 tiếng/ngày, mà tại Đại học Baylor, bang Texas, Mỹ, một khảo sát tương tự trên 164 sinh viên cũng đã cho thấy ngay cả người trưởng thành cũng có thể bị lác mắt nếu cứ chúi đầu vào điện thoại thông minh trên 10 tiếng mỗi ngày.
Thậm chí nhiều người còn bị stress nếu đi ra đường mà quên mang theo điện thoại, hoặc hết pin giữa chừng nhưng lại không có bộ sạc! Tiến sĩ William Novak, trưởng nhóm nghiên cứu nói: “Trong 164 sinh viên mà chúng tôi chọn ngẫu nhiên làm đối tượng khảo sát, có 57 người bị lác mắt tạm thời - nghĩa là nếu họ ngừng sử dụng điện thoại thông minh khoảng 2 tháng thì các cơ vận nhãn sẽ tự điều chỉnh mắc lác trở về vị trí bình thường, còn 14 người lác vĩnh viễn”.
Theo Giáo sư Lee Song Yok, chứng lác mắt do sử dụng điện thoại thông minh ở trẻ 7 đến 16 tuổi hoàn toàn có khả năng phục hồi nếu các bậc cha mẹ ngưng không cho trẻ đụng đến điện thoại trong khoảng thời gian 2 hoặc 3 tháng.
Khi trẻ đã hết lác và nếu trẻ tiếp tục dùng điện thoại, hãy bắt buộc trẻ phải để điện thoại cách xa mắt ít nhất là 30cm đồng thời cấm trẻ không được nhìn chăm chăm vào màn hình quá 30 phút. Giáo sư Yok nói: “Từ 7 đến 10 tuổi, tổng thời gian chơi trên điện thoại thông minh tốt nhất là 2 tiếng, nhưng chia ra làm 2 hoặc 3 lần, mỗi lần cách nhau chừng 2 tiếng. Với trẻ từ 11 đến 16 tuổi, thời gian chơi có thể tăng lên 4 tiếng nhưng mỗi lần chơi nên giới hạn trong khoảng 1 tiếng…”.
Tại Việt Nam, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào về sự liên quan giữa chứng lác mắt với điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng mặc dù khá nhiều trẻ em ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ… đều không xa lạ với những thiết bị này.
Theo số liệu của Bệnh viện Mắt TP HCM, 68,5% số trẻ bị bệnh lác mắt phát bệnh lúc dưới 2 tuổi, chỉ có 9% bắt đầu ở tuổi từ 6 đến 15 nhưng đó là bệnh lác mắt bẩm sinh. Vẫn theo BS Vũ, ngoài việc giới hạn thời gian, tần suất sử dụng điện thoại thông minh đối với con em mình, nhất là những trẻ dưới 16 tuổi thì khi thấy trẻ xuất hiện những dấu hiệu lác mắt, nên đưa trẻ đi chữa ngay.