Cẩn trọng với những phương pháp chữa COVID-19 của “bác sĩ mạng”
Khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì sự lo lắng về sức khoẻ ngày càng gia tăng. Nhiều người tìm đến những phương pháp chữa trị, phòng bệnh COVID-19 trên mạng xã hội, các trang mạng không chính thống mà không hề có kiểm chứng khoa học nào. Không rõ công dụng thực tế của những phương pháp này nhưng vẫn được chia sẻ rầm rộ và được nhiều người tin tưởng làm theo.
Muôn kiểu chữa bệnh trên mạng
Mới đây đọc được bài viết trên mạng xã hội chia sẻ về cách phòng và chữa trị COVID-19 tại nhà gồm chanh, sả, gừng, chị Đoàn Nguyên (Cầu Giấy, Hà Nội) đã ra chợ gần nhà mua rất nhiều về tích trong tủ lạnh.
Theo chị Nguyên, bài viết này nhận được hàng trăm nghìn lượt like và hàng nghìn lượt chia sẻ. Ngay bên dưới là hướng dẫn cách đun chanh, gừng, sả để uống và để xông. “Cũng không biết tác dụng thực sự thế nào, có diệt được COVID-19 thật không nhưng tôi thấy dễ làm, dễ uống. Mà nếu cảm cúm thông thường, xông được nồi nước gừng, chanh, sả xong cũng sảng khoái cả người. Toàn bài thuốc dân gian không ảnh hưởng gì nên cứ thế mua về tích dùng dần thôi”, chị Nguyên nói.
Còn chị Trần Thị Quỳnh (Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) thì ngày nào cũng ăn tỏi mật ong tự làm, tự ngâm mấy tháng nay. Không chỉ ngâm cho mình, mà chị ngâm cho cả nhà dùng luôn. Con trai nhỏ không ăn được tỏi thì chị pha tí nước ấm với mật ong đã ngâm tỏi cho con uống. Chị bảo: “Tôi thấy bảo tỏi dùng tốt khi bị cảm cúm. Mà quả thật nhiều lần bị cúm nặng tôi cứ ăn tỏi với mật ong vào là khỏi. Giờ thấy trên mạng lại nhiều bài viết chia sẻ công dụng tỏi có thể phòng chống COVID-19 nên tôi ngâm cả mấy bình, vừa gửi cho bố mẹ hai bên, vừa để nhà dùng dần”.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (chung cư FLC Cầu Giấy, Hà Nội) cũng tích trữ cả một tủ thuốc lớn và tủ đựng chanh, sả, gừng. Trong tủ thuốc nhà chị đủ các loại thuốc ho, thuốc cảm cúm, xuyên tâm liên, hạ sốt… theo như lời khuyến cáo trên mạng. Rồi cũng đọc được tin ở đâu rằng Hà Nội đóng cửa tất cả các hiệu thuốc nhỏ, chỉ mở 76 hiệu thuốc lớn trong các bệnh viện và ở một vài điểm lớn nên chị đi mua về tích đầy một tủ. Chưa kể tủ lạnh cũng chật cứng thức ăn, các loại gia vị dùng để chữa cúm theo phương pháp dân gian.
“Tôi cứ cẩn thận cho chắc, giờ ra ngoài đi chợ cũng sợ. Tốt nhất cứ mua chất đầy đấy, cả tháng không phải ra đến ngoài. Thuốc thang cũng dùng thoải mái nếu có bị làm sao. Thời buổi dịch bệnh thế này chả biết lúc nào khu nhà mình bị phong toả. Cứ tích đấy cho chắc”, chị Nguyệt chia sẻ.
Kỳ quái hơn, mới đây một facebooker cũng chia sẻ cách chữa COVID-19 bằng uống… nước tiểu kết hợp ăn thực dưỡng và tuyên bố tiếp nhận hết mọi ca bệnh do COVID-19.
Chưa biết tác dụng các bài thuốc nói trên thực hư thế nào nhưng tác dụng rõ ràng nhất là giá cả gừng, sả, chanh… tăng cao. Nhiều thương lái đầu cơ, nâng giá gừng từ 35.000 đồng/kg lên 50.000, rồi 70.000 đồng, thậm chí 175.000 đồng/kg; giá sả từ mức 4.000 đồng/kg cũng tăng lên 10.000 – 20.000 đồng/kg; giá chanh tăng từ 10.000 đồng lên 20.000 – 30.000 đồng/kg… Không những thế, mặt hàng này còn “cháy” hàng ở nhiều khu chợ.
Mỗi người hãy tự bảo vệ mình trước thông tin trôi nổi trên mạng
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xôn xao thông tin một vị bác sĩ có tên P.X.T đăng bài viết về cách bảo vệ niêm mạc mũi khỏi sự xâm nhập của virus. Theo người này thì ai không chịu được nước muối ưu trương thì có thể thay thế bằng… dầu mè. Nhỏ một giọt dầu mè hữu cơ vào mũi 2 lần mỗi ngày…Vị bác sĩ này còn lấy phác đồ điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và cơn hen phế quản đi điều trị bệnh nhân COVID-19, hoặc hướng dẫn mọi người dùng nước muối thật mặn để sát trùng cổ họng, phòng tránh COVID-19.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai là người đã từng phản đối mạnh mẽ chữa ung thư bằng thực dưỡng. Khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc thì anh cũng là một trong những bác sĩ đầu tiên sử dụng trang cá nhân đấu tranh với những thông tin sai trái về dịch bệnh, đồng thời khuyến cáo người dân nhiều biện pháp hữu hiệu tích cực để bảo vệ chính mình, bảo vệ cộng đồng, tránh để kẻ xấu lợi dụng. Trên trang cá nhân của mình anh luôn đưa ra những bài viết khoa học, những hướng dẫn chi tiết, cụ thể để mọi người có thể tự bảo vệ sức khoẻ của mình, tránh hoang mang, dao động trước những tin đồn thất thiệt bằng văn phong khá dí dỏm, dễ đọc, dễ hiểu.
Theo bác sĩ Hùng, việc “bác sĩ mạng” bảo dùng nước muối thật mặn để sát khuẩn không khác nào tự mình tiêu diệt niêm mạc mũi bằng nước muối thật mặn. Làm thế sẽ khiến cơ thể nhiễm bệnh nhanh hơn vì mất hàng rào đầu tiên. Vì vậy, việc đeo khẩu trang sẽ giúp hạn chế các hạt virus phát tán ra không khí, và người đeo khẩu trang sẽ có lớp màng vật lý chặn bớt các hạt virus lang thang. Kèm theo giữ khoảng cách sẽ giảm quá trình lây nhiễm cho người khác.
“Chúng tôi vẫn mong muốn có thêm nhiều bài viết của các chuyên gia đã được kiểm chứng, nhiều bài tuyên truyền chính thống của Bộ Y tế về các phương pháp phòng tránh, chữa trị COVID-19 để yên tâm đối mặt với đại dịch COVID-19 đang bùng phát khắp nơi”, chị Nguyễn Thùy Trinh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Dịch COVID-19 đang diễn biến khá phức tạp. Việc thiếu cập nhật các khuyến cáo, cách phòng tránh, chữa trị cho người nhiễm COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến người dân hoang mang, đi tìm và tin vào các phương pháp chữa trị trên mạng xã hội.
Vì thế, mỗi người dân ngoài việc không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc, bài thuốc nào lan truyền trên mạng xã hội, hãy tuân thủ “thông điệp 5K”, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà phòng và dung dịch sát khuẩn, đồng thời duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng; ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh cơ thể và nhà cửa sạch sẽ, chủ động súc miệng bằng nước muối loãng từ 5 - 7 lần/ngày…