Doanh nhân 25 tuổi biến rác thải điện tử thành vàng

Thứ Năm, 17/03/2016, 21:20
Doanh nhân trẻ 25 tuổi này là người sáng lập Công ty Recyclobekia – một trong những doanh nghiệp đầu tiên ở khu vực Bắc Phi xử lý rác thải điện tử. Hemdan thành lập công ty cách đây 5 năm trong garage của gia đình ở thành phố Tanta.

Khi còn là sinh viên ngành công nghệ, Hemdan cùng với 19 sinh viên khác học cùng trường đại học tham gia cuộc thi về ý tưởng kinh doanh Injaz Egypt.

Những người chiến thắng sẽ nhận được 10.000 USD để giúp phát triển ý tưởng lập công ty khởi nghiệp. Ý tưởng về Recyclobekia nảy sinh từ một chương trình trên truyền hình đã giúp Hemdan giành chiến thắng trong cuộc thi đó.

Mostafa Hemdan.

Tên gọi Recyclobekia xuất phát từ các từ Arập “roba bekya”, có nghĩa là “đồ cũ”. Trên đường phố Cairo, người ta thường nghe rao “roba bekya” khi những người chủ nhà muốn bán tống bán tháo những món đồ cũ trong gia đình.

Mostafa Hemdan tiết lộ: Anh bất ngờ nảy ra ý tưởng kinh doanh sau khi xem một phim tài liệu về xử lý tái chế rác thải điện tử và nhận thức rằng có nhiều tiềm năng trong việc khai thác kim loại quý từ các bo mạch chủ vi tính – vàng, bạc, đồng và platinum. Đó là ngành công nghiệp đang bùng nổ ở Mỹ và châu  Âu, song vẫn chưa có ai làm điều đó ở Trung Đông và Bắc Phi. Ngày nay, Hemdan sử dụng 20 nhân viên làm việc tại 4 nhà kho và bán được 2,4 triệu USD rác thải điện tử một năm.

Rác thải đóng gói trong một nhà kho của công ty Recyclobekia.

Mostafa Hemdan đã phải vượt qua nhiều thách thức trong môi trường kinh doanh như việc không hoàn thành các đơn đặt hàng, tự gây quá nhiều áp lực cho bản thân, cả bối cảnh bất ổn xã hội và chính trị ở Ai Cập từ sau sự kiện Mùa xuân Arập. Thành lập doanh nghiệp năm 2011, đầu tiên Hemdan chào hàng trong chuyên mục giao dịch doanh nghiệp trên trang web thương mại điện tử toàn cầu Alibaba.

Nhanh chóng sau đó, Recyclobekia nhận được đơn hàng 10 tấn ổ cứng đầu tiên từ một người mua ở Hồng Công. Hemdan kể: “Lúc đó, tôi thậm chí còn không biết thu mua số lượng lớn rác điện tử như thế ở đâu. Nhưng tôi vẫn cứ chấp nhận”. Để tìm được nguồn rác thải, Hemdan phải lặn lội đến Cairo, nơi có 17 triệu dân thải ra 15.000 tấn rác điện tử mỗi ngày. Phần lớn rác thải được quản lý bởi Zabbaleen, một cộng đồng người Thiên chúa giáo chuyên thu mua rác từ người dân và sau đó tỉ mỉ phân loại bằng tay các thành phần chất dẻo, giấy và kim loại để bán lại.

Tuy nhiên, Zabbaleen không thu mua loại rác thải điện tử như là máy tính hay máy in. Do đó, Recyclobekia phải tìm mua chúng từ các công ty. Để hoàn thành đơn hàng đầu tiên từ Hồng Công, Hemdan cần có số tiền 15.000 USD, nhưng đây là thời điểm anh chưa chiến thắng trong cuộc thi Injaz Egypt.

Để có tiền, Hemdan cố gắng thuyết phục một giáo sư đại học để vay và sẽ cho người này hưởng 40% lợi nhuận từ đơn hàng đầu tiên. 4 tháng sau, chuyến hàng đầu tiên được giao thành công. Chiến thắng giải Injaz Egypt sau đó giúp cho Recyclobekia có tiền để đầu tư mở rộng doanh nghiệp. Ngoài ra, Hemdan còn nhận được 120.000 USD từ 2 nhà đầu tư nổi tiếng của Ai Cập là Khaled Ismail và Hussein el Sheik, cả hai hiện nay nằm trong ban giám đốc điều hành công ty.

Công cuộc đầu tư kinh doanh ban đầu không hề dễ dàng. Hemdan nhận ra một thực tế là “làm việc với số vốn khổng lồ mà không biết cách điều hành công ty” sẽ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng.

Sai lầm của Ismail là nhanh chóng mở rộng doanh nghiệp và đánh giá quá cao số lượng rác thải thu mua trong khi Recyclobekia chỉ mua được ở con số thấp – trong 6 tháng, công ty chỉ thu gom được 6 tấn rác, tức ít hơn dự kiến rất nhiều. Để sửa chữa sai lầm, Ismail nhận thức phải cải thiện kiến thức về lĩnh vực công nghiệp đang còn rất non trẻ ở Ai Cập.

Thế nên, Ismail bay đến Hồng Công để nghiên cứu cách làm của những công ty tái chế rác. Chuyến đi giúp cho Ismail nhận ra một điều là phải thay đổi cách làm ăn của Recyclobekia. Lúc đó, Recyclobekia chỉ đơn giản là thu gom rác điện tử rồi bán chúng cho các đối tác ở Hồng Công.

Sau đó, công ty Trung Quốc tiến hành phân loại rác và bán lại cho các công ty khác để nấu chảy và chiết xuất kim loại quý. Hemdan nhận ra rằng Recyclobekia sẽ có lợi nhuận nhiều hơn nếu bỏ qua người trung gian và tự làm công việc phân loại rác để bán được với giá thành cao hơn. Do đó, Recyclobekia kết thúc đơn hàng Hồng Công và ký hợp đồng với một công ty chiết xuất kim loại của Đức. Nhờ đó, Recyclobekia giảm được chi phí vận chuyển rác.

Tháng 6-2013, Recyclobekia tiến gần đến thỏa thuận đầu tư với một công ty Đức nhưng 1 tháng sau đó công việc góp vốn phải ngưng lại sau khi quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi. Hemdan cho biết: “Các phương tiện truyền thông dồn dập đưa tin những con đường bị quân đội phong tỏa và bọn khủng bố thì xuất hiện khắp nơi. Đó thật sự là thảm họa cho chúng tôi. Vào cuối năm 2013, chúng tôi đã mất gần hết số tiền đầu tư mà chúng tôi có được”.

Bất ổn chính trị cùng với biến động giá vàng đe dọa đẩy Recyclobekia đến bờ vực phá sản. Nhưng công ty của anh đã khôn khéo vượt qua bão tố khi tìm đối tác thay thế ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nơi có công ty tái chế Dynamic Recycling ở Wiscosin đưa ra phương thức thanh toán tốt hơn.

Hiện nay, Hemdan đang có kế hoạch mở rộng doanh nghiệp ra khắp vùng Trung Đông. Recyclobekia cũng hợp tác với nhà bán lẻ trực tuyến châu Phi Jumia cho phép các cá nhân đổi rác thải điện tử lấy phiếu mua các sản phẩm khác.

An An (tổng hợp)
.
.