Dùng âm nhạc giải tỏa áp lực tinh thần

Thứ Tư, 30/12/2015, 08:45
Áp lực của cuộc sống ở đô thị ngày càng lớn, con người suốt ngày bận rộn, căng thẳng, lo âu, cô độc… khiến cho "căn bệnh đô thị" ngày càng trầm trọng. Âm nhạc với những cung bậc, âm điệu hài hòa có thể là phương thuốc tốt nhất để giải tỏa áp lực tinh thần, ngày càng có nhiều người tìm "trú ẩn tâm linh" trong thế giới âm nhạc để "nạp năng lượng" cho nhịp sống tiếp diễn.

Âm nhạc trị liệu

Theo J.Wagner, nhà tâm lý trị liệu người Pháp: "Âm nhạc bắt đầu nơi mà khả năng của những lời nói chấm dứt". Thực tế âm nhạc là một phương cách biểu lộ và trao đổi vốn có thể hỗ trợ cho những người sống khép kín, có tác động tích cực chống stress, những chứng bệnh thần kinh và tâm lý như bệnh Alzheimer, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ.

Âm nhạc hỗ trợ bệnh nhân phẫu thuật.

Bằng cách tìm lại được những yếu tố chủ thể đang bị đánh mất, bệnh nhân khám phá được mối liên hệ với những ký ức của mình, trở nên phấn chấn và tương tác tốt hơn với những người xung quanh. Đối với tâm trạng lo âu, trầm uất, âm nhạc là liệu pháp có hiệu quả tức khắc, giúp các bệnh nhân lớn tuổi giảm nhẹ và chịu đựng tốt hơn các triệu chứng.

Tại Bắc Kinh, Trung Quốc, âm nhạc trị liệu (Music therapy) đang trở thành phương pháp tâm lý trị liệu mới phát triển rất mạnh và là "mốt" thời thượng. Giáo sư Cao Thiên, Học viện Âm nhạc trung ương Trung Quốc là người có công đầu trong việc phổ biến môn Âm nhạc trị liệu. Ông đã sáng lập ra Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe tâm lý từ âm nhạc ở Bắc Kinh, hiện đang thu hút rất đông khách.

 Âm nhạc trị liệu vốn đã phát triển khá lâu ở Mỹ và một số nước phương tây nhưng còn khá xa lạ với Trung Quốc và các nước phương Đông. Năm 1982, giáo sư Cao Thiên tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Tây An, năm 1986, ông sang Mỹ học thạc sĩ chuyên khoa Âm nhạc trị liệu tại Đại học Temple, theo học tiến sĩ Maranto - Chủ tịch Liên hiệp Hội Âm nhạc trị liệu thế giới. Năm 1997, Cao Thiên về Trung Quốc mở và dạy Khoa Âm nhạc trị liệu tại Học viện Âm nhạc trung ương. Ở Trung Quốc tuy từ những năm 80 của thế kỷ XX đã có một số bệnh viện bắt đầu áp dụng âm nhạc trị liệu nhưng chỉ trong giai đoạn thăm dò. Phải đến khi giáo sư Cao Thiên về nước dạy và thành lập trung tâm âm nhạc trị liệu chuyên khoa đầu tiên thì bộ môn này mới khởi sắc. Năm 2003, số thí sinh thi vào Khoa Âm nhạc trị liệu của Học viện Âm nhạc trung ương rất đông.

Âm nhạc trị liệu là môn khoa học tổng hòa giữa âm nhạc, y học và tâm lý học, là sự ứng dụng và phát triển tác dụng nghệ thuật và thẩm mỹ truyền thống của âm nhạc. Trong thần thoại Hy Lạp, thần Apolo chủ quản về âm nhạc cũng đồng thời chủ quản về trị bệnh. Nhưng âm nhạc trị liệu theo nghĩa hiện đại thì đến thế kỷ XX mới bắt đầu phát triển. Vào thế chiến II trong một trại quân y dã chiến của quân đội Mỹ, do điều kiện sinh hoạt và trị liệu lúc ấy quá thiếu thốn, những thương bệnh binh đều sa sút tinh thần trầm trọng, suốt ngày kêu la, chửi bới, đồng thời tỷ lệ nhiễm trùng sau phẫu thuật và tử vong rất cao.

Có một y tá đã dùng máy thu thanh mở các ca khúc quê hương quen thuộc cho họ nghe, điều kỳ lạ là tinh thần của họ trở nên ổn định rất nhanh, tỷ lệ nhiễm trùng sau phẫu thuật và tử vong hạ thấp thấy rõ, thậm chí thời gian lành vết thương cũng rút ngắn lại. Phát hiện này nhanh chóng được báo lên và được Bộ Quốc phòng Mỹ cho các trại quân y dã chiến áp dụng và thu được kết quả khả quan.

Từ năm 1944 đến 1946, Đại học Michigan, Kansas đã mở chuyên khoa  đào tạo trị liệu bằng âm nhạc với giáo trình riêng, từ đó môn âm nhạc trị liệu mới mẻ chính thức ra đời. Các nghiên cứu thực tế cho thấy âm nhạc trị liệu rất hiệu quả trong việc điều trị các  bệnh tinh thần như chứng tinh thần phân liệt, chứng trầm uất, chứng cáu kỉnh; bệnh tuổi già như chứng Alzheimer; bệnh trẻ em như  chứng ngớ ngẩn, tàn tật và kém phát triển về sinh lý, trí tuệ; làm giảm đau trong phẫu thuật ngoại khoa, phụ nữ sinh đẻ; làm giảm trạng thái căng thẳng đối với vận động viên, diễn viên…

Nguyên lý trị liệu

Từ tiến trình phát triển của âm nhạc trị liệu, có thể thấy có một khoảng cách nhất định giữa nhận thức về âm nhạc của chúng ta với âm nhạc trị liệu.  Âm nhạc êm ái vui tai đương nhiên cũng có tác dụng làm giảm áp lực tâm lý, là phương thức tốt để điều tiết tinh thần, nhưng để trở thành một phương pháp trị liệu, thì âm nhạc trị liệu có những thủ pháp cụ thể và cơ sở lý luận nghiêm chỉnh, khác hẳn với việc thưởng thức âm nhạc bình thường.

GS Cao Thiên đang theo dõi một ca điều trị bằng âm nhạc.

Âm nhạc liệu pháp chủ động được áp dụng chủ yếu đối với các bệnh nhân có những khó khăn hoặc mất khả năng tự bộc lộ. Họ tìm được qua đây một phương cách biểu lộ các cảm xúc. Thường thì bác sĩ sẽ khởi đầu bằng cách chơi một nhạc cụ, sau đó đề nghị mọi người cùng tham gia vui chơi, hát hò theo. Lúc này, cử chỉ là rất quan trọng bởi đó là trung gian biểu lộ thực sự - đôi lúc là duy nhất ở những người không thể biểu lộ bằng lời nói. 

Ở căn bệnh Alzheimer (sa sút trí tuệ) của người già, ký ức âm nhạc được lưu trữ lâu hơn ký ức ngôn ngữ. Việc điều trị bằng cách làm sống lại các ký ức nơi họ. Bệnh nhân được nghe những bản nhạc, bài ca mà họ từng nghe trước đây thì họ trở nên linh hoạt, muốn nghe đi nghe lại và thậm chí có thể gợi lại những ký ức đặc biệt liên quan đến bản nhạc này.

Đối với tâm trạng lo âu, trầm uất, âm nhạc liệu pháp có hiệu quả tức khắc, giúp các bệnh nhân lớn tuổi giảm nhẹ và chịu đựng tốt hơn các triệu chứng.

Giáo sư Cao Thiên nhấn mạnh, âm nhạc không phải là thuốc, nếu không tuân theo nguyên tắc lý luận chính xác, sử dụng âm nhạc để trị liệu một cách cẩu thả thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Chẳng hạn, bệnh nhân theo âm nhạc trị liệu phần lớn là bệnh nhân tâm thần, trong số này luôn chiếm 60-70% mắc chứng tâm thần phân liệt, không phân biệt được ảo giác, vọng tưởng với thế giới hiện thực. Sự kích thích của âm nhạc  có thể khiến cho những bệnh nhân này phát sinh ảo giác liên tưởng, nếu "đơn thuốc" âm nhạc đơn giản sẽ làm cho họ không thể nào cắt đứt với thế giới ảo giác, bệnh tình sẽ càng trầm trọng hơn. Cũng như nhân sâm là vị thuốc đại bổ, nhưng vận dụng không thích hợp sẽ xảy ra tác dụng phụ, âm nhạc có thể an ủi tâm linh và cũng có thể gây thương tổn tinh thần.

Giáo sư Cao Thiên nói: "Làm thế nào để tránh xảy ra tình trạng này? Điều này đòi hỏi chúng tôi phải chuẩn bị nền tảng âm nhạc trị liệu rất là cơ bản, chuyên nghiệp, âm nhạc trị liệu phải do bác sĩ chuyên nghiệp thực hiện".

Hàn Phong (theo yinyuezhiliao)
.
.