H-20: Kẻ thay đổi cuộc chơi?

Thứ Sáu, 29/07/2022, 10:46

Máy bay ném bom tàng hình có năng lực tấn công xuyên lục địa đầu tiên của Trung Quốc, H-20, dường như sắp thực hiện chuyến bay đầu tiên. Việc máy bay ném bom H-20 có thể được trang bị tên lửa hành trình tàng hình thông thường, mang đầu đạn hạt nhân hoặc siêu thanh là một tín hiệu mới, mạnh mẽ gửi tới Mỹ và các đồng minh của nước này ở khu vực Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng địa chiến lược gia tăng.

Thông tin công khai về H-20 rất ít do tính chất “mật” của nó. Các báo cáo gần đây của Trung Quốc chỉ đề cập đến sự xuất hiện của một loại máy bay có ý nghĩa về mặt chiến lược và lịch sử.

H-20: kẻ thay đổi cuộc chơi? -0
Máy bay ném bom tàng hình H-20 do Trung Quốc nghiên cứu, phát triển.

Những thông số ấn tượng

Các bức ảnh do Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc, hay Norinco, công bố trên tạp chí hằng tháng "Modern Weaponry" cho thấy máy bay chiến đấu này có thiết kế cánh bay, khoang chứa vũ khí, hai cánh đuôi có thể điều chỉnh, một radar trên không ở phía trước và hai cửa hút khí tàng hình ở hai bên, tất cả đều được bao phủ bằng vật liệu hấp thụ radar màu xám đen. H-20 có thể thực hiện các cuộc tấn công tầm xa, mang nhiều loại vũ khí dẫn đường chính xác như bom thông minh, tên lửa hành trình tấn công trên bộ và tên lửa chống hạm, có trọng lượng cất cánh tối đa 200 tấn, trọng tải 45 tấn và bay ở tốc độ cận âm.

Trên thực tế, không có nhiều thông tin về máy bay ném bom H-20 vì Trung Quốc đã giữ bí mật về thông số kỹ thuật của nó. Việc phát triển máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc lần đầu tiên được đề cập trong các báo cáo xuất hiện vào năm 2016 và các báo cáo tiếp theo cho thấy Trung Quốc dự định bắt đầu sản xuất hàng loạt loại máy bay này vào giữa những năm 2020.

Như đã đề cập trước đây, H-20 giống B-2 Spirit của Không quân Mỹ về hình dạng cánh bay quen thuộc của nó. Máy bay có thể gây ra một vấn đề cho các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ khi họ xem xét lực lượng không quân của Trung Quốc. H-20 được cho là có tầm bay ít nhất 12.000 km hoặc 7.456 dặm. Với phạm vi ấn tượng này, Hawaii, Bắc Cực, tất cả 50 bang của Mỹ sẽ nằm trong tầm với của H-20.

H-20, chứ không phải H-6, mới là vũ khí chủ lực

Theo trang mạng “Defense website 1945”, Trung Quốc đặt mục tiêu trang bị cho H-20 có khả năng hoạt động vào cuối thập kỷ này, gần giống với mốc thời gian của Mỹ đối với B-21 Raider, chiếc kế nhiệm của máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit được ca tụng.

H-20: kẻ thay đổi cuộc chơi? -0
Lượng bom máy bay tàng hình H-20 có thể mang theo.

Tạp chí "Military Watch" cho rằng trong khi Lực lượng Không quân Trung Quốc (PLA-AF) chịu trách nhiệm về hầu hết các vụ thử hạt nhân ban đầu của Trung Quốc, khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của lực lượng này được xây dựng xung quanh Lực lượng Tên lửa PLA (PLA-RF) và Hải quân PLA (PLA-N) bằng cách sử dụng nhiều loại tên lửa đạn đạo trên đất liền và trên biển.

Theo một báo cáo năm 2020 của Viện nghiên cứu Hoover, mặc dù Trung Quốc là một trong ba quốc gia vận hành máy bay ném bom chiến lược, cùng với Mỹ và Nga, lực lượng máy bay ném bom tầm xa của nước này có phần tụt hậu đáng kể, vì máy bay ném bom Tây An H-6 chủ lực của họ dựa trên máy bay ném bom Tupolev Tu-16 của Liên Xô từ những năm 1950. Báo cáo này lưu ý rằng mặc dù H-6 là một thiết kế cũ kỹ, nhưng nó có động cơ hiện đại với biến thể H-6N mới nhất có khả năng gắn tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM) cho các nhiệm vụ tấn công từ xa.

Trong khi tạp chí "Military Watch" cho rằng biến thể H-6N có thể mang tên lửa đạn đạo phóng từ trên không (ALBM) có đầu hạt nhân, hầu hết các nhà phân tích Mỹ coi nó như “một kẻ săn tàu chiến tầm xa” chống lại các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ. Tạp chí này cũng lưu ý rằng H-6 được coi là một máy bay ném bom chiến trường với vai trò chiến thuật, có nghĩa là không tiếp nhiên liệu trên không và không có tên lửa tấn công tầm xa, do đó nó không thể tấn công mục tiêu ở phạm vi liên lục địa, không giống như B-52 và B-2 của Mỹ hay Tu-95 và Tu-160 của Nga.

Vào tháng 9-2020, Lực lượng Không quân PLA đã công bố một đoạn video cho thấy một chiếc H-6N phóng ALCM hướng tới Căn cứ Hải quân Mỹ ở Guam, điều này ám chỉ rằng các cuộc tấn công tầm xa như vậy nhằm vào các lực lượng và cơ sở của Mỹ ở Thái Bình Dương có thể là nhiệm vụ chính của lực lượng này, thay vì là thợ săn tàu chiến tầm xa như các nhà phân tích Mỹ đã nghĩ đến trước đó.

Nhưng khả năng không quân và hải quân hiện tại của Trung Quốc có thể không đủ để hỗ trợ H-6N trong vai trò tấn công tầm xa. Một nghiên cứu năm 2019 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh trên bộ (CLAWS) đã lưu ý rằng những hạn chế về tầm hoạt động của các máy bay chiến đấu hiện tại của Trung Quốc có nghĩa là máy bay ném bom H-6N dễ bị tấn công bởi hệ thống phòng không của Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan trước khi chúng có thể lọt vào phạm vi tấn công đảo Guam.

Nghiên cứu này cũng đề cập rằng Trung Quốc chưa có sự hỗ trợ của nhóm tác chiến hàng hải hoặc tàu sân bay cho các máy bay ném bom tầm xa trong nhiệm vụ phòng không trên biển. Tuy nhiên, tình hình này có thể đã thay đổi với việc đưa vào biên chế các tàu tuần dương Type 055 được trang bị radar phòng không tầm xa mạnh mẽ và tên lửa đất đối không tầm xa.

Nghiên cứu của CLAWS cũng lưu ý rằng Trung Quốc vẫn chưa làm chủ được công nghệ tàng hình, và do đó các căn cứ của Mỹ ở Chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai tiếp tục ngăn cản hoạt động của các máy bay ném bom tầm xa của Trung Quốc. Ngoài ra, các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Guam và Hawaii có thể triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tầm xa như Patriot, Aegis Ashore và Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), có thể đe dọa máy bay ném bom H-6N của Trung Quốc.

Nghiên cứu lưu ý rằng lỗ hổng năng lực đáng kể nhất của Không quân PLA là thiếu nhiệm vụ hạt nhân mà H-20 được thiết kế để thực hiện. Tuy nhiên, Mỹ cũng không có hệ thống phòng thủ được thiết lập để chống lại máy bay tàng hình, một thực tế mà H-20 có thể tìm cách khai thác.

Theo một báo cáo năm 2021 của tổ chức phi lợi nhuận Bulletin of the Atomic Sciences (BAS), H-20 được thiết kế là nhằm mục đích thay thế H-6N và có thể được trang bị ALCM có đầu đạn hạt nhân, hoàn thiện bộ ba hạt nhân của Trung Quốc và tăng tính linh hoạt trong hoạt động của nó trong trường hợp bất thường. Ngoài việc hoàn thành bộ ba hạt nhân của Trung Quốc, H-20 có thể thực hiện các cuộc phô diễn vũ trang trên không trước các đối thủ của Trung Quốc.

H-20: kẻ thay đổi cuộc chơi? -0
Thông số kỹ thuật của máy bay ném bom tàng hình chiến lược H-20.

Kẻ có khả năng “thay đổi cuộc chơi”

Theo báo cáo của EurAsian Times, H-20 sẽ được trang bị vũ khí hạt nhân, tạo thành một nhánh của bộ ba hạt nhân bao gồm tàu ngầm tên lửa hạt nhân và tên lửa đất đối không. Máy bay ném bom được cho là có khả năng mang 4 tên lửa “tàng hình hoặc siêu thanh”. Với một máy bay ném bom chiến lược tầm xa, Trung Quốc có thể tiếp cận “chuỗi đảo thứ hai”, bao gồm các đảo ở Thái Bình Dương ở phía Đông lãnh thổ Guam của Mỹ.

Một nghiên cứu năm 2018 của tổ chức RAND chỉ ra rằng Trung Quốc đã tiến hành các chuyến bay của máy bay ném bom tầm xa qua khu vực Thái Bình Dương vì 4 lý do chính, với H-20 cho phép Trung Quốc đe dọa một cách đáng tin cậy các mục tiêu của Mỹ ngoài các Chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai và nâng cao năng lực chiến đấu của không quân Trung Quốc. Đầu tiên, máy bay ném bom H-20 bay qua các khu vực tranh chấp như Biển Đông và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nhằm thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ các vùng lãnh thổ này trước các đối thủ tiềm tàng, vì không rõ những đối thủ tiềm tàng trong khu vực có thể đối phó với mối đe dọa như H-20 như thế nào.

Thứ hai, các chuyến bay này cung cấp cơ hội đào tạo và môi trường thực tế cho các phi công Trung Quốc nhằm chuẩn bị cho một kịch bản xung đột với Mỹ. Các chuyến bay thực hành của H-20 có thể có các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình để khai thác các lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Mỹ và đồng minh ở Thái Bình Dương.

Thứ ba, các chuyến bay của máy bay ném bom tầm xa như H-20 có thể là màn phô diễn sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trước khán giả trong nước, qua đó nâng cao tính chính danh của Đảng Cộng sản trong mắt người dân Trung Quốc.

Cuối cùng, H-20 có thể thực hiện các chuyến bay trong và xung quanh Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan như một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây áp lực buộc nhà chức trách Đài Loan phải tuân thủ các lợi ích của Trung Quốc, ngăn cản bất kỳ ý tưởng độc lập nào và làm lộ tính dễ bị tổn thương của quân đội Đài Loan bằng cách nhấn mạnh sự bất lực của Mỹ trong việc hỗ trợ hòn đảo này trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược.

Trong một báo cáo được công bố hồi cuối tháng 10-2020, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh của Hoàng gia Anh có trụ sở tại London đánh giá máy bay ném bom tàng hình cận âm sẽ mang lại cho Trung Quốc một năng lực "liên lục địa thực sự", có thể mở rộng phạm vi hoạt động ra vùng biển của nước này. Báo cáo nêu rõ: “Được trang bị tên lửa phòng không hạt nhân và thông thường, H-20 sẽ đại diện cho một bước đột phá lớn so với các học thuyết quân sự của không quân Trung Quốc cũng như thực tiễn phát triển vũ khí trước đây”.

Ông Jon Grevatt - chuyên gia về máy bay chiến đấu, đồng thời là nhà phân tích quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương- cho rằng máy bay ném bom chiến lược H-20 có thể đã áp dụng thiết kế cánh bay tàng hình, giúp mang lại cho máy bay khả năng tấn công các mục tiêu trong chuỗi đảo thứ hai - trong đó có các căn cứ Mỹ - và khu vực xa hơn.

Là một phần của chiến lược chuỗi đảo trong chính sách đối ngoại của Mỹ, chuỗi đảo thứ hai bao gồm các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, Guam, Philippines và các quốc gia khác. Chuỗi đảo thứ ba kéo dài đến Hawaii và ven biển Australia. Điều này đồng nghĩa rằng loại máy bay này có thể sở hữu lợi thế chiến lược, đúng như tên gọi máy bay ném bom chiến lược, đó là khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa, có thể ở chuỗi đảo thứ hai và xa hơn nữa.

Khi đó khí tài và lợi ích của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương có thể sẽ bị đe dọa. Nếu loại máy bay này được đưa vào hoạt động, nó có khả năng trở thành “kẻ thay đổi cuộc chơi”. Chuyên gia Grevatt dự báo H-20 sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối thập niên 2020 vì Trung Quốc đã có được kinh nghiệm và kiến thức trong việc phát triển máy bay tàng hình trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Sơn Hà (Tổng hợp)
.
.