Công nghệ robot tân tiến phục vụ y khoa ở Israel

Thứ Tư, 06/04/2016, 07:45
Khi những người lính bị thương mất máu kêu la đau đớn, nhân viên y tế sẽ đến cấp cứu bằng mag-lev hoveboard (một loại ván trượt chạy bằng điện), sau đó lấy từ trong balô một robot phẫu thuật và bật công tắc. Bác sĩ điều khiển robot có camera để tiến hành phẫu thuật cứu sống binh sĩ bị thương. Đó là công nghệ tương lai, nhưng không còn bao lâu nữa điều này sẽ thành hiện thực.

Theo các nhà nghiên cứu, khó khăn chính trong tình huống thực tế là ván trượt sẽ bay trên không hoặc khi sử dụng dao phẫu thuật, liệu điện thoại vệ tinh có hoạt động ổn định? “Công nghệ có thể tạo ra nền y học hiện đại chữa bệnh cho người dân khắp nơi trên thế giới, nếu có một hệ thống giao tiếp riêng biệt”, Giáo sư Alon Wolf,  giảng viên Khoa Công nghệ kỹ thuật y học - Đại học Technion (Israel) cho biết.

Công nghệ robot y học đang hỗ trợ tích cực cho các bác sĩ cứu sống nhiều bệnh nhân.

“Hãy nghĩ đến một bác sĩ chuyên khoa thực hiện hàng ngàn ca phẫu thuật trong một năm, làm việc miệt mài cả ngày lẫn đêm mà không bao giờ sao nhãng. Những robot này có thể đi khắp các nước đang phát triển và được điều khiển bởi một bác sĩ đăng nhập vào hệ thống quản lý-vận hành”, ông cho biết. Robot y tế không có gì là mới đối với Technion, cơ sở giáo dục đại học này đã sáng tạo thành công robot phẫu thuật cột sống chính xác đến từng phần triệu milimet.

Ngày nay, robot có mặt khắp nơi trong y học, chẳng hạn Hệ thống Phẫu thuật Da Vinci nổi tiếng có khả năng “phẫu thuật ít xâm lấn nhất”, có thể loại bỏ từ mụn cóc cho đến phẫu thuật tim.

Hệ thống Rewalk cũng được Technion phát triển có thấu kính cơ năng giúp người bại liệt có thể khôi phục một số hoạt động. “Mắt robot, tai robot-cấy ghép chúng vào tai kết hợp với điện cực gắn trong não người điếc khiến bệnh nhân có thể nghe được”, ông Wolf cho biết. Trong khi đó, Robot phát hiện ung thư được Giáo sư Hossam Haick (Technion) phát triển lấy cảm hứng từ chó là một ví dụ điển hình trong nền công nghiệp kỹ thuật y học.

“Ngày nay, robot phẫu thuật có thể làm việc cùng với một máy chẩn đoán bệnh bằng phương pháp cộng hưởng từ hiện đại và lập kế hoạch giải phẫu. Hệ thống robot cho bạn biết trước kế hoạch phẫu thuật-giống như một máy in. Và giả sử điện thoại vệ tinh hoạt động, tin tặc không thể đánh sập Internet, bác sĩ sẽ dễ dàng giúp đỡ bệnh nhân. Với Da Vinci, robot này có thể phẫu thuật ở Italia và được điều khiển ở một nơi rất xa, chẳng hạn Mỹ, thông qua đường dây điện thoại vệ tinh an toàn”, Giáo sư Wolf giải thích.

Đối với hệ thống kính áp tròng cơ năng học đang được giáo sư Zeev Zalevsky hiện công tác tại Đại học Bar-Ilan phát triển và đã trải qua thử nghiệm thành công trên người, ông tiết lộ với thông tấn Israel Haaretz: “Đó thật sự một camera nhỏ có thể quan sát môi trường xung quanh và truyền tín hiệu đến một thấu kính kết nối cơ năng nằm trên nhãn cầu. Thấu kính truyền tín hiệu thông qua điện cực đến giác mạc và từ đó đến não, để phân tích tín hiệu thành hình ảnh”.

Robot rắn là một bước đột phá công nghệ kỹ thuật y học nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa Technion với Đại học Carnegie Mellon, Pittsburg (Đức), nó có thể trườn vào những đống đổ nát vì động đất, thâm nhập vào từng ngóc ngách sâu, vết nứt tòa nhà bị đổ sập để tìm kiếm những người còn sống sót. Giáo sư Wolf từng giới thiệu công nghệ này với Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân chuyến thăm Israel năm 2013.

Đặc biệt, một loại robot rắn có kích thước siêu nhỏ chỉ dùng một lần được phát triển tại Công ty Medrobotics (Robot phục vụ y học) có xưởng lắp ráp ở Boston, Mỹ, do Giáo sư Wolf cùng 2 đồng nghiệp đến từ Đại học Carnrgie Mellon và Đại học Pittsburg, có thể đi đến từng ngóc ngách trong cơ thể người tìm ra bệnh để giúp bác sĩ tiến hành phẫu thuật hoặc tiêm thuốc điều trị.

“Loại rắn này chỉ là một ống dẫn. Bác sĩ chỉ đạo hoạt động của nó thông qua hệ thống điều khiển. Robot rắn có thể vượt qua mọi chướng ngại vật, nó cho phép bác sĩ thực hiện phẫu thuật đơn giản mà không cần phải rạch thêm”, Giáo sư Wolf khẳng định.

Đỉnh cao mới nhất về nghiên cứu robot tại Đại học Technion là robot phục hồi chức năng và hỗ trợ người cao tuổi. Giáo sư Wolf chia sẻ ông đang nghiên cứu một loại lót giày thông minh để phát hiện và làm lành vết loét ở chân của bệnh tiểu đường. Hơn nữa, nó có thể giúp xác định nguy cơ té ngã ở người già vì xương hông và xương đầu gối rất giòn và dễ gẫy. Khi được hỏi về giá thành, Giáo sư Wolf vui vẻ tiết lộ: loại robot này ở các nước nghèo hoặc đang phát triển vẫn có khả tiếp cận và sử dụng.

Ngoài ra, ông cũng đang phát triển một loại áo khoác thông minh dành cho người già. “Các cụ đứng trước màn hình 3D, không phải là một máy vô tuyến truyền hình nữa, nhờ có camera 3D sẵn có hiện nay, các cụ cao niên có thể mặc một chiếc áo khoác thông minh nhờ cảm biến và vóc dáng”, giáo sư Wolf cho biết. Cũng theo giảng viên Đại học Technion, loại áo khoác thông minh này có cảm biến được dệt vào từng thớ vải có thể giúp người già, người bệnh giao tiếp với người nhà hoặc bác sĩ từ xa.

Anh Trúc (tổng hợp)
.
.