Mô hình kinh tế mới cho thời đại AI

Thứ Ba, 04/07/2023, 15:14

Những tiến bộ gần đây về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm dấy lên nỗi ám ảnh về sự dịch chuyển quy mô lớn trên các thị trường lao động. Như Giám đốc điều hành của Alphabet, Sundar Pichai đã dự đoán vào tháng 4/2023 rằng AI sẽ có tác động “sâu sắc” đến kinh tế và xã hội hơn bất kỳ phát minh nào trước đó của con người, từ lửa cho đến điện.

Mặc dù chưa thể biết chính xác tác động đó sẽ như thế nào, nhưng có 2 thay đổi lớn nhất có khả năng xảy ra: nhu cầu về lao động sẽ giảm và năng suất sẽ tăng. Nói cách khác, dường như chúng ta đang hướng tới một mô hình kinh tế không sử dụng lao động, trong đó cần ít nhân công hơn để duy trì tăng trưởng.

AI sẽ tác động trực tiếp đến thị trường lao động

Một báo cáo mới của McKinsey dự đoán rằng, hằng năm, việc tăng năng suất nhờ AI có thể bổ sung giá trị tương đương 2.600-4.400 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ngay cả khi năng suất cao hơn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì việc giảm lao động sẽ làm suy yếu nó, nghĩa là cuối cùng, tăng trưởng cũng có thể bị đình trệ. Nhu cầu đối với người lao động giảm đồng nghĩa với tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, đặc biệt là khi dân số thế giới tiếp tục tăng.

image001.jpg -0
AI thay thế dần sức lao động của con người.

Thất nghiệp đang là một vấn đề dai dẳng. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tổng số thanh niên thất nghiệp (15-24 tuổi) duy trì ở mức khoảng 70 triệu người trong hơn 2 thập kỷ qua. Và, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên toàn cầu đang có xu hướng tăng lên, từ 12,2% năm 1995 lên mức gần 13% sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và lên 15,6% vào năm 2021.

AI sẽ làm trầm trọng thêm những xu hướng này. Tại Mỹ, có tới 47% tổng số công việc có thể được tự động hóa trong những năm tới. Và, bởi vì tác động của AI đối với thị trường lao động có thể mang tính cấu trúc, nên tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ dẫn đến sự xáo trộn thường xuyên. Thất nghiệp cơ cấu có thể quay trở lại mức tương tự như trong thời kỳ phi công nghiệp hóa những năm 1980, khi tỷ lệ thất nghiệp, như ở Vương quốc Anh, duy trì ở mức trên 10% kể cả trong giai đoạn ổn định nhất của những năm 1980.

Các công việc hỗ trợ văn phòng, dịch vụ pháp lý và kế toán dường như đối mặt với rủi ro trực tiếp nhất từ các công nghệ AI thế hệ mới, bao gồm các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT-4. Nhưng, mọi lĩnh vực của nền kinh tế đều có khả năng bị ảnh hưởng. Một báo cáo gần đây của Accenture lưu ý, các nhiệm vụ ngôn ngữ chiếm 62% thời gian của nhân viên và các mô hình ngôn ngữ lớn có thể ảnh hưởng đến 40% tổng số giờ làm việc. Accenture ước tính rằng 65% thời gian dành cho các nhiệm vụ ngôn ngữ này có thể được “chuyển thành hoạt động hiệu quả hơn thông qua tăng cường và tự động hóa”.

Những điều chỉnh của chính phủ và doanh nghiệp

Làm thế nào các chính phủ có thể hỗ trợ tăng trưởng GDP trong kỷ nguyên mà thất nghiệp cơ cấu diễn ra thường xuyên? Phản ứng rõ ràng nhất có thể xảy ra là chuyển sang phân phối lại nhiều hơn, với việc các chính phủ tăng thuế đối các khoản lợi nhuận thu được từ việc tăng năng suất nhờ AI và sử dụng các khoản thu đó để hỗ trợ nhiều người hơn.

Mô hình kinh tế mới cho thời đại AI -0
Tự động hóa dần kiểm soát mọi thứ.

Để đảm bảo đủ nguồn thu nhằm hỗ trợ việc mở rộng các mạng lưới an sinh xã hội, các chính phủ có thể chuyển từ việc đánh thuế phần lợi nhuận gia tăng do tăng năng suất nhờ AI sang đánh thuế doanh thu của các công ty thu được lợi nhuận lớn nhất. Bằng cách đó, chính phủ - và tiếp đó, người dân nói chung - sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các khoản lợi nhuận do AI đem lại.

Tất nhiên, cuộc cách mạng AI cũng có ý nghĩa sâu sắc đối với các doanh nghiệp. Đầu tiên, các công ty sẽ phải điều chỉnh chiến lược và hoạt động của mình để tính đến sự kết hợp giữa năng suất cao hơn và lực lượng lao động ít hơn, điều này sẽ cho phép họ tạo ra năng suất lớn hơn với số vốn ít hơn. Các công ty điều chỉnh khi cần thiết và đưa ra chỉ số thu nhập ở mức thấp, điều này sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư; những doanh nghiệp chậm thay đổi mô hình hoạt động sẽ mất khả năng cạnh tranh và có thể thất bại.

Những điều chỉnh này của các doanh nghiệp sẽ tác động tới tất cả các nền kinh tế. Nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp giảm sẽ gây áp lực giảm chi phí vốn và các công ty sẽ ít có nhu cầu vay ngân hàng hơn, khiến hoạt động tổng thể trên thị trường vốn cũng giảm theo.

Việc tăng thuế đối với lợi nhuận (hoặc doanh thu) của công ty sẽ tạo ra những thách thức mới. Trong khi chính phủ cần tăng doanh thu để hỗ trợ số người thất nghiệp ngày càng tăng, thì điều này có thể khiến các tập đoàn dành ra ít hơn các khoản tái đầu tư, bất chấp lợi nhuận bổ sung do tăng năng suất nhờ AI.

Mô hình kinh tế mới cho thời đại AI -0
Đổi mới quy trình, sản phẩm sẽ hạn chế tác động của AI đến thị trường lao động.

Điều này ảnh hưởng xấu không chỉ tới chính các công ty này. Đầu tư ít hơn vào nền kinh tế sẽ làm suy yếu tăng trưởng, thu hẹp chiếc bánh kinh tế và khiến mức sống thấp hơn. Nó cũng sẽ thu hẹp cơ sở thuế, làm xói mòn tầng lớp trung lưu và nới rộng sự bất bình đẳng giữa những người sở hữu vốn và lực lượng lao động truyền thống.

Vì vậy, trong khi các chính phủ có thể muốn tăng thuế và phân phối lại doanh thu để giảm bớt sự gián đoạn ngắn hạn do AI gây ra thì về lâu dài, họ sẽ cần phải suy nghĩ rộng hơn. Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải suy nghĩ lại về các nguyên tắc và mô hình kinh tế hiện hành - bắt đầu với giả định rằng lao động là động lực chính của tăng trưởng. Trong thời đại của AI, người lao động có thể làm rất ít để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng họ phải được hưởng lợi từ điều đó.

Đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình

AI sẽ tạo ra những tác động nhất định tới thị trường lao động, tuy nhiên mức độ tác động sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ giữa việc làm bị mất và việc làm mới được tạo ra. Do đó, tiến hành các loại hình đổi mới là rất quan trọng. Liệu AI sáng tạo - bao gồm các mẫu ngôn ngữ như ChatGPT-4 - có tốt cho người lao động hay không phụ thuộc đáng kể vào việc liệu nó có dẫn đến nhiều đổi mới hơn trong sản phẩm hoặc quy trình hay không.

Đổi mới sản phẩm - sự ra đời của một sản phẩm mới hoặc được cải tiến - có tác dụng bù đắp đáng kể, khi nhu cầu về sản phẩm mới và các công việc liên quan tăng lên. Chắc chắn, đổi mới sản phẩm có thể làm giảm việc làm thông qua “hiệu ứng đánh cắp doanh nghiệp” (BSE), theo đó đổi mới của một công ty trong một lĩnh vực dẫn đến mất việc làm của các đối thủ cạnh tranh. Nhưng, hiệu ứng này khó có thể kéo dài, vì những người chậm trễ sớm muộn gì cũng sẽ nắm bắt hoặc bắt chước những đổi mới sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.

Mô hình kinh tế mới cho thời đại AI -0
Xu hướng đổi mới là tất yếu.

Sự phổ biến đổi mới sản phẩm này có thể giúp khôi phục - hoặc thậm chí thúc đẩy - việc làm tổng thể trong lĩnh vực đó. Khi tỷ lệ doanh nghiệp đã áp dụng đổi mới đủ lớn, xu hướng tăng việc làm sẽ chững lại, nhưng thường ở mức cao hơn so với lúc bắt đầu. Tác động dài hạn của đổi mới sản phẩm đối với việc làm có thể là tích cực.

Trên thực tế, trong một nghiên cứu gần đây, Jisun Lim đã phát hiện ra rằng tỷ lệ việc làm của các công ty đổi mới sản phẩm trong một ngành tăng 1 điểm phần trăm thì có xu hướng dẫn đến mức tăng 0,1 điểm phần trăm trong tổng thu nhập ròng của ngành đó - tỷ lệ tăng trưởng việc làm trong dài hạn - gần như gấp đôi tác động ngắn hạn của nó. Mức tăng dài hạn lớn hơn có thể phản ánh thực tế là việc mất việc làm do BSE đang giảm dần theo thời gian.

Với sự đổi mới quy trình - sự ra đời của một phương pháp sản xuất mới - kết quả có thể không bằng. Bởi vì, các quy trình mới thường tăng năng suất lao động, nên cần ít công nhân hơn để tạo ra cùng một sản lượng, ngụ ý hiệu ứng dịch chuyển đáng kể. Không giống như BSE trong đổi mới sản phẩm, những tác động từ sự mất việc làm này sẽ không biến mất theo thời gian.

Nhưng, nếu đổi mới quy trình làm giảm chi phí sản xuất và ngược lại, giảm giá thành hàng hóa được sản xuất, thì điều đó có thể dẫn đến tăng nhu cầu, doanh thu và lợi nhuận cao hơn, đồng thời doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn - bao gồm cả việc thuê thêm nhân công. Sự cân bằng giữa các xu hướng tích cực và tiêu cực này thay đổi rất ít, bất kể có bao nhiêu công ty trong một ngành chấp nhận đổi mới.

Do đó, hầu như không thể dự đoán liệu tác động ròng của đổi mới quy trình đối với việc làm ở cấp ngành sẽ là tích cực hay tiêu cực trong dài hạn. Nhưng, kết quả rất có thể là tương đối trung lập. Đổi mới quy trình dường như không có tác động ròng đáng kể đối với việc làm trong ngắn hạn hoặc dài hạn trong một ngành.

Tất nhiên, các ứng dụng AI tổng quát như ChatGPT sẽ không chỉ dẫn đến một loại đổi mới. Thay vào đó, chúng sẽ tạo ra những tiến bộ trong cả sản phẩm và quy trình. Nếu đổi mới quy trình có ít tác động ròng đến việc làm và đổi mới sản phẩm có tác động tích cực, thì tác động tổng thể của AI sáng tạo có thể là tích cực.

Có lý do để tin rằng AI tổng quát sẽ mang lại sản phẩm đáng kể - không chỉ là sự đổi mới quy trình. Một nghiên cứu của PwC ước tính rằng 45% tổng lợi ích kinh tế do AI tạo ra vào năm 2030 - gần 16.000 tỷ USD, tương ứng với mức tăng 14% GDP toàn cầu - sẽ đến từ việc cải tiến sản phẩm, kích thích nhu cầu của người tiêu dùng. Báo cáo nhận xét rằng AI “sẽ thúc đẩy sự đa dạng sản phẩm hơn, với khả năng cá nhân hóa, sức hấp dẫn và khả năng chi trả tăng theo thời gian”. Đây là tín hiệu tốt cho việc làm.

Tuy nhiên, những công việc mới được tạo ra cũng đòi hỏi yêu cầu cao hơn về năng lực của người lao động. Do đó, các sáng kiến đào tạo lại kỹ năng và nâng cao kỹ năng do chính phủ tài trợ sẽ rất quan trọng để đảm bảo rằng người lao động có thể đáp ứng các công việc mới được tạo ra.

Xu hướng đổi mới là tất yếu và các ứng dụng AI như ChatGPT có thể trở thành loại công nghệ có mục đích chung là hỗ trợ tiến bộ và tăng trưởng kỹ thuật của thời đại. Điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp có thể giảm chi phí và tăng năng suất, đồng thời lấy lại khả năng cạnh tranh của họ. Khi doanh số tăng trở lại, nhu cầu tuyển dụng việc làm của các doanh nghiệp cũng sẽ tăng thêm.

Bài học rất rõ ràng: Các quốc gia và công ty không nắm bắt được AI có nguy cơ bị bỏ lại phía sau và mất việc làm vào tay các công ty nước ngoài sáng tạo hơn. Đó là mối đe dọa thực sự mà người lao động phải đối mặt.

Ngọc Sơn (Tổng hợp)
.
.