Nghi án giả thông số pin xe điện của Tesla

Thứ Hai, 07/08/2023, 13:00

Xu hướng trong những năm gần đây là ngày càng nhiều người mua ô tô mới tìm đến những mẫu xe điện. Họ bị hấp dẫn bởi những thế mạnh của xe điện so với xe xăng phổ thông: ít ồn, ít phát thải, động cơ nhỏ gọn và ít phức tạp, và loại bỏ được chi phí xăng dầu.

Tuy nhiên người mua xe điện cũng có một mối lo mới: dung lượng pin. Ngay cả ở các quốc gia phát triển như Mỹ cũng chưa có mạng lưới trạm sạc xe phủ khắp. Điều mà tài xế lo ngại nhất là đang đi trên đường thì xe hết pin mà lại không tìm thấy trạm sạc.

Chủ xe điện các hãng khác lo một thì chủ xe Tesla lại đang lo mười. Thương hiệu xe điện nổi tiếng của tỷ phú Mỹ Elon Musk hiện đối mặt với scandal làm giả thông số dung lượng pin xe. Trong nhiều năm liền các mẫu xe Tesla đã bí mật tăng khống dung lượng ắc quy xe nhằm làm tài xế nhầm tưởng rằng pin Tesla chạy được lâu hơn các hãng khác. Và âm mưu này có vẻ như còn đi xa hơn thế...

tòa nhà văn phòng của tesla ở bắc kinh.jpg -0
Tòa nhà văn phòng của Tesla ở Bắc Kinh

Đừng tin vào đồng hồ hiển thị

Anh Alexander Ponsin là một chủ xe Tesla tại Mỹ. Hồi tháng 3 qua, Alexander và gia đình lái xe đi từ Colorado đến California. Hành trình tổng dài 1.646 km, mà chiếc Tesla Model 3 của Alexander khi được nạp đầy pin có thể chạy liên tục 568 km. Tính ra xe sẽ phải dừng lại nhiều nhất 3 lần để sạc trong cả hành trình. Nhưng Alexander phải dừng xe đến 5 lần.

Alexander nói với phóng viên hãng tin CNBC: “Tôi nhìn vào bảng điều khiển thì thấy đồng hồ chỉ dung lượng ắc quy và số dặm đi được nhảy loạn lên. Tôi cứ nghĩ là pin xe mình gặp vấn đề nên bèn gọi cho bộ phận chăm sóc khách hàng của Tesla. Mấy ngày sau đó họ nhắn tin cho tôi nói rằng đã kiểm tra xe qua mạng Internet và không phát hiện bất cứ lỗi nào ở pin, vậy nên tôi không cần đưa xe đến cơ sở bảo hành”.

Alexander Ponsin không phải là chủ xe Tesla duy nhất phải trải qua việc này. Tại Na Uy, 30 chủ xe Tesla từng kiện hãng xe ra tòa vì ắc quy của họ hoạt động kém hơn mà không thông báo cho tài xế. Các nguyên đơn phát hiện ra rằng sau khi xe họ cập nhật phần mềm, chúng chạy được quãng đường ngắn hơn trên mỗi lần sạc. Vấn đề nằm ở chỗ thay vì thẳng thắn thừa nhận và xin lỗi chủ xe, Tesla lại bí mật cài đặt phần mềm để làm giả chỉ số hiện trên màn hình điều khiển. Các chủ xe phải đưa phương tiện đến gara đo đạc cẩn thận mới phát hiện ra vấn đề.

Điểm chung mà các chủ xe Tesla có vấn đề gặp phải là không bao giờ đưa được xe đến trung tâm bảo hành. Bao giờ phía Tesla cũng thông báo là đã kiểm tra xe từ xa và không phát hiện bất kỳ lỗi nào. Hãng tin Reuters mới đây đã đăng tải một bài điều tra tiết lộ sự thật: tại văn phòng Tesla ở Las Vegas có cả một phòng ban chuyên nói dối các khách hàng muốn đem xe đi bảo hành.

Một nhân viên giấu tên của Testra trả lời Reuters: “Sếp của tôi nói rằng khiến mỗi khách hàng không đem xe đi bảo hành tức là tiết kiệm được cho Tesla $1000. Mỗi khi có ai làm trong phòng gặp thành công thì họ lại bấm một cái còi để trên bàn, còn những người khác thì vỗ tay ăn mừng... Trung bình mỗi tuần phòng “đóng” được khoảng 2000 trường hợp khách hàng phàn nàn. Lương thưởng của nhân viên được tính dựa trên số vụ họ “đóng” được”.

Nghi án giả thông số pin xe điện của Tesla -0
Nỗi lo lớn nhất của tài xế ô tô điện là xe của họ hết pin giữa đường

Các nhân viên được huấn luyện nói dối với khách hàng rằng họ không thể quy trách nhiệm cho Tesla nếu như xe của họ không đi được xa như quảng cáo. Trong trường hợp xe quả thật có vấn đề, nhân viên cũng không được thông báo với khách hàng. Chưa hết, bất kỳ khách hàng nào liên lạc với bộ phận hậu mãi của app điện thoại thông minh của Tesla cũng sẽ bị đưa vào “sổ đen” không bao giờ được phép đưa xe đến trung tâm bảo trì Tesla chính thức.

Sandy Munro, giám đốc công ty phân tích và đánh giá xe Munro & Associates, nhận xét: “Đa số trường hợp xe Tesla gặp vấn đề về dung lượng pin có thể sửa ngay tại gara. Chỉ cần thợ sửa cập nhật bản vá phần mềm là đã giải quyết vấn đề. Chuyện nằm ở chỗ Tesla đã quá phóng đại dung lượng pin của họ. Trong những mẫu xe Tesla mà tôi đã phân tích, gần như không có mẫu nào chạy đường xa như quảng cáo họ nói”.

Theo Reuters, Tesla bắt đầu cài đặt phần mềm “nói dối” vào sản phẩm của họ từ hơn mười năm trước. Khi pin được sạc đầy thì xe sẽ báo quãng đường dự định đi được cao hơn thực tế. Phải đến khi ắc quy giảm xuống dưới 50% thì thông số này trên bảng điều khiển mới được đưa về mức thực tế nhằm cảnh báo tài xế chuẩn bị tìm sẵn trạm sạc xe. Kỳ lạ hơn, kể cả khi đã về mức 0%, ô tô Tesla vẫn có thể chạy thêm 24 km nhằm tránh trường hợp tài xế bị mắc kẹt ở khu vực không có chạm sạc.

Một kỹ sư từng làm việc cho Tesla giải thích trên mặt báo Chicago Tribune: “Musk muốn khách hàng nào đi tìm mua xe mới cũng phải “lóa mắt” vì con số 563-463 km ô tô Tesla chạy được cho mỗi lần sạc. Trong trường hợp tốt nhất, xe Tesla cũng chỉ có thể đạt được 80% giới hạn ấy”.

Nghi án giả thông số pin xe điện của Tesla -0
Tesla lại một lần nữa dính vào scandal

Hồi đầu năm nay, Tesla đã bị nhà chức trách Hàn Quốc phạt vì quảng cáo sai sự thật. Hai mẫu xe Model 3 và Model S của Tesla chỉ chạy được một nửa quãng đường tối đa được họ quảng cáo. Trong điều kiện trời lạnh và đường đóng băng, quãng đường chạy được còn ít hơn thế - trung bình ngắn hơn 51% so với quảng cáo. Tesla đã phải nộp phạt cho Seoul 2,1 triệu USD và công khai xin lỗi khách hàng vào ngày 19/6 vừa qua.

Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) từng yêu cầu Tesla thay đổi các thông số về dung lượng pin và quãng đường tối đa trên quảng cáo của họ. Tuy nhiên theo một cuộc khảo sát mới đây của công ty nghiên cứu kỹ thuật Reccurent, các mẫu xe sản xuất trong giai đoạn 2020-2022 của Tesla vẫn còn đưa thông số sai sự thật lên bản điều khiển.

Scott Case, CEO của Reccurent, trả lời phỏng vấn CNBC: “Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quãng đường tối đa xe điện đi được như nhiệt độ môi trường, sức gió, nhiệt độ máy lạnh xe, đến cả việc tài xế dùng chân nào để đạp ga. Các nhà sản xuất ô tô điện khác đều thử nghiệm mẫu xe của họ với từng yếu tố trên trước khi đưa ra thông số sản phẩm. Tesla thì lại làm khác. Họ sử dụng dữ liệu điện toán của xe kết hợp dữ liệu GPS nhằm tính toán thông số xe. Đây là cách làm rất thiếu sót và dễ tạo ra kết quả sai lệch”.

Và không chỉ Tesla…

Còn nhớ vào thời gian này năm ngoái, một nhóm chủ xe Tesla đã nhịn đói tập thể nhằm thu hút sự chú ý của dư luận đến những vấn đề kỹ thuật họ phải chịu đựng. Nhóm biểu tình viết trong thông cáo báo chí: “Chúng tôi tin rằng nếu như Elon Musk biết được nỗi khổ của chúng tôi, ông ấy sẽ sớm giải quyết vấn đề... Hãy làm ơn giúp chúng tôi khiến được Elon Musk phải chú ý”.

Nghi án giả thông số pin xe điện của Tesla -0
Tỷ phú Elon Musk đang vướng vào quá nhiều rắc rối

Nhóm người biểu tình còn liệt kê ra 29 lỗi kỹ thuật khác nhau của xe họ. Ngoài các vấn đề liên quan đến pin, ô tô Tesla còn gặp những vấn đề nghiêm trọng như không khởi động được khi trời nóng quá hay lạnh quá; tay nắm cửa bị kẹt khi gặp tuyết; vải bọc ghế xe bị sờn chỉ sau vài tháng; ghế trước không được đóng đinh xuống sàn chắc chắn; cốp xe bị ngấm nước khi trời mưa; và cửa sổ không đóng mở tự động được. Bất kỳ lỗi nào trong số này đều có thể dẫn đến tình huống chết người khi xảy ra tai nạn.

Cuộc biểu tình trên kết thúc mà không đạt được mục tiêu đề ra. Tuy vậy doanh số tại Na Uy của Tesla sau đó đã giảm 27%. Na Uy là một trong những thị trường ô tô điện phát triển nhanh nhất thế giới. Đây quả là đòn giáng mạnh vào Tesla.

Chuyên gia Sandy Munro nhận xét: “Xe xuất xưởng mà không đạt chất lượng nên bị thu hồi là chuyện bình thường trong ngành sản xuất ô tô. Vấn đề với Tesla nằm ở hai chỗ: họ cố ý che giấu khuyết điểm sản phẩm của mình, và họ tiếp thị sản phẩm của mình là dòng xe cao cấp... Chiếc Model 3 là mẫu xe rẻ nhất của Tesla hiện nay. Một chiếc Model 3 cầu sau có giá 40.240 USD. Cùng chiếc xe đó nhưng có đầy đủ các nâng cấp thì bán với giá 59.740 USD. Mức giá đó cao gần gấp rưỡi so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Người ta vẫn bỏ ra nhiều tiền như vậy để mua xe Tesla là vì họ tin vào uy tín của nhà sản xuất. Không còn uy tín thì Tesla không còn gì cả”.

Ngoài Tesla, Ford, Porsche, thì Hyundai cũng đang bị “đặt vào tầm ngắm” vì quảng cáo quá trớn vì dung lượng pin xe của họ. Theo thử nghiệm của tổ chức kiểm định kỹ thuật SAE International, các mẫu xe điện của những hãng trên trung bình chỉ chạy được tối đa 87,5% quãng đường quảng cáo trong điều kiện đường cao tốc, và 74% trong điều kiện đường đô thị. EPA đang dựa trên kết quả này để xem xét việc đệ trình chính phủ Mỹ quy định mới yêu cầu tất cả các nhà sản xuất xe điện phải thử nghiệm sản phẩm theo quy trình do EPA đề ra và quảng cáo đúng với kết quả thử nghiệm thu được.

Jonathan Elfalan, chuyên gia của SAE International và người lãnh đạo cuộc thử nghiệm kể trên, nhận xét: “Các hãng xe quá giỏi việc lách luật để có thể nói kiểu “nửa thật nửa giả” trong khi quảng cáo sản phẩm của họ. Nạn nhân không ai khác ngoài khách hàng mua xe”.

Lê Công Vũ
.
.