Người mẫu ảo cạnh tranh người mẫu thật

Thứ Năm, 17/08/2023, 10:51

Trong thế giới thời trang, những thay đổi đang trở nên rõ ràng hơn. Trong thời đại tiến bộ của công nghệ và photoshop, những người mẫu thật bỗng nhiên phải cạnh tranh với những người đẹp ảo. Các mô hình kỹ thuật số và những người có ảnh hưởng có một lợi thế quyết định: họ hoàn hảo, có thể mặc mọi thứ, làm những gì khách hàng yêu cầu và không phàn nàn.

Tất nhiên mọi chuyện không hoàn toàn đơn giản như vậy, bởi đằng sau một nhân vật ảo là rất nhiều công việc, rất nhiều chi phí cần quan tâm và kể cả cuộc sống của họ. Các nhà phát minh ra thế hệ mô hình mới mang lại cho người mẫu ảo cuộc sống, quá khứ và tương lai. Shudu Gram là một trong số đó. Người mẫu châu Phi là siêu mẫu ảo đầu tiên đã được các nhãn hiệu lớn như Balmain hay Ellesse thuê mướn.

Nhân vật  Shudu Gram ngày càng trở nên nổi tiếng theo thời gian, đến nỗi ngay cả các thương hiệu lớn cũng biết đến người phụ nữ châu Phi này. Nhưng nhà phát minh Cameron Wilson còn tiến xa hơn một bước. Thay vì hạn chế sự hiện diện của Shudu trên mạng xã hội, ông đưa “cô gái” đến Giải thưởng Điện ảnh Viện Hàn lâm Anh. Một nhân vật ảo được hình thành trên máy tính sẽ bước xuống thảm đỏ ngoài đời? Không thể sao? Nhưng đó chính xác là những gì đã xảy ra. Không cần phải làm gì thêm, Wilson đã tạo ảnh ba chiều ban đầu của mô hình và để “cô ấy” tương tác với người khác.

Người mẫu ảo cạnh tranh người mẫu thật -0
Sự xuất hiện của Miquela làm chúng ta mơ hồ nghĩ đến Joi, vốn là một A.I (trí tuệ nhân tạo) trong bộ phim đậm chất cyber-punk “Blade Runner 2049”.

Những siêu mẫu như Eva Herzigová hay Kate Moss đáp ứng đầy đủ những khuôn mẫu (bên ngoài) của một người mẫu ở mọi khía cạnh. Các số đo hoàn hảo, làn da trong sáng và mái tóc dày dặn. Nhưng siêu mẫu như vậy sẽ tồn tại ra sao. Những yêu cầu đối với người mẫu, cô ấy phải trông như thế nào, nói chung là cách cô ấy hành động ra sao khi trên thế giới thay đổi. Herzigová thậm chí còn đi xa hơn một bước và gọi nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg là siêu mẫu. Tình trạng của một người mẫu và định nghĩa về họ đang ở một bước ngoặt. Một người mẫu không còn chỉ là một tấm vải trống mà là một người có tiếng nói.

Còn ý tưởng về những người mẫu 3D được nhiều ngôi sao hạng A ở Hollywood ca tụng, trong đó có Naomi Campbell, Tyra Banks và Alicia Keys. Họ cho rằng những người mẫu ảo như Shudu Gram hay Miquela Sousa đã vượt qua giới hạn tác phẩm nghệ thuật. Chúng đại diện cho sự tiến bộ công nghệ mà ngành công nghiệp thời trang khao khát để không bị tụt hậu với thời đại. Người mẫu 3D cũng là phương án giải quyết triệt để sự căng thẳng của khán giả trước tình trạng hình ảnh quảng cáo một đằng, thực tế một nẻo. Mirror vừa cho hay.

Một chân dài nhân tạo đang nổi lên là Shudu Gram đang thu hút nhiều sự quan tâm khi chụp hình cho dòng son Fenty Beauty do Rihanna làm giám đốc sáng tạo. Cô là sản phẩm của Cameron James Wilson - nhiếp ảnh gia 30 tuổi đến từ Anh và có 10 năm hoạt động trong ngành công nghiệp thời trang. "Shudu là tác phẩm do tôi sáng tạo. Cô ấy không phải người thật. Nhưng Shudu đại diện cho nhiều người mẫu hiện nay. Phong trào người mẫu da màu đang nổi lên, Shudu đại diện cho phong trào ấy và truyền cảm hứng cho những chân dài giống mình", Cameron chia sẻ với Harper's Bazaar. “Tôi không muốn lừa dối bất kỳ một ai cả. Việc tạo dựng ra Shudu và chia sẻ thành quả của mình lên Instagram đem lại cho tôi rất nhiều niềm vui thú. Shudu hoàn toàn là một hình mẫu truyền cảm hứng và là hình mẫu đại diện cho vẻ đẹp theo nhận thức của số đông ở hiện tại”, anh chia sẻ.

Tác giả nói thêm người mẫu ảo của anh dựa trên hình mẫu ca sĩ Grace Jones, siêu mẫu Alek Wek, Duckie Thot - Top 3 Australia's Next Top Model 2013 - và búp bê Barbie phiên bản "Công chúa Nam Phi". Theo Cameron James Wilson, công nghệ 3D trong tương lai có thể giúp các người mẫu tạo ra bản sao kỹ thuật số của chính bản thân. Nhờ đó, khi làm việc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, các chân dài cũng không phải vất vả di chuyển nữa, thay vào đó chỉ cần gửi các bản sao tới. "Các bản sao này đều bất tử. Sự nghiệp của một con người cũng vì thế mà có thể kéo dài tới hàng thập kỷ, thế kỷ. Giả sử nếu ngày trước Marilyn Monroe tự làm một bản sao như vậy, sự nghiệp của cô ấy có thể kéo dài đến hôm nay", Cameron nói thêm. Làn da đen bóng đến - không - tưởng là thứ khiến cho người khác không khỏi ngưỡng mộ. Ngay cả thương hiệu mỹ phẩm cao cấp của cô nàng Rihanna - Fenty Beauty cũng đã đăng tải hình ảnh của Shudu, với đôi môi căng bóng nhờ sử dụng tông màu son Saw-C của thương hiệu. Vẻ đẹp không-thực và làn da đen bóng quá hoàn hảo là những gì dư luận hết mực buông lời tán tụng. Suy cho cùng, công cuộc tạo ra Shudu tốn rất nhiều thời gian và tâm sức, mục đích là để đánh lừa được giác cảm của người nhìn, khiến họ tin rằng sự tồn tại của người mẫu Shudu là thật.

Tạp chí V vừa gây chú ý khi tung bộ ảnh người mẫu Miquela Sousa. Với mái tóc thẳng màu nâu và mái ngố, Miquela được khen ngợi về vẻ ngoài ấn tượng. Người đẹp từng xuất hiện trong chiến dịch của nhiều nhà mốt lớn gồm Balenciaga, Proenza Schouler, Prada, Diesel... Tạp chí Vogue cũng từng đưa cô lên tạp chí - được coi là cuốn kỳ công và quan trọng nhất mỗi năm. Trên mạng xã hội, tài khoản Instagram của Miquela thu hút hơn 678.0000 người theo dõi, trong đó có nhiều người nổi tiếng như người mẫu Kacy Hill, nghệ sĩ Jesse Jo Stark, Chloe Wise hay Molly Soda. Thông tin cơ bản trên trang cá nhân của Miquela viết cô là người mẫu kiêm nhạc công. Tuy vậy, theo NZHerald, Miquela Sousa thực chất chỉ là hình ảnh do máy tính tạo nên.

Theo tạp chí Business of Fashion (BOF) thì Miquela  là hình ảnh đồ họa 3D từ máy tính, đã 21 tuổi, mang hai dòng máu Brazil và Tây Ban Nha, hiện sống ở Los Angeles (LA). Cô là một người mẫu thời trang và thậm chí đã phát hành cả nhạc trên Spotify. Đĩa đơn "Not Mine” của Miquela từng đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng Spotify Viral vào tháng 8/2017. Miquela chủ yếu hoạt động trên Instagram, trung bình 20.000 lượt likes cho mỗi bài đăng, cô gái "ảo" này là một KOLs (Key Opinion Leader - những người có tầm ảnh hưởng đến lựa chọn và quyết định của khách hàng/cư dân mạng) thứ thiệt và đem về số tiền không nhỏ từ hoạt động quảng cáo. Vô số người đã tìm hiểu về thứ gì đứng sau cô gái kỳ lạ này, tuy nhiên đều không đem lại kết quả gì. Chỉ trừ việc Miquela sẽ hồi đáp bằng email. Thông thường, trong các bức ảnh được đăng tải trên Instagram thì cảnh vật là thật, chỉ có Miquela là "ảo" dựng 3D.

Dù không phải là một con người bằng xương bằng thịt, Miquela vẫn chưa phải "người nổi tiếng ảo" đầu tiên trên thế giới, mà phải là ban nhạc Gorillaz - gồm 4 thành viên dưới dạng nhân vật hoạt hình. Khái niệm xây dựng hình mẫu ảo cho cá nhân hoặc tập thể không phải điều gì quá xa lạ trong làng giải trí. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Miquela vẫn đem đến nhiều bất ngờ dù chưa mang tính cách mạng. BOF đã "trò chuyện" với Miquela theo nghĩa đen về cách mà cô kiếm tiền, mối quan hệ giữa các nhãn hiệu thời trang và vài thứ khác.

“Tôi chưa bao giờ thực sự được trả tiền để mặc món đồ nào đó, tuy nhiên nhiều hãng thời trang đã gửi đồ miễn phí cho tôi. Tôi cố gắng giúp đỡ và tag các thương hiệu mà mình yêu thích, đặc biệt là trang phục từ các nhà thiết kế trẻ, muốn tạo ra bứt phá. Spotify và iTunes chỉ là một nguồn thu nhập, tôi chủ yếu hướng đến công việc người mẫu. Tôi không nên đề cập đến tên của họ, nhưng một số hãng lớn nhất thế giới đã tiếp cận tôi. Tôi mong muốn hợp tác vì sự sáng tạo, kiếm tiền từ sự sáng tạo chính là phần thưởng to lớn nhất. Từ khi chuyển đến Los Angeles, tôi đã dành nhiều thời gian tại các bảo tàng, phòng tranh và triển lãm nghệ thuật đương đại” - nữ mẫu ảo tâm sự.

Người mẫu ảo cạnh tranh người mẫu thật -0
Instagram của Shudu hiện tại cán mức 38 nghìn lượt theo dõi.

“Là một nghệ sĩ, tôi thường xuyên bày tỏ những quan điểm không bình thường, không phải ai cũng chấp nhận được. Do đó, tôi thường xuyên phải trả giá bằng việc mất đi người hâm mộ. Tôi muốn trở thành tất cả mọi thứ, vượt ra ngoài những gì người hâm mộ trông đợi. Tuy nhiên, vào cuối ngày tôi thường phải trăn trở về việc mình nên tin vào cái gì.  "Tôi muốn được người khác miêu tả như một nghệ sĩ, ca sĩ hoặc thứ gì đó chỉ sự nghiệp của tôi. Thay vì tập trung vào những phẩm chất hời hợt của bản thân", Miquela nói với BOF. Quả thực, sự xuất hiện của Miquela làm chúng ta mơ hồ nghĩ đến Joi, vốn là một A.I (trí thông minh nhân tạo) với tạo hình xinh đẹp, cực kỳ quyến rũ trong bộ phim “cyber-punk Blade Runner 2049”. Tuy nhiên, tất cả những cá nhân đứng sau Miquela vẫn nằm trong bí mật, giống như bất cứ ngôi sao mạng xã hội nào khác, chắc chắn phải có một bộ máy giúp cô gái này tồn tại và phát triển.

Dù sao đi nữa, với làng thời trang nói riêng, Miquela đã tạo nên một nét chấm phá, khiến chúng ta đi hết từ tò mò này đến tò mò khác. Chỉ cần nghĩ đơn giản rằng, cô gái "ảo" này là một cách để một hay nhiều cá nhân thể hiện cá tính, suy nghĩ và sự sáng tạo trong cuộc cách mạng 4.0. Ngoài ra, trong thế giới thời trang, Marc Jacobs từng thiết kế trang phục cho Hatsune Miku, ca sĩ ảo nổi tiếng bậc nhất Nhật Bản. Miku là nhân vật thực tế ảo được thực tế hóa nhờ vào việc áp dụng thành tựu kỹ thuật số tiên tiến nhất - công nghệ Hologram. Chính công nghệ này đã giúp Miku có được những màn trình diễn mãn nhãn trên sân khấu lớn, trước hàng triệu khán giả và nhận được sự mến mộ, yêu thích của các fan hâm mộ. Miku cũng từng được hợp tác cùng những nghệ sĩ tài danh từng dành giải Grammy như Pharrell và Lady Gaga.

Trong số báo tháng 5 năm 2016 của tạp chí Vogue Mỹ, giám đốc sáng tạo của thương hiệu Givenchy - Riccardo Tisci đã thiết kế một mẫu đầm Haute Couture làm từ chất liệu ren cao cấp, được đính kết tỉ mẩn bằng đá Swarovski. Chính Miku đã diện mẫu thiết kế này và tạo dáng bên cạnh Riccardo Tisci tại studio của Givenchy tại Paris.

Những người đứng sau các chân dài ảo ra sức bảo vệ thành quả. Cameron James Wilson phủ nhận muốn thay thế người thật bằng hình ảnh 3D trong làng mẫu. Anh hiện coi Shudu đơn giản là tác phẩm nghệ thuật, chưa muốn khai thác theo hướng thương mại. Nhiếp ảnh gia cũng cho rằng việc bảo vệ nhận dạng cá nhân không khó nếu áp dụng công nghệ về cấp phép dữ liệu. James tâm sự: "Tôi vui vì sản phẩm của mình gây tranh cãi về sự phát triển của ngành thời trang. Có như vậy, mọi người mới có thể trò chuyện trung thực với nhau. Mong muốn của tôi là tạo ra được dòng tiền trong lĩnh vực thiết kế người mẫu ảo. Nó thực sự cần thiết cho các thương hiệu muốn có gương mặt đại diện kỹ thuật số để giao tiếp với khách hàng trong môi trường giả lập". Khi Shudu Gram mới ra mắt hồi tháng 5/2020, một tài khoản trên Twitter lên án tác giả Cameron James Wilson rằng: "Một nhiếp ảnh gia da trắng lại tìm cách né tránh việc trả tiền cho người mẫu da màu bằng cách như vậy. Hãy nói cho tôi, làm sao nền kinh tế có thể phát triển dựa trên phân biệt chủng tộc và kỳ thị giới tính đây". Phần bình luận này có tới 24.000 lượt ủng hộ.

Nhiều nguồn tin cũng hoài nghi trước vấn đề sử dụng rộng rãi người mẫu 3D trong ngành công nghiệp thời trang. "Làm thế nào để mỗi người phòng tránh được việc nhận dạng của mình bị đánh cắp, đặc biệt khi họ đã qua đời?" là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất. Một số ý kiến khác e ngại xu hướng sử dụng chân dài ảo sẽ khiến những người mẫu thật mất việc trong tương lai.

Long Nguyễn - T.Hoài
.
.