Nhà thơ Vũ Quần Phương: Luôn tôn trọng những quyết định của con

Thứ Tư, 12/09/2018, 14:55
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, trong gia đình, một người dạy thôi chưa đủ. Bố có thể nghiêm khắc, nhưng mẹ, người dịu dàng và dễ chia sẻ mọi điều với con, mới là người quyết định dường như mọi điều thuộc về đường đi nước bước của con…

Cuối tháng 8 vừa qua,  tin Giáo sư, nhà toán học Vũ Hà Văn trở về tham gia hoạt động trong nước đã là một niềm vui lớn không chỉ riêng với gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương. Ngoài việc khẳng định về tài năng của Giáo sư Vũ Hà Văn, thì việc anh làm việc tại đất nước mình sau nhiều năm xa cách gia đình, bố mẹ, đã khiến cho nhà thơ Vũ Quần Phương và vợ ông, bà Đào Thị Hường vui mừng khôn xiết bởi họ có một điểm tựa vững chắc cho tuổi già của mình. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông bà về những kỷ niệm cùng các con mình...

Dạy con bằng tình yêu thương

Suốt một thời gian dài, hai con của nhà thơ Vũ Quần Phương và bà Đào Thị Hường sinh sống và lập nghiệp ở nước ngoài. Con trai đầu là Giáo sư Vũ Hà Văn, nhà toán học đang giảng dạy ở Trường Đại học Yale (Mỹ). Con trai thứ hai là Vũ Thanh Điềm, từng là thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện là chuyên gia Hãng Google (Mỹ). Đó là niềm hạnh phúc vô bờ bởi sự thành đạt của con cái, song  cũng khiến cho nỗi nhớ con của hai ông bà cứ trải dài theo năm tháng.

Nhà thơ Vũ Quần Phương từng kể với bạn bè nhiều lần câu chuyện tiễn vợ chồng con trai với cháu nội trở lại Mỹ. Khi các con vào phòng chờ chuẩn bị lên máy bay, ông giơ tay vẫy: "Các con đi bình an nhé!" thì tâm trạng của ông là tiễn con đi. Nhưng khi các con đi rồi, ông ngẩn ngơ thương nhớ và chột dạ, thực tế là các con ông đang trở về nhà của họ, họ hạnh phúc được trở về nhà của chính mình, chứ không phải là "đi tạm thời vài ngày.

Gia đình Nhà thơ Vũ Quần Phương.

Nghĩ vậy, ông cảm thấy buồn mênh mang vì sự cách trở của không gian, thời gian ấy. Trong một bài thơ viết cho con, ông đã có những trăn trở trong từng áng thơ: "Bố ngoảnh nhìn con ngồi lái xe/ Nhìn con sải bước rộng trên hè/ Thằng Điềm mẹ bế ngày thơ bé/ Thở khẽ trong màn bố lắng nghe/ Con lớn khôn lên, bố mẹ già/ Bà xa mỗi chặng lại càng xa/ Cuộc đời thăm thẳm trôi trôi mãi/ Níu lại từng giây con với cha...".

Nhà thơ Vũ Quần Phương là người cả nghĩ. Trước mọi sự việc của cuộc đời, bao giờ ông cũng có những suy tư. Bởi vậy mà số phận đã an bài cho ông rẽ sang một con đường mới trước khi trở thành một bác sĩ. Ông cũng là một người học giỏi về các môn khoa học tự nhiên khi ngồi trên ghế nhà trường. Ông nhận được học bổng toàn phần trong 6 năm liền học tại trường Y và khi ra trường, ông là sinh viên duy nhất của khóa được nhận về công tác tại Bộ Y tế, làm việc dưới thời của Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch và đã có nhiều chuyến đi đến các vùng miền cùng Bộ trưởng.

Cũng như một mối duyên thiên định, làm việc tại cơ quan y tế, ông mới có cơ hội gặp và nên duyên cùng người vợ hiền chung thủy, bà Đào Thị Hường. Cũng chính bà, một dược sĩ, một người đã thầm lặng bên cạnh cuộc đời ông, chăm chút cho gia đình, sinh cho ông hai người con trai giỏi giang, có những cống hiến lớn lao cho ngành toán học Việt Nam và thế giới.

Nhà thơ Vũ Quần Phương, mỗi lần nhắc lại câu chuyện về con, giọng ông tự hào, pha lẫn chút hài hước. Ông bảo, cha mẹ sinh con trời sinh tính, dù là một cha một mẹ sinh ra, nhưng con cái, mỗi người một tính. Điều vui nhất mà ông vẫn còn lưu giữ là những cuốn nhật ký đã úa màu thời gian ông viết cho hai con để bây giờ ngồi chiêm nghiệm lại.

Đối với các con ông, cuốn nhật ký có giá trị tinh thần rất lớn. Nó là tình cảm ấm áp của bố mẹ để khi đi học xa, mỗi khi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, các con như có một chỗ dựa tinh thần để vượt qua những khó khăn. Ông cũng cho rằng, trong việc định hướng và dạy dỗ các con trước hết là mình phải tôn trọng con chứ không nên quá áp đặt.

Khi ông mới 14-15 tuổi, mẹ ông đã bàn bạc với ông nhiều chuyện, trong đó có những chuyện rất hệ trọng. Khi đó, ông thấy bản thân mình lớn hơn, cần có trách nhiệm hơn. Sự tin tưởng của người lớn khiến đứa trẻ có ý thức hơn. Trẻ con nhạy cảm, nên thường rất hiểu chuyện mà đôi khi người lớn nhầm tưởng là con không biết gì nên không nhận ra.

Nhà thơ Vũ Quần Phương kể, có lần, Vũ Hà Văn không nghe lời, ông giận quá đã vứt đồ chơi của con. Mà với con, đó là kho tàng, là công trình nó tạo dựng nên. Ông đã nhìn thấy nét mặt con khi đó thật đau đớn. Khi nguôi cơn giận, ông mới thấy mình thật "ác" quá, đã làm tổn thương con mình. Đó là nỗi ám ảnh khiến ông không thể quên và ông cũng tự nhủ sẽ không bao giờ cư xử như thế với con nữa. Ngày xưa, nhà ông chật nhưng vẫn cố tạo cho con một góc học tập bình yên. Không chỉ là tạo không gian mà còn tạo sự yên ổn mỗi khi con ngồi vào bàn học.

Vũ Hà Văn ngày xưa có một góc bàn học như thế. Anh cứ ngồi vào đó là yên tâm không bị mắng mỏ, không bị sai khiến hay làm việc vặt giúp bố mẹ. Lâu dần đó lại thành nơi “ẩn thân” của anh. Thành thử cái góc ấy trở thành một nơi rất hấp dẫn với anh và tạo cảm hứng cho anh học tập sau này. Điều đó cũng tạo thành một thói quen của anh, ngồi vào bàn là phải học hoặc làm việc. Chuyện dạy con, sau này nhà thơ Vũ Quần Phương ngẫm ra là do ông ảnh hưởng từ người mẹ của mình.

Năm ông 10 tuổi, học lớp nhì tiểu học ở thành phố nên phải trọ học. Mỗi khi mẹ ông đến thăm thì ông theo cụ về đến Cầu Giấy, rồi lại đi xe điện ngược trở lại. Có lần nhà thơ đã theo mẹ về tận nhà tại làng Canh, cách Hà Nội 12 cây số. Khi đó mẹ ông rất bối rối nhưng cụ không mắng mỏ mà chỉ khuyên nhà thơ, gần như phải van lạy ông quay về phố. Sau này khi nghĩ lại, ông mới thấm thía tấm lòng của mẹ, nếu mẹ nghiêm khắc hơn với nhà thơ, có khi kỷ niệm đó không ám ảnh ông đến vậy. Điều này giúp ông có một "đúc kết" rằng, dạy con bằng tình yêu thương, bằng “dịu mềm” tốt hơn “nghiêm khắc”.

Vì “nghiêm” có thể đạt được mục đích nhanh hơn nhưng không khiến đứa trẻ thấm thía. Cách dạy con bằng đòn roi, mắng mỏ có thể khiến nó sợ hãi, tuân theo nhưng có thể khiến đứa trẻ bị tổn thương. Mà đôi khi sự cứng rắn của cha mẹ lại chỉ xuất phát từ sự nóng giận, thiếu kiểm soát của chính mình, chứ không phải do tội của nó phải vậy.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng kể lại một kỷ niệm khi con trai thi đại học. Năm ấy có con của một người bạn cùng thi. Điều oái oăm là tối trước hôm thi, tivi truyền hình trực tiếp trận chung kết bóng đá thế giới. Để bắt con ôn bài cho buổi thi ngày mai, người bạn của nhà thơ không cho con xem trong khi cả nhà đều được xem. Vậy là cậu bé ấy phản ứng bằng cách hôm sau không chịu đi thi. Bố mẹ bắt đi thì đến nơi con bảo nó quên bút.

Nhà thơ Vũ Quần Phương hồi ấy cũng không cho con xem, nhưng khi cấm con thì cả nhà cũng không ai xem cả. Đấy là cách bố mẹ chia sẻ với con, không để con một mình nai lưng gánh chịu áp lực học hành. Vai trò của gia đình là ở chỗ tạo được không khí học tập trong nhà mình. Bố mẹ dạy con không chỉ dạy bằng lý lẽ mà phải dạy bằng cách sống của bố mẹ.

Dấu ấn của người mẹ

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, trong gia đình, một người dạy thôi chưa đủ. Bố có thể nghiêm khắc, nhưng mẹ, người dịu dàng và dễ chia sẻ mọi điều với con, mới là người quyết định dường như mọi điều thuộc về đường đi nước bước của con. Trong gia đình ông, người có ảnh hưởng lớn trong con đường sự nghiệp của các con, đó là bà Đào Thị Hường, mẹ của Vũ Hà Văn, Vũ Văn Điềm.

Giáo sư, Nhà toán học Vũ Hà Văn.

Bà là một dược sĩ nhưng về mặt tâm lý và sự hiểu con cùng tấm lòng của bà yêu thương con là vô tận. Bà chính là người đã truyền ngọn lửa đam mê và khơi gợi niềm yêu thích môn Toán trong cậu bé Vũ Hà Văn ngày nào. Một câu chuyện cảm động về mẹ mà anh Văn vẫn còn nhớ mãi khi trước hôm thi Đại học Bách khoa Hà Nội,  mẹ đã thức cùng anh để “truy bài” môn Hóa. Thật tình cờ, rất nhiều câu trong đề thi hôm sau lại rơi đúng vào phần đã được hai mẹ con ôn tập từ tối hôm trước. Vì vậy, Vũ Hà Văn có  điểm 10 môn Hóa, là môn anh lo nhất. Nhờ công sức của mẹ, anh đã đỗ Á khoa của Đại học Bách khoa Hà Nội và sang Hungary học năm 1987.

Nhà thơ Vũ Quần Phương đã làm bài thơ "Gửi các con" với tình cảm tha thiết: "Mẹ con không làm thơ/ Nhưng sống thơ hơn bố/ Mẹ con tin cỏ cây, tin các thánh thần/ Cỏ cây cứu được người và thánh thần phù hộ/ Mẹ con tin nén hương nối với các bầu trời/ Mẹ con thích nấu ăn nhưng lại ngại cỗ bàn đông đúc/ Mẹ thích ngắm quanh bàn sì sụp bố con ta/ Mẹ con giờ đẫy ra, tuổi làm bà đường bệ (!)/ Bố vẫn nhớ năm nao mẹ kiễng sợi dây phơi/ Dáng mẹ mảnh và mềm, đôi tay vin như lá/ Làm bố mất thăng bằng giờ vẫn thấy chơi vơi/ Mẹ con ít nói to, tiếng cười cũng nhẹ/ Gương mặt nhìn nghiêng phảng phất buồn/ Bà ngoại mất, mẹ chưa đầy ba tuổi/ Đôi mắt thầm, vầng trán sẫm hoàng hôn.../ Các con đã lớn khôn - những chân trời thăm thẳm/ Mẹ con như căn nhà, như chiếc tổ chờ trông/ Sống bằng nỗi nhớ con, bây giờ thêm nhớ cháu/ Những năm tháng đời người lặng lẽ đi qua...".

Khi hai con trai của nhà thơ Vũ Quần Phương theo khoa học tự nhiên, có người hỏi ông có định hướng cho các con theo con đường văn chương hay khoa học hay không? Ông cho biết trên thực tế, thời đi học, ông giỏi khoa học tự nhiên, ông học giỏi toán, thích tư duy logic, và đã quyết định học trường Y khoa để thành bác sĩ.

Nhưng số phận dường như đã cho ông điều may mắn là, khi thời học phổ thông ông đã được học những thầy cô giỏi, họ không chỉ giỏi chuyên môn, mà họ có tầm vóc về văn hóa, văn học. Họ cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức về xã hội chứ không chỉ đơn giản là những kiến thức trong sách giáo khoa.

Ông chia sẻ: "Bản thân tôi cũng rất biết ơn những người thầy thuở học trò ấy của mình. Ngày ấy tôi rất khá các môn tự nhiên, nhưng nhờ được học văn các thầy Hoài Việt, thầy Nguyễn Xuân Huy, thầy Trần Lê Văn, thầy Đoàn Nồng... mà tôi yêu văn chương, thích tìm tòi nghiên cứu các tác phẩm - tác giả mình được học. Có lần tôi đã trả lời một tờ báo, chẳng phải ngẫu nhiên mà tôi có ý thức chọn trường, chọn thầy cho con học. Việc đó có lẽ là quan trọng nhất. Trước đây, Hà Văn - cậu con trai lớn của tôi - học cấp II ở một trường khác. Sau một năm tôi thấy không ổn, vì thầy giáo dạy cháu nghiêm khắc thái quá so với trẻ 11-12 tuổi, thường xuyên làm tổn thương các cháu. Về sau tôi phải xin chuyển cho cháu sang Trường Trưng Vương, học với thầy Tôn Thân - một nhà sư phạm nổi tiếng. Tôi nghĩ là Văn đã học ở thầy Tôn Thân nhiều thứ, không chỉ là môn toán. Vì thế tôi thấy giáo dục nhà trường là phần rất quan trọng. Quan điểm giáo dục của các thầy cô tác động sâu sắc tới sự phát triển nhân cách trẻ. Họ cho trẻ kiến thức đã đành, họ còn đánh thức sự say mê học hành, tạo phương pháp học tập đúng đắn cho các cháu. Bây giờ đến thế hệ con của Hà Văn, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, các cháu vẫn tiếp tục được bố mẹ tìm chọn trường tốt cho theo học".

Nhà thơ Vũ Quần Phương và vợ hiện sống trong một khu chung cư cao cấp tại Hà Nội. Trong căn phòng của ông bà vẫn đủ phòng cho gia đình hai người con mỗi năm đôi lần họ về cùng bố mẹ quây quần. Mọi thứ trong căn nhà từ những bức ảnh kỷ niệm đến từng kỷ vật của các chuyến đi đều được ông bà lưu giữ tỉ mẩn và trân trọng. Bà Hường là mẫu người phụ nữ mang những nét đẹp truyền thống rất nổi bật của gia đình Việt. Bà là người bà, người mẹ, người vợ đảm đang, chu toàn mọi thứ.

Căn nhà của ông bà lúc nào cũng gọn gàng sạch sẽ và ghi dấu ấn của bàn tay người phụ nữ biết xếp sắp, lo toan mọi sự. Bà là nhân vật trong nhiều bài thơ viết về con mà nhà thơ Vũ Quần Phương đã in trong các tập sách của mình.

Điển hình là bài thơ ông viết tặng Vũ Hà Văn khi anh còn chưa chào đời, tháng 4-1970: "Tính được bảy tháng, mẹ may áo cho con/ Bề dài được một gang, bề ngang chưa được/ Áo thơ dại gợi những điều trứng nước/ Cha trải lên bàn viết của cha/ Tác phẩm nhỏ xíu này lại làm cha xúc động/ Một tình thương cha chưa có bao giờ/ Con chưa thật trong đời, mẹ đã lường dáng vóc/ Sáng tạo này cha chưa có trong thơ/ Nhìn áo con cha cứ tự lạ lùng/ Chỉ là vạt áo của cha thôi – mẹ con cắt lại/ Thớ vải cũ như có gì mới lại/ Cha cảm thấy mà chưa hề hiểu nổi/ Rằng bây giờ còn có cuộc đời con.../ Cha chưa biết con là trai hay gái/ Chỉ biết sau này con lớn lên/ Mọi tấm áo mẹ may con sẽ đều mặc chật/ Mọi con đường trên thế gian này con sẽ đều biết vượt/ Nhưng lòng con sẽ dừng lạ sững sờ/ Trước đường khâu của mẹ/ Một đường khâu bằng chỉ thường nhỏ bé/ Suốt một đời con cứ mãi bâng khuâng...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.