Công an chung tay lo Tết cho dân xóm thuyền chài giữa lòng Hà Nội
Xóm chài hôm nay
Những hàng dâu ngút ngàn ngập đầu người xen lẫn những bãi rau non xanh mơn mởn. Tiếng gà vịt quang quác, tiếng chó sủa lẫn trong tiếng nô đùa của trẻ con rộn rã bãi sông. Xóm thuyền chài không còn hiu hắt, cô quạnh như những năm trước đây…
Đón chúng tôi dưới bãi là vợ chồng anh Vũ Văn Học - chị Phạm Thị Thanh, một trong những gia đình đầu tiên của xóm thuyền chài và cũng là hộ có hoàn cảnh éo le, khó khăn nhất. Anh Học cho biết, quê anh ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Anh bị tật nguyền từ nhỏ, chứng teo cơ khiến hai đôi chân anh cứ teo tóp dần. Nhà lại nghèo, vậy là anh bỏ quê lưu lạc vào tận Nghệ An kiếm sống.
Năm 1991, anh gặp và nên duyên với chị Thanh. Hoàn cảnh của chị cũng không hơn gì anh. Bệnh tật đầy người, cũng bỏ quê tha hương. Hai anh chị quyết định ra Hà Nội mưu sinh.
Ban đầu, vợ chồng anh Học thuê nhà trọ, đi bán nước rong ở chợ Long Biên. Nhưng khi 5 đứa con lần lượt ra đời, nuôi bằng ấy miệng ăn nên chẳng đủ tiền thuê nhà nữa, tất cả dắt díu ra xóm thuyền chài, dựng cái bè làm nơi tá túc. Hàng ngày, hai vợ chồng lên bờ nhặt rác. Sức khỏe yếu, lại bệnh tật đeo đẳng nên chỉ kiếm đủ ăn thôi cũng trầy trật, nói gì đến chạy chữa bệnh.
Năm 1997, chị Thanh đi vắng, anh Học ở nhà trông con. Đứa con trai thứ 2 bò ra mép thuyền chơi, không may ngã xuống sông. Hôm đó nước lớn, anh Học nhìn thấy con bị ngã mà không làm gì được. Rồi đứa con gái thứ 3 cũng qua đời vì viêm não. Nhà nghèo quá, chẳng có tiền đưa con đi bệnh viện. Anh Học chua chát thở dài.
Không giấu quá khứ, anh Học kể, cũng vì cái nghèo đeo đẳng nên ngày Rằm, mùng Một, anh chị đưa con đến các chùa ở Hà Nội ăn xin. Mấy đứa trẻ có nhiệm vụ đi xin tiền về cho bố mẹ trang trải cuộc sống. Nói đến cái Tết, anh Học bảo ngày Tết đối với nhà anh là ngày tất cả các thành viên phải ra đường kiếm tiền. Tết, rác nhiều, anh chị bươn bải bới rác, kiếm phế thải đến tận tối Giao thừa. Ngày mùng Một, vợ chồng con cái lại tranh thủ đến các chùa để xin bố thí.
Xóm thuyền chài khoảng hơn 10 năm về trước cũng khác lắm. Đường xuống xóm chài là bãi rác cao chất ngất, đầy rẫy bơm kim tiêm. Các đối tượng nghiện hút lợi dụng nơi vắng vẻ tới đây tụ tập hút chích. Rồi trộm cắp, tội phạm bị truy nã cũng thường chọn nơi này để ẩn náu. Đã có lúc, gia đình anh Học, chỉ vì mưu sinh đã đồng ý cho con nghiện lên bè làm chỗ chích choác để đổi lấy mấy đồng bạc lẻ.
Trước hoàn cảnh éo le của anh Học, bác Nguyễn Văn Bình, tổ trưởng tổ dân phố số 3 đã cùng Cảnh sát khu vực (CSKV) bàn bạc cách giúp đỡ gia đình. Lúc đó, bãi sông còn um tùm lau sậy, ngập ngụa rác, không thành đường như bây giờ. Trước mắt, tổ dân phố, Công an phường tham mưu cho chính quyền cho phép anh Học dựng tạm túp lều ở bãi lở ven sông làm chỗ ở. Từ đó, hàng ngày hai vợ chồng phát lau, cuốc đất làm bãi trồng rau.
Những ngày đầu nắng như thiêu như đốt, sức yếu, hai vợ chồng tưởng như phải bỏ cuộc. Bác Bình và người dân mang nước, mang cơm ra giúp hai vợ chồng. Tiền mua giống cây không có, bà con lại quyên góp giúp đỡ. Ban đầu chỉ là một khoảnh đất nhỏ. Thôi thì giải quyết cái ăn cho chính gia đình, không phải đi mua đã tốt lắm rồi.
Đất phù sa màu mỡ, cây mau lớn, nhanh thu hoạch. Bác Bình tiếp tục động viên vợ chồng anh Học bạt đất, chặt lau mở rộng thêm diện tích vườn. 3 đứa trẻ ngoài giờ học cũng lao vào làm vườn cùng bố mẹ. Quay đi quay lại, giờ gia đình anh Học đã có 3 sào vườn. Anh chị đã có rau để mang lên chợ bán, mua gạo, mua thức ăn cho các con. Rồi có chút tích lũy, lại đổi lấy gà vịt giống về nuôi.
Anh Học phấn khởi khoe, năm vừa rồi anh nuôi được một con bê, sau khi bán đi trang trải tiền giống cây, anh đầu tư nuôi được một đàn gà lai giống gà Đông Tảo. Rồi mua được chiếc xe máy cũ làm phương tiện đi lại. Vậy là Tết này, nhà anh đã có gà cúng cụ. Bánh chưng, bánh kẹo đã có chính quyền, Công an phường, tổ dân phố và các nhà hảo tâm cho tặng. Một cái Tết tươm tất mà trước đây, vợ chồng anh chưa bao giờ mơ tới.
Tết ấm áp
Anh Học là một trong 13 hộ dân với 40 nhân khẩu của xóm thuyền chài dưới chân cầu Long Biên. Trung tá Bùi Anh Tuấn, Phó trưởng Công an phường Phúc Xá cho biết, mỗi gia đình là một hoàn cảnh éo le khác nhau, vô gia cư, sống lênh đênh trên sông Hồng rồi tụ về đây. Ban đầu chỉ là chiếc thuyền nhỏ neo đậu ven sông. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, ban ngày lên bờ làm việc, chủ yếu là nhặt rác, làm thuê trên chợ đầu mối Long Biên, tối về thuyền. Chẳng phải cư dân ở địa phương nào nên đến đâu, họ cũng bị đẩy đuổi.
Làm sao quản lý được họ, lại giúp họ có cuộc sống ổn định. Đó là điều trăn trở của chính quyền và Công an phường Phúc Xá từ rất nhiều năm nay. Nếu cứ tiếp tục đẩy đuổi họ đi, thì cũng chỉ như giải pháp "bắt cóc bỏ đĩa" mà thôi. Và vì thế, có một xóm thuyền chài "độc nhất vô nhị" ngay giữa trung tâm Thủ đô với sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương. Trẻ em ở xóm chài được đi học miễn phí tại Mái ấm tình thương.
Riêng Công an phường Phúc Xá, có hẳn 3 đồng chí CSKV chịu trách nhiệm quản lý địa bàn xóm thuyền chài, vì mùa nước cạn, thuyền bè có thể tụ vào một điểm, nhưng mùa nước lớn, xóm thuyền chài trôi dạt, rải rác trên địa bàn 3 cụm dân cư.
Trung tá Bùi Anh Tuấn bảo, mùa mưa bão, khi có dự báo thời tiết sớm, Công an phường đã cắt cử CSKV xuống xóm chài vận động người dân lên bờ tránh bão. Có 3 nhà văn hóa gần đó được trưng dụng làm chỗ trú bão, có đủ điện nước, đồ dùng sinh hoạt. Anh em công an ở lại thuyền trông tài sản cho dân.
Dẫu tài sản cũng chẳng có gì đáng giá ngoài cái tivi, nhưng đối với người nghèo thì đó cũng là thứ giá trị nhất trên thuyền rồi. Họ thấy anh em công an ở lại thì yên tâm lắm. Hết bão, người dân về thuyền, anh em lúc đó mới được lên bờ.
Lo Tết cho cư dân xóm thuyền chài là một trong những nhiệm vụ công tác dịp cuối năm của Công an phường Phúc Xá. Ngoài tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức các đoàn thể quần chúng, các tổ chức, cá nhân làm công tác từ thiện tặng quà Tết cho người dân xóm chài, Công an phường còn trực tiếp vận động các doanh nghiệp, cá nhân có điều kiện chia sẻ tấm lòng thiện nguyện với bà con.
Trung tá Bùi Anh Tuấn bảo: "Anh em ở đồn chưa có Tết nhưng xóm thuyền chài đã có Tết rồi". Đêm Giao thừa, xóm chài cũng là một trong những địa điểm thường trực của Công an phường. Vừa thăm hỏi, chúc Tết bà con, vừa nắm tình hình, phòng ngừa các đối tượng lợi dụng nơi trống vắng để đốt pháo nổ hoặc tụ tập đánh bạc.
Xóm trưởng xóm thuyền chài - ông Nguyễn Đình Minh, 71 tuổi, xúc động kể, cuộc đời ông tính ra đã lênh đênh trên sông Hồng khoảng 20 năm. Mưu sinh bằng nghề thu gom phế liệu, hai vợ chồng ông Minh cứ nay đây mai đó dọc tuyến sông trên một con thuyền nhỏ.
Khoảng chục năm nay, ông "định cư" ở xóm thuyền chài Phúc Xá. Mùa nước cạn, vợ chồng ông cùng cư dân xóm chài tranh thủ tăng gia, trồng cấy trên đất bãi, nuôi chó, nuôi gà, cải thiện cuộc sống. Ông Minh bảo, ông đã đi nhiều nơi, nhưng chưa nơi nào, những người lang bạt như ông nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương như nơi này.
Là xóm trưởng nên ông Minh có thể kể vanh vách hoàn cảnh từng hộ gia đình trong xóm. Không chỉ có người ngoại tỉnh, mà nhiều người có hộ khẩu Hà Nội, vì sa cơ lỡ vận, bất đắc dĩ tìm đến nơi này nương thân. Cuộc sống đã khó khăn lại đông con, nên cái nghèo cứ đeo đẳng mãi.
Nhưng những năm gần đây, khi xóm chài được đưa vào danh sách quản lý theo tổ dân phố, mặc dù sống trên sông nhưng cuộc sống của cư dân xóm chài không bị cách biệt với trên bờ là mấy. Người dân phấn khởi hơn bởi những quyền lợi của họ được chính quyền và Công an phường quan tâm giải quyết như những công dân khác.
Toàn bộ cư dân đến tuổi được cấp chứng minh nhân dân. Điện, nước sạch sinh hoạt do người dân trên bờ ủng hộ, giúp đỡ. Tệ nạn từng bước được đẩy lùi. "Nhà" ở xóm thuyền chài thì tuềnh toàng, nhưng không lo mất trộm. Như trường hợp gia đình ông. Năm 2005, thấy vợ chồng ông chui rúc trên chiếc thuyền cũ đã rách nát, vá víu, đồng chí CSKV đã vận động bà con ở tổ dân phố quyên góp giúp ông làm nhà bè nổi. Sau mấy chục năm lênh đênh, phiêu bạt, tuổi già của vợ chồng ông Minh đã có mái nhà che nắng che mưa.
Tết với xóm chài luôn là thời điểm vui nhất bởi năm nào cũng vậy, nơi đây là một địa chỉ của những tấm lòng thiện nguyện sẻ chia với người nghèo. Ngoài phần quà Tết của chính quyền địa phương trị giá 300 ngàn đồng và 500 ngàn đồng tiền mặt, người dân xóm chài còn nhận được rất nhiều quà của các tổ chức, cá nhân khác. Bánh kẹo, bánh chưng, mứt Tết, gạo, dầu ăn..., cả quần áo, chăn ấm.
"Ngày Tết, chúng tôi chỉ cần mua thêm ít hoa quả, con gà thắp hương là đủ. Bây giờ, cái ăn cái uống không thiếu như trước nên chỉ mong có đủ sức khỏe để còn lao động, kiếm tiền thôi" - ông Minh phấn khởi cho biết.
* Ảnh trong bài: Cảnh sát khu vực Công an phường Phúc Xá cùng cán bộ dân phố thăm hỏi người dân xóm thuyền chài.