Những người mẹ “siêu” dũng cảm: Tình mẫu tử chiến thắng tử thần
1. Chúng tôi gặp chị Nông Thị Hảo tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (VHH - TMTW). Trong căn phòng rộng chừng 30m2 với hàng chục giường bệnh trắng toát, chị Hảo nằm lặng lẽ một góc, trên người vẫn còn đầy những thứ dây rợ lằng nhằng. Chị giữ khư khư chiếc điện thoại nhỏ xíu, không rời mắt khỏi thiên thần bé nhỏ của mình.
Chị bảo, mặc dù cơn “thập tử nhất sinh” đã tạm qua, nhưng hiện tại sức khỏe của chị đã đi xuống một cách trầm trọng. Nhà ở mãi tít trên một xã miền núi của tỉnh Lạng Sơn mà cứ dăm bữa nửa tháng, chị lại phải nhập viện để điều trị. Buồn hơn là căn bệnh ung thư máu mà chị đang mắc cũng khó mà xử lý được dứt điểm.
Chị Nông Thị Hảo thời điểm vừa sinh con. |
Chỉ khi nhắc đến đứa con, khuôn mặt chị Hảo mới dường như bừng lên một chút sinh khí. “Con em sắp được tròn một tuổi, được hơn 9kg rồi. Cháu cũng không còn “lạ” khi gặp mẹ nữa. Sắp tới vợ chồng em sẽ đưa cháu đi xét nghiệm tổng thể. Hy vọng là cháu không bị “di truyền” căn bệnh của em” - chị Hảo tâm sự.
Ngược về quãng thời gian khoảng hơn một năm về trước, chị Hảo và gia đình đứng trước một sự lựa chọn vô cùng khó khăn.
Khi đó chị đang mang bầu tháng thứ 5 thì thấy những biểu hiện bất thường. Chị hầu như không tăng cân, người lúc nào cũng bải hoải mệt mỏi khác hẳn với lần mang thai đầu. Bên cạnh đó, dưới cổ nổi một chiếc hạch rất to. Sau khi khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, các bác sỹ nói chị phải chuyển xuống Hà Nội bởi căn bệnh của chị liên quan đến đường huyết, tuyến dưới không có đủ thiết bị để chữa trị.
Nhập viện được ít hôm, sau khi sinh thiết bệnh phẩm, các bác sỹ VHH - TMTW thông báo cho gia đình một tin dữ, chị bị ung thư máu. Nghe tin đó, anh Dương Ngọc Tùng chồng chị đang lao động xuất khẩu ở nước ngoài liền tức tốc thu xếp về nước. Lúc này, vợ chồng chị đứng trước sự lựa chọn có thể nói là khó khăn nhất từ khi hai anh chị lấy nhau.
Một là hai vợ chồng bỏ con để chị Hảo sớm được điều trị bằng hóa chất, giúp căn bệnh ung thư máu không phát triển nhanh, khả năng sống sót cao hơn. Còn phương án thứ hai (các bác sỹ không khuyến khích) là chỉ điều trị một cách cầm chừng để “giữ” tính mạng cho chị, qua đó cũng là giữ cháu bé. Tuy nhiên các bác sĩ cũng cảnh báo gia đình chị về nguy cơ cháu bé có thể ảnh hưởng từ căn bệnh của mẹ và trong lúc sinh nở có thể không giữ được cả mẹ lẫn con.
Nghe bác sỹ nói mà chị Hảo rụng rời cả tay chân. Dù hai vợ chồng chị đã có một bé gái 5 tuổi, nhưng chị vẫn không nỡ bỏ đi sinh linh bé bỏng đang lớn dần trong bụng. Chị vẫn hy vọng về một xác suất nhỏ nhoi cháu bé thoát được khỏi lưỡi hái tử thần. “Em có tra cứu các tài liệu, thì được biết rằng bệnh của em sẽ không thể có con được nữa. Thế nên dù có mệnh hệ nào thì em vẫn quyết giữ cái thai này” - chị Hảo kể.
Sau lựa chọn đó là một những chuỗi ngày vất vả, đau đớn và cả những giây phút tuyệt vọng để chiến đấu với bệnh tật của chị Hảo.
2. Vì không điều trị bằng liệu pháp xạ trị, truyền hóa chất nên sức khỏe của chị Hảo ngày một đi xuống. Chị thường xuyên bị sốt cao, đau đớn khắp mình mẩy. Đặc biệt là cái hạch to bằng quả trứng gà mọc nơi cổ cũng không được “đụng” vào khiến chị đau nhức khó chịu đến phát điên. Cả tháng trời chị chỉ có thể nằm nghiêng về một phía bên phải. Cho đến khi cái hạch vỡ ra, chị mới được nằm những tư thế khác.
Mỗi bữa ăn, chị chỉ có thể húp được vài thìa cháo loãng. Chị phải cố uống sữa bầu thay thế, những mong truyền được ít dưỡng chất cho con. Cứ vài hôm siêu âm, các bác sỹ lại phát hiện thai nhi có những dấu hiệu bất thường, chị Hảo phải chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai để khám lại. Chỉ riêng việc di chuyển giữa hai bệnh viện cũng khiến chị Hảo mệt mỏi vô cùng vì chị bị say xe. Khi cháu bé trở về trạng thái tạm ổn, chị quay về Khoa Điều trị hóa chất, VHH - TMTW để tiếp tục điều trị căn bệnh ung thư máu.
Vốn gia đình chị Hảo rất neo người. Ở quê chỉ có bà ngoại đã 65 tuổi, đang chăm đứa con gái đầu của chị Hảo. Bà cũng đau ốm liên miên, mỗi lần đi khám lại phải gửi cháu bé cho hàng xóm trông hộ. Có những thời điểm chỉ có một mình chị Hảo phải xoay xở trong bệnh viện, thật muôn phần gian khó. May mà anh Tùng có mặt đúng lúc, kịp thời động viên, đỡ đần vợ qua được những giai đoạn tuyệt vọng nhất.
Khi mà thai nhi được khoảng 30 tuần tuổi, các bác sỹ ở Bệnh viện Bạch Mai chỉ định phải mổ. Vì nếu chậm thêm vài ngày thì rất có thể sẽ không cứu được cả mẹ lẫn con. Cháu bé sinh non nên chỉ nặng có 1,8kg, bị suy hô hấp nặng phải đưa vào lồng ấp nên nhiều ngày sau sinh mà chị Hảo chưa được gặp con.
Chị bị sốt do sữa về căng tràn nhưng lại không được gần con và cũng không được cho con bú vì phải “đánh hóa chất”. “Căn bệnh ung thư máu nó đến như một phát súng găm thẳng vào tim, nhưng vì trong bụng đang nuôi một sinh linh nên em phải gắng gượng, phải chiến đấu đến cùng cho dù biết ngày mai sẽ là ngày cuối cùng của cuộc đời mình!” - chị Hảo nói mà đôi mắt đỏ hoe.
Cháu Dương Ngọc Lâm trong vòng tay bà ngoại. |
“Tỉnh dậy sau ca mổ nhưng không thấy con đâu, em hỏi bác sỹ thì được biết cháu đang được điều trị đặc biệt. Em nằn nì xin được xem mặt cháu thì bác sĩ kiên quyết không cho. Vậy là một đêm em đánh liều “trốn” sang khu vực bệnh nhi. Có những đoạn hành lang em đi không vững nữa mà phải bò xuống sàn nhà. Khoa Nhi đóng kín cửa, em chỉ có thể nhìn con từ xa. Thấy cháu bé xíu mà trên người phải cắm đủ thứ dây nhợ, em đau đớn như đứt từng khúc ruột. Em chỉ biết cầu khẩn trời đất tiếp thêm cho cháu chút sinh lực để có thể vượt qua được giai đoạn hiểm nghèo này”.
May mắn đã mỉm cười với mẹ con chị Hảo, cháu bé đã có những biến chuyển tích cực. Nhưng cũng phải cho đến 15 ngày sau, khi mà sức khỏe của cháu bé tạm ổn được xuất viện thì mới là lần đầu tiên chị Hảo được ôm con trong vòng tay. Nhưng giây phút chia ly cũng đến ngay sau đó. Cháu bé phải theo bà ngoại về quê, còn chị Hảo tiếp tục nằm viện.
“Đẻ con ra mà không được bồng bế, không được săn sóc cho con từng bữa ăn từng giấc ngủ, lòng em đau đớn lắm. Nhiều khi em muốn “trốn” khỏi bệnh viện về nhà chỉ để được nhìn thấy các con 1-2 phút rồi đi ngay. Nhưng do sức yếu nên chỉ lết được ra đến cửa buồng bệnh đã hết cả hơi. Nỗi đau bệnh tật không thể nào so được với nỗi đau mẹ con bị chia cắt”.
Cháu bé Dương Ngọc Lâm được theo về nhà bà ngoại tại Chi Lăng (Lạng Sơn). Còn vợ chồng chị Hảo ở lại bệnh viện, bắt đầu chiến đấu thật sự với căn bệnh ung thư. Trong khoảng 9 tháng, chị Hảo được truyền tất cả 5 đợt hóa chất. Sau mỗi đợt truyền, người mẹ dũng cảm này lại phải chịu nỗi đau đớn đến chết đi sống lại. Chỉ bằng nghị lực, mong muốn có ngày được ra viện để nhìn thấy hai thiên thần bé bỏng mà chị Hảo mới có thể vượt được chuỗi ngày gian khổ.
Có nhiều đêm chị Hảo không thể ngủ được vì đau một phần còn nhớ con mười phần. Chị khóc ướt đầm cả gối. “Vợ em đau lắm nhưng mà cứ cắn răng chịu không nói ra, lúc nào cũng chỉ hỏi về con thôi. Em cứ động viên cố gắng chữa trị rồi mai mốt được ra viện, hai vợ chồng sẽ về quê ngay để mấy mẹ con được đoàn tụ” - anh Dương Ngọc Tùng, chồng chị Hảo nhớ lại thời điểm khó khăn đó.
Truyền đến đợt thứ 5 thì các bác sỹ đành phải dừng, vì sức khỏe của chị Hảo không đáp ứng được nữa. Lúc này liệu pháp chỉ là điều trị triệu chứng khi mà chị Hảo thấy đau quá không thể chịu nổi nữa. Chị Hảo đành cùng chồng trở về quê. Khi nào thấy bị sốt nặng, hoặc lượng bạch cầu lên cao, mệt quá thì mới lại nhập viện.
3. Cũng như bao căn bệnh ung thư khác, bệnh ung thư máu mà chị Hảo mắc phải cần một số tiền lớn và thời gian điều trị dài. Với hoàn cảnh gia đình hiện tại, nợ cũ còn chưa trả hết, hai vợ chồng đã phải gánh những khoản nợ mới để điều trị và chăm sóc cho con.
Được biết, số tiền đặt cọc trước đó khi hai vợ chồng đi Đài Loan xuất khẩu lao động không được trả lại, còn tiền vay để đi vẫn còn nợ đến 90 triệu đồng. Chị Hảo tâm sự: "Vợ chồng em làm việc bên đó cũng vất vả nhưng lương không được cao cho lắm. Mỗi ngày em làm việc từ sáng sớm đến 5 giờ chiều, nghỉ ngơi được một chút thì lại đi rửa bát thuê đến tận 2 giờ đêm. Sau một thời gian dài tích cóp như vậy thì tiền nợ cũng còn chưa trả hết”.
Đợt đầu vào viện đã phải đóng mất 30 triệu đồng tiền điều trị. Thời điểm cả vợ, con cùng nằm viện, anh Tùng, chồng chị Hảo lại phải đi vay mượn, xoay xở khắp nơi để có tiền. Bác sĩ có đưa phiếu tạm ứng 10 triệu đóng tiếp cho vợ mà hơn tuần trời anh vẫn chưa đi vay được.
Chị Hảo cùng chồng tháng nào cũng phải có mặt tại Hà Nội để tiếp tục điều trị. |
Được biết, chị Hảo chỉ học hết THPT, rồi đi làm công nhân may. Khoảng năm 2010, chị gặp anh Tùng ở TP HCM rồi xây dựng gia đình. Khi bé gái đầu lòng lên 3 tuổi, vì kinh tế gia đình quá khó khăn nên chị Hảo vay tiền sang Đài Loan xuất khẩu lao động. Khoảng 1 năm sau thì anh Tùng cũng sang làm việc cùng vợ, với mong muốn tích cóp một khoản tiền cho tương lai.
Hai vợ chồng làm việc được hơn một năm sau đó, món nợ để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động vẫn còn chưa trả hết thì chị Hảo mang thai đứa con thứ hai. Thương vợ, anh Tùng khuyên chị về nước còn anh tiếp tục lao động nơi đây rồi gửi tiền về. Thế nhưng, niềm vui nhỏ ấy của hai vợ chồng nghèo vẫn chưa kéo dài được bao lâu thì tai họa đã giáng xuống.
Sau khi hoàn cảnh gia đình của chị được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã có nhiều tổ chức cá nhân gửi tiền ủng hộ chị và gia đình. Nhưng cũng chỉ đủ để trang trải phần nào viện phí. Anh Tùng cho biết hai vợ chồng đang bàn với nhau có lẽ phải bán đi mảnh đất - là nơi nương náu cuối cùng của vợ chồng con cái chỉ mong sao giữ được tính mạng cho chị ngày nào tốt ngày ấy...