Một gia đình có hai cha con là liệt sỹ:

Tiếp nối cha ông dâng hiến tuổi thanh xuân

Thứ Sáu, 21/07/2017, 11:09
Trong rất nhiều gia đình liệt sỹ ở tỉnh Nam Định, có một gia đình cả hai cha con đang cùng yên nghỉ trong một nghĩa trang liệt sỹ. Người cha hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, còn người con - một sỹ quan Công an đã đổ máu, ngã xuống trong nỗ lực bảo vệ sự bình yên của cuộc sống...

1. Bước vào phòng khách ngôi nhà số 47Q ở khu tập thể ô 18, phường Hạ Long, TP. Nam Định, chúng tôi gặp một khung cảnh rất đỗi bình yên: một cụ bà tai đeo máy trợ thính ngồi nhẩn nha bóc vỏ hạt sen. Vây quanh cụ là mấy đứa trẻ tuổi lên ba, lên năm đang chơi đùa. Ở phía trong một phụ nữ trung niên đang chuẩn bị bữa trưa, thỉnh thoảng chị lại chạy ra ngoài phòng khách ngó mấy đứa cháu. Tất cả cùng tỏ vẻ ngạc nhiên trước sự xuất hiện của chúng tôi.

Khi hiểu được mục đích viếng thăm của khách, mọi người tuy không còn ngạc nhiên nhưng không khí gian phòng thì như chùng xuống. Cũng phải thôi, sự xuất hiện cùng mục đích đến thăm của chúng tôi đã chạm vào, khiến cho những ký ức buồn đau của các thành viên trong gia đình tưởng như đã lắng xuống, dịu đi nay đột nhiên lại trỗi dậy, hiện về...

Dừng mọi việc trong bếp, chị Nguyễn Thị Thành, chủ nhân ngôi nhà bắt đầu cuộc trò chuyện bằng việc nhắc đến đến tên chồng: Liệt sỹ Bùi Tất Thịnh - người sau cuộc trò chuyện chúng tôi mới biết chân dung qua tấm hình trên ban thờ được đặt ở tầng hai ngôi nhà.

“Anh Thịnh sinh năm 1957, quê ở thôn Mỹ Dương, xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên, Nam Định. Quãng năm 1973-1974, anh ấy theo học sơ cấp công an ở Suối Hai (Hà Tây cũ). Ra trường, được tổ chức phân công lên công tác trên mãi Mường Khương (Lào Cai). Năm 1979, chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, cơ quan anh ấy phải sơ tán vào Nghệ An. Sau đó anh lại chuyển công tác về Trường giáo dưỡng ở Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Tôi kém anh ấy 2 tuổi. Nhà mẹ đẻ anh ở ô 18, nhà tôi ở ô 17 liền kề, cùng phường Hạ Long. Chúng tôi quen biết, nên duyên vợ chồng năm 1981, khi ấy anh vẫn đang công tác xa nhà, còn tôi đang làm công nhân ở Nhà máy dệt Nam Định. Năm 1982, khi tôi sinh đôi cháu Thanh và cháu Thủy, anh ấy vẫn công tác xa nhà. Đến năm 1984, anh Thịnh mới chuyển công tác về TP Nam Định, ban đầu ở Công an phường Vỵ Hoàng, sau khoảng 1 năm mới chuyển lên Đội hình sự - Công an thành phố...”, chị Thành dần dần hồi tưởng.

Qua câu chuyện của chị Thành, chúng tôi hiểu rõ hơn vì sao anh Thịnh quê ở vùng chiêm trũng Ý Yên nhưng sau đó lại trở thành hàng xóm của chị, rồi anh chị nên duyên với nhau ở khu tập thể của phường Hạ Long, TP. Nam Định này. Hóa ra, đó là một câu chuyện dài khác, với rất nhiều nỗi buồn đau không chỉ của riêng gia đình anh Thịnh mà còn là nỗi buồn đau chung của đất nước một thời.

Ông Bùi Viết Thiện, cha anh Thịnh vốn là một kỹ sư, công tác ở Bộ Giao thông - Vận tải, còn mẹ anh, bà Trần Thị Vi công tác ở sân bay Đa Phúc, Sóc Sơn (nay là sân bay Nội Bài). Những năm kháng chiến chống Mỹ, cả nước cùng đói khổ, không riêng những gia đình cán bộ, viên chức như gia đình anh Thịnh.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh (người đứng giữa) cùng các đồng đội, thân nhân đồng đội trong ngày gặp mặt truyền thống 13-3-2017.

Theo chị Thành, tuổi thơ của chồng chị chẳng có mấy ngày được ở gần cha mẹ. Bởi, khi đó cha anh thường xuyên phải vào các vùng chiến sự ở miền Nam để tham gia xử lý các sự cố về cầu đường. Mấy anh em khi sống với mẹ ở Hà Nội, khi được mẹ gửi về quê cùng tem phiếu để nhờ anh em, họ hàng trông nom giúp.

Năm 1968, đang trong những ngày ly tán, mấy mẹ con anh Thịnh phải đón nhận một tin vô cùng đau đớn: chồng, cha đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ rà phá bom từ trường ở vùng Bố Trạch (Quảng Bình). Chồng mất, một nách 4 con thơ, một mình không thể xoay xở, bà Vi phải xin chuyển công tác về Công ty cung ứng than Nam Định cho gần anh em, họ hàng hơn. Từ đó, mấy mẹ con mới  được phân công gian nhà tập thể ở phường Hạ Long này...

Kể tiếp chuyện cha chồng, chị Thành cho biết: “Biết tin chồng, cha hy sinh, được công nhận là liệt sỹ nhưng suốt 25 năm sau đó gia đình không biết mộ ông được chôn cất ở đâu. Đến năm 1995, qua nhiều nguồn, gia đình mới biết ông được người dân địa phương chôn cất trên một mô đất cao ở một nghĩa trang nằm bên trái QL 1, cách cầu Gianh một đoạn. Khi ấy, chính quyền, gia đình mới có điều kiện vào cất bốc, đưa ông về yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sỹ xã Yên Mỹ quê nhà”.

2. Trở lại câu chuyện về chồng, chị Thành chia sẻ: từ khi anh Thịnh được chuyển công tác về Công an TP. Nam Định chị cứ ngỡ vợ chồng, con cái sẽ có thêm nhiều thời gian được ở gần nhau. Tưởng vậy nhưng lại không phải vậy!

Cuối những năm 1980, đầu 1990, tình hinh kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của TP Nam Định nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó tình hình an ninh trật tự diễn biến rất phức tạp, xuất hiện nhiều ổ nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đến mức, năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phải ra Chỉ thị 135 “Về tăng cường công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới”.

Thực hiện Chỉ thị, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã phát động “Chiến dịch 135”, tăng cường tấn công, trấn áp, truy quét các loại tội phạm. Và, TP Nam Định, thủ phủ của tỉnh Hà Nam Ninh khi đó được chọn là địa bàn điểm triển khai chiến dịch. Trong bối cảnh đó, những cán bộ, chiến sỹ của Đội Hình sự - Công an thành phố, trong đó có anh Thịnh gần như không có được một ngày “an nhàn”. Các anh liên miên với việc đánh án, bất kể ngày đêm, hết vụ này đến vụ khác...

Về biến cố lớn tiếp theo của gia đình, chị Thành nhớ lại: “Khoảng 5 giờ chiều ngày 13-3-1991, khi đó tôi vừa sinh thêm cháu thứ ba (Bùi Anh Dũng) được đúng 1 tuần thì thấy anh Thịnh về, mang theo một đôi giày, bảo là quà mừng con trai “đầy cữ”. Rồi anh ấy lại đi ngay, chỉ bảo là đi công tác. Tối ấy, không thấy anh về. Hôm sau, khoảng 8 giờ, mấy mẹ con, bà cháu mới được đồng đội của anh báo tin, đêm qua, trong lúc truy bắt cướp ở tiệm vàng ngoài phố Hoàng Văn Thụ, anh ấy cùng mấy đồng đội bị trúng lựu đạn, bị thương nặng đang được cấp cứu tại bệnh viện tỉnh.

Nghe tin, tôi “hồn xiêu phách lạc, chân tay rụng rời”. Đang “ở cữ” nhưng tôi vẫn vội vàng tìm cách vào viện thăm. Nhìn cảnh chồng và đồng đội toàn thân băng bó trắng toát, nằm la liệt trong bệnh viện, tôi đau đớn đến ứa nước mắt. Nhưng, với hoàn cảnh lúc đó tôi đang ở cữ, mẹ thì già, 3 đứa con đều còn thơ dại, tôi chẳng biết làm gì ngoài trông chờ vào đơn vị và đồng đội của anh ấy...”.

Việc anh Thịnh và đồng đội bị thương khi truy bắt cướp thực ra nằm trong diễn biến một vụ án rất nổi tiếng, cũng là một chiến công đặc biệt xuất sắc của Công an TP. Nam Định 26 năm về trước, từng được báo chí kể lại nhiều lần trong nhiều năm qua.

Có thể kể ngắn gọn như sau: Cuối tháng 2-1991, qua trinh sát, Công an TP Nam Định nắm được vào tối 13-3-1991, một toán cướp gồm 5 tên, với súng, lựu đạn từ Thái Bình sẽ sang TP. Nam Định thực hiện cướp tiệm vàng ở số 250 phố Hoàng Văn Thụ. Kế hoạch vây bắt được Công an thành phố lên kế hoạch, triển khai.

Vào tối 13-3, một mũi đánh án gồm Phó Trưởng Công an thành phố Phan Văn Vĩnh (sau này được thăng Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và các trinh sát Bùi Quang Đài, Bùi Tất Thịnh, Phạm Mạnh Thường, Nguyễn Văn Tiến mật phục sẵn ở trong tiệm vàng. Ở phía ngoài, các cán bộ, chiến sỹ hình sự khác, gồm Đỗ Nhâm, Hoàng Hải, Lê Lân cũng ém sẵn, chờ hiệp lực.

Đúng như dự đoán, khoảng 21 giờ 30 đêm ấy bọn cướp xuất hiện. Một tên gõ cửa tiệm vàng giả vờ hỏi mua. Chủ tiệm vừa mở cửa thì bị tên cướp rút súng đe dọa, uy hiếp. Tuy nhiên, khi hắn chưa kịp cướp được gì thì đã bị trinh sát Bùi Quang Đài ém sẵn phía trong lao ra đá văng khẩu súng trên tay tên cướp. Bị lộ, cả toán cướp vội bỏ chạy vào một ngõ phố gần đó. Các anh Vĩnh, Thường, Thịnh, Đài lập tức đuổi theo và bắt được một tên trong toán tên Quang.

Trong lúc vật lộn khống chế Quang để thu vũ khí của hắn thì bất ngờ một đồng bọn của Quang ném thẳng một quả lựu đạn về phía các anh. Lựu đạn nổ, cả 4 anh đều bị thương nặng. Tên Quang nằm dưới, chỉ bị thương nhẹ đã nhân cơ hội đó tiếp tục bỏ chạy. Bị các trinh sát vòng ngoài đuổi theo, tên Quang liều lĩnh ném trả một quả lựu đạn. Do vội, Quang chưa kịp rút chốt nên lựu đạn không nổ.

Tiếp tục đuổi theo, trinh sát Đỗ Nhâm đã bắn gục tên Quang sau khi đã bắn nhiều phát súng cảnh cáo nhưng tên này vẫn tiếp tục chạy và đe dọa sẽ ném tiếp lựu đạn nếu ai đến bắt hắn. 4 tên còn lại, mặc dù chạy trốn được về Thái Bình nhưng sau đó đã bị lực lượng Công an TP Nam Định và Công an thị xã Thái Bình phối hợp bắt giữ...

3. Qua chị Thành, chúng tôi được biết sau khi bị thương, được sơ cứu tại bệnh viện tỉnh, cả 4 cán bộ, chiến sỹ, trong đó có anh Thịnh được đơn vị đưa lên điều trị tích cực tại Bệnh viện Công an 19-8. Các anh sau đó đều được xác định bị thương rất nặng, trong đó Phó trưởng Công an thành phố Phan Văn Vĩnh phải bỏ một bên mắt; anh Đài bị thương nặng ở vùng háng; anh Thịnh bị thương ở vùng phổi, mất động mạch chủ ở cánh tay, mất cả ngón tay đeo nhẫn; anh Thường cũng bị thương nặng. Sau mấy tháng điều trị, sức khỏe của các anh dần phục hồi, được xếp hạng thương binh và cùng trở về đơn vị tiếp tục công tác... 

“Khi ấy anh Thịnh còn sống trở về, với mẹ con tôi là một may mắn, một niềm hạnh phúc không gì tả nổi. Nhưng kể từ đó cả gia đình bắt đầu phải đối diện với một khó khăn mới. Sức khỏe của anh Thịnh giảm sút, những vết thương trên người cứ có dịp lại không để anh ấy yên, hành hạ anh ấy trong những cơn đau nhức nhối. 7 năm sau ngày bị thương nặng, vào ngày 27-11-1998 nhà tôi mất vì vết thương cũ tái phát. Khi ấy, anh Thịnh mới 41 tuổi, để lại cho tôi 3 đứa con, 2 đứa lớn sinh đôi mới đang học lớp 11, cháu út mới lên 7 tuổi.

Sau khi anh mất, căn cứ vào các quy định, anh được Nhà nước xét công nhận là liệt sỹ, được đưa về an táng ở nghĩa trang liệt sỹ quê nhà, nơi cha anh cũng đang yên nghỉ...”, chị Thành nghẹn ngào.

Cả 3 người con của Liệt sỹ Bùi Tất Thịnh, trong đó có Bùi Thị Thanh sau này đều tiếp bước cha, công tác trong ngành Công an.

Khi được hỏi anh Thịnh mất, điều gì đã giúp chị vượt qua để nuôi dạy 3 con nhỏ, mắt chị Thành chợt ngấn nước. Rồi chị chia sẻ, nhiều năm sau khi anh Thịnh mất, lương công nhân nhà máy dệt của chị chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng; năm 2005, khi chị về hưu, tháng lương hưu đầu tiên chị nhận được chỉ vẻn vẹn 710 ngàn đồng.

“Mấy mẹ con tôi được như ngày hôm nay phần lớn là nhờ vào sự quan tâm của Nhà nước, động viên, giúp đỡ của người thân, đặc biệt là sự giúp đỡ từ đơn vị cũ của anh Thịnh, của những đồng đội năm xưa cùng công tác, cùng nhau phải đổ máu”, chị chia sẻ. Như lời chị, nhờ được hưởng các chế độ Nhà nước dành cho thân nhân liệt sỹ nên cuộc sống của mấy mẹ con cũng đỡ khó khăn hơn.

Đặc biệt, nhờ có sự giúp đỡ của tổ chức, của những người chỉ huy, của đồng đội cũ của anh Thịnh, cả 3 người con của anh chị sau này đều được học hành đến nơi đến chốn, được tiếp nhận, tiếp bước cha vào công tác, phục vụ trong ngành Công an. Trong đó, chị Thanh hiện công tác ở Công an TP. Nam Định, chị Thủy công tác ở Công an huyện Nam Trực. Riêng cậu út Bùi Anh Dũng mất bố khi mới học lớp 2 giờ cũng đã là một sỹ quan, công tác ở Phòng An ninh Kinh tế - Công an tỉnh Nam Định.

Năm 2005, từ sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của Bộ Công an, ủng hộ, giúp đỡ thêm của anh em, đồng đội, mẹ con chị đã có điều kiện xây lại ngôi nhà mới, thay thế ngôi nhà tập thể cấp 4 đã xuống cấp.

Cuộc sống đã có nhiều thay đổi, đồng đội của anh Thịnh giờ có người đã mang quân hàm Trung tướng, Anh hùng LLVTND; người làm cục trưởng, người làm giám đốc công an tỉnh, có người như anh Bùi Quang Đài sau này chuyển công tác vào Vũng Tàu, đã hy sinh khi tham gia bắt cướp, được công nhận là liệt sỹ... nhưng theo chị Thành, có một điều không thay đổi, đó là tình cảm gắn bó của các anh.

Suốt 26 năm qua, cứ vào ngày 13-3, ngày các anh cùng bị thương trong trận vây bắt toán cướp ở tiệm vàng năm xưa, các anh cùng thân nhân những người đã khuất lại tổ chức gặp mặt để ôn lại kỷ niệm cũ, cũng là để động viên, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống vốn bộn bề lo toan...

Trần An Nhiên
.
.