Ẩn họa từ vấn nạn thẩm mỹ “chui”
Hiện nay, ở TP Hồ Chí Minh, các dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ đang trở thành “miếng mồi béo bở” vì nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng tăng cao. Vì hám lợi, một số cá nhân không có chuyên môn vẫn tiến hành các thủ thuật, thậm chí phẫu thuật làm đẹp cả trong các khách sạn, nhà trọ, bất chấp rủi ro, nguy hiểm cho người cần làm đẹp...
Thực sự, tình trạng thẩm mỹ “chui”, thẩm mỹ không an toàn đang thách thức dư luận, đòi hỏi cơ quan chức năng cần quyết liệt xử lý triệt để vấn nạn này.
Nhiều người chết oan vì đi làm đẹp...
Dư luận bức xúc liên quan tới Công ty TNHH Vũ Lâm Minh (đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 15, quận Phú Nhuận) - nơi Trung tâm giảm béo công nghệ cao Americare clinic hoạt động. Khoảng nửa đầu tháng 5 vừa qua, Công ty TNHH Vũ Lâm Minh đã bị Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ra quyết định xử phạt 193 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh 4 tháng do có nhiều vi phạm.
Theo đó, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xác định tại địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Vũ Lâm Minh trước đó được cấp phép hoạt động phòng khám chuyên khoa da liễu. Dù vậy, tại đây lại trưng bảng hiệu lớn ghi “AMC - Americare clinic” (gọi tắt là Americare) chuyên hoạt động giảm béo siêu tốc.
Về các vi phạm của công ty này, ngoài việc không đảm bảo một trong các điều kiện sau khi được cấp phép khám, chữa bệnh, Americare còn cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn. Sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề và quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi quảng cáo theo quy định.
Với các vi phạm này, ngoài xử phạt Công ty TNHH Vũ Lâm Minh (thực chất là Americare), thì bác sĩ chuyên khoa da liễu Nguyễn Thị Lệ My - người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở - cũng bị phạt 7,5 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 2 tháng.
Theo Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Lệ My đứng tên tại đây chỉ... cho có. Lý do là vì bác sĩ này hầu như không có mặt tại cơ sở trong thời gian đăng ký hoạt động, cũng không ủy quyền cho người khác theo quy định.
Ngoài ra, bác sĩ đa khoa Võ Âu Phi Yến cũng được xác định vi phạm khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề. Song song việc xử phạt 35 triệu đồng, bác sĩ này còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 23 tháng.
Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh còn phát hiện hàng loạt kỹ thuật viên làm việc tại Trung tâm Americare “vào vai” bác sĩ để khám, chữa bệnh trái quy định. Theo đó, có 4 kỹ thuật viên gồm Nguyễn Thị Trang, Tô Nguyễn Thái Vy, Đào Đức Minh và Nguyễn Thế Thiện được xác định tham gia khám, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Ngoài tổng số tiền bị xử phạt lên đến trên 141 triệu đồng, các kỹ thuật viên này còn bị buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm.
Đáng nói, các kỹ thuật viên này được cho là đã sử dụng các hệ thống máy laser có xâm lấn giảm béo cho khách hàng. Dù về nguyên tắc giảm béo có xâm lấn phải do người có chuyên môn y tế, có chứng chỉ hành nghề thực hiện. Tuy nhiên, trung tâm này lại sử dụng người không có bằng cấp về khám, chữa bệnh là các kỹ thuật viên.
Tưởng chừng quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên 190 triệu đồng, kèm tình tiết tăng nặng tước giấy phép khám, chữa bệnh 4 tháng của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, sẽ khiến Công ty TNHH Vũ Lâm Minh - đơn vị quản lý Americare - nghiêm túc sửa sai. Nhưng, thực tế sau đó theo phản ánh của báo chí, đơn vị này lại chọn cách đối phó, có phần thách thức dư luận và các cơ quan quản lý nhà nước khi tìm cách tái hoạt động lại. Đây là hành vi coi thường pháp luật, cũng như coi thường sức khỏe người dân.
Dù sau đó, với sự vào cuộc quyết liệt của báo chí, chính quyền địa phương cũng như ngành Y, công ty này đã buộc phải chấp hành “án phạt” của Thanh tra Sở Y tế...
Mới đây nhất, ngày 27/6, giới thẩm mỹ rúng động khi chị H.T.Y.L (27 tuổi, quê Cà Mau) đặt hẹn với một chủ spa tận Cà Mau đến khách sạn DONA địa chỉ 783 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh để tiêm filler nâng ngực. Hậu quả, người phụ nữ đã tử vong ngay sau tiêm thuốc tê.
Hoặc, trước đó, vào đầu tháng 6, bệnh nhân T.T.L.P (SN 1973, ngụ quận 7) đã thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ, thực hiện phẫu thuật cắt mí mắt tại Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thuộc Chi nhánh Công ty CP TMDV Siam Thái Lan (địa chỉ 55-57 Trường Sơn, phường 15, quận 10).
Sau đó, bệnh nhân này tiếp tục được chuyển đến thực hiện hút mỡ bụng và lưng tại Bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ Đông Á (địa chỉ 218 Nguyễn Trãi, phường 3, quận 5). Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, bệnh nhân T.T.L.P bị tụt huyết áp, được ê-kíp phẫu thuật tiến hành hồi sức cấp cứu và sau đó hôn mê, phải thở máy khi được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu do bệnh nhân bị xuất huyết nội do rách mạch máu mạc nối lớn. Trong quá trình mổ, bệnh nhân này mất 6 lít máu và đã được truyền bù máu. Nữ bệnh nhân giữ được mạng sống do đã vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu kịp thời...
Trên đây không phải là những trường hợp cá biệt, từ “thập tử nhất sinh” đến tử vong oan uổng chỉ vì đi làm đẹp...
Xử phạt nặng bằng nhiều hình thức để răn đe
Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thẩm mỹ “chui” không phải là vấn đề mới nhưng đã trở thành một hiện tượng và thách thức với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Ông Tăng Chí Thượng cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 7.000 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ nhưng chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động (chiếm chưa đến 15%).
Còn lại hơn 85% cơ sở là do UBND quận, huyện và TP Thủ Đức cấp giấy chứng nhận (chỉ cần xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - hộ kinh doanh hoặc công ty). Theo quy định, các cơ sở này hành nghề mà không cần cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép.
Theo người đứng đầu ngành y tế thành phố, có 3 thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước với hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm mỹ trái phép trên địa bàn. Cụ thể là tình trạng quảng cáo không đúng, hoạt động hậu kiểm các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ chưa được quan tâm, cùng hoạt động thẩm mỹ “chui” ngày càng tinh vi. Đặc biệt, hoạt động này đang có xu hướng chuyển vào các cơ sở có thể né tránh cơ quan quản lý nhà nước như khách sạn, nhà trọ...
“Đã có những người không có chứng chỉ hành nghề lén lút thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở không phải y tế, thậm chí trong khách sạn, nhà trọ và gặp tai biến, thậm chí tử vong cho người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ như vừa qua”, ông Tăng Chí Thượng nói.
Để hạn chế tình trạng này, người đứng đầu ngành y tế thành phố cho biết, ngoài tăng cường công tác kiểm định, Sở Y tế cũng chủ động xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng các cơ sở y tế trên địa bàn, đánh giá và công khai cho người dân biết. Đối với các cơ sở do địa phương cấp, phải tăng cường hậu kiểm, kiên quyết xử lý nghiêm nếu vi phạm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 19 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ do địa phương cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (spa, chăm sóc da, thẩm mỹ viện, cắt tóc, gội đầu, phun xăm...) cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế và phòng y tế các quận, huyện, TP Thủ Đức cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, tiếp tục kiểm tra, đánh giá chất lượng các cơ sở y tế và công khai thông tin Mới đây, ngày 13/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp liên ngành bàn về giải pháp thanh tra, kiểm tra và xử phạt các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn. Cuộc họp này có sự tham dự của đại diện Công an TP Hồ Chí Minh, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Thông tin - Truyền thông và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức... Tại cuộc họp, nhiều ý kiến liên quan được đưa ra, trong đó, đại diện các địa phương (bao gồm phòng y tế và UBND quận, huyện) lý giải những khó khăn và hạn chế về nhân lực kiểm tra, giám sát.
Điều này dẫn tới một thực tế lâu nay thường hay xảy ra là khi lực lượng chức năng đến thì các chủ cơ sở khóa cửa, thậm chí tổ chức hiện trường “vườn không, nhà trống”. Do đó, các địa phương kiến nghị phải công khai các cơ sở vi phạm bị xử phạt bằng nhiều hình thức để răn đe.
Điều này dẫn tới một thực tế lâu nay thường hay xảy ra là khi lực lượng chức năng đến thì các chủ cơ sở khóa cửa, thậm chí tổ chức hiện trường “vườn không, nhà trống”. Do đó, các địa phương kiến nghị phải công khai các cơ sở vi phạm bị xử phạt bằng nhiều hình thức để răn đe.
Đại diện Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Hồ Chí Minh đề ra các giải pháp về tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, đặc biệt tại địa phương như công an phường và phòng y tế. Trong đó, đặc biệt đưa ra quy định việc các cơ sở phun xăm, xoa bóp, phẫu thuật thẩm mỹ phải cam kết đảm bảo an ninh, trật tự.
Nếu vi phạm quá 2 lần sẽ bị tước đăng ký kinh doanh.
Thời gian qua, bên cạnh những hoạt động tăng cường quản lý và kiểm soát các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở không phép..., ngành y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp khác. Trong đó, tăng cường quản lý tại các khách sạn, khu dân cư... nhằm phát hiện kịp thời những hiện tượng liên quan hoạt động thẩm mỹ không phép. Đề xuất sớm đưa vào hoạt động (sau giai đoạn thí điểm) phần mềm khai báo lưu trú theo quy định của Luật Cư trú (phần mềm ASM) tại các khách sạn, căn hộ cho thuê...
Xây dựng mạng lưới an ninh nhân dân nhằm tạo ra môi trường hỗ trợ từ cộng đồng kịp thời phát hiện và báo cáo các dấu hiệu nghi ngờ có hoạt động thẩm mỹ trái phép tại các khách sạn, nhà trọ... Khuyến khích người dân, người lao động tại các khách sạn, nhà trọ... khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ cần cung cấp thông tin, phản ánh về các hoạt động đáng ngờ cho cơ quan chức năng.
Đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ y tế khi chưa được cấp giấy phép hoạt động, gây tai biến y khoa, đặc biệt dẫn đến tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, Sở Y tế thành phố cương quyết xử lý nghiêm đúng theo quy định pháp luật và công khai kết quả xử lý.
“Sở Y tế sẽ nỗ lực với quyết tâm cao nhất đẩy lùi hoạt động thẩm mỹ chui và các hoạt động trái quy định pháp luật khác, góp phần tạo dựng môi trường chăm sóc sức khỏe an toàn, tin cậy cho người dân”, ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kêu gọi người dân tham khảo những cơ sở được cấp phép, tham khảo kết quả đánh giá chất lượng để chọn lựa khi có nhu cầu. Ngoài ra, Sở cũng đã mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân thông qua số đường dây nóng Sở Y tế (0967771010, 0989401155) hoặc ứng dụng “Y tế trực tuyến”...