Đi Nam bằng tàu không số

Bài 1: Âm thầm chuẩn bị chuyến đi B 11 năm

Chủ Nhật, 07/04/2024, 07:42

LTS: Đầu những năm 1960, đồng chí Nguyễn Tài (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) là Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị và là người trực tiếp chỉ đạo nhiều nhiệm vụ quan trọng của Bộ Công an trong thời chiến, đặc biệt là chuyên án đấu tranh chống gián điệp biệt kích do CIA và tình báo Sài Gòn tung ra phá hoại miền Bắc. Theo tình hình phát triển của cách mạng miền Nam, đầu năm 1964, ông nhận thấy “đã đến lúc cần vào hoạt động trực tiếp ở miền Nam”. Nguyện vọng này được lãnh đạo Bộ Công an báo cáo và sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị đã đồng ý. Sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 21/3/1964, đồng chí Nguyễn Tài khởi hành vào Nam trên con tàu không số theo đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo CAND trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài “Đi Nam bằng tàu không số” dựa theo hồi ký của đồng chí Nguyễn Tài. 

Những năm 1960, tôi là Ủy viên Đảng đoàn Bộ Công an, trực tiếp làm Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị (tức An ninh chính trị). Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, nhu cầu phát triển công tác nhiều mặt, Bộ Công an bắt đầu đào tạo những khóa đặc biệt cán bộ cung cấp cho miền Nam. Lúc đó Phòng Phái khiển, tiền thân của Cục Tình báo Công an sau này còn đặt trong Cục do tôi làm Cục trưởng. Một bộ phận chuyên trách phục vụ miền Nam bắt đầu được hình thành...

Bài 1: Âm thầm chuẩn bị chuyến đi B 11 năm -0
Gia đình đồng chí Nguyễn Tài họp mặt Tết Giáp Thìn 1964.

Một hôm, anh Trần Quốc Hoàn, lúc đó là Bộ trưởng, giao cho tôi soạn một bản hướng dẫn công tác tình báo cho Đảng bộ miền Nam, để Trung ương Đảng nghiên cứu và gửi vào Nam. Tôi nghĩ rằng ở trong Nam, ta chưa có chính quyền, còn làm công tác vận động quần chúng là chính. Cho nên cần quán triệt quan điểm nhân dân. Bản dự thảo tôi đưa anh Hoàn duyệt, tôi nhớ là không bị sửa chữa gì. Ít lâu sau, anh Hoàn cho biết là Trung ương Đảng đã gửi cho Đảng bộ trong Nam rồi.

Sau này, khi vào Nam hoạt động, gặp những đồng chí phụ trách công tác này, tôi nghe từ các đồng chí đó kể chuyện có văn bản nói trên, và khen văn bản đó có tác dụng chỉ đạo tốt cho các địa phương. Trong lòng tôi vui sướng vì đã làm được việc có ích cho cách mạng miền Nam… 

Cuối tháng 10/1963, tôi tham gia đoàn của Việt Nam hội đàm với phía Trung Quốc về biên giới Việt - Trung. Địa điểm họp ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Phía ta, đồng chí Nguyễn Quang Việt, Thứ trưởng Bộ Công an, Chính ủy  Công an vũ trang làm Trưởng đoàn; có các Giám đốc Công an và Tham mưu trưởng các Quân khu có biên giới với Trung Quốc; ở cấp trung ương có Tham mưu phó Bộ tư lệnh Công an vũ trang, và tôi ở Bộ Công an.

Đoàn Trung Quốc do Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Lý Thiên Hựu làm Trưởng đoàn; còn có đại diện các Quân khu Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Bộ tư lệnh Hải quân. Cũng cần nhắc lại là gần thời gian họp, ta bắt gọn một toán biệt kích của Đài Loan, được gián điệp của chính quyền Sài Gòn giúp, đổ bộ vào ven biển Trà Cổ, Hải Ninh, định xâm nhập khu Thập Vạn Đại Sơn của Trung Quốc; trao cho phía Trung Quốc nên phía bạn rất quan tâm việc ta phối hợp.

Bài 1: Âm thầm chuẩn bị chuyến đi B 11 năm -0
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (thứ 2 từ trái qua) và các đồng chí trong Đảng đoàn Bộ Công an tiễn đồng chí Nguyễn Tài (thứ 5 từ trái qua) đi B ngày 21/3/1964.

Cuộc hội đàm kết thúc. Ngày 1/11/1963, Đoàn ta chờ chuyến xe lửa liên vận quốc tế từ Bắc Kinh qua Nam Ninh để về nước. Trong lúc chờ ra ga, anh em trong đoàn có người mở đài thu thanh nghe tin. Bỗng đài đưa tin có đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm, đã thành công. Mọi người đều xôn xao bàn tán, ai nấy đều rất vui vẻ. Riêng tôi suy nghĩ rất nhiều về sự biến chuyển của thời cuộc miền Nam.

Hôm sau, về đến Hà Nội, tôi đến thăm anh Trần Quốc Hoàn, kể chuyện cuộc hội đàm, tuy chưa phải là báo cáo chính thức của Đoàn. Vì nhà tôi ở ngay cạnh nhà anh Hoàn; quan hệ công tác giữa tôi với anh Hoàn rất chặt chẽ; chẳng những ở Bộ Công an, mà còn từ trong kháng chiến chống Pháp, thời kỳ ở Thành ủy Hà Nội.

Trong buổi nói chuyện, có đề cập tình hình miền Nam. Tôi có nói với anh Hoàn: có lẽ đã đến lúc tôi cần vào hoạt động trực tiếp ở miền Nam. Anh Hoàn tỏ ra quan tâm đến ý kiến của tôi, nhưng trả lời là để báo cáo lên Ban Bí thư xem sao đã. Tôi hiểu sự phân vân của anh Hoàn khi đó. Tôi đang là Ủy viên Đảng đoàn Bộ, trực tiếp làm Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị. Ở cương vị đó, chẳng những tôi nắm giữ nhiều bí mật của Đảng và Nhà nước mà thực tế lúc đó tôi đã chỉ đạo làm thành công nhiều việc mà trước đó chưa ai làm được; thêm nữa hồi đó địch đang tung nhiều biệt kích ra Bắc, tôi đang chỉ đạo đấu tranh có hiệu quả. Nếu tôi đi Nam, cũng có ích; nhưng ai thay?

Tôi đề nghị với anh Hoàn đưa anh Viễn Chi thay tôi. Ít ngày sau, anh Hoàn gặp riêng tôi, cho biết các đồng chí Bộ Chính trị phụ trách miền Nam biết đề nghị của tôi, mừng và cho là rất quý; dặn anh Hoàn phải giữ bí mật và thu xếp gấp. Sau này tôi mới hiểu sự tính toán của Bộ Chính trị về khả năng địch thất bại trong chiến tranh đặc biệt, mà ta phải tranh thủ thời cơ.

Bài 1: Âm thầm chuẩn bị chuyến đi B 11 năm -0
Gia đình đồng chí Nguyễn Tài chụp ảnh tại Quảng trường Ba Đình ngay trước ngày đi B.

Tại một cuộc họp Đảng Đoàn Bộ sau đó, anh Hoàn đưa việc này ra; mọi người đều nhất trí. Tôi vẫn chỉ đạo công tác hàng ngày, nhưng đồng thời chuẩn bị kế hoạch bàn giao thật chu đáo cho anh Viễn Chi; chẳng những công việc trước mắt, mà cả những chủ trương ý định lâu dài cho từng loại việc. Tôi nhớ là khi bàn giao, chúng tôi đã làm với nhau trong thời gian khoảng một tuần lễ hay hơn một chút.

Anh Phạm Hùng (khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng - PV) đã biết tôi từ lâu; một hôm gọi tôi đến và nói sẽ phổ biến cho tôi Nghị quyết về miền Nam; cũng nói là anh đang chuẩn bị chuyến đi cho tôi, vì anh phụ trách vấn đề này. Theo anh Phạm Hùng, tôi sẽ đi bằng đường biển chứ không lội bộ dọc Trường Sơn, vì như thế sẽ chậm. Sau này tôi được biết các anh Trần Văn Trà, Lê Đức Anh cũng được bố trí đi bằng đường biển. Anh Phạm Hùng nói đang chọn tàu nào có nhiều kinh nghiệm; về thời gian, thì còn tùy vào tình hình hoạt động của Hạm đội 7 của Mỹ, khi đó đang giăng ra khắp Vịnh Bắc Bộ.

Nghĩ rằng ở trong Nam, sông nước nhiều, mà tôi bơi còn kém, nên phải bổ cứu nhược điểm này. Trong Cục Bảo vệ chính trị lúc đó có anh Hồng, vì có 6 con, nên anh em đặt tên vui là Hồng Sáu; anh này bơi giỏi, đã biết tôi từ 1945. Tôi đã dặn riêng anh Hồng giữ bí mật. Rồi trong những ngày mùa đông giá lạnh, anh Hồng đã cùng tôi đến hồ bơi Quảng Bá. Tại đó anh Hồng đã hướng dẫn tôi; chẳng phải chỉ đứng trên bờ, mà anh Hồng cũng phải cùng tôi xuống nước. Tôi bỗng nhớ lại, trong kháng chiến chống Pháp, có lần đêm tháng Chạp mưa rét, tôi đã cùng anh Đức Việt phụ trách giao liên đưa tôi vào nội thành Hà Nội, đã phải lội qua sông Cầu Chiếc, lạnh cóng cả người. Lần này, cũng vào những ngày lạnh ghê gớm, chúng tôi đi luyện bơi. Hết một buổi tập, anh Hồng cùng về nhà tôi; bồi dưỡng bằng cốc nước đường với vài cái bánh quy bơ; hồi đó như vậy đã là khá lắm. Cũng phải nói thêm, những anh em chuẩn bị đi Nam thường ở tập trung, ăn uống bồi dưỡng theo chế độ riêng. Đối với tôi, để giữ bí mật, vẫn ở nhà, sinh hoạt như bình thường.

Bài 1: Âm thầm chuẩn bị chuyến đi B 11 năm -0
Đồng chí Nguyễn Tài và vợ chụp ảnh tại Hà Nội trước ngày đi B.

Ở Bộ Công an, có anh Chín Kiềm, hồi kháng chiến chống Pháp, hoạt động Công an ở Sài Gòn; nay phụ trách bộ phận giúp miền Nam. Anh Kiềm tự tay chuẩn bị mọi thứ cho tôi, với những tình cảm không bao giờ có thể quên được. Mọi thứ đều để tại nơi anh Kiềm làm việc; biết tôi sẽ đi bằng tàu biển, anh Kiềm làm mấy thùng tôn, bỏ vào mấy máy vô tuyến điện loại tốt mà ta thu được của biệt kích địch, thuốc chữa bệnh, và cả sách cho anh em trong Nam. Theo ý anh Kiềm, vào trong đó, đi bằng xuồng, không ngại nặng. Sự thật là khi đến nơi, những thứ nặng phải gửi giao liên đi đường riêng... Chờ nhiều lần chưa đi được, có lần tôi đã đề nghị anh Phạm Hùng cứ để tôi đi theo đường bộ; nhưng anh Phạm Hùng nhất định không chịu. Thấy không có khả năng đi trước Tết Âm lịch, anh Phạm Hùng bảo tôi cứ yên tâm ăn Tết xong sẽ liệu.

Đối với gia đình, tôi được nói thật để mọi người biết, trừ trẻ nhỏ thì bố mẹ tôi rất buồn và lo lắng vì anh trai tôi đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, nhưng vẫn đồng tình với việc tôi đi Nam. Khi đó bố mẹ tôi đang ở làng Võng Thị, gần chợ Bưởi. Cả nhà vẫn sum họp ăn Tết, nhưng ai cũng thầm nghĩ đây có thể là Tết sum họp chưa biết đến bao giờ mới lại có. Tết âm lịch năm 1964, cả nhà sum họp ăn Tết. Tại sân nhà, cả gia đình họp mặt. Bố mẹ tôi ngồi ghế, hai vợ chồng em gái tôi, vợ tôi cùng bốn con trai em tôi, hai con gái, hai con trai chúng tôi, chia nhau đứng xung quanh; tôi để máy ảnh ở chế độ tự động, bấm máy rồi chạy vào chỗ. Bức ảnh đó nay vẫn còn.

Trong dịp Tết 1964, anh Long, Giám đốc Công an Hà Nội trước đã công tác trong Nam đến tìm tôi ở làng Võng Thị, hẹn hai vợ chồng tôi đến ăn cơm. Chúng tôi nhận lời. Tại nhà anh Long, trong không khí thân tình, anh nói tuy Bộ giữ bí mật, nhưng anh ấy biết tôi sắp đi Nam, nên mời cơm coi như tiễn bạn.

Đón xem tiếp kỳ cuối: CẬP BẾN RẠCH GỐC

Nguyễn Tài
.
.