Đi Nam bằng tàu không số

Bài cuối: Cập bến Rạch Gốc

Thứ Năm, 11/04/2024, 13:55

Đã mấy lần được báo chuẩn bị lên đường, nhưng đến phút chót lại hoãn. Anh Phạm Hùng đang phải nằm bệnh viện, vì một chân có hiện tượng bị teo nhỏ hơn chân kia. Tôi thường vào bệnh viện thăm, và hỏi việc đi.

Anh Phạm Hùng cho biết đã chọn được đội tàu, nhưng chờ lúc Hạm đội 7 của Mỹ dãn ra là đi ngay. Một tối, tôi được báo đến gặp anh Lê Duẩn tại nhà riêng. Hầu hết buổi gặp, anh Lê Duẩn nói, dặn dò. Ngoài những việc của ngành Công an, còn nhắn việc để nói lại với Trung ương Cục. Đảng đoàn Bộ Công an đã tổ chức cơm tiễn, vợ tôi cũng dự.

Một tối, Ban Bí thư mời đến ăn cơm. Có anh Lê Đức Thọ, Lê Toàn Thư là những đồng chí theo dõi cán bộ cho miền Nam. Gia đình tôi, ngoài vợ chồng tôi, còn có bố mẹ tôi và chú Lê Văn Lương của tôi. Gặp anh Phạm Hùng ở bệnh viện, tôi kể lại. Thì anh Phạm Hùng nói là anh ấy báo cho Ban Bí thư cần tổ chức, vì trong ngành Công an tôi là người có cấp cao nhất từ trước đến lúc đó đi Nam.

Bài cuối: Cập bến Rạch Gốc -0
Đồng chí Nguyễn Tài và vợ thăm lại Bến tàu không số ngày 9/6/2009.

Cuối cùng, thì tôi cũng được báo chuẩn bị lên đường; và lần này là chắc chắn.

Trong Bộ, tôi đã bàn giao xong cho anh Viễn Chi một cách rất chu đáo. Đã đưa dư luận tôi chuẩn bị đi học dài ngày ở Liên Xô. Trong gia đình cũng thống nhất cách nói đó với các con tôi, đề phòng chúng còn nhỏ, lỡ làm lộ. Anh em trong Cục Bảo vệ chính trị, có lẽ đều đoán được, nhưng theo nguyên tắc bí mật, không ai nói ra; tuy vậy anh em đều nhìn tôi với con mắt tỏ ra là họ biết. Một buổi nghỉ trưa (khi đó chưa làm thông tầm như bây giờ, ai nấy về ăn trưa rồi đến làm buổi chiều), các đồng chí Cục Phó của tôi mời tôi ở lại trưa ở cơ quan. Có anh Sanh Châu, anh Sỹ Huynh, anh Kim Tấn; các anh đó nói vì phải giữ bí mật, không thể cùng nhau đi đến nơi nào đó ăn cơm tiễn tôi, nên đành mang đồ nguội đến ăn ở cơ quan.

Ngày đi đã được quyết định là 21/3/1964. Tôi vào bệnh viện để thăm và từ biệt anh Phạm Hùng. Anh ôm hôn tôi, rưng rưng nước mắt; dặn tôi cố gắng nhanh chóng làm quen với tình hình trong Nam.

Chiều 20/3/1964, bố mẹ tôi ở Võng Thị xuống nhà tôi ở cơ quan, và ngủ đêm lại đó. Hôm sau, vợ chồng em gái tôi cũng tề tựu ở nhà tôi. Các con tôi được nghỉ học, ở nhà với bố. Bữa cơm chia tay trưa đó, mẹ tôi nấu canh cá dấm mà tôi ưa thích; nhưng không ai muốn ăn. Trưa 21/3/1964, nghỉ một lát là đến giờ lên đường. Hai xe ô tô du lịch đã chờ sẵn. Đồ đạc đã xếp lên xe. Lần lượt, anh Hoàn, rồi từng đồng chí trong Đảng đoàn Bộ, là những anh em đã cùng sát cánh với tôi từ khi bắt đầu thành lập Đảng đoàn Bộ Công an năm 1957, chụp ảnh kỷ niệm với tôi. Từng người ôm hôn tôi trước khi chia tay. Từ cửa sổ nhà tôi nhìn sang nhà anh Hoàn, gia đình tôi cùng trông sang. Tôi vẫy chào gia đình một lần nữa.

Bài cuối: Cập bến Rạch Gốc -0
Giấy Chứng minh thư giả của đồng chí Nguyễn Tài khi hoạt động ở chiến trường miền Nam.

Lên xe khoảng 14 giờ.  Anh Ngô Ngọc Du lúc đó là Thứ trưởng phụ trách Tổ chức, anh Nguyễn Quang Việt là Thứ trưởng, Chính ủy Công an vũ trang, cùng lên xe đi tiễn. Đến Hải Phòng, vào Bộ Tư lệnh Hải quân. Ra bến ở Đồ Sơn, thuyền trưởng gặp, dặn nguyên tắc bí mật, không hỏi tên nhau, gọi nhau bằng thứ. Đóng giả tàu đánh cá, nếu gặp kiểm soát, tàu có vũ khí tự vệ; và nếu bị lộ, thì cuối cùng phải cho nổ tàu. Anh em dặn chúng tôi, là sẽ bị say sóng, nôn oẹ là bình thường; nhưng phải cố gắng ăn, muốn ăn bao nhiêu cũng được, để lấy lại sức.

Tàu đi ở hải phận quốc tế, nhưng thấy tàu buôn hay tàu lạ, đều tránh. Ban đêm, có khi gặp tàu biển loại lớn, tôi thấy tàu chúng tôi như một người đứng ở chân một tòa nhà cao tầng, sáng choang. Ban ngày, nhìn đại dương mênh mông, tàu mình chỉ như một dấu chấm nhỏ. Vậy mà tàu vẫn nổi, vẫn đi. Chúng tôi chịu sóng gió mất mấy ngày. Đến một hôm, thuyền trưởng báo là sóng êm, cấp 3 hoặc 4, anh em có thể ra boong ngồi chơi. Tôi thấy anh em lấy súng đạn ra lau chùi. Hỏi thì được biết tàu đã vượt qua vĩ tuyến 17; tuy vẫn ở hải phận quốc tế.       

Tàu chúng tôi đi có nhiệm vụ vào bến ở Trà Vinh. Nhưng việc đầu tiên xảy ra là, đáng lẽ phải đi ngoài đảo Lý Sơn, thì chúng tôi đã đi giữa đảo đó với đất liền. Một sáng, ước chừng tàu đã đến địa phận Nam Bộ; chúng tôi thấy từ xa một tàu đánh tín hiệu đèn, hỏi tàu chúng tôi. Thuyền trưởng cho lệnh không trả lời; và cho tàu quay thẳng hướng chạy ra hải phận quốc tế, để tránh tàu lạ. Thì ra, đáng lẽ phải đi phía ngoài Côn Đảo, thì tàu chúng tôi đã đi nhầm vào giữa Côn Đảo và Vũng Tàu. Con tàu đánh tín hiệu đèn hỏi tàu chúng tôi, có thể là tàu tuần tiễu của địch…

Do thấy khả năng là khó lòng vào đúng bến Trà Vinh nên thuyền trưởng cho điện về Bắc báo cáo tình trạng của tàu, và xin được vào bến Rạch Gốc ở Cà Mau, mà anh em đã quen, và có được ngọn đèn biển Hòn Khoai làm chuẩn. 

Đêm đó, tàu thử vào lại Trà Vinh. Đêm, chỉ thấy một vệt đen chạy dài dọc bờ. Có lẽ là rặng dừa. Nhưng lấy gì phân biệt với Bến Tre? Thuyền trưởng quyết định quay tàu ra, và đợi lệnh. Lại một ngày căng thẳng ngoài biển khơi. Vừa chờ tối. Vừa chờ lệnh. Cuối cùng, cơ yếu báo là đã được chấp nhận vào Rạch Gốc.

Tàu theo hướng Nam đi thêm, đồng thời chờ tối. Tính toán giờ, thuyền trưởng cho lệnh chạy vào bờ. Và chú ý quan sát tìm đèn biển Hòn Khoai làm chuẩn. Tối. Tàu đã vào gần đất liền. Nhưng vẫn không thấy đèn Hòn Khoai. Anh em có người đoán hay là nhầm vào cửa Sông Hậu. Vào gần bờ, bỗng nhiên bị mắc cạn. Thì ra lúc đó, nước còn ròng, chưa lên lại. Anh em người sào, người lội hẳn xuống nước, thăm dò. Thuyền trưởng cho lệnh phải tìm cách quay ra biển xa; đề phòng gặp địch.

Bài cuối: Cập bến Rạch Gốc -0
Đồng chí Nguyễn Tài thăm lại gia đình bà Hai Dĩa ngày 7/3/1990.

Loay hoay mãi, có lẽ cũng là lúc nước đã lớn, tàu xoay được, mũi quay ra khỏi vùng nước đục. Rồi cứ thế từ từ, tàu quay được ra xa. Chỉ ra khỏi chỗ lầy khoảng 1 km, anh em bỗng reo lên. Đã thấy ánh đèn của Hòn Khoai. Thì ra, chỗ mà tàu vừa vào bị vướng một doi đất, nó che lấp mất đèn biển Hòn Khoai. Thế là chắc ăn rồi. Mọi người yên tâm, phấn khởi. Gặp bữa hú vía.

Tàu tiếp tục chạy một cách tự tin. Đến khuya, thuyền trưởng cho lệnh chạy vào sát bờ để dễ tìm Rạch Gốc, là bến định vào. Chạy dọc bờ biển hồi lâu, bỗng thấy từ trong bờ có ánh đèn, lúc xanh, lúc đỏ, không đều nhau. Rõ ràng là người của bến đón, đánh tín hiệu hỏi. Thuyền trưởng cho lệnh đánh đèn tín hiệu của tàu trả lời. Sau đó, vì đã quen bến, thuyền trưởng cho tàu rẽ vào một lùm cây.

Tàu giảm tốc độ, rồi dừng lại. Một chiếc xuồng nhỏ cập tàu, và tàu thả thang dây cho người ở xuồng lên tàu. Té ra người quen. Người đó, anh em trên tàu gọi là anh Ba Cụt, vì một tay bị cụt. Sau có người nói với tôi, anh Ba Cụt đã từng đi thuyền ra Bắc với các đồng chí lãnh đạo, không chịu nổi sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm, ra Bắc xin Trung ương cho vũ trang đấu tranh. Nay lại trở về quê hương, làm nhiệm vụ ở bến, đón các chuyến tàu chở vũ khí tiếp tế cho phong trào miền Nam.

Hàn huyên một chút, anh Ba Cụt mới nói rằng tàu các anh trả lời sai tín hiệu. Lẽ ra phải bắn. Nhưng thấy dạng tàu đúng là của ta, nên trong bờ không bắn, đợi vào xem sao. Lại một phen hú vía. Không hiểu liên lạc điện đài ra sao. Tàu chúng tôi vào bến này, là đã được trên đồng ý rồi kia mà! Anh Ba Cụt cho biết hôm nay, cũng đón một tàu. Vậy là tàu kia cũng sắp đến. Quả nhiên, chỉ một lát sau, có một tàu nữa  vào. Sau này, khi về đến khu 9, tôi được biết tàu vào sau tàu chúng tôi là tàu chở anh Lê Đức Anh. Tàu đó đi trước chúng tôi, nhưng vì lý do nào đó phải nghỉ lại dọc đường. Thành ra đi trước, mà lại đến sau. Cuối cùng đều đến được đích. Chuyến đi mất khoảng 7-8 ngày. Anh em ở bến đưa chúng tôi đến chỗ nghỉ. Còn vũ khí thì huy động lực lượng bốc dỡ. Nơi tạm trú của chúng tôi là những chòi, làm trên cây đước. Đi từ chòi nọ sang chòi kia, phải đi bằng "cầu khỉ", cũng làm bằng những cây đước. …Tôi còn bị tình trạng người ta gọi là "say sóng đất". Ngồi, nằm, đứng, cứ thấy trời đất nghiêng ngả, y như lúc còn ở trên tàu. Mất mấy ngày như vậy rồi mới ổn định.

Sau 11 năm sống và hoạt động ở Nam bộ, dần dần tôi hiểu tương đối đầy đủ hơn về miền đất ruột thịt này của Tổ quốc. Nhưng tôi không sao quên được những hình ảnh khi lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất cực Nam này; mảnh đất biết bao đau thương và anh dũng, đồng thời cũng nhiều huyền thoại này. Một giai đoạn chiến đấu mới trong đời hoạt động cách mạng của tôi bắt đầu từ nơi đây.

Sau 30/4/1975, mãi đến năm 1990, tôi mới có dịp đến lại Cà Mau. Bí thư Tỉnh ủy Minh Hải lúc đó là anh Tư Hườn… Anh cho người đưa tôi về Năm Căn. Năm ấy chưa làm xong đường ô tô từ Cà Mau đi Năm Căn, nên vẫn phải đi xuồng máy, mất gần nửa ngày. Năm Căn đã thay đổi quá nhiều so với năm 1964, khi tôi đến đó. Các đồng chí ở Huyện đã giúp đưa tôi về Rạch Gốc, đến thăm nhà đồng chí Hai Dĩa, người phụ trách bến Rạch Gốc năm 1964; đã đón nhiều con tàu tiếp tế vũ khí cho miền Nam, trong đó có con tàu đưa tôi lần đầu tiên đến miền Nam thân yêu, tại Đất Mũi, điểm cực Nam của nước ta. Anh Hai không còn. Chị Hai tiếp tôi, ôn lại chuyện xưa. Tôi thắp hương trên bàn thờ anh Hai, tưởng nhớ đến người đã khuất.

Những hình ảnh của 26 năm về trước hiện lên trong tâm trí tôi. Đồ Sơn, Rạch Gốc, đường Hồ Chí Minh trên biển, những con tàu không số, thuyền trưởng Phước, đồng chí thợ máy chưa biết tên, anh em thuyền viên con tàu tôi đã đi; và biết bao chiến sĩ mà tôi chưa được biết. Ai còn, ai mất?

Dù thế nào, suốt đời, bao giờ tôi cũng nhớ đến những con người ấy; cũng như không bao giờ quên được chuyến đi ấy trong đời tôi.

Nguyễn Tài (Kỷ niệm 20 năm Ngày giải phóng miền Nam. Ghi lại ngày 6/1/1995)
.
.