Bản làng trên vai người lính

Thứ Hai, 10/10/2022, 12:44

Trong những cơn lũ dữ hay những thời khắc đặc biệt của thiên tai, những người lính biên phòng ở các bản làng heo hút nơi biên viễn lại gánh vác trách nhiệm và xứ mệnh không chỉ của một người lính, mà còn là của đồng bào nước Việt dành cho nhau.

Lao vào lũ dữ

Người lính biên phòng từ câu hát “anh ở biên cương...” mà vất vả, mà hy sinh. Có thể biết bao câu chuyện họ còn ém giữ không thổ lộ, nhưng đường biên của chúng ta luôn luôn trường tồn, có không ít máu đổ và những hy sinh lặng thầm của họ.

Không chỉ thế, trong những ngày Kỳ Sơn ngập chìm trong lũ dữ, lính biên phòng là một trong những lực lượng đầu tiên xông pha, sát cánh với nhân dân, vì nhân dân. Ngay khi nhận tin về cơn lũ dữ, Đồn biên phòng Nậm Càn đã khẩn trương cử 20 cán bộ, chiến sĩ, dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Trần Văn Tùng, Chính trị viên phó trực chỉ Mường Xén, hướng về những người dân. Đồn biên phòng Nậm Càn đóng quân ở một địa bàn khá khó khăn, trấn giữ nhiều điểm xung yếu.

Bản làng trên vai người lính -0
Bản làng trên vai người lính -1
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Càn, Na Ngoi, Keng Đu, Mỹ Lý… hỗ trợ người dân sau lũ quét.

Nơi đây có một người con của dân tộc Mông đã ngã xuống vì bình yên biên giới: Liệt sĩ Và Tổng Khư. Cùng với đó là những sĩ quan, người lính biên phòng từ các đồn như Đồn biên phòng Na Ngoi, Keng Đu, Mỹ Lý... với tổng hơn 100 quân số cũng đã hội quân nơi điểm nóng. Ở đó, đồng bào thị trấn Mường Xén, xã Tà Cạ đang ngơ ngác, hoảng loạn vì những gì kinh hoàng mới trải qua. Nhà cửa bị san bằng, xe cộ, vật nuôi trôi theo hoặc bị nhấn chìm nơi cơn lũ đi qua.

Trận lũ quét để lại di chứng nặng nề. Đã có cháu bé 4 tháng tuổi tử vong. Có 57 nhà bị đổ sập, cuốn trôi hoàn toàn, 141 nhà bị hư hỏng nặng, 36 nhà nguy cơ sạt lở. Đổ sập, hư hỏng hay sạt lở cũng cụ thể là đã có tổng 234 hộ gia đình không còn nhà để ở, còn vật chất khác chưa tính được.

Ngổn ngang sau lũ là hàng ngàn m3 đất đá tràn vào ngập kín nhà, có nhà đá tuôn ồ ạt chất kín cao gần 3 mét. Các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Nậm Càn, hay các đồn Na Ngoi, Keng Đu, Mỹ Lý đã trần lưng, lao vào dọn dẹp, vác đá, ủi bùn... vô vàn công việc không tên để phần nào làm giảm đi thiệt hại cho bà con, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Bản làng trên vai người lính -0
Cô giáo Nguyễn Thị Giang và Trung úy Lê Đình Thành tạm gác niềm vui riêng để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Những người chiến sĩ trẻ măng, hay những cán bộ tóc đã hai màu trên vùng sương gió biên thùy này bỗng dưng như hóa “thần đèn”. Đó là khi các anh dịch chuyển nhà cửa ra khỏi khu vực nguy hiểm. Bộ đội “thần đèn” đã chuyển dịch 2 ngôi nhà an toàn, từ phía sau ra trước khoảng hơn 4m. Hay chuyển dời, xử lý hàng trăm tấn đất đá, bùn lầy ra khỏi nhà dân, khỏi các bản làng bị lũ quét tấn công, cùng những thân gỗ rừng án ngữ trước nhà, trên những con đường...

Những cán bộ, chiến sĩ đã không biết mệt mỏi, không quản khó khăn vất vả, không màng tới nhọc nhằn của bản thân. Tất cả họ, chỉ mong đồng bào sớm ổn định trở lại cuộc sống bình thường, không ai bị thương tích. Thiếu tá Trần Văn Tùng, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Nậm Càn cho biết, không chỉ giải quyết hậu quả về vật chất do thiên tai gây ra với hàng nghìn khối bùn đất, cây cối, mà nỗi lo sau đó là nước sạch, thực phẩm, y tế cho đồng bào chống chọi lại với thiên tai cũng hết sức cần thiết. Nước sạch, thuốc men, vật tư y tế, thực phẩm sẽ được hỗ trợ người dân để tạm thời bước đầu ổn định cuộc sống.

Cho đến hôm nay, nước sạch đã có lại nhưng ngổn ngang vẫn còn đó. Lính biên phòng xứ Nghệ vẫn đang còn những ngày đầy cam go phía trước. Khi đồng bào chưa yên, người lính vẫn còn thao thức từng phút, từng giây. Những miếng cơm, hớp nước ăn vội, uống nhanh bên những dòng bùn đỏ, những vất vả, nhọc nhằn đến bao nhiêu cũng không làm sờn lòng họ.

Bản làng trên vai người lính -0
Bản làng trên vai người lính -1
Cán bộ, chiến sĩ hành quân vào vùng lũ quét.

Bản làng trên vai người lính

Bộ đội biên phòng luôn nằm lòng câu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”. Bởi thế, họ đã thực sự “4 cùng” với đồng bào nơi mọi nẻo đường biên. Họ là người lính trấn giữ biên cương, là thầy giáo mang quân hàm xanh, là những người sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn với bà con các dân tộc. Ở vùng biên cách phố thị hơn 300 km này, thời tiết thất thường. Trong suốt chặng đường tuần tra, những cơn mưa rừng liên tục trút xuống, ướt sũng những tấm áo lính.

Kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra, các cán bộ, chiến sĩ ở đây phải gồng mình để kiểm soát đường biên, vừa để ngăn chặn người vượt biên về, vừa để phòng chống ma túy. Đó là những nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm và gian nan.

Chấp nhận vất vả, gian nan, đối mặt với hiểm nguy để đổi lại sự bình yên cho nhân dân, những người lính biên phòng ở xứ Nghệ như những chàng lực sĩ, gánh bản làng trên vai mình vượt qua khó khăn, vượt qua thiên tai bão lũ, được hưởng những ngày tháng bình yên.

Theo thống kê, khu vực biên giới phía Tây Nghệ An trong nhiều năm qua vẫn là nơi khó khăn nhất của tỉnh mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và địa phương có những chủ trương chính sách tập trung ưu tiên các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt... nên tốc độ phát triển của các xã biên giới chậm, hiện nay vẫn còn gặp khó khăn về nhiều mặt; đời sống của nhân dân còn nhiều thiếu thốn, tỉ lệ đói nghèo cao. Thế nên, bên cạnh những thiếu thốn về mặt tinh thần, người lính biên phòng Nậm Càn còn gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt do sự khắc nghiệt của thời tiết. Điển hình như việc tăng gia sản xuất, mặc dù thời tiết thất thường, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn thay nhau tưới rau thường xuyên để rửa sạch sương muối. Bên cạnh đó là lựa chọn giống rau để trồng cho phù hợp với khí hậu (như bắp cải, rau cải) nhằm đảm bảo rau xanh cho những bữa ăn hằng ngày. Cùng với việc tăng gia sản xuất để đảm bảo thực phẩm, rau xanh tại chỗ thì có một số thực phẩm không thể thiếu tại các chốt phòng dịch COVID-19, đó là cá khô và lạc khô. Đây là những loại thực phẩm mà tại các tổ chốt biên phòng đều phải dự trữ thường xuyên, đề phòng những ngày thời tiết xấu, đơn vị không thể cử người tiếp phẩm lên chốt. Có những điểm chốt cách xa đơn vị, địa bàn dân cư, việc đảm bảo thực phẩm của cán bộ, chiến sĩ chủ yếu bằng mang vác bộ, hành quân đường rừng.

Bản làng trên vai người lính -0
Những phút nghỉ ngơi hiếm hoi.

Với các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Nậm Càn, có những câu chuyện riêng của từng người lính như bài ca bất tuyệt về đời lính, tình nghĩa đồng bào, chuyện hậu phương ít người được biết.

Như chuyện của Trung úy Lê Đình Thành, vì nhiệm vụ chống dịch bệnh COVID-19 đã phải tạm dừng hạnh phúc riêng tư để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thời điểm tháng 4/2020, mặc dù ngày lành đã chọn, thiếp mời đã in, ảnh cưới đã chụp, nhưng đôi bạn trẻ là Nguyễn Thị Giang (giáo viên Trường Mầm non Keng Đu (Kỳ Sơn) và Trung úy Lê Đình Thành vẫn quyết định hoãn cưới để Trung úy Thành yên tâm trực chốt chống dịch.

Họ chỉ biết động viên nhau qua những cuộc điện thoại ngắt quãng, chập chờn lúc có lúc không, bởi Trung úy Thành thường xuyên phải bám chốt, tuần tra trên những đường mòn, lối mở. Câu chuyện của Thành và Giang trở thành tấm gương cho tinh thần gác tình riêng vì việc chung. Rồi sau đó, họ đã có một đám cưới tưng bừng trong sự chúc phúc của bạn bè, đồng nghiệp và người dân trên dải biên cương này.

Bản làng trên vai người lính -0
Những “thần đèn” quân hàm xanh dời nhà, dọn hàng trăm tấn bùn đất, đá lở, cây cối giúp người dân.

Đứng chân trên vùng biên ải của quốc gia, những chiến sĩ nơi đây luôn vững vàng trước khó khăn và sóng gió của nhiệm vụ quốc gia. Các anh là chỗ dựa vững chắc của đồng bào dân tộc, một phần thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng bào các dân tộc trên biên giới cũng dành nhiều tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ ở các đồn biên phòng. Như ở Đồn biên phòng Nậm Càn, bà con vẫn thường mang những sản vật của địa phương như sắn, gừng, gạo, lá dong... đến tặng cho cán bộ, chiến sĩ.

Những lúc bà con lên thăm là khi đồn có thêm tiếng nói cười ấm áp tình quân dân, nghĩa đồng bào. Bởi, còn đó là câu hát, là tâm sự của lính biên phòng “Lên biên giới! Ta đã xem nơi đây như quê hương của mình...”. Những ngày đêm tuần tra trong nắng lửa gió Lào, hay mùa đông sương phủ, hành trang của các anh vẫn là những cây súng bên mình, bản tình ca trong tim và tình yêu với Tổ quốc, với đồng bào và với cả hậu phương của mình.

Tiêu Dao – Trần Hải
.
.