Bình yên cho những buôn làng

Thứ Năm, 27/07/2023, 07:24

Trước khi được điều động về xã, họ là những người lính trinh sát ở nhiều đơn vị chuyên môn khác nhau. Buổi ban đầu ấy, việc giải quyết, xử lý những tình huống trong dân còn rất mới mẻ, có phần nguyên tắc và bản thân bà con cũng chưa quen với cách tiếp cận của các anh công an mới tăng cường về làng. Đó thật sự là giai đoạn “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Khi lính hình sự về làng

Năm 2019, khi đang là trinh sát Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, Đại úy Nguyễn Phi Hùng được điều động, bổ nhiệm về xã Ia Băng nhận nhiệm vụ trưởng công an xã. Thời điểm này, công an chính quy về xã Ia Băng mới có Đại úy Nguyễn Phi Hùng và Đại úy Lê Thế Nông.

Lần đầu về cơ sở, phụ trách an ninh trật tự trên địa bàn rộng lớn, với 7 thôn người dân tộc thiểu số, hai chàng lính trẻ không khỏi bỡ ngỡ. Vốn là lính trinh sát hình sự, quen với việc làm án xã hội, bây giờ về đây “trăm thứ việc” phải làm. Tuần đầu tiên, cứ 5 giờ sáng là hai cán bộ công an phải xuống buôn làng làm việc. Cũng trong thời gian này, địa bàn xảy ra 2 vụ treo cổ tự tử tại thôn Bông Lar và thôn O Ngó, nạn nhân là thanh niên có vấn đề về thần kinh và tự kỷ, do buồn chuyện gia đình nên tìm đến cái chết. Với nghiệp vụ trinh sát hình sự có sẵn, việc tiếp cận sự việc và bảo vệ hiện trường được Đại úy Nguyễn Phi Hùng làm nhanh chóng, rốt ráo. Xử lý xong vụ việc, một nỗi buồn chợt len lỏi trong lòng Đại úy Nguyễn Phi Hùng.

Nhìn cảnh tượng tang thương, u ám của gia đình nạn nhân, bao nhiêu câu hỏi hiện lên trong đầu. Anh đi hỏi một ông chú, từng có 20 năm làm công an xã, giữ chức phó trưởng công an xã trước khi có công an chính quy về, nhờ tư vấn và tham mưu về trường hợp này. Sau đó anh bàn bạc với anh em phải có cách nào tuyên truyền, giáo dục để cho những người trẻ trong buôn làng có cái nhìn tích cực với cuộc sống, có tình yêu cuộc đời để không bao giờ suy nghĩ nông cạn, lầm lạc đi tìm cái chết nữa.

Bình yên cho những buôn làng  -0
Đại úy Nguyễn Phi Hùng đã có trên 4 năm bám cơ sở tại xã trọng điểm của huyện Đắk Đoa.

Vào thời điểm này, Đề án 06 của Bộ Công an đang được triển khai, lực lượng Công an xã căng mình làm nhiệm vụ. Đầu tiên, các anh đi phát bản tự khai xuống từng nhà dân rồi lại đi thu về. Mang tiếng là đi phát để bà con tự khai vào phiếu nhưng nhiều người không biết hoặc biết chút ít chữ cũng không có khả năng khai vào phiếu nên các chiến sĩ công an phải đi ghi chép cho bà con từ sáng đến tối.

Buổi ban đầu ấy, việc giải quyết, xử lý những tình huống trong dân còn rất lúng túng, có phần nguyên tắc và bản thân bà con cũng chưa quen với cách tiếp cận của các anh công an “mới toanh” về làng. Đại úy Hùng tâm sự, đó thật sự là giai đoạn “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Anh suy nghĩ: “Về với dân, sống cùng dân không thể mang cái quy tắc của lính hình sự, mình phải thay đổi thì mới hòa nhịp được, đây là yếu tố sống còn để mình tồn tại và hoàn thành nhiệm vụ của một trưởng công an xã”.

Địa bàn xã Ia Băng đa phần là người dân tộc thiểu số. Trước mắt, anh em công an xã phải học tiếng dân tộc thiểu số, tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào, đặc biệt phải hiểu được cả tâm tư, tình cảm, nguyện vọng để có thể chia sẻ hoặc giúp đỡ bà con kịp thời, nhanh chóng nhất. Muốn làm được điều đó, Đại úy Nguyễn Phi Hùng và Đại úy Lê Thế Nông đã âm thầm tìm hiểu xem bà con nhân dân có suy nghĩ gì về lực lượng công an chính quy về địa bàn. Sau đó, để tiếp cận được với già làng, người có uy tín trong cộng đồng, hai cán bộ đã khéo léo vận dụng mối quan hệ lâu đời từ các anh công an bán chuyên trách, đặc biệt, các đồng chí là người dân địa phương, vốn có liên hệ cộng đồng rất khăng khít với bà con các buôn làng, nhờ sự giúp đỡ, tư vấn của các anh để bản thân được gần dân hơn, được dân tin tưởng nhiều hơn. Một thời gian ngắn, nhờ sự chân thành, cầu thị, chịu khó lắng nghe mà các cán bộ, chiến sĩ công an xã chính quy được cả hệ thống chính quyền cơ sở giúp đỡ, được các già làng, người có uy tín tin tưởng hợp tác.

2 năm sau, quân số của Công an xã Ia Băng được tăng cường về thêm 2 đồng chí, công việc chia bớt ra và đỡ áp lực hơn. Hiện tại, Công an xã Ia Băng đã được bố trí 8 đồng chí, 1 trưởng và 2 phó. Đại úy Nguyễn Phi Hùng cho biết, địa bàn xã Ia Băng vẫn còn tồn tại một số vấn đề an ninh, trật tự phức tạp, anh em công an xã phải cố gắng bám sát địa bàn, thấu hiểu từng người dân. Nhiều hủ tục lạc hậu trong làng đã được xóa bỏ, tuy nhiên vẫn còn hủ tục “ma lai thuốc thư” trong thời gian gần đây lại nhen nhóm xuất hiện.

“Cuộc chiến” xóa bỏ hủ tục lạc hậu

Vào cuối năm 2019, trên địa bàn xảy ra vụ việc có một cô bé bị bệnh hiểm nghèo qua đời tại làng Brông Thoong. Trước khi mất, cô bé kể lại với gia đình là mình nằm mơ thấy một người đàn ông trong làng có răng nanh về cắn cô. Vừa chôn cất cô bé xong, người nhà đã lập tức qua nhà người đàn ông trong mơ của cô gái yêu cầu phải giải “thuốc thư” cho cô được siêu thoát, nếu không làm thì sẽ bị đánh chết. Không chỉ gia đình mà dòng tộc và bà con quanh làng đều kéo đến nhà người đàn ông bị cho là có “ma lai thuốc thư”. Đang sống yên lành tự nhiên mang vạ chỉ vị một giấc mơ của người đã chết, người dân cảm thấy cuộc sống của mình bị đảo lộn, đêm ngày bất an, phiền toái.

Sự việc có dấu hiệu mất an ninh, trật tự trên địa bàn buộc các cán bộ, chiến sĩ công an xã và các cơ quan đoàn thể phải vào cuộc giải quyết. Việc đầu tiên, tổ công tác liên ngành xác định phải tuyên truyền, vận động cho bà con hiểu được lối suy nghĩ của mình là sai trái, lệch lạc, không đúng với văn hóa của buôn làng. Đại úy Nguyễn Phi Hùng cùng anh em công an xã có mặt ngày đêm tại thực địa, vừa tuyên truyền, vừa tìm cách thuyết phục bà con nhanh chóng trở về nhà, mặt khác, an ủi, động viên nạn nhân bình tĩnh, không sợ hãi, phối hợp chặt chẽ với công an. Sau nhiều ngày, sự việc tạm lắng xuống nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để, tổ công tác phải đưa nạn nhân đi lánh nạn tại nhà người quen ở huyện Đức Cơ, Gia Lai.

Bình yên cho những buôn làng  -0
Buổi nói chuyện với bà con các buôn Làng xã Ia Băng của Thượng tá Trần Sơn Đại Huynh.

Đây chỉ là giải pháp tình thế, để nạn nhân trấn an tinh thần và giải tán đám đông tại địa bàn. Tình hình yên ổn, sau một thời gian đi lánh nạn, ông trở về nhà và bắt đầu lại cuộc sống khá tốt đẹp cho đến đầu năm 2023, một nhà khác trong làng lại nói trong mơ thấy ông này về cắn họ. Vừa nắm được thông tin, các cán bộ, chiến sĩ công an xã đã xuống tận nhà người có giấc mơ để vận động, khuyên nhủ, vừa gặp gỡ trấn an tinh thần cho người đàn ông vô tội, cả đời chăm chỉ làm ăn, nào biết đến “ma lai thuốc thư” là như thế nào. Theo Đại úy Nguyễn Phi Hùng, để bài trừ được hủ tục này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở, phải kiên trì, bền bỉ tuyên truyền, vận động, thuyết phục vừa bằng tình cảm, vừa bằng lệ làng nhằm kiên quyết đẩy lùi và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu ra khỏi đời sống đồng bào.

Như đã nói, “ma lai thuốc thư" là những hình thức mê tín đã tồn tại khá lâu trong vùng đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên. Sau ngày giải phóng, cùng với sự chăm lo của chính quyền các cấp, điều kiện kinh tế được cải thiện giúp thay đổi nhận thức của đồng bào, những hủ tục trái với văn hóa, đạo đức không còn nữa. Tuy nhiên, gần đây, ở Gia Lai, nhiều vụ án mạng xảy ra có liên quan đến cái gọi là “ma lai thuốc thư”, phần nào ảnh hưởng cuộc sống bà con. Những hủ tục mê tín, lạc hậu bị một số đối tượng xấu lợi dụng để lừa bịp bà con. Đó là những "thầy mo" có khả năng trừ yêu ma và lấy ra những vật như mảnh chai, viên sỏi... mà người bệnh bị kẻ ác dùng "thuốc thư" bỏ vào người để gây đau đớn. Lực lượng công an cơ sở và chính quyền địa phương đã có nhiều phương án đấu tranh, vạch mặt các trò lừa đảo, mê tín dị đoan này.

Về cơ sở phải được dân tin yêu

Trong chuyến công tác về xã Ia Băng, chúng tôi tình cờ nghe được bài nói chuyện của Thượng tá Trần Sơn Đại Huynh - Trưởng Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Gia Lai. Đây là một trong nhiều chuyến đi về buôn làng của Thượng tá Trần Sơn Đại Huynh. Trong câu chuyện với các già làng, trưởng thôn, người có uy tín, Thượng tá Huynh đi sâu vào đời sống tình cảm, tâm tư nguyện vọng của mỗi người. Cũng là chuyện yêu đương, nạn yêu sớm tảo hôn ở một bộ phận con em người đồng bào, thay vì viện dẫn các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình ra để răn dặn, cảnh tỉnh thì Thượng tá Trần Sơn Đại Huynh hỏi những người làm cha làm mẹ: “Con chúng ta biết yêu chưa? Yêu từ bao giờ, yêu như thế nào...”. Khi chúng ta biết được con cái yêu sớm, hãy nhẹ nhàng khuyên nhủ chúng, nói cho chúng hiểu hôn nhân quá sớm sẽ ràng buộc tuổi trẻ của nhau, con cái sinh ra thiếu ăn, đói mặc lại khổ cho gia đình và buôn làng. Khuyên chúng hãy ra ngoài đời kiếm tiền, làm việc bằng tất cả tuổi trẻ đang có để xây dựng gia đình khá giả lên. Khi cuộc sống ấm no, chúng ta dựng vợ, gả chồng cho con là thời điểm đẹp nhất.

Bình yên cho những buôn làng  -0
Đại úy Lê Thế Nông - Phó Trưởng Công an xã Ia Băng nói chuyện với già làng Amưr.

Anh cũng chia sẻ với các già làng, vốn là bậc tôn kính của bà con. Các già làng phải vận dụng khéo léo giữa lệ làng và phép nước để làm sao bà con vừa tâm phục lại vừa khẩu phục cái lý, cái tình của người đi hòa giải. Sau buổi nghe cán bộ nói chuyện, già làng Amưr (70 tuổi) làng Châm Bôm hồ hởi cho biết, bà con trong làng cơ bản đều chăm chỉ làm ăn, những quy định pháp luật nào chưa thông hiểu sẽ nhờ các anh công an xã giải thích, thậm chí, ai không biết chữ, các anh cũng viết giúp luôn. “Làng mình bây giờ đã không còn duy trì các hủ tục lạc hậu xa xưa nữa. Bản thân là già làng, mình tham gia giải quyết việc làng rất nhiều. Già đi hòa giải, đi tuyên truyền vận động bà con không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, thấy người khác làm việc không tốt phải biết khuyên nhủ và đi báo cáo với công an để ngăn chặn lại. Bản thân mình phải tự lo cho mình, trên đời này làm gì có chuyện ngồi không mà được hưởng sung sướng”, già Amưr chia sẻ.

Từ ngày có công an chính quy về cơ sở, tình hình an ninh, trật tự trên các buôn làng xã Ia Băng nói riêng và huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai nói chung cơ bản ổn định. Từng nhiều năm là trinh sát an ninh, bám làng, bám thôn, buôn, Thượng tá Kror Định - Phó Trưởng Công an huyện Đắk Đoa cho rằng, điều quan trọng nhất của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an về cơ sở là phải sâu sát buôn làng và được nhân dân tin yêu. Trong nhiều năm qua, lãnh đạo công an huyện đã triển khai các kế hoạch bám làng, bám dân, tích cực thực hiện công tác vận động quần chúng một cách chặt chẽ, thông suốt. Lực lượng an ninh cơ sở đã không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn kề vai sát cánh, bám buôn làng để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, đề đạt những nguyện vọng của bà con, để cùng chung tay xây dựng, phát triển buôn làng, quê hương ngày một giàu đẹp và bình yên.

Ngọc Hoa
.
.