"Đại dịch" mang tên smartphones: Những đứa trẻ… “cúi đầu”! (bài 2)
Có những đứa trẻ, tuy chưa nghiện smartphones đến mức phải đi bệnh viện điều trị về thần kinh, song việc lạm dụng thiết bị số đã và đang khiến cho tâm hồn, nhận thức, ứng xử... của chúng bị lệch lạc.
Một số em lại bắt chước những hành động, lời nói... mà các em xem, nghe được trên mạng xã hội và nhanh chóng học theo, để rồi chịu những hậu quả nặng nề...
Khi smartphone "nuốt" cả… người
Ngày này, mỗi khi bước chân ra đường người ta có thể dễ dàng bắt gặp những bạn trẻ Gen Z trong khi đi bộ, đi siêu thị, đi xem phim, thậm chí đang ăn, đang uống song mắt vẫn dán vào màn hình điện thoại, còn tay thì bấm, vuốt liên tục như thể một thói quen. Đầu các em lúc nào cũng cúi xuống để xem những gì thì có trời mới biết. Dường như họ đã bị smartphones "nuốt chửng". Và đã có bao nhiêu nghịch lý trong cuộc sống mà ai cũng nhìn ra, song đa phần đều tặc lưỡi chấp nhận.
Đơn cử một nhóm bạn trẻ rủ nhau đi uống cà phê. Song khi ngồi cạnh nhau trong quán thì mỗi người lại cắm đầu vào một chiếc điện thoại, hầu như không ai nói với ai câu nào. Khi đi ăn, đi du lịch thì điều đầu tiên là phải selfie một bức ảnh thật "đệp" (một kiểu phát âm cố tình sai chính tả như một cách nhấn mạnh) để check in địa điểm, để nuôi "phây" (mạng xã hội Facebook). Cá biệt là khoe với cả thiên hạ rằng ta đã từng ăn, từng có mặt ở những địa điểm sang chảnh "như vầy, như vầy"... Sau khi đã up lên mạng thì lại canh "nô-ti" (notifications - thông báo) để xem có ai like, "thả tim" hay comment để comment lại.
Nói chung từ khi ngủ dậy cho đến lúc đến trường/ đi ăn/ đi vệ sinh/ đi mua sắm... chiếc điện thoại di động trở thành vật bất ly thân của nhiều bạn trẻ. Cho đến đêm trèo lên giường ngủ thì vẫn say mê lướt mạng cho đến khi hết pin hoặc buồn ngủ rũ ra thì mới buông.
Cũng chính vì lúc nào cũng cắm mặt vào các thiết bị công nghệ như thế nên quả cũng không kém phần tả thực khi nói Gen Z là “đại diện cho một thế hệ cúi đầu”. Theo nghiên cứu của bác sĩ Kenneth Hansraj, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống tại Bệnh viện phẫu thuật cột sống New York, hiện tượng “Text Neck” (cổ của những người thường xuyên nhắn tin) xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là thoái hóa cột sống nhanh chóng. Đầu người nặng khoảng 4,5kg, khi cúi đầu phần cổ chúi về phía trước trọng lượng trên cột sống bắt đầu tăng lên; nếu cúi đầu xuống 15 độ áp lực của cột sống tiếp tục tăng mạnh. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa cột sống đang xảy ra phổ biến ở nhiều bạn trẻ hiện nay.
Bên cạnh đó một bộ phận thanh thiếu niên thường xuyên “cúi đầu” để lướt mạng xã hội, chat chit nhắn tin hay xem phim bằng các thiết bị số ngày càng phổ biến đã khiến cho họ càng bị mạng xã hội chi phối. Họ có nhiều bạn bè hơn nhưng cũng cô đơn hơn, họ dễ bị kích động hơn song cũng lạnh lùng hơn. Đặc biệt là nhiều bạn trẻ rất dễ bị ảnh hưởng của mạng xã hội, học theo những điều xấu trên mạng và trở nên thờ ơ, vô cảm.
Chị Nguyễn Thị Oanh (hiện đang công tác tại ngành giáo dục ở Hà Nội) buồn bã chia sẻ. Do cả hai vợ chồng đều rất bận rộn với công việc ở cơ quan, cũng như việc đầu tư cải thiện kinh tế gia đình nên đã bỏ bẵng việc trông nom hai con trong khoảng hơn một năm. Thời gian gần đây, chị mới giật mình khi thấy cô con gái lớn đang học THPT tỏ ra cực kỳ vô cảm trước những sự kiện xảy ra trong chính gia đình cũng như ngoài xã hội.
Mỗi khi ăn uống cùng với gia đình, cháu quên bẵng luôn việc mời chào trước và sau khi ăn, hay cũng không có ý thức để phần thức ăn cho người đi làm về muộn. Hơn thế, khi ông bà bố mẹ than thở bị ốm, bị mệt cháu cũng chẳng hề có một lời hỏi thăm, hay có ý định nấu nướng đỡ đần cha mẹ. Lúc nào cũng chỉ biết cắm mặt vào Iphone, Ipad và bấm, vuốt... choanh choách. Đến bữa không có đồ ăn thì gắt gỏng: "Sao ông bà ốm lâu thế? Không có người nấu cơm cho tôi ăn!".
Chồng chị Oanh công tác trong lực lượng vũ trang, một lần, khi nghe tin có đồng đội hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, hai vợ chồng chị đều cảm thấy choáng váng, đau đớn. Là người mau nước mắt, tối hôm đó chị Oanh không ăn được cơm mà ngồi khóc nấc lên. Cô con gái lớn sau khi đã đánh bay một con gà luộc thì quay sang mẹ hỏi: "Mẹ bị sao đấy? Bị mất tiền hay làm sao?". Chị Oanh đưa cho con đọc bài báo trên mạng Internet, không ngờ cô bé dài giọng: "Ôi giời ôi... tưởng gì! Con xem trên phim Mỹ cảnh sát bắn nhau chết đầy. Mà quả này có mà tha hồ tiền phúng...". Chồng chị nghe đến đấy thì điên tiết, không kiềm chế nổi mà cho đứa con một cái bạt tai. Không ngờ cô con gái đang cầm cái điện thoại cũng phản ứng bằng cách ném mạnh xuống nền nhà, vỡ tan tành...
Bắt chước và hậu quả
Trẻ em như tờ giấy trắng, rất dễ bắt chước những gì người lớn làm, hoặc những gì chúng xem được trên mạng. Đặc biệt, các em cũng thường tò mò và muốn làm theo. Sự vô tâm của các bậc phụ huynh đã khiến các em trượt dài rồi chịu những hậu quả nặng nề.
Dù đã có ý thức để hai đứa con bớt xem tivi, điện thoại, song chị Loan (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn không thể tránh khỏi những lúc phải “dí” cho con chiếc điện thoại. Tất nhiên, chị chỉ cho phép con xem những chương trình mà chị cho là bổ ích, phù hợp với trẻ con.
Song một hôm khi đang nấu cơm trong bếp, chị nghe cậu con trai 7 tuổi đọc oang oang mấy câu quảng cáo thuốc... tăng cường sinh lý cho đàn ông với những ngôn từ khơi gợi rất phản cảm. Hỏi ra mới biết cu cậu xem được đoạn quảng cáo đó trên YouTube, được chèn vào giữa những bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em.
Chưa hết, tuần trước chị còn nhận được phản ánh từ cô giáo chủ nhiệm về việc cô con gái đang học THCS có những biểu hiện bất thường, cần phải theo dõi. Và khi cô gửi cho clip bé chửi "như hát hay" ở trường với một số bạn nữ thì chị Loan choáng váng luôn. Sau khi đã làm công tác tư tưởng, cô con gái mới kể do xem nhiều clip chửi nhau trên Tiktok, nên hôm bị chị lớp trên bắt nạt cháu tức quá nên phun ra một tràng.
Nguy hiểm hơn, việc một số cháu bé học theo những thử thách trên mạng xã hội, để rồi mất đi mạng sống quý giá. Như vụ bé trai 8 tuổi (ở Đồng Nai) tử vong do học theo “thử thách Momo” trên mạng xã hội.
Người thân của cháu kể lại, đang xem ti vi cùng gia đình cháu V.P.L vào nhà vệ sinh để đi tắm. Một lúc sau không thấy cháu L. ra khỏi nhà vệ sinh nên mẹ cháu nói anh trai của L. gọi nhưng không thấy trả lời.
Sau khi gọi và kiểm tra không thấy trả lời, linh tính có điều chẳng lành, người mẹ nhờ người phá cửa nhà vệ sinh thì thấy cháu L. treo lơ lửng ở sát tường, cổ cuốn áo thun màu xanh dương đang mặc trên người, cổ áo móc trên móc treo quần áo trong nhà vệ sinh.
Sau khi bế ra khỏi nhà vệ sinh, không thấy thở gia đình vội vàng đưa đi cấp cứu nhưng cháu đã tử vong trước đó. Gia đình cho biết, cháu L. không có bệnh tật gì nhưng thường ngày cháu rất hiếu động, khi chơi đùa thì thích móc áo, quần đang mặc trên người vào cành cây để treo lủng lẳng. Gia đình cho rằng cháu tử vong do học theo "thử thách Momo" trên mạng xã hội.
Trước đó một bé gái 5 tuổi tại TP Hồ Chí Minh cũng đã tử vong sau khi xem và làm theo video hướng dẫn trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên mạng xã hội. Còn bé gái 9 tuổi ở Phú Thọ học theo clip trên YouTube rồi nuốt bấm móng tay vào bụng phải đi phẫu thuật; trường hợp một nhóm học sinh ở Tuyên Quang học theo clip trên mạng nướng cóc ăn, phải nhập viện vì ngộ độc nặng…
Với tốc độ bùng nổ của thời đại công nghệ số, kéo theo sự phát triển của các trang mạng xã hội với đủ các chiêu trò nhằm mục đích câu view kiếm tiền khiến clip phản cảm, phản giáo dục xuất hiện ngày càng nhiều. Đối tượng được nhắm tới thường là trẻ em từ 8 đến 16 tuổi. Đây là lứa tuổi tò mò và chưa trưởng thành về nhận thức nên khi xem những clip này, nhiều em chưa phân biệt được đúng sai dễ dẫn đến suy nghĩ lệch lạc, lệch chuẩn, một số em còn bắt chước làm theo rất nguy hiểm.
Đã có thời gian những clip “giang hồ mạng”, “thánh chửi” của một số nhân vật có hành vi vi phạm pháp luật lại được một bộ phận giới trẻ “thần tượng” làm lệch chuẩn giá trị đạo đức khiến dư luận bức xúc.
Có những kênh YouTube như Timmy TV với đối tượng người xem chủ yếu là trẻ em nhưng đăng tải rất nhiều video, clip, hình ảnh có nội dung mê tín, kinh dị, bạo lực… ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ. Đáng chú ý là các clip này đều thể hiện bề ngoài là các hình ảnh hoạt hình, nếu chỉ lướt qua phụ huynh sẽ không nhận thấy sự bất thường, nguy cơ độc hại đối với trẻ em.
Sau khi dư luận có ý kiến, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và ra quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với chủ kênh này, đồng thời yêu cầu đóng kênh, không được phép hoạt động. Trước đó, kênh YouTuber Thơ Nguyễn cũng bị dư luận lên án vì clip “Xin vía học giỏi từ búp bê ma”, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng và khóa kênh này vì hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy mê tín dị đoan, không phù hợp với trẻ nhỏ.
Dù vậy, thực tế những trang mạng xã hội phản cảm, thiếu tính giáo dục bị dư luận phản ánh và cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời như Thơ Nguyễn, Timmy TV vẫn chiếm tỉ lệ quá nhỏ so với tốc độ phát triển như vũ bão của các kênh thông tin nhảm nhí, độc hại đối với giới trẻ trên mạng xã hội như hiện nay...