Đại úy Trần Ngọc Thăng: Thanh xuân “cắm bản” và những kỷ niệm khắc vào nỗi nhớ

Thứ Sáu, 01/10/2021, 14:58

Nói về “bí quyết” để gần dân, hiểu dân, Đại úy Trần Ngọc Thăng cho rằng: “Phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và quan tâm đến quyền lợi chính đáng của nhân dân. Khi nhân dân cảm nhận được sự chân thành của cán bộ, họ sẽ xem cán bộ như người nhà mà không tồn tại một rào chắn nào cả”...

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống khi có bố là cán bộ trong ngành Công an, ngay từ nhỏ, Trần Ngọc Thăng đã ước mơ khoác lên mình bộ cảnh phục màu xanh. Để rồi, bước sang tuổi 21, ước mơ ấy trở thành hiện thực, anh vẫn còn nhớ ngày cầm quyết định phân công công tác về Công an huyện Mường Ảng (Điện Biên): “Sự hồi hộp xen lẫn niềm vui khiến tay tôi run bần bật. Và từ khoảnh khắc ấy, tôi biết rằng, một cánh cửa mới, nhiều thử thách và cũng đầy thú vị đang dần mở ra trước mắt mình”.

1. Bắt đầu chặng đường đầu tiên từ Đội Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về an ninh, trật tự (nay là Đội Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc), Trần Ngọc Thăng không tránh khỏi những bỡ ngỡ với công tác “cắm bản”, nắm hộ, nắm người và tình hình địa bàn cơ sở. Nhiều người thường nói đùa, đây là công việc làm dâu trăm họ, tưởng dễ dàng nhưng bắt tay vào làm mới thấy chẳng đơn giản chút nào. Bởi làm thế nào cho dân yêu, dân quý, dân tin tưởng và phối hợp cung cấp cho công an những thông tin quan trọng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là cả một quá trình dày công cố gắng “3 cùng” với nhân dân: cùng ăn, cùng ở, cùng làm.

Đại úy Trần Ngọc Thăng: Thanh xuân “cắm bản” và những kỷ niệm khắc vào nỗi nhớ -0
Đại úy Trần Ngọc Thăng luôn tâm niệm cán bộ Công an ở cơ sở là làm hết việc, không làm hết giờ.

Phụ trách xã Ẳng Nưa, một địa bàn đa phần là đồng bào dân tộc Thái, muốn tạo được mối quan hệ hòa đồng, gần gũi với nhân dân, Trần Ngọc Thăng xác định phải chịu khó tìm hiểu văn hóa địa phương để có sự tương tác chuẩn mực. Mọi lời nói, cử chỉ khi tiếp xúc với nhân dân phải luôn thật sự chỉn chu nhưng không gợi cảm giác cầu kỳ, khách sáo. Nhớ lại ngày đầu đến đây, anh chia sẻ: “Có những điều mình nói, người dân không hiểu hết. Trình độ dân trí ở đây còn khá thấp nên khi thực hiện công tác dân vận, tôi luôn nỗ lực “giải mã” những thuật ngữ mang tính hàn lâm, tìm cách diễn đạt ngắn gọn, bình dân, dễ hiểu, dễ nhớ nhất. Mỗi ngày tích lũy một kinh nghiệm nhỏ, dần dần, mọi thứ trở nên thuận lợi, suôn sẻ hơn”.

5 năm “cắm bản” ở xã Ẳng Nưa, dù tình hình an ninh, trật tự địa bàn không quá phức tạp nhưng những vụ việc lặt vặt như: tranh chấp nguồn nước, đất nương, vợ chồng ghen tuông, cãi cọ hay chuyện trộm gà, mất vịt... mới là khó giải quyết vì còn phải cân nhắc bên lý, bên tình sao cho linh hoạt để trước là đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, sau là làm cho người vi phạm cảm thấy thuyết phục và có cơ hội sửa sai. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều vụ trọng án lại xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt như thế. Bởi vậy, anh đã luôn nắm chắc tình hình địa bàn, phân tích, đánh giá mức độ của sự việc xảy ra để kịp thời tham mưu cấp trên tháo gỡ, xử lý vấn đề dứt điểm ngay từ cơ sở, tránh bị động, bất ngờ.

Nói về “bí quyết” để gần dân, hiểu dân, Đại úy Trần Ngọc Thăng cho rằng: “Phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và quan tâm đến quyền lợi chính đáng của nhân dân. Khi nhân dân cảm nhận được sự chân thành của cán bộ, họ sẽ xem cán bộ như người nhà mà không tồn tại một rào chắn nào cả”. Sự gần dân, hiểu dân cũng chính là chiếc cầu nối vững vàng nhất để cán bộ công an có thể tuyên truyền, phổ biến những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm đến toàn thể nhân dân một cách chân thực, sinh động và sâu rộng nhất, từ đó, nhân dân biết những điều nên làm, những việc phải tránh, luôn đề cao cảnh giác, đồng thời chủ động đấu tranh tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Gắn bó với địa bàn, anh đã thực hiện tốt công tác vận động, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương duy trì hoạt động hiệu lực, hiệu quả của các mô hình như: tổ an ninh nhân dân, tổ dân phòng, tổ hòa giải... nhằm tạo nền móng vững chắc trong phòng ngừa tội phạm. Qua đó, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn cơ bản được đảm bảo, các vụ việc trộm cắp tài sản được kéo giảm qua các năm.

2.Năm 2014, khi chuyển công tác về Công an huyện Tuần Giáo (Điện Biên), anh tiếp tục phát huy sở trường khi được giao phụ trách xã Quài Tở. Đến vùng đất mới, anh luôn cố gắng nghiên cứu, sáng tạo nhiều cách làm hay nhằm từng bước đánh giá, đưa ra biện pháp loại trừ các nguyên nhân, điều kiện hình thành, phát sinh tội phạm, góp phần ổn định địa bàn. Sự tâm huyết của anh được người dân ghi nhận, ủng hộ và cung cấp nhiều thông tin có giá trị về trật tự an toàn xã hội, nhất là các tin về tội phạm ma túy. Từ đó, giúp anh kịp thời trao đổi, tham gia phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra triệt xóa thành công nhiều vụ án, chuyên án lớn.

Đại úy Trần Ngọc Thăng: Thanh xuân “cắm bản” và những kỷ niệm khắc vào nỗi nhớ -0
Đại úy Trần Ngọc Thăng giúp dân thu hoạch lúa.

Những năm gắn bó với bản làng, Trần Ngọc Thăng không bao giờ quên những ngày cùng dân dựng nhà, đào ao, trồng ngô, nhổ sắn... Bữa cơm độn mấy phần ngô, sắn, ăn với măng đắng chấm muối ớt mà đằm sâu, chan chứa nghĩa tình. Nhiều năm trôi qua, khi trở về những bản làng từng ghi dấu một thời thanh xuân sôi nổi, nhiều người vẫn nhớ đến anh với những ấn tượng tốt đẹp.

3.Hiện tại, Đại úy Trần Ngọc Thăng đang công tác tại Công an thị trấn Tuần Giáo. Đây là địa bàn trung tâm của huyện, gồm 13 dân tộc anh em cùng sinh sống nên có sự đa dạng về bản sắc văn hóa, vừa mang đến nhiều thuận lợi, vừa đặt ra không ít thách thức. Vài năm gần đây, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn diễn biến với phương thức, thủ đoạn khá phức tạp. Do địa bàn tương đối rộng, khối lượng việc lớn, trong khi quân số đơn vị còn mỏng nên với vai trò là trinh sát tổ phòng, chống tội phạm, kiêm nhiệm công tác cảnh sát khu vực, anh đã luôn nêu cao tinh thần tận tụy cống hiến, không quản ngại Thứ bảy, Chủ nhật với phương châm: “Làm hết việc, không làm hết giờ”.

Đầu năm 2021, thông qua công tác nắm tình hình, Đại úy Trần Ngọc Thăng và đồng đội phát hiện một đường dây nghi có dấu hiệu vận chuyển ma túy, thường xuyên tập kết tại địa bàn. Trải qua những ngày dài kiên trì theo dõi giữa thời tiết mưa phùn rét buốt, anh đã tham gia phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Tuần Giáo bắt giữ đối tượng Lường Thị Oai (sinh năm 1997, trú tại bản Món, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo) về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Nói về chuyên án này, Đại úy Thăng tâm sự: “Có lúc tưởng như mọi bước chân đều dẫn đến ngõ cụt, thú thực, tôi không tránh khỏi cảm giác áp lực và hoang mang. Nhưng, tự dặn lòng nhất định không được bỏ cuộc. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo và các đồng đội, tôi đã kiên nhẫn đến cùng và thu thập được những nguồn tin, manh mối mấu chốt”. Và anh rất tâm đắc với câu nói của một đồng đội rằng: “Điều khó khăn và cũng chính là mục tiêu lớn nhất của Cơ quan công an không chỉ là đưa thủ phạm ra ánh sáng với chứng cứ buộc tội đanh thép mà còn là cảm hóa, thức tỉnh lương tri những con người lầm đường, lạc lối ấy, bằng trái tim nhân văn, ấm áp của mình”.

Công việc nối tiếp công việc, hòa vào vòng quay tất bật đó, Đại úy Trần Ngọc Thăng vẫn luôn đón nhận mọi nhiệm vụ được giao phó với thái độ lạc quan, điềm tĩnh và sự tận tâm, thấu đáo nhất.

Quàng Thị Thảo Quả
.
.