Để mùa du lịch tới khỏi thấp thỏm, lo âu

Thứ Năm, 03/03/2022, 13:21

Sau 2 năm liêu xiêu vì đại dịch COVID-19, du lịch Việt chưa kịp vui trước một số tín hiệu phục hồi đã tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại. Phục hồi du lịch nhưng đảm bảo an toàn, đó là vấn đề quan trọng, đặc biệt là sau vụ tai nạn lật ca nô đau lòng khiến 17 du khách tử vong ở tỉnh Quảng Nam vào ngày 26-2 vừa qua.

Nghiêm túc xem lại vấn đề an toàn cho du khách

Vụ tai nạn ở biển Cửa Đại, Hội An, tỉnh Quảng Nam xảy ra vào thời điểm công bố mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới (15-3) đã cận kề. Nhận định vụ lật ca nô du lịch ở Cửa Đại là tai nạn bất ngờ, rất đáng tiếc, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) cho rằng, vụ việc sẽ có tác động không tốt cho du lịch, đặc biệt là du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng trong giai đoạn phục hồi. Trong khi cơ quan quản lý, CSGT đường thủy tìm nguyên nhân thì lãnh đạo địa phương đã có phương hướng xử lý tương đối kịp thời nhằm xoa dịu nỗi đau của người gặp nạn, hỗ trợ nạn nhân, giúp thân nhân họ nhẹ lòng hơn.

Để mùa du lịch tới khỏi thấp thỏm, lo âu -0
Đón khách an toàn, hiệu quả là bài toán đặt ra cho toàn ngành du lịch hiện nay.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có văn bản hướng dẫn từ trên xuống dưới, lưu ý tất cả các địa phương kiểm tra lại hoạt động du lịch. Vì sau 2 năm hoạt động du lịch bị ngưng trệ, có thể việc kiểm tra an toàn, kiểm định phương tiện vận chuyển chưa được làm chặt chẽ. Về vấn đề này, mới đây, Bộ Văn hóa,?Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi các địa phương, trong đó có yêu cầu kiểm tra lại toàn bộ hoạt động du lịch để đảm bảo sự an toàn khi mở cửa du lịch. Vấn đề còn lại là các địa phương cần triển khai quyết liệt.

“Lâu nay trong ngành du lịch vẫn còn có hiện tượng chủ quan, chưa kiểm tra kịp thời trong một số hoạt động như du lịch mạo hiểm hoặc du lịch vận chuyển đường thùy... Đây là thời gian cần nghiêm túc xem lại, kiểm tra chặt chẽ để du lịch yên tâm hoạt động trở lại, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Khách du lịch không chỉ quan tâm đến an toàn về dịch bệnh mà còn quan tâm đến an ninh, an toàn trong quá trình du lịch”, ông Hoàng Nhân Chính chia sẻ.

Ông Chính khuyến cáo, các doanh nghiệp và khách du lịch cần lưu ý, kiểm tra kỹ hơn, nhất là tránh những thời điểm mà vùng biển nhiều địa phương có thời tiết dễ diễn biến thất thường. Doanh nghiệp nên kiểm tra, đào tạo lại nhân viên, siết lại quy trình phục vụ khách du lịch, cố gắng đảm bảo an toàn cao nhất cho khách trong khi áp dụng các quy định của giao thông đường thủy.

Cùng chung nhận định nói trên, ông Lương Duy Doanh, Trưởng Ban Truyền thông Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, Giám đốc Công ty FiveStar Travel cho rằng, không phải đến tận khi dịch bệnh bùng phát, câu chuyện du lịch an toàn mới được quan tâm. Từ nhiều năm trước, vấn đề này đã được bàn thảo khá nhiều, nhất là mỗi lần xảy ra các vụ rủi ro trong quá trình đi du lịch. Vụ lật ca nô du lịch ở Cửa Đại, Hội An là một trong số đó. Không chỉ người thân của các nạn nhân mà người làm du lịch cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân, công bố rộng rãi. Dù là lý do chủ quan hay khách quan thì các công ty, người làm du lịch cũng cần xem xét, rà soát lại nghiêm khắc nhất, cả về phương tiện, con người, hành trình di chuyển, bảo hiểm du lịch... Khi “sống chung với COVID-19”, người làm du lịch xác định sẽ có nhiều rủi ro tiềm ẩn, phát sinh F0, lao động du lịch, chất lượng dịch vụ đôi khi chưa được như trước thời điểm xảy ra dịch bệnh. Vì vậy, bên cạnh việc tư vấn tối đa cho du khách, bản thân người làm du lịch luôn phải có các phương án dự phòng, làm sao cho chuyến đi suôn sẻ, an toàn, vui vẻ.

Rà soát quy trình để "mở cửa" an toàn

Khẳng định việc công bố mở cửa du lịch trong thời điểm hiện tại là cơ hội để du lịch Việt “trở mình” sau một thời gian dài kiệt quệ vì đại dịch, ông Lương Duy Doanh còn cho hay, dù dịch bệnh căng thẳng, người làm du lịch vẫn tranh thủ thời gian tổ chức các chương trình khảo sát, bàn thảo tìm hướng đi mới, xây dựng sản phẩm mới nhằm phục vụ du khách, nhất là khách nội địa ngay khi dịch được khống chế. Hiện nay, nhiều công ty lữ hành, đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú và dịch vụ liên quan đã sẵn sàng tư vấn, phục vụ khách. Các đơn vị đã liên kết để tung ra các gói sản phẩm vào 30-4, phục vụ dịp hè 2022. Các sản phẩm tập trung cho du lịch xanh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cố gắng tạo trải nghiệm tốt nhất cho du khách khi khám phá Việt Nam.Lượng khách tư vấn, tham gia chương trình đang nhiều lên, đặc biệt là vào dịp 30-4, 1-5.

Để mùa du lịch tới khỏi thấp thỏm, lo âu -0
Nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch sẵn sàng chờ khách.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện nay, du lịch Đà Nẵng đã sẵn sàng cho mở cửa hoạt động du lịch trở lại. Nguyên nhân cụ thể vụ tai nạn lật ca nô du lịch ở Cửa Đại, Hội An vẫn chờ cơ quan chức năng xem xét, công bố. Vụ tai nạn có ảnh hưởng đôi chút đến tâm lý của du khách nhưng đến thời điểm này Hiệp hội chưa ghi nhận trường hợp hủy tour, hủy tuyến của khách đến Đà Nẵng, Quảng Nam. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, Hiệp hội đã họp, chỉ đạo các thành viên, các công ty tổ chức du lịch bằng đường thủy nội địa phải kiểm tra, rà soát lại rất chặt các tour liên quan đến đường sông, biển, đặt an toàn của du khách lên trên hết, thận trọng trong quá trình đưa khách đi, nhất là trong những ngày thời tiết không thuận lợi.

Về những lo ngại xung quanh việc tái phục hồi hoạt động du lịch sau một thời gian ngưng trệ do dịch COVID1-19, cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển, nhân lực vận hành, hành trình đi du lịch có thể chưa được kiểm soát chặt chẽ, ông Cao Trí Dũng cho biết, tại Đà Nẵng nguồn nhân lực phục hồi theo tiến độ tái hoạt động du lịch tại địa phương. Trước khi có thông tin mở cửa du lịch trở lại vào 15-3, tại Đà Nẵng, Quảng Nam, các doanh nghiệp lớn vẫn duy trì lượng nhân lực cơ hữu nên không quá lo lắng về nhân lực. Phương tiện vận chuyển, hệ thống dịch vụ ăn uống, lưu trú hiện nay được lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, liên tục kiểm tra rà soát. Cộng đồng doanh nghiệp có sự phối hợp chặt chẽ với quản lý nhà nước, cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Để phục hồi du lịch, hiện tại, Hiệp hội vẫn quyết liệt đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tập trung cùng doanh nghiệp giải quyết khó khăn trước mắt. Các đơn vị liên kết, hình thành hệ thống sản phẩm mới, sản phẩm kích cầu, tăng giá trị, trải nghiệm lợi ích cho du khách, đẩy mạnh quảng bá, truyền thông đến các thị trường tiềm năng, duy trì đội ngũ nhân lực, kiểm tra, kiểm soát dịch vụ an toàn, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Tuy nhiên, để du lịch phục hồi hoạt động an toàn, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch thì vẫn cần một số điều kiện khác. Trong đó, “khung pháp lý” gồm các tiêu chí cụ thể về visa, yêu cầu đối với khách, doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch... thì vẫn chờ văn bản chính thức từ phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ông Dũng cho biết, hiện tại Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm thống nhất để triển khai mà vẫn bám sát điều kiện phòng, chống dịch của cả nước và từng địa phương.           

Về thời điểm mở cửa du lịch vào 15-3, hầu hết các ý kiến trao đổi với chúng tôi đều cho rằng, đây là động thái cần thiết. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng phân tích: Trong bối cảnh dịch đang bùng phát trở lại hiện nay, một số hoạt động phục hồi du lịch có thể bị chậm lại, vẫn phải đặt mục tiêu an toàn chống dịch lên hàng đầu nhưng công bố thời điểm mở cửa du lịch vào 15-3 nhằm đạt hiệu quả về truyền thông, thu hút du khách, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, vừa đáp ứng nhu cầu quay trở lại Việt Nam của nhiều nguồn khách như các nhà đầu tư, người về thăm người thân, học tập...

Để mùa du lịch tới khỏi thấp thỏm, lo âu -0
Du lịch nội địa vẫn là thị trường quan trọng trong thời gian tới.

Trưởng Ban Thư ký TAB, ông Hoàng Nhân Chính khẳng định: Với quan điểm “thích ứng, linh hoạt, an toàn, hiệu quả”, nếu chúng ta đợi hết dịch bệnh mới mở cửa thì nền kinh tế sẽ bị trì trệ, du lịch sẽ không thể phục hồi. Chính phủ, các bộ, ngành quyết tâm mở cửa du lịch vào 15-3, tuy nhiên cũng cần đưa ra những phương án phù hợp, rà soát lại các quy trình, để việc mở cửa không gián tiếp gây ảnh hưởng cho bùng phát dịch bệnh. Khi mở cửa, chúng ta không lập tức có khách ào ạt mà công bố mở cửa là để đánh dấu thời điểm trở lại bình thường mới.

Khách quốc tế đến Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào nhiều yếu tố.Dịch bệnh chỉ là một trong các yếu tố này. Việc khách quay trở lại như thế nào, cần phải tính tới các yếu tố như nền kinh tế thế giới nói chung đang khó khăn, nhiều người trước đó có khả năng đi du lịch, thường đi du lịch thì bây giờ sẽ phải cân nhắc lại. Du khách sẽ không an tâm đi du lịch trong khi tình hình chính trị bất ổn, lo lắng chiến tranh có thể lan rộng. Giá dầu tăng gián tiếp làm tăng chi phí khi hàng không, dịch vụ vận chuyển đường bộ, đường biển đều tăng...

Yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch

Về công tác chuẩn bị phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15-3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có công văn gửi sở quản lý du lịch các địa phương trên toàn quốc. Trong đó, Bộ đề nghị các sở quản lý du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch, phương án mở cửa du lịch phù hợp với địa phương, đề xuất các phương án xử lý đối với trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch, tuyên truyền về kế hoạch mở cửa lại du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Sở quản lý du lịch tiếp tục triển khai Chương trình Phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới, tăng cường xúc tiến quảng bá điểm đến, liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương và doanh nghiệp, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, yêu cầu các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch tại địa phương chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa hoạt động du lịch trong đó có các phương án phòng, chống dịch COVID-19 và xử lý khi có trường hợp mắc COVID-19 theo quy định, tự kiểm tra, rà soát chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ, chủ động tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ kịp thời đáp ứng mở cửa lại du lịch.

Minh Hà
.
.