Giải cứu nạn nhân từ những vụ buôn người

Thứ Năm, 19/01/2023, 11:14

Khi mọi người, mọi nhà tất bật chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, sắm sanh đón Tết thì với một số cán bộ Công an tỉnh Sơn La, nhất là những người tham gia giải cứu các nạn nhân từ Campuchia, Tết càng đến gần, nỗi trăn trở của họ lại càng lớn thêm. Dù đã có nhiều nạn nhân được giải cứu, trở về với gia đình sau nhiều ngày “sống trong địa ngục” nơi đất khách thì còn nhiều trường hợp hiện không biết ở đâu, sống chết ra sao.

Quá trình giải cứu các nạn nhân này là những tháng ngày khó khăn của lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng...

9-1.jpg -0
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tại lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người. Ảnh Xuân Trường.

Lầm cửa... địa ngục

Trời sập tối, đoàn người chỉ chờ đến lúc này để xuất phát. Lường Văn Đạt cùng nhóm người bước thấp bước cao, lầm lũi trên lối mòn xuyên qua rừng cao su. Trong đầu ai cũng ngổn ngang suy nghĩ, hoang mang, sợ hãi nhưng không ai dám ngẩng đầu thắc mắc với những kẻ dẫn đường. 3 kẻ lạ mặt kia mang đầy vũ khí bên mình, chẳng biết sẽ làm gì những người lao động hiền lành đang đi kiếm việc làm như Đạt. Bước chân vào rừng cao su là họ biết mình rơi vào bẫy lừa, nhưng chẳng còn cách nào khác để giữ tính mạng lúc này. Sang tới đất Campuchia, Đạt và đoàn người được bàn giao cho “công ty”, nơi mà em và nhiều người khác bắt đầu cuộc sống như địa ngục. Con đường tăm tối ấy của những người lao động chất phác đã bắt đầu từ lần bước chân ra khỏi cái bản nghèo khó để kiếm kế sinh nhai.

Lường Văn Đạt sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo ở xã biên giới Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Đang học dở lớp 11, em bỏ học để kiếm việc làm phụ giúp bố mẹ nuôi hai em nhỏ. Đạt lên mạng xã hội tìm kiếm và rất nhanh chóng tìm được mối giới thiệu “việc nhẹ, lương cao” ở TP Hồ Chí Minh. Ngày 31/5/2022, Đạt lên đường vào TP Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của người môi giới quen qua mạng xã hội.

Sau vài ngày chuyển từ chuyến xe khách này đến chuyến xe khách khác theo chỉ dẫn, em đi vào đến khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh chứ không phải vào TP Hồ Chí Minh như người môi giới nói lúc đầu. Chờ trời tối hẳn, một chiếc xe đón em và hàng chục người khác vào rừng cao su. Ở đây đã có 3 người lạ mặt chờ sẵn. Họ dẫn cả đoàn đi bộ theo đường mòn trong rừng để vượt biên sang Campuchia. Đi bộ khoảng 1 giờ đồng hồ là đã sang đến đất Campuchia. Lại có một chiếc ô tô đến đón, đi khoảng nửa giờ thì cả đoàn dừng xe ăn uống rồi được bàn giao cho những tụ điểm phức tạp ở biên giới.

Giống như Đạt, giáp Tết năm 2021, Lò Văn Lập (ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La) lên mạng xã hội tìm việc làm. Ngay lập tức có người liên hệ với em và hướng dẫn di chuyển bằng xe khách giường nằm. Sau nhiều ngày, qua nhiều chuyến xe khác nhau, Lập vào đến Tây Ninh. Tại đây, em và nhiều người khác được một chiếc taxi đón đi. Khi đến gần cửa khẩu Mộc Bài thì mọi người trên xe đều lịm đi như bị đánh thuốc mê. Khi Lập và cả đoàn tỉnh dậy thì đã ở đất Campuchia. Em ngỏ ý muốn quay về, không làm việc ở đây nữa thì lập tức bị nhốt 2 ngày, bị bỏ đói rồi mới được thả ra và bắt làm việc. Lập kể: Ở “công ty” có khoảng 4.000-5.000 người là người Việt Nam đang làm việc và những người quản lý đều có súng mang theo nên không ai dám phản kháng hay bỏ trốn.

Anh Dương Tuấn Anh (trú tại tiểu khu 21, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cũng muốn đi làm thuê để đỡ đần vợ con. Đầu tháng 10/2022, anh vào tìm kiếm việc làm ở nhóm nhà hàng, khách sạn trên mạng xã hội Facebook thì có tài khoản lạ nhắn tin giới thiệu anh đến làm tại một nhà hàng gần cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh với mức lương quản lý 15-20 triệu đồng/tháng. Ngày 9/10, theo hướng dẫn, anh vào đến TP Hồ Chí Minh và được người môi giới đón đi bằng xe ô tô. Khi đến cửa khẩu Mộc Bài, khi không thấy nhà hàng nào cả, anh mới biết mình bị lừa. Anh đòi xuống xe để gọi điện thì bị thu điện thoại rồi bị trói trên xe, sau đó bị ép đi theo đường tiểu mạch sang Campuchia, đến khu vực giáp biên giới Thái Lan và bắt đầu những chuỗi ngày bị ép làm việc phi pháp và không được trả lương.

Khi chồng đi làm thuê, chị Cà Thị Tiến cũng không nghĩ rằng chồng mình bị lừa sang Campuchia. Bẵng đi 1 tuần, chị bất ngờ nhận được tin nhắn của chồng qua mạng xã hội, cả gia đình mới tá hỏa là chồng chị đang làm thuê tại Campuchia, cuộc sống rất khổ cực, muốn về thì phải gửi 200 triệu sang chuộc, họ mới thả cho về. Chị Tiến ngậm ngùi: Khi biết chồng bị lừa sang làm việc tại Campuchia, gia đình tôi sốc lắm, nhưng bây giờ số tiền chuộc quá lớn, nhà tôi lại hoàn cảnh khó khăn, một mình tôi nuôi con nhỏ, không có đủ khả năng lo số tiền đó. Đến giờ, chồng chị Tiến và còn rất nhiều người khác vẫn lưu lạc nơi đất khách, bị ép làm việc tại các sòng bạc một cách bất hợp pháp, bị bóc lột sức lao động và bị đánh đập, bỏ đói... Ngày Tết cận kề, mọi nhà đều quây quần sum họp, còn chị Tiến và nhiều gia đình khác thì đang mong ngóng chồng mình, con mình từng ngày, từng giờ...

9-2.jpg -0
Lực lượng chức năng tỉnh Sơn La gặp gỡ nạn nhân sau khi được giải cứu trở về.

Gian nan giải cứu các nạn nhân

Khi bị lừa sang Campuchia, công việc chính của Lường Văn Đạt, Lò Văn Lập, Dương Anh Tuấn và rất nhiều người khác là tạo tài khoản Facebook giả để lôi kéo người khác đầu tư vào các app game (đầu tư tiền ảo). Chủ công ty khoán chỉ tiêu cho mỗi người 1 tháng phải lôi kéo ít nhất từ 10-15 người tham gia và từ 5-10 người nạp tiền để đầu tư, doanh số phải đạt từ 70 triệu đến vài trăm triệu/tuần. Nếu không đạt sẽ bị đánh đập, chích điện, bị bỏ đói và không được trả lương.

Ngồi nhìn những vết chích điện đã thành sẹo, Lò Văn Lập không thể quên được những tháng ngày sống và làm việc tại nơi mà em ví “như địa ngục”. Lập kể: Dù em đã rất cố gắng làm việc, doanh số cũng đã đạt như chúng yêu cầu nhưng vẫn bị chúng lấy cớ đánh đập dã man, như đánh súc vật, không hề nương tay. Em còn bị bỏ đói 2 ngày, chỉ được uống nước và không hề nhận được một đồng tiền lương nào như lời hứa ban đầu. Bọn chúng còn dọa nếu phản kháng sẽ bị đánh đau hơn và bị chuyển đi làm việc ở “công ty” khác xa hơn. Nghĩ đến việc tìm cách trở về nhà nên em phải cố chịu đựng để tìm cơ hội thoát thân. Những ngày tháng sống và làm việc tại sòng bạc ở Campuchia, cảm giác tính mạng của mình chỉ treo trên sợi tóc. Hở cái là bị đánh đập dã man, bị chích điện trước mặt nhiều người, bị nhốt vào phòng tối và bỏ đói. Bọn chúng có nhiều thủ đoạn, khiến ai cũng sợ và bắt buộc phải làm việc.

9-3.jpg -0
Công an huyện Sốp cộp tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân trước chiêu trò dụ dỗ đi làm “việc nhẹ lương cao” tại Campuchia.

Do bị hành hạ, nhiều người không chịu nổi, muốn trở về thì bọn chúng đòi tiền chuộc từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Nhưng, gia đình mất tiền mà chuộc được người thân về cũng coi như có phần nào may mắn. Nhiều trường hợp mất tiền của, hao tâm tổn sức mà người nhà mình vẫn bặt vô âm tín, thậm chí có nguy cơ mất con mãi mãi vì giấc mộng làm giàu nơi xứ người.

Đến nhà Lường Văn Đạt, sau 4 tháng được giải cứu trở về, sức khỏe và tinh thần của em đã trở lại bình thường dù những vết chích điện thành sẹo vẫn chưa mờ hẳn. Vừa vần những chum rượu to vào góc nhà (thức uống không thể thiếu để đãi khách của người dân tộc Thái mỗi dịp Tết đến), Đạt vừa phấn khởi: “Tết này nhà em vui nhất rồi. Khi bị đánh đập, bị ép làm việc ở Campuchia, không bao giờ em nghĩ mình sẽ được trở về với gia đình như thế này”.

Lò Văn Lập thì cũng phấn khởi ra mặt: Vào dịp giáp Tết năm ngoái em còn đang lưu lạc ở Campuchia, chịu bao khổ cực. Còn năm nay em được về ăn Tết với gia đình. Thật không có gì hạnh phúc hơn. Em cũng may mắn được các anh công an phối hợp với Tổ chức Rồng Xanh giải cứu và trở về nhà an toàn. Ở bên đó còn nhiều người mắc kẹt lắm. Tết thì đến rồi mà họ chưa được về... Giọng Lập chùng xuống, bất giác nhắc tôi nghĩ đến chị Cà Thị Tiến ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn. Với người Việt Nam, Tết là thời khắc thiêng liêng, là dịp đoàn viên sum vầy, còn với chị, Tết này chỉ có hai mẹ con...

Còn với cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Sơn La, họ lại thêm những ngày tháng lăn lộn tìm cách giải cứu các nạn nhân trở về...

“Công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người được chú trọng và đẩy mạnh thực hiện với nhiều hoạt động hợp tác song phương, đa phương. Qua đó, thể hiện cam kết, nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống mua bán người”, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc  khẳng định.

Minh Phong
.
.