Những "ông Ba Mươi" trong vườn cứu hộ

Thứ Ba, 25/01/2022, 21:03

Trong mọi nền văn hóa trên thế giới thì con hổ luôn có một vị trí gần như thượng tôn. Hổ là biểu tượng của sức mạnh, quyền lực, uy dũng vô song. Và “ông Ba Mươi” không những được thờ cúng mà còn trở thành một vị thần trong văn hóa của nhiều dân tộc. Mặc dù đến bây giờ, chuyện về “ông Ba Mươi” đã được kể nhiều, được “khoác” lên một tấm màn bí ẩn, nhiều khi huyễn hoặc. Nhưng xung quanh “nhân vật” này vẫn còn khá nhiều điều thú vị, luôn gợi trí tò mò của con người.

Chuyện cũ về hổ

Từ những truyền thuyết về “ông Ba Mươi”, về “ông Cả cọp” hay trong miền Trung còn gọi là “ông Kễnh”… rồi đến những cái tên nghe mà thấy bí ẩn như “chúa tể rừng xanh” rồi “chúa sơn lâm”… nhưng tất cả cũng phải có lý do của nó. Từ thuở xa xưa, con hổ đã được coi là uy dũng hơn tất cả các loài động vật khác. Sự uy dũng đó toát lên từ dáng đi, từ ánh mắt đầy nghiêm nghị rồi cả tiếng hổ gầm vang xa cả vài cây số cũng đủ làm người yếu bóng vía sợ hãi, làm muông thú tan tác…

Những
Anh Lương Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn trao đổi với Henry - chuyên gia người Anh

Dần dần, con hổ đã đi vào trong truyền thuyết với nhiều sắc thái huyền bí được hư cấu, thần thánh hóa. Hổ ở miền Bắc Việt Nam trước kia tập trung ở vùng Tây Bắc, những câu chuyện bí ẩn về nó đến bây giờ vẫn được truyền tụng. Chuyện hổ ở dốc Cun (Hòa Bình) những năm 50 của thế kỷ trước hàng đêm cứ mò lên dốc vồ người; rồi chuyện các chiến sĩ biên phòng của đồn biên phòng Leng Su Sìn (Điện Biên) làm bẫy bắt con hổ hơn hai tạ,  có thể tát chết một con trâu của đơn vị rồi càm trâu nhảy qua hàng rào hơn 3 mét…

Ở vùng Tây Bắc, người dân còn truyền nhau câu chuyện về những cung đường từ Hòa Bình lên tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Điện Biên) dày đặc những bãi phân voi, dấu chân hổ to bằng cái bát ô tô.  Rồi kỳ lạ hơn nữa là chuyện ông Lỳ Hứ Xá (xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu hiện nay) ném chết hổ ở bờ suối Pác Ma những năm 80 của thế kỉ trước. Hôm ấy, ông Xá ra suối bắt cá, đến bờ suối, ông bị “điếng người” vì con hổ ngồi chồm hỗm bên bờ suối cũng… rình bắt cá và bên cạnh nó là một con hổ con đang chơi với đuôi hổ mẹ. Ông Xá không biết làm thế nào đuổi hổ mẹ đi, liền lấy một hòn đá ném xuống nhưng chẳng hiểu hòn đá rơi trúng “yếu huyệt” nào của con hổ mẹ mà nó lăn quay ra chết; con hổ con được ông Xá bắt về và sau này giao lại cho Vườn thú Hà Nội.

Những
Chuyên gia Henry - người thiết kế chuồng và hỗ trợ các nhân viên ở trung tâm trong việc chăm sóc hổ và các loài thú khác

Còn ở miền trong những năm 30 có hẳn một nghề là nghề săn hổ. Thời đó hổ dữ vùng Thủy Ba (Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, Quảng Trị) nhiều lắm, tiếng hổ gầm vang suốt ngày đêm. Đêm xuống nhà nhà cài then thật chặt sợ hổ vào; nhưng không bắt được người thì chúng bắt trâu bò… Người vùng này còn truyền nhau câu chuyện về hổ gõ cửa nhà. Con hổ rất thông minh, chúng thấy nhà nào cũng cài then nên đi từng nhà, lấy đuôi đập vào cửa. Thế là chủ nhà tưởng có  khách đến chơi liền ra mở thì bị hổ vồ ngay lập tức. Và dân làng quyết định tập hợp một đội thanh niên trai tráng, những người dũng cảm nhất đi săn hổ; và nghề săn hổ ở vùng này ra đời từ đó.

Kì lạ chuyện hổ ghét... máy quay

Nhân dịp năm Nhâm Dần sắp đến, tôi có tìm tới Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội (Sóc Sơn) để tìm tư liệu viết về “ông Ba Mươi”. Trong số 36 cá thể hổ đang được chăm sóc ở đây, ấn tượng nhất với tôi và cả các phóng viên khác là con hổ chỉ ghét đúng một thứ: máy quay!

Trung tâm này là một địa chỉ đặc biệt bởi đây là nơi tiếp nhận, chăm sóc, quản lý các loại động vật hoang dã liên quan đến… án từ. Anh Lương Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm chia sẻ rằng: “Đó chỉ là những con thú được tịch thu từ những vụ án có liên quan đến việc săn bắt, vận chuyển, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã, trong đó có những loài quý hiếm nằm trong sách đỏ. Và sau khi cơ quan chức năng xử lý xong phần việc của họ thì đến lượt chúng tôi sẽ đến kiểm tra, mang về trung tâm chăm sóc cho đến khi có thông báo mới từ phía cơ quan chức năng”.

Những
Hiện trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn (Hà Nội) đang nuôi và chăm sóc 36 cá thể hổ Đông Dương

Riêng với hổ thì đây vừa là thú dữ vừa là động vật quý hiếm nên trung tâm đã thiết kế hẳn một khu chuồng trại với sự tư vấn của Henry - một kiến trúc sư, chuyên gia về động vật hoang dã người Anh. Hổ được nuôi tách hai con hoặc từng con một chuồng tùy vào tính cách. Hàng ngày được thả ra hai lần vào giờ cho ăn, chế độ ăn uống của loài này cũng thuộc dạng… số 1 ở đây. Trung bình một con hổ mỗi bữa ăn hết 5 cân thịt, xương. Hổ ở đây là hổ Đông Dương, hổ cái nặng tầm hơn 1 tạ, còn hổ đực có thể lên đến 3 tạ. Khi chúng đứng lên cứ lừng lững, ấy thế mà chúng vồ thịt rất chuẩn, cái dáng vẻ chậm chạp ban đầu được chuyển hóa trong giây lát bằng cú nhún hai chân sau và dùng hai chân trước vồ lấy miếng thịt. Nếu như là chó khi tiếp đất phần sau sẽ hơi bị văng, còn với hổ thì chúng sẽ hạ bằng cả bốn chân… giống loài mèo.

Những
Công nhân dọn vệ sinh chuồng hổ vào 9 giờ sáng hàng ngày và sau đó cho hổ ăn

Hổ ở đây khá thân thiện bởi chúng đã quen với sự có mặt của con người, nhưng dịp này “chúng đang bị stress nặng” vì gặp nhiều người đến quấy rối quá, năm Hổ mà; và nhiều nhất là cánh nhà báo, anh Hồng kể. Việc hổ bị căng thẳng đột ngột và quá độ rất nguy hiểm cho các con hổ khác và cho các nhân viên chăm sóc vì phải mất một thời gian khoảng 2-3 tháng, thậm chí cả năm để đưa một con hổ từ nơi khác đến đây làm quen với cuộc sống mới. Mỗi lần căng thẳng, hổ thường hay gầm, đi nhanh quanh chuồng và thở gấp… Tiếng chân nặng nề của hơn ba chục con hổ cứ “gõ” xuống sàn bê tông rồi tiếng thở hồng hộc, phì phò làm tôi cảm thấy nơi kín cổng cao tường này càng thêm ngột ngạt.

Nhưng khác biệt hẳn với đàn hổ là con Dữ - cái tên gắn liền với một tính cách đặc trưng và chỉ dành cho… các ống kính! Chị Thúy - nhân viên chăm sóc hổ ở đây vừa cười vừa nói chuyện về con Dữ; bình thường thì nó hiền lành lắm, trông to xác vậy mà như con mèo con; ai gọi cũng ra nhưng chỉ cần nhìn thấy máy ảnh máy quay là nó như “hóa thú”. Nó bị dị ứng với thứ đó thì phải. Trong cái chuồng rộng hơn chục mét vuông, cao cả 5 mét đó, con Dữ cứ gầm gừ chạy quanh, nó thở hồng hộc như vừa săn mồi về, nhưng mắt nó vẫn ánh lên sự giận dữ, thèm thuồng được tiếp tục cắn xé con mồi. Hơi thở nóng hổi như chiếc quạt phả gió nóng táp vào mặt tôi đứng bên ngoài. Khác với hình ảnh nghiêm nghị, điềm tĩnh của những con hổ khác khi tôi đến thì con Dữ nhe hàm răng trắng ởn, vừa dài vừa nhọn ra chào đón. Nó cũng không quên lấy đà từ bên trong phi thẳng vào song sắt và cố gắng dùng chân trước to như cái bát với ra ngoài, nhưng thất bại chỉ càng làm nó thêm điên cuồng, Dữ đứng lên cửa gầm rú, cái bóng cao đến cả mét của nó trùm lên tôi che mất cả phần ánh sáng hắt lại từ ô cửa phía sau.

Những
Mỗi ngày hai lần, hổ sẽ được thả ra khu vực ngoài trời để chơi và cho hổ mới có thể hòa nhập cùng các con hổ khác

Mỗi lần như vậy, chị Thúy lại gõ vào cửa gọi “Dữ, Dữ!”, và con hổ lại ngoan ngoãn chạy lại tới chỗ chị, cọ cái mũi to tướng vào cánh cửa; lúc này trông nó thật đáng yêu biết bao, không khác gì con mèo con làm nũng đòi vuốt ve. Đến giờ ăn, Dữ rất điềm đạm càm từng miếng thịt ra một góc rồi thong thả gặm nhấm thưởng thức từng khúc xương miếng thịt. Tiếng xương ống bị nghiền nát dưới hàm răng của nó nghe rau ráu.

Đằng sau tính cách đặc biệt của con Dữ là cả một câu chuyện. Bắt đầu từ ngày Dữ còn là hổ non. Năm đó, Dữ là tang vật của một vụ án lớn về động vật hoang dã, thu hút sự chú ý của giới báo chí và xã hội, mà đối với báo giới thì một vụ án có hổ thì lại càng “hot”.  Vậy là Dữ trở thành tâm điểm của tất cả, từ truyền hình đến chụp ảnh… chắc chỉ thiếu điều phỏng vấn nó nữa mà thôi! Và nghe những nhân viên đi tiếp nhận Dữ thì lúc đó nó đã phản ứng rất mạnh mẽ, hung dữ khác thường so với một con hổ con. Nhưng ngày đó ai cũng chỉ nghĩ rằng vì nó bé, nó thấy đông người nên sợ nhưng cho đến bây giờ thì có thể khẳng định một điều rằng, Dữ có ác cảm với ống kính thực sự! Thật là một điều kỳ lạ.

Hổ rất thông minh, tình cảm, lúc thì nũng nịu như đứa bé, lúc lại kiêu sa như thiếu nữ đôi mươi, nhưng chỉ trong nháy mắt có thể là một chiến binh hung dữ. Đối với những nhân viên ở trung tâm này thì mỗi con hổ nói riêng và con thú nói chung đều là một “khách hàng” đặc biệt - anh Hồng kể. Nhiệm vụ của trung tâm là cứu hộ theo yêu cầu hỗ trợ của các đơn vị khác hoặc cơ quan chức năng, sau đó chăm sóc theo dõi sức khoẻ. Nhưng làm sao có thể đi cứu hộ, tiếp nhận và chăm sóc mãi được trong khi khuôn viên nuôi nhốt của cả Trung tâm chỉ rộng vỏn vẹn… 1 héc ta mà đang nuôi nhốt rất nhiều con thú. Suốt nhiều năm qua, lãnh đạo trung tâm đã làm kiến nghị xin mở rộng thêm nhưng chưa được.

Vấn đề lâu nay vẫn rất nan giải, đó là cơ chế, chính sách cho những người đi cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã ở nước ta. Họ không có bất cứ một chế độ gì ngoài đồng lương còm cõi, chỉ 5-7 triệu/tháng thì thử hỏi ai có động lực để trèo đèo lội suối, hy sinh cá nhân để đi mang từng con rùa, con rắn về nuôi?…

Đó là chưa kể những loài thú lớn, thú dữ như hổ, gấu, phải có những yêu cầu, đặc cách riêng. Trong suốt 25 năm thành lập, Trung tâm mới chỉ có 4 người xin nghỉ hưu nhưng có đến 90 lượt xin nghỉ việc giữa chừng. Không phải vì họ không có đam mê, nhiệt huyết, nhưng khi đồng lương không nuôi nổi gia đình thì xin nghỉ là thượng sách. 

Và để bảo tồn được động vật hoang dã thì điều kiện tiên quyết là phải cải cách được tư duy đã lạc hậu, lỗi thời, tích cực tuyên truyền tới toàn xã hội về lợi ích của việc cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã, đồng thời nâng cao mức hình phạt đối với những loại tội phạm liên quan. Có như vậy mới đảm bảo được công tác cứu hộ đạt đúng hiệu quả của nó, chứ không phải cứu những con thú ở chỗ này rồi lại chỉ để "nhốt" chúng vào chỗ khác.

Phong Sơn
.
.