Nữ bác sĩ chữa bệnh cho thai nhi từ trong bụng mẹ

Thứ Sáu, 31/03/2023, 16:51

Chữa bệnh cho bào thai ngay khi còn trong bụng mẹ là một kỹ thuật can thiệp bào thai tiên tiến nhất, xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2019 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đã mang đến sự sống khỏe mạnh cho nhiều em bé bị thiểu ối, truyền máu song thai… nếu không có kỹ thuật này, em bé có thể bị sinh non, chết lưu, hoặc bị dị tật khi sinh ra.

TS.BS Phan Thị Huyền Thương, một trong những bác sĩ trẻ của Trung tâm Can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã được đào tạo bài bản tại Pháp để về triển khai những kỹ thuật mới nhất, khó nhất trong lĩnh vực can thiệp bào thai. Ngày 25/3 vừa qua, chị được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2022.

huyền thương .jpeg -0
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Huyền Thương

Chinh phục những ca bệnh khó từ trong bụng mẹ

Hẹn gặp chúng tôi vào giờ trưa sau khi hết bệnh nhân tới khám, TS.BS Phan Thị Huyền Thương vui vẻ “bật mí”, sắp tới đây, bệnh viện triển khai can thiệp những bệnh lý mới của bào thai. Để chuẩn bị triển khai kỹ thuật này, BS Thương cùng 2 bác sĩ của Trung tâm Can thiệp bào thai được cử đi Pháp học tập và vừa trở về vào cuối năm 2022.

Can thiệp bào thai là một phương pháp tiên tiến, cho phép bác sĩ đưa dụng cụ vào buồng ối can thiệp trực tiếp vào cơ thể thai nhi để điều trị các bệnh lý của thai nhi, sau đó đóng lại chờ thai tiếp tục phát triển đến đủ tháng. Năm 2017, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã cử các bác sĩ sang Pháp học tập, chuyển giao kinh nghiệm và năm 2019 bệnh viện bắt đầu triển khai ca bệnh đầu tiên. Từ đó đến nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã can thiệp bào thai, phẫu thuật gần 1.000 ca hội chứng song thai, truyền ối cho gần 1.000 ca… cứu sống hàng nghìn thai nhi chào đời khỏe mạnh.

Sau gần 4 năm cùng với Ban lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Đơn vị Can thiệp bào thai triển khai kỹ thuật can thiệp bào thai, TS Phan Thị Huyền Thương lại được lãnh đạo bệnh viện tín nhiệm tiếp tục quay trở lại Pháp học thêm những kỹ thuật mới nhất. Nữ bác sĩ chia sẻ, lần này, cô và các đồng nghiệp được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia Pháp về truyền máu cho thai thiếu máu và can thiệp cho bệnh nhi bị thoát vị hoành bẩm sinh. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để triển khai 2 kỹ thuật này trong thời gian tới.

Theo nữ bác sĩ, nếu bào thai bị thiếu máu sẽ có nguy cơ tổn thương não, ảnh hưởng đến phát triển tinh thần, trí tuệ khi trẻ sinh ra, đồng thời có nguy cơ gây thai lưu cao. Để “chữa bệnh” cho thai nhi, bác sĩ sẽ phải thực hiện kỹ thuật truyền máu qua dây rốn của thai nhi để hạn chế thấp nhất tổn thương não bộ của trẻ.

Còn kỹ thuật can thiệp cho thai nhi bị thoát vị hoành bẩm sinh được coi là khó nhất trong can thiệp bào thai hiện nay. Cơ hoành có vị trí ngăn cách tầng ngực và tầng bụng, khi trẻ bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh, nghĩa là toàn bộ cơ quan nội tạng ở tầng bụng sẽ bị đẩy lên, khi đó chèn ép vào phổi và tim của thai nhi. “Thai nhi bị thoát vị hoành bẩm sinh có thể gây ra tình trạng phổi bị tổn thương và nguy cơ phổi bị xẹp. Tôi cùng 2 bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được GS Yves Ville, Bệnh viện Necker-Paris (Pháp) - chuyên gia hàng đầu thế giới về can thiệp bào thai đã trực tiếp hướng dẫn và đào tạo, chuyển giao kỹ thuật đặt bóng vào khí quản thai nhi, cải thiện tình trạng thiểu sản phổi của em bé, hy vọng phổi nở tốt hơn. Kỹ thuật này rất khó vì phải đưa dụng cụ qua bụng, vào qua cơ tử cung, qua miệng em bé vào trong họng và tìm đúng khí quản rồi bơm bóng bít lòng khí quản của bào thai”, BS Thương chia sẻ.

Nữ bác sĩ cho biết, quá trình học tập kỹ thuật khó nhất này gặp nhiều khó khăn và gian khổ, nhưng đổi lại là mở ra rất nhiều cơ hội cứu sống những em bé mắc bệnh khó từ khi còn là bào thai.

Nữ bác sĩ chữa bệnh cho thai nhi từ trong bụng mẹ -0
Bác sĩ Thương đang khám và tư vấn cho bệnh nhân về can thiệp bào thai.

Cứu nhiều thai nhi mang bệnh hiếm

Ông ngoại của Huyền Thương là bác sĩ ngoại sản, từ nhỏ đã theo chân ông tới bệnh viện, nhìn ông tiêm truyền, đã gieo vào lòng cô bé niềm yêu thích. Năm lớp 10, Huyền Thương gặp biến cố khi bố qua đời vì căn bệnh ung thư. Nguyện vọng thi đại học của cô gái lớp 12 chuyên Sinh - THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) khi ấy là Đại học Y Hà Nội. “Lớp em có 32 bạn thì 27 bạn đỗ Đại học Y Hà Nội, còn lại đỗ các trường khác. Cứ nghĩ sau này mình sẽ là bác sĩ nội khoa hay ung thư, không ngờ lại là bác sĩ sản khoa”, Huyền Thương nhớ lại. Với Huyền Thương, để trở thành bác sĩ sản khoa, cô có rất nhiều cơ duyên. 

Năm 2012, Huyền Thương tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, thi đậu bác sĩ nội trú và có cơ duyên được thụ hưởng chính sách thu hút nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Một trong những điều khoản của chính sách này là tuyển đặc cách các bác sĩ nội trú về làm việc cho các bệnh viện thuộc quản lý của Sở Y tế Hà Nội. Huyền Thương đã chọn Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Sau 3 năm học bác sĩ nội trú chuyên ngành sản phụ khoa, năm 2015 cô về Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bắt tay vào công tác chuyên môn. “Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ đây là một trong những lựa chọn đúng đắn nhất. Về đây, tôi được thầy cô, lãnh đạo bệnh viện tạo điều kiện cho phát huy sở trường, được cử đi học tập những kỹ thuật tiên tiến nhất. Tôi luôn biết ơn điều đó, đây là động lực để tôi cống hiến cho người bệnh”, BS Thương chia sẻ.

Là bệnh viện tuyến cuối, thường xuyên phải tiếp nhận những ca bệnh khó, BS Huyền Thương may mắn được là một trong những người đầu tiên tham gia trong ê-kíp về can thiệp bào thai. Nữ bác sĩ không nhớ hết mình đã can thiệp cho bao nhiêu em bé chào đời khỏe mạnh, nhưng gần đây nhất, vào nửa đêm, cô nhận được điện thoại cầu cứu của một mẹ bầu trẻ ở Nghệ An. Thai phụ cho biết, cô mang thai tuần 31, được chẩn đoán mang song thai một bánh rau, 2 buồng ối, hiện 1 thai đã lưu, thai còn lại chậm tăng trưởng và hết ối, nên rất lo lắng. Người mẹ trẻ tha thiết ra Hà Nội gặp BS Thương để thăm khám. Sản phụ mang thai lần 4, sinh mổ hay sinh thường - áp lực rất lớn với các bác sĩ. Sau khi thăm khám, hội chẩn, BS Thương và ê-kíp quyết định cố gắng cho sản phụ sinh thường. “Quyết định này phải rất thận trọng, bởi thai rất dễ bị suy, phải theo dõi sát từng diễn biến của sản phụ. Rất may mắn, ca sinh đã thành công, em bé chào đời nặng 2,2kg; thai lưu sinh ra tương đương 33 tuần. Nghe tiếng khóc của con, người mẹ vỡ oà, giải tỏa được lo lắng, hai vợ chồng cảm ơn ê-kíp vì đã giúp cô sinh thường bình an”, BS Thương kể lại.

Ngoài can thiệp cho những ca mắc hội chứng song thai, ứ nước bể thận, cạn ối, đa ối… ở trong Nam, ngoài Bắc, nữ bác sĩ còn theo dõi từ xa cho những sản phụ đang học tập, lao động tại nước ngoài. Gần đây nhất là một bạn du học sinh ở Nhật, không thể bay về Việt Nam, đã nhắn tin, xin ý kiến tư vấn từ BS Thương. Du học sinh này mắc hội chứng 1 bánh rau 2 buồng ối và theo dõi hội chứng song thai từ tuần 16. Sau 4 tuần theo dõi từ xa cho thai phụ, BS Thương đã nhờ một người bạn làm bác sĩ bên Nhật giúp đỡ. “Vì không gặp trực tiếp, chỉ tư vấn từ xa, giải thích cặn kẽ cho thai phụ, đã giúp giải tỏa tâm lý lo lắng cho bệnh nhân. Đến nay, bạn ấy đã được 22 tuần, vẫn gửi kết quả về cho em theo dõi, báo cáo mẹ khỏe, con khỏe là mình thấy vui”, BS Thương chia sẻ. 

Trước kia, khi chưa có kỹ thuật can thiệp bào thai, bệnh nhân có điều kiện kinh tế ra nước ngoài (Thái Lan, Sigapore) để chữa bệnh. Khi kỹ thuật này triển khai ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thai phụ không còn phải ra nước ngoài với chi phí đắt đỏ nữa.

“Mỗi bệnh nhân là một người thầy”

Theo chia sẻ của nữ bác sĩ, can thiệp bào thai là một lĩnh vực rất mới. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện tuyến cuối đã và đang không ngừng khát vọng tiếp cận những kỹ thuật chuyên sâu hàng đầu thế giới nhằm mang lại sự chăm sóc tốt nhất cho sản phụ khoa Việt Nam. Vì vậy, hướng đến cái mới luôn là định hướng của bệnh viện. GS.TS.BS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện luôn trăn trở và chủ trương tìm tòi, nghiên cứu đưa những phương pháp, kỹ thuật mới về triển khai để cứu người. Là một trong những người đầu tiên tham gia trong ê-kíp học về can thiệp bào thai, BS Thương cho rằng, các kỹ thuật can thiệp bào thai có thể giúp cứu sống được nhiều trẻ em và mang lại những giá trị lớn lao cho xã hội.

Tuy nhiên, việc triển khai can thiệp bào thai cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Một trong những thách thức đầu tiên là phải đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi trong quá trình phẫu thuật. Can thiệp bào thai thường được thực hiện qua các thủ thuật, phẫu thuật qua ổ bụng vào trong buồng tử cung, vì vậy rủi ro của ca phẫu thuật sẽ rất cao, các thao tác sẽ tăng độ khó hơn đặc biệt là trong trường hợp của thai nhi chỉ mới 16-17 tuần tuổi.

Ngoài ra, can thiệp bào thai còn đòi hỏi các bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm lâm sàng, cần phải kết hợp cả siêu âm và phẫu thuật nội soi trong buồng ối. Quá trình can thiệp đòi hỏi sự tinh tế và khéo léo để tránh gây tổn thương cho thai nhi. Đồng thời, do đặc thù của việc can thiệp trực tiếp vào cơ thể của thai nhi, việc theo dõi và chăm sóc sau can thiệp cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi sự tận tâm và chuyên nghiệp của các bác sĩ.

“GS Nguyễn Duy Ánh là người xây dựng viên gạch đầu tiên, chúng em từng bước xây những viên gạch tiếp theo. Khi triển khai một kỹ thuật mới rất áp lực, không biết cái mới đó khi triển khai hiệu quả như thế nào? Đây là một bài toán trăn trở với chúng em. Gần 4 năm áp dụng triển khai, kết quả đạt được hiện tại của Trung tâm Can thiệp bào thai  Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tương tự với các trung tâm tiên tiến nhất của thế giới ”, nữ bác sĩ vừa được vinh danh gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô cho biết.

Chinh phục đỉnh cao của kỹ thuật can thiệp bào thai là mong ước của các bác sĩ sản khoa trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, mong ước ấy càng là khát khao, động lực để Huyền Thương cũng như các bác sĩ khác không ngừng học tập, cập nhật các kỹ thuật mới nhất, tiên tiến nhất để cứu sống nhiều hơn thai nhi mắc bệnh hiếm.

Nữ bác sĩ chia sẻ: “Trong lĩnh vực y tế, bao giờ cũng có những ca bệnh khó và phức tạp. Tuy nhiên, tôi không bao giờ nghĩ đến việc "đầu hàng" hay từ bỏ bệnh nhân. Với tôi, mỗi trường hợp đều là một thách thức và cơ hội để tôi cố gắng tìm ra các giải pháp tốt nhất để giúp đỡ người bệnh. Tuy nhiên, không chỉ tôi mà các bác sĩ sẽ rất nhiều lần có các “khoảng lặng” trước nhiều ca bệnh. Dù y học có phát triển như thế nào, nhưng hiểu biết có hạn. Vì vậy, mỗi bệnh nhân là một người thầy, giúp chúng tôi cơ hội học tập, hiểu biết để từ đấy giúp được nhiều người bệnh hơn”.

TS.BS Phan Thị Huyền Thương

- Sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội đạt thành tích giỏi toàn khóa (2006-2012), đạt danh hiệu Sinh viên giỏi công tác tốt toàn khóa với nhiều lần được tặng thưởng học bổng Odon-Vallet, học bổng dành cho 10 sinh viên có điểm tổng kết cao nhất khóa.

- Đã hoàn thành xuất sắc các khóa học nội trú, tiến sĩ, có nhiều bài báo quốc tế chất lượng cao, tham gia báo cáo tại nhiều hội nghị trong và ngoài nước.

- Là thành viên tham gia cùng đồng nghiệp thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử và kỹ thuật laser quang đông ở thai phụ mắc hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối” tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội năm 2018. Đề tài này đã công bố được 4 bài báo quốc tế, 10 bài báo trong nước, 5 báo cáo trên các hội nghị uy tín quốc tế về sản phụ khoa và can thiệp bào thai. Đề tài đã được nghiệm thu xuất sắc năm 2021 và nhận được bằng khen của Bộ Khoa học & Công nghệ.

Trần Hằng
.
.