“Sống treo” bên mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á
Sau gần 15 năm nhường đất để triển khai dự án mỏ sắt có trữ lượng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, hàng nghìn hộ dân tại 6 xã thuộc vùng bãi ngang của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) rơi vào cảnh không được an cư để lập nghiệp. Hơn 10 mùa xuân, người dân ở đây thấp thỏm đón tết hiu hắt trong những ngôi nhà cũ kĩ bên dự án đã treo ròng rã suốt một thập kỉ.
Tết buồn bên dự án nghìn tỷ
Từ chiều 30 Tết Nguyên đán Quý Mão, dù đã chuẩn bị tươm tất để đón năm mới tại ngôi nhà mới ở khu tái định cư, nhưng ông Phan Văn Hội (SN 1967), trú tại xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh vẫn không quên mang theo lá cờ Tổ quốc đến ngôi nhà cũ ở xóm 1 (cũ) để treo lên đầu ngõ. Đã 6 năm nay, năm nào ông cũng đón giao thừa nơi đã gắn bó với gần như cả cuộc đời của ông, mặc dù hiện nay đã nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của dự án mỏ sắt Thạch Khê, được đền bù để di dời đến nơi ở mới, nhường đất cho dự án.
Dù vậy, do khuôn viên căn nhà cũ vẫn chưa được phá bỏ, nên từ khi dự án bị tạm dừng khai thác đến nay, vừa tiếc cơ ngơi cũ, vừa gặp khó khăn trong việc tìm kế sinh nhai ở khu tái định cư, ông Hội đã xin chủ đầu tư được trở lại căn nhà cũ ngày xưa, tận dụng để làm nơi ở, đồng thời trồng cây xanh trong vườn và chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khuôn viên dự án đã bị bỏ hoang. “Tôi đã sống ở đây già nửa đời người, nên giờ cũng chỉ quen với nếp nhà cũ. Tết năm nào cũng đón giao thừa ở ngôi nhà này, dù không khí trầm buồn nhưng thấy gần gũi, ấm lòng mỗi khi tết đến, xuân về”, ông Hội chia sẻ.
Theo chân ông Hội, có khoảng 5 - 6 gia đình khác khi di dời đến nơi ở mới nhưng nhà cũ chưa bị phá bỏ, cũng quay trở về chốn xưa để làm ăn, sinh sống ngay trong phạm vi của dự án. Những người này ban đầu chỉ dám chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhưng gần đây thấy dự án mãi không triển khai trở lại, đã mạnh dạn khai khẩn vườn tược, trồng cây.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Thạch Khê Phan Xuân Mậu cho biết, dự án mỏ sắt Thạch Khê đã làm đảo lộn cuộc sống quanh năm của người dân trên địa bàn xã Thạch Khê nói riêng và người dân 6 xã bãi ngang của huyện Thạch Hà chứ không riêng gì trong những ngày tết đến, xuân về. Người dân thấp thỏm, bất an khi cả thập kỷ sống trong vùng quy hoạch treo, hạ tầng tái định cư thì dở dang, trong khi nơi ở cũ lại nằm trong quy hoạch dự án. Gần 15 năm qua, hơn 1/4 diện tích của xã đã bị cắt bản đồ địa chính do nằm trong quy hoạch, người dân vì thế cũng không được xây dựng, cơi nới, tu sửa nhà. Hiện nay, 10 phòng làm việc của UBND xã Thạch Khê xuống cấp, hư hỏng vẫn không được sửa chữa. Một số trường học không đạt chuẩn, đường giao thông không được mở rộng và đầu tư nâng cấp như các địa phương khác. Doanh nghiệp muốn đầu tư dự án cũng không được vì quỹ đất đã được bàn giao cho Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam quản lý.
Xã Thạch Hải cũng là địa phương nằm sát cạnh dự án mỏ sắt Thạch Khê. Hơn một thập kỉ vừa qua, chính quyền và nhân dân xã Thạch Hải phải gánh chịu những hệ lụy nặng nề do dự án mang lại. Nhà cửa không được xây mới, đất đai không được tách sổ khiến cho nhiều gia đình, nhiều thế hệ phải chen chúc, sinh sống trong những ngôi nhà xuống cấp, cũ nát. Đặc biệt, những ngày tết đoàn viên, con cháu làm ăn xa trở về quây quần bên gia đình, vô hình trung trở thành gánh nặng khi phải sinh hoạt trong khuôn viên nhà cửa chật hẹp, nước sạch không đảm bảo.
“Ở những nơi khác, nếu như ngày lễ, tết con cháu tụ họp sum vầy mà điều kiện nhà cửa chật hẹp có thể thuê khách sạn, nhà nghỉ bên ngoài nhưng ở Thạch Hải thì không có bất cứ một khu nghỉ dưỡng nào được xây dựng. Bất luận, bãi ngang Thạch Hà có bờ biển dài gần 30km với rất nhiều bãi tắm đẹp. Trong đó, riêng 6 xã bị ảnh hưởng bởi mỏ sắt Thạch Khê đã có 40 di tích lịch sử văn hóa, trong số này có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, tạo thành một quần thể du lịch sinh thái gắn văn hóa tâm linh. Từ năm 2000, nơi đây đã lập dự án phát triển Du lịch sinh thái biển Thạch Hải, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dự án Du lịch sinh thái Quỳnh Viên hàng trăm tỉ đồng. Song, khi dự án đang triển khai dở dang thì mỏ sắt ra đời, dự án du lịch phải dừng vì liên quan đến quy hoạch khai thác mỏ, nhiều nhà đầu tư được cấp phép đã “dứt áo” ra đi”, ông Bùi Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải bức xúc khi nhắc đến dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Địa phương kiên quyết dừng, doanh nghiệp muốn tiếp tục
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho rằng, đã 15 năm kể từ ngày khởi công dự án và đến nay là 12 năm Chính phủ có quyết định tạm dừng, đã để lại bao hệ lụy, khó khăn cho người dân trong vùng dự án.
Trước đây, để tạo điều kiện tốt nhất cho dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã lên kế hoạch di dời gần 4.000 hộ dân vùng bãi ngang thuộc 6 xã ven biển của huyện Thạch Hà đến khu tái định cư để nhường đất cho mỏ sắt. Nhưng 15 năm qua, chỉ hơn 100 hộ được chuyển đi nơi khác, hơn 4.800 ha đất dự kiến sử dụng chỉ mới giải phóng được 839 ha. Vướng quy hoạch và việc thu hồi diện tích đất lớn gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, làm kinh tế các xã vùng bãi ngang thụt lùi. Các xã trong vùng mỏ có trên 550 hộ gia đình con đã trưởng thành nhưng không thể tách hộ vì không được cấp đất. Sản xuất nông nghiệp bị ngưng trệ do không có nguồn nước thủy lợi, đất sản xuất phần lớn đã bàn giao cho dự án, số diện tích còn lại do bị cát vùi lấp nên không thể canh tác, trong đó có trên 150 ha bị hoang hóa vì cát vùi, một số vùng nguồn nước cạn kiệt, người dân phải mua nước sạch từ bên ngoài, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong vùng là 13,7%.
Bao giờ người dân các xã vùng bãi ngang của huyện Thạch Hà thoát khỏi cảnh sống trong thấp thỏm âu lo cạnh mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á? Trong nhiều năm trở lại đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có rất nhiều văn bản kiến nghị lên Trung ương về việc dừng vĩnh viễn khai thác mỏ sắt Thạch Khê do quá trình triển khai còn nhiều bất cập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống dân sinh. Trong khi đó, chủ đầu tư là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam vẫn muốn tiếp tục triển khai dự án và cho rằng, nếu dự án dừng hoạt động sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến tài chính mà còn phá vỡ quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt và Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh đã được Chính phủ phê duyệt.
Đến nay, tổng vốn đã đầu tư tại Dự án mỏ sắt Thạch Khê là 1.984 tỷ đồng, trong đó vốn được góp bởi các doanh nghiệp nhà nước là 1.529,6 tỷ đồng. Câu hỏi mà Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đặt ra là, nếu dự án phải dừng hoạt động, số tiền gần 2.000 tỷ đồng đã đầu tư, ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù, thì vẫn chưa có câu trả lời.
Được phát hiện từ năm 1964, Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng quặng trên 544 triệu tấn, được coi là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Vào các năm 1987 và 1998, tại khu vực này đã 2 lần khởi động việc khai thác, nhưng sau đó buộc phải tạm dừng để tiếp tục nghiên cứu. Năm 2008, Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) đã khởi động Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng, vòng đời khai thác hơn 50 năm. Giai đoạn 2008-2011, đã bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, độ sâu -34m so với mực nước biển, thu hồi 3.000 tấn quặng. Dự án sau đó gặp vướng mắc về huy động vốn nên đến tháng 11-2011, Chính phủ phải cho tạm dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.