Tình trạng tảo hôn ở Lào Cai: Vẫn còn nan giải: Để không còn những lời ru buồn

Thứ Ba, 17/05/2022, 13:36

Dù được các cấp chính quyền quan tâm nhưng nạn tảo hôn ở Lào Cai mới chỉ giảm chứ chưa thể chấm dứt, một phần vì quan điểm, thói quen, phong tục tập quán vẫn còn in sâu trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Các cuộc vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân liên tục được cải tiến, nâng cao. Thậm chí tại các cấp, đoàn thể sẵn sàng tổ chức những cuộc giải cứu “cô dâu” trước sự phản kháng của gia đình.

Những cuộc giải cứu

Đã hơn 1 năm trôi qua nhưng thầy Hoàng Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Giàng Phình, thị xã Sapa, vẫn chưa quên lần giữ học sinh để các em khỏi đi... lấy chồng.

Năm 2020, khi học sinh trở lại trường học sau dịp Tết Nguyên đán, đã xảy ra một trường hợp đến tận cổng trường kéo vợ. Đó là một cuộc kéo co nảy lửa giữa một bên là nhà trai và một bên là thầy cô giáo.Khi không kéo được vợ thì đội nhà trai đã chửi bới ầm ĩ, cho rằng việc bắt vợ không liên quan gì đến các thầy cô. Cuối cùng, các thầy cô đành phải buông tay học sinh của mình vì nếu tiếp tục giằng co thì học sinh sẽ bị thương. Chấp nhận buông tay, ban giám hiệu nhà trường cùng các thầy cô đã nhanh chóng báo cáo chính quyền và công an để đến nhà học sinh tiếp tục giải cứu.

Kì cuối: Để không còn những lời ru buồn -0
Thầy Tiến đưa chúng tôi đến nhà Sáo để tận mục sở thị cảnh “trẻ con làm mẹ”.

Giống như thầy Tiến, chị Sùng Thị Song, cán bộ Chi hội Phụ nữ thôn Lao Bản, xã Giàng Tả Phình cũng từng tham gia giằng co khi nhà trai đến kéo vợ. “Quan trọng là người mà chúng mình kéo vẫn thích đi học chứ chưa muốn lấy chồng nên dễ hơn”, chị Song chia sẻ.

Chị Song không nhớ mình đã đi vận động biết bao nhiêu gia đình để họ đừng cho con cái tảo hôn. Có gia đình “mưa dầm thấm lâu” nhưng cũng có gia đình phản đối ra mặt.Khi các cơ quan đoàn thể đến, họ không tiếp, thậm chí đuổi về. Họ bảo, “con tôi, tôi muốn gả cho ai thì gả, muốn gả lúc nào thì gả, mọi người không có quyền can thiệp”.

Để nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh, địa phương đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền. Trong số các hình thức tuyên truyền, có cả việc mời những người đã học hết cấp 3, đi làm ở các khu công nghiệp hay làm đầu bếp, phục vụ quán ăn ở thành phố... tham gia để làm gương. Nhiều người khi nhìn thấy bạn bè ra ngoài làm việc, có thu nhập ổn định, có một cuộc sống khác hẳn với mình đã cảm thấy hối hận. “Nhiều người nói với mình, biết lấy chồng sớm khổ thế này cháu đã không lấy, giờ cháu hối hận lắm.Các bạn còn đang chơi bời thì chúng cháu đã con bồng con bế”, chị Song chia sẻ.

Là giáo viên chủ nhiệm lâu năm, cô Nông Thị Thực, giáo viên Trường THCS Tả Giàng Phình cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần phải thuyết phục học sinh của mình đừng bỏ học lấy chồng. Có những trường hợp cô thuyết phục được nhưng cũng có nhiều trường hợp cô đành bất lực.Như trường hợp của Sùng Thị Sáo, học sinh lớp 7 của cô.“Đang học, Sáo có biểu hiện muốn nghỉ học lấy chồng, tôi đã phải động viên, thuyết phục em rất nhiều lần.Thậm chí, hằng ngày qua nhà đón em đến trường học để em nguôi ngoai ý định lấy chồng.Vậy mà, việc đón em đi học cũng chỉ kéo dài được thêm một thời gian rồi sau đó Sáo tìm cách trốn”, cô Thực kể lại.

Kì cuối: Để không còn những lời ru buồn -0
Vợ chồng Vừ A Diệp trồng dưa giữa trời nắng chang chang.

Không đành lòng để học sinh của mình lấy chồng sớm, cô Thực không quản đường núi cheo leo, đi lại vất vả, tới nhà Sáo đến vài chục lần để động viên Sáo cùng gia đình. Không chỉ vậy, cô còn tìm đến cả nhà của người yêu Sáo bày tỏ mong muốn tạm hoãn đám cưới để Sáo được đi học.

Trước sự nhiệt tình của cô Thực, hai bên gia đình đã cam kết không để con tảo hôn. Thế nhưng, họ cam kết chỉ để cô Thực yên tâm và không đến nữa rồi tổ chức cưới cho con. Cô bảo: “Sáo là học sinh có học lực tốt. Tôi muốn em học hành đàng hoàng để tương lai sau này được khá hơn.Vậy mà, em đã không nghe”. Hôm cùng chúng tôi đến thăm nhà Sáo, nhìn thấy cảnh Sáo ngồi bên đứa con gái nằm trong cái giỏ hoa quả đặt dưới nền nhà, cô Thực đã bật khóc. Một đứa trẻ 14 tuổi với khuôn mặt non choẹt giờ đã làm mẹ khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi đau lòng.

Gian nan “cuộc chiến” chống tảo hôn

Có đến các xã, huyện khó khăn của Lào Cai mới thấy, việc chống tảo hôn giống như một “cuộc chiến” của các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể cùng nhà trường.

Theo thầy Hoàng Văn Tiến, Tả Giàng Phình là xã có nhiều trường hợp tảo hôn do đặc thù phong tục, tập quán. Phần lớn là người dân tộc Mông nên họ có quan điểm con cái phải lấy vợ, lấy chồng sớm để có người lo việc đồng áng, nhà cửa. Vì thế, việc tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều khó khăn.“Từ năm 2017 trở về trước, trường chúng tôi trung bình 1 năm có 7 trường hợp. Vài năm trở lại đây do vận động, tuyên truyền tốt nên hiện tượng tảo hôn đã giảm. Năm 2021 có 4 trường hợp tảo hôn nhưng nhà trường và chính quyền địa phương đã ngăn chặn kịp thời được 2 trường hợp, còn lại 2 trường hợp vẫn âm thầm làm đám cưới”, thầy Tiến cho biết.

Kì cuối: Để không còn những lời ru buồn -0
Vừ A Diệp nói rằng mình rất hối hận khi không chịu nghe lời thầy cô và bố mẹ.

Chị Sùng Thị Song chia sẻ: “Trước đây tình trạng tảo hôn ở xã diễn ra phổ biến. 1 năm khoảng 18 trường hợp.Gần đây tình trạng này đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn tồn tại dù chính quyền các cấp đồng lòng vào cuộc”.

Để tuyên truyền chống nạn tảo hôn đến người dân ở Tả Giàng Phình, Ban giám hiệu Trường THCS Tả Giàng Phình đã lắp hệ thống loa nén thật lớn.6 chiếc loa nén được các thầy cô xin về rồi treo các hướng.Cứ đến giờ nghỉ của học sinh là nhà trường phát các bài tuyên truyền về tảo hôn. Ban đầu nhiều người dân còn phản ứng nhưng rồi cũng phải quen.

Không chỉ vậy, nhà trường còn thành lập tổ tuyên truyền. Việc tuyên truyền còn được sân khấu hóa vào các thôn bản do thầy cô và học sinh biểu diễn. Nhiều thầy, cô giáo ở Tả Giàng Phình hay đùa với nhau rằng, ngoài việc dạy học thì việc không kém phần quan trọng nữa chính là “soi” tâm tư, tình cảm của các em học sinh. Bằng kinh nghiệm của mình, hằng ngày, các thầy cô phải liên tục quan sát biểu hiện của học sinh.

Thầy Hoàng Văn Tiến cho biết: “Đối với những học sinh bắt đầu có biểu hiện rậm rịch thích nhau, hay có ý sẽ về ở với nhau thì nhà trường nắm bắt, sau đó cử thầy, cô giáo chủ nhiệm cùng lãnh đạo nhà trường xuống vận động, tuyên truyền. Trong trường hợp không khả thi thì ban giám hiệu nhà trường sẽ phối hợp công an, chính quyền xã, tổ dân vận để xuống vận động gia đình”.

Dù đã từng can thiệp được nhiều trường hợp nhưng cũng có những trường hợp mà các thầy cô và chính quyền địa phương vẫn phải bó tay. Gần đây có 2 trường hợp gia đình đã làm cam kết không để con tảo hôn. Nhưng, cam kết cũng chỉ để cho qua rồi sau đó họ lại ngấm ngầm tổ chức đám cưới.

Thầy Tiến chia sẻ: “Hôm đó, tôi cùng cô giáo chủ nhiệm xuống để vận động thì thấy gia đình học sinh của mình đang tổ chức cưới hỏi tưng bừng rồi. Cảm giác lúc đó thực sự rất buồn và bất lực”.

Kì cuối: Để không còn những lời ru buồn -0
Cô Thực từng bật khóc khi nghe tin học sinh của mình lấy chồng khi mới đang học lớp 7

Cũng theo thầy Tiến thì chuyện ngăn cản tảo hôn ở Tả Giàng Phình là rất khó, bởi lẽ khi học sinh đến tuổi dậy thì, bén hơi nhau thì lúc nào cũng chỉ muốn được về ở với nhau. Điều quan trọng nhất là bố mẹ không được quyền can thiệp vào đời sống riêng tư của con cái. “Ví dụ, con có đi qua đêm, bố mẹ cũng không được nói, con chỉ cần thông báo là yêu người này và muốn lấy người này thì bố mẹ cũng phải theo. Đó là tập tục của người Mông rồi.Hơn nữa, với nhà trai thì họ chỉ cần lấy người về làm nên con lấy được vợ sớm thì càng mừng”, thầy Tiến cho biết.

Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Y Tý, xã Y Tý, cũng cho biết, nhà trường luôn nhận thức được vấn đề tảo hôn là vấn đề nóng nên thường xuyên tổ chức tuyên truyền vận động cho các em học sinh qua các giờ học ngoại khóa, giáo dục công dân, bằng hình thức băng đĩa, loa phát thanh. Đặc biệt, nhà trường nhanh nhạy, nắm bắt được xu hướng phát triển của Y Tý là tập trung phát triển du lịch địa phương nên thường xuyên tổ chức các câu lạc bộ hướng dẫn làm du lịch cho các em học sinh, giúp các em định hướng được nghề nghiệp trong tương lai. “Nếu học sinh nào không có điều kiện hoặc không thể học lên cao hơn thì hoàn toàn có thể ở nhà làm kinh tế bằng du lịch.Nhờ đó mà nhiều năm nay, trong trường không còn hiện tượng học sinh tảo hôn, bỏ học lấy chồng sớm”, thầy Thanh cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết, cơ bản người dân đã chấp hành tốt Luật Hôn nhân và Gia đình, kết hôn đúng và đủ tuổi. Tuy nhiên, việc thiếu kiểm tra, đánh giá để sớm phát hiện, ngăn chặn vấn đề này tại một số địa phương vẫn còn. Khi phát hiện được thì chưa kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm, dẫn đến có thời điểm tình trạng tảo hôn còn xảy ra.

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp.Công tác quản lý, ngăn chặn, phòng tránh tại những vùng này là nhiệm vụ khó khăn. Do đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình cần triển khai thường xuyên, liên tục. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện để ngăn chặn các hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ngay từ cơ sở.

Ngọc Trâm - Ngọc Anh
.
.