Brexit - Khởi đầu cho một quá trình phức tạp lâu dài
- Một nghị sĩ Anh trả giá bằng mạng sống cho vấn đề Brexit
- Brexit – câu chuyện chưa có hồi kết
- Brexit: Cả Anh và EU đều không có lợi!
Tuy nhiên, dù kết quả có thế nào, một nước Anh với nhiều ảnh hưởng trong EU cũng sẽ bị chia rẽ sau cuộc trưng cầu.
Càng muốn “ra đi”, càng bất ổn
Các chiến dịch vận động Anh ở lại hay rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) trong cuộc trưng cầu ý dân đã phải hoãn lại trong ngày 16-6 sau khi nữ nghị sĩ Công đảng đối lập Anh bị sát hại khi chuẩn bị tiếp xúc cử tri ở khu vực bầu cử Birstall gần thành phố Leeds, vùng Yorkshire, miền Bắc nước Anh.
Các nhà phân tích cho rằng, vụ ám sát đày manh động này có thể thúc đẩy chiến dịch ủng hộ Anh ở lại EU, vốn đang "yếu thế" hơn trong các cuộc thăm dò dư luận trước đây. Bằng chứng là sau thời điểm tạm ngừng chiến dịch vận động, xác suất Anh rời EU đã giảm đi đáng kể. Kết quả cuộc thăm do "Survation" tiến hành trong hai ngày 18 và 19-6 cho thấy số cử tri ủng hộ ở lại EU đang chiếm 45%, trong khi số người muốn ra đi là 42%.
Các nhà lãnh đạo Chính phủ Anh đặt hoa tưởng niệm nghị sĩ Jo Cox ngày 17/6/2016. |
Đó là trong nước, còn tại EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng đang cố gắng thuyết phục thành viên được coi là chủ chốt này ở lại “ngôi nhà chung”. Ông khẳng định: “Anh là quốc gia có tiếng nói trong EU. Nhiều ý tưởng của Anh trong việc giải quyết các vấn đề chung của EU đã và đang giành được sự ủng hộ của nhiều quốc gia thành viên. Có quá nhiều công việc mà cả Anh và EU cần chung tay hợp tác để giải quyết. Chúng tôi tôn trọng quyết định và mong muốn của người dân Anh, song một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng sẽ là một sai lầm lớn nếu Anh rời khỏi EU”.
Những người muốn Anh ở lại "ngôi nhà chung EU" bám vào khía cạnh "xáo trộn" và "bất ổn" để chứng minh rằng nước Anh sẽ thiệt hại lớn nếu từ bỏ những gì London đang được hưởng với tư cách thành viên EU trong hơn 40 năm qua, đặc biệt là yếu tố kinh tế. Theo phe phản đối Brexit, nếu "chia tay" EU, Anh sẽ bước vào "một thập niên bất ổn". Kinh tế Anh sẽ tuột dốc trong 5 năm tới, sẽ chịu tổn thất đến 100 tỷ bảng - tương đương 5% GDP của nền kinh tế lớn thứ ba EU, GDP sẽ giảm từ 4-10% do thất thu về thương mại và tài chính, đồng bảng mất giá 20%, gần 1 triệu người lao động mất việc làm do hàng trăm doanh nghiệp rời khỏi Vương quốc Anh...
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo “Brexit” có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Anh trong khi “các tác động lây lan” có thể gây nguy hại tới các thị trường trên thế giới. Đặc biệt, do London được coi là “lá phổi", là "trái tim" tài chính của châu Âu nên việc rời EU sẽ khiến Anh mất đi vai trò trọng yếu của một trung tâm tài chính và lợi thế là cánh cổng kết nối thị trường thế giới với châu Âu.
Bên cạnh đó, rời khỏi EU cũng đồng nghĩa với việc Anh phải "làm lại từ đầu" trong hàng loạt lĩnh vực, điều này đẩy London vào thời kỳ xáo trộn. Hiệp ước Lisbon năm 2009 đề cập việc một nước có thể xin rút khỏi khối, song không quy định cụ thể trình tự, thủ tục và các bước tiếp theo sẽ như thế nào. Nếu Brexit trở thành hiện thực, Anh sẽ phải đệ trình lên Hội đồng châu Âu “đề nghị xin rút khỏi EU” và khi đó, quá trình đàm phán trong EU về Brexit mới chính thức.
Tùy theo tính chất phức tạp của các cuộc đàm phán, thời gian để hoàn tất và Brexit chính thức có hiệu lực có thể mất từ 4 đến 10 năm. Đó là chưa kể các thỏa thuận trong tương lai với EU và các thỏa thuận thương mại với các nước ngoài EU, bởi khi đó Anh sẽ phải xúc tiến các cuộc đàm phán với ít nhất 50 nước đang có thỏa thuận thương mại với EU.
Lợi bất cập hại
Ngoài các vấn đề kinh tế, việc London ở lại hay rời khỏi EU đều liên quan chặt chẽ với số phận chính trị của Thủ tướng David Cameron và đảng Bảo thủ. Trong ngắn hạn, cuộc trưng câu dân ý sẽ tạo ra những rắc rối chính trị ngay lập tức đối với Chính phủ Anh. Nếu xảy ra kịch bản Brexit, những áp lực chính trị từ người dân và nội bộ đảng Bảo thủ nhiều khả năng sẽ buộc ông Cameron phải từ chức.
Phe ủng hộ Anh ở lại nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của nhiều lãnh đạo các nước EU, thậm chí lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản cũng lên tiếng thuyết phục người dân Anh không rời khỏi "ngôi nhà chung". Giới phân tích cho rằng sự lựa chọn “Có” trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới có lẽ sẽ là cú đánh trực diện nhằm thẳng vào sự tự tin và địa vị quốc tế của EU, tạo “lỗ hổng” lớn trong ngân sách chung bởi Anh là nước đóng góp nhiều thứ ba cho ngân sách và khiến liên minh này đi chệch khỏi mục tiêu trở thành một nền kinh tế cởi mở và giàu tính cạnh tranh. Những cảnh báo về mức độ thiệt hại lúc này không chỉ dành cho nước Anh, chính EU cũng đang phải tính đến một kịch bản với sự xáo trộn đáng kể khi thiếu vắng tiếng nói của một thành viên vốn được coi là chủ chốt.
Nếu Brexit trở thành hiện thực, trong vòng 2 năm hoặc hơn, EU sẽ phải dồn sức lực và thời gian để giải quyết các khúc mắc liên quan đến việc Anh rời khối và mối quan hệ trong tương lai của Anh với liên minh. Cán cân quyền lực của giới lãnh đạo châu Âu sẽ thay đổi. Đức sẽ mất một đối tác kinh tế quan trọng. Pháp sẽ mất một đồng minh then chốt trong việc ủng hộ các sứ mệnh quân sự của EU tại châu Phi và nhiều nơi khác.
Brexit - Lợi bất cập hại đối với nước Anh. |
Châu Âu sẽ bị chia rẽ giữa một bên là đa số các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) với một bên là nhóm thiểu số gồm các quốc gia vẫn chưa gia nhập khu vực đồng tiền chung hoặc cương quyết lựa chọn đứng ngoài.
Nếu kết quả Brexit xảy ra, Anh có thể tạo ra tiền lệ, gây hiệu ứng domino trên bàn cờ EU và không loại trừ khả năng EU đứng trước nguy cơ tan rã bởi nhiều nước châu Âu được dự đoán cũng sẽ tiến hành trưng cầu dân ý để có được lý do chính trị nội bộ và buộc EU phải thỏa hiệp.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Brexit cũng có những “con át chủ bài” riêng, trong đó lòng tự tôn dân tộc của một "đế quốc Anh" hùng mạnh, mối liên kết vốn dĩ lỏng lẻo giữa Anh và EU cùng những hạn chế ngày càng lộ rõ của "ngôi nhà chung" 28 nước thành viên trong một thế giới đang biến đổi không ngừng, đang được tận dụng triệt để.
Thực tế cho thấy một EU với cơ cấu cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chồng chéo và đang tỏ ra "bất lực" trong việc giải quyết hàng loạt thách thức hiện tại có vẻ chưa thể là một "bến đỗ bình yên" có sức hấp dẫn trong bối cảnh hiện tại. Không phải ngẫu nhiên mà tâm lý muốn từ bỏ EU đang gia tăng ở nhiều nước thành viên EU khác ngoài Anh.
Ngay cả ở nước "đầu tàu" EU như Đức, cũng có tới 1/3 người dân muốn nước này rời khỏi EU. Những người ủng hộ Anh ở lại EU cũng phải thừa nhận rằng Anh chỉ có thể "hùng mạnh, an toàn và thịnh vượng hơn trong một EU đã được cải cách".
Một nước Anh tự do và tự chủ hơn, không bị ràng buộc bởi các quy định cứng nhắc trong EU, không phải chịu hậu quả từ những bất ổn và bê bối xảy ra ở các nước thành viên khác, có quyền quyết định mọi vấn đề mà không cần sự đồng ý của 27 nước khác... là viễn cảnh được không ít người dân Anh hy vọng khi nước này rời khỏi EU. Hơn thế nữa, Anh vẫn có vị thế là nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và thành viên Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu.
Mặc dù phải đối mặt với rủi ro mất đi sức mạnh quốc tế khi rời khỏi một liên minh thương mại vững mạnh, song không thể phủ nhận một điều, Anh sẽ tự chủ hơn trong việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các nước ngoài EU chứ không phải chịu những luật lệ và quy định phức tạp của khối. Anh cũng sẽ được xem là một nơi trú ẩn an toàn để tránh xa những rủi ro về tài chính tại châu Âu, sẽ là nơi thu hút giới đầu tư và đẩy giá trị đồng bảng Anh tăng mạnh.
Trong bối cảnh nguy cơ khủng bố tại châu Âu một phần xuất phát từ cuộc khủng hoảng người di cư trầm trọng mà "lục địa già" vẫn đang loay hoay tìm cách tháo gỡ, phần lớn người dân Anh cho rằng nếu ra khỏi EU, mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu đối với Anh sẽ không đáng lo ngại.
Vào ngày 23-6 tới, dù kịch bản nào xảy ra thì tình hình hiện nay ở cả Anh và EU đều cho thấy hai bên cần phải cùng điều chỉnh nếu muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ "đôi bên cùng có lợi".