Hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên: Trở lại vạch xuất phát
- Mỹ-Triều Tiên hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh: Đường tới chặng cuối
- Mỹ-Triều Tiên hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh
- Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều: Hòa bình đã ở rất gần
Nhất là khi phía Triều Tiên cùng thời điểm thông báo hoàn tất việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, dưới sự chứng kiến của hàng chục phóng viên quốc tế. Sóng gió đang trở lại. Thiếu lòng tin, sự chuẩn bị, khiến hai nước lại bắt đầu từ vạch xuất phát.
Ý đồ được soạn sẵn
Ngày 24-5, Nhà Trắng đã công bố bức thư của Tổng thống Trump gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên, trong đó lý do ông Donald Trump đưa ra quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh là do “thái độ thù địch công khai và giận dữ ghê gớm” trong một số phát biểu của ông Kim Jong-un mới đây.
“Tôi rất mong chờ được có mặt ở đó cùng ngài. Tiếc rằng, sau khi xem xét những động thái giận dữ và thù địch công khai xuất phát từ những phát biểu gần đây của ngài, tôi cảm thấy không thích hợp, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, để chúng ta tham gia cuộc gặp vốn đã được lên kế hoạch từ lâu”, Tổng thống Trump viết.
Tổng thống Mỹ nhận định “cơ hội đã bị bỏ lỡ”. Ông cũng nói với nhà lãnh đạo Triều Tiên hãy gọi điện hoặc viết thư nếu thay đổi suy nghĩ, đồng thời bày tỏ rất mong chờ được gặp ông Kim vào một ngày nào đó.
Bức thư của ông Trump được Nhà Trắng công bố sau khi truyền thông Triều Tiên dẫn lời Thứ trưởng Choe Son Hui gọi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là “thiếu hiểu biết chính trị” khi quan chức này so sánh Triều Tiên với Libya.
Điều đáng tiếc nhất là quyết định của ông Donald Trump đưa ra đúng lúc phía Triều Tiên thông báo hoàn tất việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân duy nhất Punggye-ri, động thái cho thấy Bình Nhưỡng muốn thay đổi một cách nghiêm túc.
Tổng thống Donald Trump đã gửi thư tới ông Kim Jong-un thông báo hoãn hội nghị.Ảnh: Getty. |
Chưa rõ ý định thực sự của phía Mỹ và Tổng thống Donald Trump là gì khi ông cố tình cảnh báo về kho vũ khí hạt nhân “khổng lồ và uy lực” của Washington trong bức thư: “Ông từng đề cập về sức mạnh hạt nhân, nhưng các loại vũ khí hạt nhân của chúng tôi lớn và mạnh mẽ đến nỗi tôi phải cầu Chúa chúng tôi sẽ không bao giờ sử dụng đến chúng”.
Có thể thấy rõ, những gì được viết trong bức thư cho thấy phía Mỹ đã cân nhắc cẩn trọng từng chữ, từng từ. Thời điểm nó được tung ra đúng lúc Triều Tiên thông báo hoàn tất việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân duy nhất Punggye-ri cho thấy nước Mỹ đã chọn thời điểm trong một ý đồ rất rõ rệt.
Cuộc “phá sản” được tính toán trước
Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 25-5 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đàm phán trực tiếp. Theo truyền thông địa phương, một quan chức Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 24-5 tuyên bố, nước này “đang cố gắng tìm hiểu” ý định của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chắc sẽ còn rất ít người tin lời Tổng thống Mỹ nói rằng cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể diễn ra vào một thời điểm sau ngày 12/6. Cũng như cái cách mà phía Mỹ “đá quả bóng trách nhiệm” sang cho Triều Tiên khi phát biểu tại Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ hy vọng Triều Tiên và Mỹ có thể nối lại đàm phán, song quyết định cuối cùng phụ thuộc hoàn toàn vào ông Kim Jong-un.
Rõ ràng, đã có chứng cớ phía Mỹ đã chuẩn bị kỹ cho kế hoạch “phá sản” cuộc gặp thượng đỉnh này từ trước khi phát biểu trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với ông Kim, Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ: đây là một diễn biến thất vọng nhưng “thật sự không phải một bất ngờ”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đã bị hủy bỏ vì dường như khó đạt được một “kết quả thành công”. Phát biểu trước các nghị sĩ Mỹ cùng ngày, ông Pompeo cho biết: “Tôi không tin rằng chúng ta có thể trông chờ một kết cục thành công (của cuộc gặp trên). Trong những ngày qua, chúng ta không nhận được phản hồi nào (của Triều Tiên) đối với những yêu cầu của chúng ta”.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: BBC.com. |
Tiếng vỗ nào từ một bàn tay?
Trái ngược với tính toán từ Mỹ, ngày 24-5, Triều Tiên thông báo đã dỡ bỏ “hoàn toàn” bãi thử hạt nhân Punggye-ri mà nước này tuyên bố là duy nhất và gọi động thái này là tiến trình quan trọng hướng tới dỡ bỏ hạt nhân toàn cầu.
Trong một tuyên bố được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, Viện Vũ khí hạt nhân (NWI) của Triều Tiên cho biết kết quả của hoạt động dỡ bỏ này là toàn bộ đường hầm đã bị đánh sập, ngoài ra toàn bộ lối vào đường hầm tại bãi thử Punggye-ri đã được đóng.
NWI thông báo: “Viện Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã tiến hành buổi lễ đóng cửa hoàn toàn bãi thử hạt nhân ở phía bắc trong ngày 24-5. Việc phá hủy bãi thử hạt nhân đã được hoàn tất, theo đó toàn bộ đường hầm của bãi thử đã được đánh sập nhờ thuốc nổ và các lối vào hầm đã hoàn toàn đóng, cùng lúc đó, cho nổ một số trạm gác và trạm quan sát ở bãi thử”. NWI cũng khẳng định không có rò rỉ phóng xạ hạt nhân sau khi thực hiện các vụ nổ phá hủy bãi thử.
Cùng ngày, Phó Viện trưởng NWI Kang Kyung-ho tuyên bố Triều Tiên không còn bãi thử hay khu hầm ngầm nào khác để thử hạt nhân sau khi phá hủy bãi thử Punggye-ri. Ông nhấn mạnh bãi thử này sẽ không thể dùng để tiến hành các vụ thử hạt nhân nữa và cho biết thêm rằng việc sơ tán nhân viên khỏi trung tâm thử hạt nhân này cũng như việc đóng cửa khu vực xung quanh sẽ sớm được hoàn tất.
Phó Viện trưởng Kang nhấn mạnh: “Triều Tiên sẽ nỗ lực để xây dựng một thế giới phi hạt nhân, một thế giới yên bình, một thế giới độc lập mới”.
Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc có bài viết về sự kiện trên, trong đó nhấn mạnh bãi thử hạt nhân duy nhất được biết tới của Triều Tiên giờ chỉ còn là quá khứ, sau khi Bình Nhưỡng chính thức phá dỡ cơ sở này ngày 24-5, đánh dấu bước đầu tiên hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa.
Ông Chang Cheol-un, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông tại Đại học Kyungnam, chia sẻ: “Bãi thử Punngye-ri là nơi Triều Tiên sử dụng để cải thiện năng lực hạt nhân. Việc phá bỏ bãi thử hạt nhân này nên được xem là bước đi mang tính biểu tượng”.
Dù giới chuyên gia có quan điểm khác nhau về việc Triều Tiên phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nhưng phải thừa nhận rằng bản thân sự kiện này được tiến hành vô điều kiện đã cho thấy Bình Nhưỡng muốn thay đổi một cách nghiêm túc.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã hoan nghênh việc Triều Tiên phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã hoan nghênh việc Triều Tiên dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, gọi đây là bước đi đầu tiên mang ý nghĩa hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Punggye-ri là bãi thử hạt nhân mà Triều Tiên tuyên bố là duy nhất của nước này. Nơi đây đã diễn ra 6 lần thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017.
Rút lui kiểu “Donald Trump”
Trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều chính thức tan vỡ, Triều Tiên đã nhắc nhở Mỹ rằng họ không chấp nhận mệnh lệnh tuyệt đối của chính quyền Washington, đặc biệt là đề xuất mô hình Libya mà cuối cùng đã dẫn đến cái chết thảm khốc của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Trong khi đó, trong các chuyến ngoại giao con thoi của mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi tới Bình Nhưỡng chỉ mang theo thông điệp duy nhất: hãy từ bỏ các vũ khí hạt nhân và Triều Tiên có thể “có mọi cơ hội”. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu ông Kim nói: “Vâng, đây là các vũ khí hạt nhân của tôi, vậy còn các lợi ích của tôi đang ở đâu?”.
Và sự thật là, hội nghị thượng đỉnh giữa ông Kim và Tổng thống Trump đã được lên kế hoạch nhưng bất ngờ bị hủy, âu cũng là đúng với những gì cả hai bên nghĩ tới.
Đúng như ông Trump từng tuyên bố: Không có lý do rõ ràng nào để vội vàng, không có lý do rõ ràng nào để tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng mà không hề chuẩn bị gì. Thế nên, hãy chậm lại mọi việc. Thực hiện đúng từng bước. Hãy để giới kỹ sư, giới công nghệ quân sự và ngoại giao xác định các điều khoản và trường đoạn của một kế hoạch dài hơi. Không việc gì phải vội!
Cho dù Tổng thống Mỹ rất muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng Triều Tiên ngay trong nhiệm kỳ, thậm chí có lúc từng sẵn sàng sử dụng biện pháp quân sự nếu biện pháp ngoại giao thất bại. Và ở phía bên kia, Bình Nhưỡng luôn kỳ vọng Mỹ sẽ chấm dứt cái gọi là chính sách thù địch đối với Triều Tiên như một điều kiện tiên quyết tiến tới giải giáp hạt nhân.
Ý nghĩa và mong muốn rất trong sáng và được hầu hết các nước trên thế giới ủng hộ. Tuy nhiên, hai bên chưa thể thành công và rất khó có thể ngồi lại với nhau, chính là Mỹ-Triều chưa “cùng chí hướng”. Đây cũng là giải thích căn bản nhất cho tới lúc này khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tan vỡ.
Việc đưa ra định nghĩa và trình tự tiến hành “phi hạt nhân hóa” đang là nút thắt của cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Mỹ luôn nói rằng Triều Tiên phải tiến hành phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược (nguyên tắc CVID). Trong khi đó, Triều Tiên từ trước đến nay luôn coi việc phi hạt nhân hóa cần được tiến hành từng bước và phải được triển khai trên toàn bộ Bán đảo Triều Tiên theo nguyên tắc “có đi có lại” (Mỹ phải ngừng các cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc và rút quân đội về nước).
Sự bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên dần báo trước một thảm họa. Những “cung bậc” ngoại giao đã trải qua hơn một tháng qua cho thấy một sự thật, tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn không đơn giản.
Rõ ràng, vài tuần trước cuộc gặp cấp cao với Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mình vào cơn ác mộng tồi tệ nhất của một nhà đàm phán: hứa hẹn quá nhiều trong khi không hề có một sự chuẩn bị chu đáo và một kế hoạch cụ thể. Dù không tỏ ý muốn rút lui song thực tế cho đến nay người đứng đầu Nhà Trắng đã phải khá vất vả tìm cách xác định mục tiêu cho cuộc gặp lịch sử sắp tới.
Jean Lee - Giám đốc phụ trách chương trình Triều Tiên tại Trung tâm Woodrow Wilson và trước đây là Giám đốc chi nhánh của hãng tin AP tại Bình Nhưỡng - nói: “Tôi cho là ông Trump từng tưởng tượng rằng ông ấy sẽ tới cuộc gặp và tạo ra một bước đột phá lịch sử với một thỏa thuận, song rõ ràng là ông ấy bắt đầu nhận ra rằng mọi chuyện không đơn giản như trong tưởng tượng”.
Người dân Hàn Quốc mong muốn hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công nhưng nó đã không diễn ra. Ảnh: NBC. |
Trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Trump tự nhận mình là một nhà đàm phán đại tài, đã tập trung vào nhiều thỏa thuận tham vọng, song phải vật lộn để cụ thể và hiện thực hóa chúng.
Ông đã tạm ngừng những đe dọa về chiến tranh thương mại với Trung Quốc và thay vào đó bằng tuyên bố về một thỏa thuận để giảm thâm hụt thương mại Mỹ-Trung, song lại không nói rõ chi tiết. Ông Trump vừa rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà không hề vạch ra lộ trình sau đó với các đồng minh. Kế hoạch hòa bình Trung Đông, trọng trách mà ông giao cho con rể Jared Kushner lãnh đạo, đã bị trì hoãn hàng tháng và không khỏi khiến dư luận ngày càng hoài nghi.
Các nguồn thạo tin dẫn lời một số quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết điều mà Tổng thống Trump quan tâm nhất trước cuộc gặp với Triều Tiên là tính chất lịch sử và gây chú ý của sự kiện này, chứ ông thực sự không mấy để tâm tới những tài liệu tóm tắt về chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Scott Snyder, Giám đốc Chương trình Chính sách Mỹ-Triều thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại, cho rằng có nguy cơ “buổi lễ và ý nghĩa lịch sử của cuộc gặp sẽ làm lu mờ các nội dung và những yếu tố cần thiết của vấn đề” hạt nhân Triều Tiên. Với tính cách của mình, ông Trump có cách thức khác người trước cuộc gặp với các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Những người trong cuộc cho biết Tổng thống Trump muốn tiến hành cuộc gặp với Triều Tiên bởi ý tưởng ghi điểm ngoại giao bằng một thỏa thuận lịch sử và ông cảm thấy phấn kích với khả năng được đề cử giải Nobel Hòa bình, nhất là bởi cựu Tổng thống Barack Obama từng nhận được giải thưởng danh giá này khi lên cầm quyền chưa lâu.
Tổng thống Trump từng nhiều lần khẳng định với dư luận rằng mục tiêu của ông là phi hạt nhân hóa Bán đảo triều Tiên và Triều Tiên cũng đã đồng ý đề cập tới chương trình hạt nhân trong các cuộc đàm phán sắp tới. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn rất xa mới có thể tiến tới cái gọi là đồng thuận chung. Tất cả những gì đang diễn ra cho thấy, hai nước vẫn chưa thực sự xây dựng được sự tin cậy lẫn nhau về chính trị.