Thị trưởng đấu tranh cho di dân tự do vào châu Âu

Thứ Bảy, 29/04/2017, 15:45
Thị trưởng thành phố Palermo-Leoluca Orlando được xem là huyền thoại ở Italy vì dám động chạm đến thế giới của các bố già. Và ngày nay, ngài thị trưởng Palermo tiếp tục đấu tranh cho người di cư tự do vào định cư tại các quốc gia Liên minh châu Âu (EU).

“Tôi còn sống quả là phép lạ”

Cứ mỗi lần có một con tàu tiến vào cảng Palermo, Thị trưởng Leoluca Orlando lại đến chào đón họ. Ông nói với họ: "Xin chào. Mọi chuyện tồi tệ đã qua rồi. Từ nay, các bạn là công dân Palermo". Leoluca Orlando nổi tiếng không chỉ là người bảo vệ quyền lợi cho người dân di cư, mà còn là chính trị gia chống mafia đến cùng vào những thập niên 80 và 90 (của thế kỷ trước).

Một buổi sáng thứ bảy, Orlando cùng hai vệ sĩ của ông đi tới nhà thờ San Giorgio dei Genovesi, nơi ông dự định mở một cuộc triển lãm về cuộc khủng hoảng người tị nạn. Trong nhóm khán giả chờ sẵn có Delfina Nunes, người đã sống ở Palermo 37 năm qua, đến từ Cape Verde. Bà là chủ tịch mới của Hội đồng Văn hóa, một cơ quan tư vấn có 21 người di cư mà Orlando thành lập để cung cấp cho người di cư một tiếng nói chính trị.

Ông Leoluca Orlando.

"Chúng tôi gặp gỡ thường xuyên với ông ấy, bà Nunes nói. Chúng tôi tư vấn cho ông về mọi chủ đề, không chỉ về di cư. Điều tuyệt vời là ông ấy lắng nghe chúng tôi và coi chúng tôi là công dân Palermo chứ không phải là những người nhập cư".

Tất cả người di cư đều có quyền đi học, tiếp cận chế độ chăm sóc y tế và, chủ yếu là quyền làm việc sau khi sống ở Palermo chừng hai tháng. Điều đó vẫn còn khá mơ hồ đối với những người xin tị nạn và di dân kinh tế ở nhiều nơi khác trong khối châu Âu. Trong khi thị trưởng có thể không có quyền quyết định ai được phép thường trú ở Italy, mỗi người nhập cư đều được mời đến dự một nghi lễ đón chào công dân danh dự, hầu cho họ có cảm giác mình là một phần của thành phố.

Sinh trưởng trong một gia đình danh giá, năm 1980 trong lúc Leoluca Orlando đang theo đuổi sự nghiệp hàn lâm tại Trường Đại học Palermo thì một bước ngoặt xảy ra làm thay đổi cuộc đời ông mãi mãi. Người bạn Piersanti Mattarella của ông, Thống đốc vùng đảo tự trị Sicily của Italy, bị mafia giết chết. Leoluca Orlando cho biết: "Đằng sau vụ ám sát Piersanti Mattarella là những chính trị gia thuộc đảng riêng của ông ấy. Tôi quyết định dấn thân vào chính trường để tiếp tục công việc của ông bạn mình - quét sạch hệ thống mafia khuynh đảo nền chính trị đảo Sicily".

Ngày nay mafia vẫn tồn tại, nhưng họ không còn quyền lực chính trị ở Palermo nữa. Các bố già đã bị lật đổ và hơn 4.000 thành viên mafia bị bắt giữ kể từ thập niên 90 khi vị thị trưởng này liều mạng chính mình để chuyển đổi mọi thứ trong một thành phố từng được so sánh với Beirut vào thập niên 80 vậy!

Leoluca Orlando từng nằm trong danh sách tử thần của mafia, cùng với hai thẩm phán Giovanni Falcone và Paolo Borsellino - cả hai cùng bị giết chết trong các vụ tấn công bằng cách cài bom vào xe ôtô riêng vào năm 1982.

Cách nay 2 năm, khi em trai Sergio Mattarella của Piersanti Mattarella được bầu làm tổng thống Italy, Leoluca Orlando biết sứ mệnh mà ông thực hiện cho bạn mình đã hoàn thành, và thú nhận "tôi còn sống quả là phép lạ".

Chính sách di cư của châu Âu đang giúp đỡ… mafia

Giờ đây ở tuổi 69, ông tự nhận mình còn một sứ mệnh khác khá lớn: thuyết phục EU cho phép người di cư tự do di chuyển bằng cách "chọn Palermo ra làm mẫu" cho các thành phố khác trong nỗ lực tìm cách tích hợp dân di cư. "Chúng ta cần bãi bỏ giấy phép cư trú", ông nói về tờ giấy chính thức mà một người di cư cần có để sống hợp pháp ở một quốc gia họ chưa là công dân. Bởi vì giấy phép này thường không được cấp, nhiều người nhập cư buộc phải sống bất hợp pháp, khiến họ dễ bị khai thác và trục xuất.

Một người di cư.

"Mọi người có quyền tìm cuộc sống tốt đẹp hơn", Orlando nói và thêm rằng phân biệt những người di cư là đạo đức giả. Khi cuộc sống của bạn bị đe dọa bởi chiến tranh, bạn được chào đón. Nhưng khi bạn chết dần vì không có gì để ăn, bạn sẽ bị bỏ rơi ngoài trời giá lạnh. Điều đó thật là vô nghĩa. Người di cư kinh tế là người dễ bị tổn thương nhất bởi vì họ không có quyền lợi hưởng giấy phép cư trú".

Leoluca Orlando luôn nhiệt tình ủng hộ những ý tưởng này bất kể nơi nào ông đặt chân đến. Bàn về vấn đề di trú, ông cho rằng châu Âu đang sai lầm khi để xuất hiện nạn nô lệ và tham ô: "Người dân Syria đáng lẽ có quyền được sống ở châu Âu, nhưng họ không được hưởng quyền đó. Họ không thể đi bằng máy bay. Chúng ta buộc họ phải trả hàng ngàn đô la cho bọn buôn người và mạo hiểm sinh mạng của họ". Ông trích dẫn có ít nhất 5.000 người di cư bị chết đuối ở Địa Trung Hải hồi năm 2016.

Theo Leoluca Orlando, châu Âu cần người di cư: "Không ai muốn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp nữa, ví dụ, nhiều khu vực, nhiều làng mạc đang bị bỏ hoang toàn bộ. Người di cư có thể làm hồi sinh những khu vực đó. Châu Âu, với dân số 600 triệu người, có thể chấp nhận người di cư một cách dễ dàng".

Sự nhiệt tình này đặc biệt đáng ngạc nhiên khi nó đến từ một người đứng đầu một trong những thành phố nghèo nhất của Italy, nơi gần một phần tư cư dân bị thất nghiệp. Khoảng 400.000 người nhập cư đã đến Sicily (dân số 5 triệu) trong hai năm qua - một con số khá lớn đối với một quan chức thị trưởng như Orlando.

Nhưng khi được hỏi người nghèo ở Palermo có vui vẻ chấp nhận dòng người này vào nhập cư không, Leoluca Orlando trả lời: "Tôi được bầu làm thị trưởng với chiến thắng 74%. Điều đó có nghĩa mọi người nghĩ tôi thích hợp với chức vụ đó. Không có sự không khoan nhượng trong dạ dày của người dân, còn không chấp nhận chỉ là ý của các chính trị gia". Palermo có truyền thống di cư lâu đời. Bản thân nhiều người Sicilia là dân di cư. Và thành phố này xưa nay từng thu hút những người ngoại quốc, đã từng có người Ả Rập, Byzantines, Normans và Romans thống trị trong suốt nhiều giai đoạn.

Leoluca Orlando cảm thấy ông đã làm hết sức mình. Ông nói các chính sách di dân của châu Âu đang làm gia tăng tội phạm có tổ chức bằng cách tạo ra những người di cư trái phép. Trong cuộc chiến chống lại giấy phép cư trú, ông thấy mình một lần nữa mặt đối mặt với mafia, bởi vì mafia cần giấy phép cư trú. Bọn họ cần tính bất hợp pháp và những lệnh cấm.

Bọn họ giàu sụ nhờ giấy phép cư trú. Leoluca Orlando nói, quan điểm của ông về di cư được hình thành bởi những cuộc gặp cá nhân với những người nhập cư đến bến cảng của Palermo. Ông từng gặp một cô gái 14 tuổi đến từ Congo. Mẹ cô chết đuối trong hành trình vượt biên sang Italy. Câu chuyện này làm ông nhận ra: Châu Âu đang hại chết người di cư!

Orlando không phải là người duy nhất đưa ra lời kêu gọi tìm một phương cách tiếp cận khác. Đức Giáo hoàng đã gửi cho ông một bức thư để bày tỏ sự ngưỡng mộ và biết ơn của ngài. Nhiều thị trưởng châu Âu khác cũng đã cùng nhau cam kết "trở thành nơi trú ẩn cho người di cư".

Gần đây nhất, thị trưởng thành phố Naples, Luigo de Magistris, kêu gọi 70 thị trưởng châu Âu trở thành "máy phóng thanh" cho người tị nạn. Leoluca Orlando rất thực tế khi đề cập đến ảnh hưởng chính trị lan tỏa cho người di cư. Ông biết cần phải mất nhiều thời gian để bãi bỏ giấy phép cư trú, nhưng nói rằng "chúng ta từng cần thời gian để xoá bỏ chế độ nô lệ, chúng ta cũng từng cần thời gian để bãi bỏ án tử hình.

Trong thế giới toàn cầu hóa, nơi có sự di chuyển hàng hóa, tiền bạc và thông tin một cách tự do, sự di chuyển tự do của mọi người là điều không thể tránh khỏi".

Phương Nguyên (theo Guardian và Independent)
.
.