Khi đối thoại là con đường duy nhất

Thứ Tư, 09/02/2022, 10:37

“Từ năm 2019, chúng tôi đã đặt nền tảng cho một cuộc đối thoại chính thức và cởi mở. Tôi cho rằng đối thoại hiện nay là phù hợp hơn bao giờ hết. Cuộc đối thoại này là cần thiết, bởi chỉ có đối thoại mới bảo đảm được an ninh và ổn định ở lục địa châu Âu”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu ngày 7-2, khi tới Moscow hội kiến với người đồng cấp Vladimir Putin.

Với hướng tiếp cận đó, cho dù không khí vẫn sặc mùi thuốc súng, dù sao, những nỗ lực thúc đẩy đối thoại như vậy cũng đã và đang xóa mờ dần viễn cảnh đáng sợ về một cuộc xung đột quân sự - điều không ai mong muốn xảy ra.

Điểm nghẽn chưa lối thoát

Những đơn vị lính Mỹ đầu tiên vượt Đại Tây Dương đến tăng cường cho quân đội NATO đã có mặt ở Đức từ ngày 4-2 và đến ngày 7-2, theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht, Berlin đã quyết định điều động thêm 350 binh sĩ đến Cộng hòa Litva ở khu vực Baltic. Số binh sĩ bổ sung này “có thể được triển khai trong vòng vài ngày tới”.

Khi đối thoại là con đường duy nhất -0
Tuy chưa có bước đột phá nào nhưng chuyến công du tới Nga của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn mang ý nghĩa hết sức quan trọng.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Lambrecht cho biết Đức đang tăng cường lực lượng ở sườn phía Đông của NATO, để gửi tín hiệu rõ ràng về quyết tâm của Berlin trong việc sát cánh cùng các đồng minh. Theo bà, thông điệp mà Đức muốn gửi đến các đồng minh của mình là: “Các bạn có thể tin tưởng vào chúng tôi”.

Không chỉ vậy, ngày Tổng thống Pháp tới Nga (7-2), theo Reuters, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay liên minh này đang cân nhắc triển khai quân sự lâu dài tại Đông Âu nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, giữa lúc căng thẳng lên cao liên quan đến động thái Nga tập trung lực lượng gần biên giới với Ukraine. Phát biểu trước báo giới tại Brussels, ông Stoltenberg tiết lộ “đang có một quy trình được triển khai trong NATO”, song chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra liên quan đến việc điều chỉnh bố trí quân sự lâu dài của khối này tại sườn phía Đông. Dự kiến, trong hai ngày 16 và 17-2 tới, các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ nhóm họp để thảo luận về việc tăng cường lực lượng.

Đó, hiển nhiên, là những động thái rất khó chấp nhận đối với Điện Kremlin. Moscow đã luôn nhấn mạnh rằng họ cảm thấy an ninh quốc gia của mình bị đe dọa, sau những bước tiến liên tục và không ngừng nghỉ của NATO ở Đông Âu, đến sát đường biên giới với Nga. Một trong những đòi hỏi đanh thép và quan trọng nhất của nước Nga trong các cuộc thương thảo nhằm hạ nhiệt căng thẳng là việc NATO cần phải “đóng băng” dài hạn tiến trình mở rộng về phía Đông của mình (đặc biệt là việc kết nạp thêm Ukraine).

Khi đối thoại là con đường duy nhất -0
Dù mâu thuẫn gay gắt nhưng Nga và Mỹ vẫn chia sẻ với nhau những trách nhiệm toàn cầu chung, như cuộc chiến chống khủng bố.

Cuộc chiến xuất phát từ tư tưởng

 “Những gì chúng ta đang đối mặt, có thể chỉ trong vài tuần nữa, là một cuộc chiến tranh quy ước đầu tiên giữa hai quân đội hàng đầu, được công nghiệp hóa, số hóa... theo những quá trình đã diễn ra trên lục địa này nhiều thế hệ qua”, ngày 19-1, Bộ trưởng Quốc phòng Anh James Heappy nhận xét, sau khi Nga tăng cường hơn 100.000 quân dọc biên giới Ukraine.

Có điều, đến ngày 21-1, trong cuộc hội đàm (kết thúc trong bế tắc) với người đồng cấp Mỹ Anthony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov vẫn khẳng định: “Nga không có ý định tấn công Ukraine”.

Dường như, Moscow vẫn luôn có lý, khi liên tục bác bỏ các cáo buộc từ phía phương Tây và càng có lý hơn khi nhấn mạnh rằng họ có quyền điều động quân đội trong lãnh thổ của mình.Nhưng, vậy thì, vì sao tình hình lại vẫn cứ bị đẩy căng đến tận mức độ như những ngày qua?

Khi đối thoại là con đường duy nhất -0
Các căn cứ quân sự của NATO ở gần biên giới Nga.

Câu trả lời, có lẽ, sẽ được tìm thấy nếu chúng ta quay ngược lại thời điểm tháng 10-2021, tại Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng NATO. Ở đó, có một nội dung quan trọng được bàn thảo (bên cạnh việc đánh giá thất bại trong quá trình triệt thoái khỏi Afghanistan) là tiến trình hoàn thiện “Khái niệm Chiến lược mới” dành cho NATO, sẵn sàng cho Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tháng 6-2022 này. NATO tìm kiếm một nhiệm vụ cụ thể mới sau Afghanistan và Tổng Thư ký Jens Stontelberg hé lộ: “Đúng là đôi khi có những bất đồng song phương, bất đồng giữa các đồng minh với nhau nhưng NATO vẫn có thể đoàn kết xung quanh nhiệm vụ cốt lõi của mình, tiếp tục làm việc cùng nhau, củng cố liên minh trong một thế giới ngày càng cạnh tranh hơn.

Và, những thách thức mà chúng ta thấy ở châu Á-Thái Bình Dương từ sự trỗi dậy của Trung Quốc chỉ khiến cho việc châu Âu và Bắc Mỹ sát cánh cùng nhau trong NATO càng trở nên quan trọng. Và, hơn cả Trung Quốc, lý do tồn tại mới của NATO là Nga. Các bộ trưởng trong khối đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố ủng hộ việc răn đe, các hành động cần thiết ở vùng Biển Đen và vùng Baltic, cũng như thông qua một kế hoạch tổng thể mới về phòng thủ”.

Trong lời phát biểu này, có 2 vấn đề tương hỗ chặt chẽ: NATO phải đối diện với nguy cơ chia rẽ. Do đó, họ cần những đối tượng - địch thủ cụ thể, để củng cố sự vững chắc của mình và bảo đảm mục đích tồn tại của mình, trước mọi diễn biến của thời cuộc.

Bên cạnh đó, theo tờ Foreign Affair đăng tải cuối tháng 12-2021, “Nga đang tìm cách ngăn NATO mở rộng, chứ không phải muốn sáp nhập thêm lãnh thổ”. Nếu NATO lo lắng vì 10 vạn quân Nga triển khai dọc biên giới giáp Ukraine, thì sao Điện Kremlin lại có thể bình tĩnh khi các căn cứ quân sự của NATO áp sát lãnh thổ của mình? Nếu tầm pháo Nga vươn được đến Kiev và gây lo lắng, thì ngược lại, tiến trình tập trung lực lượng của phương Tây chắc chắn cũng tạo cho Moscow những hiệu ứng tâm lý tương tự.

Và Foreign Affair đánh giá: Sự sẵn sàng huy động quân đội và sự gần gũi về địa lý với Ukraine giúp Moscow có lợi thế hơn so với Mỹ và các đồng minh. Song, điều này không có nghĩa là Nga sắp xâm lược Ukraine.Dù báo giới phương Tây có xu hướng mô tả Putin là người liều lĩnh, trên thực tế, ông rất thận trọng và toan tính, đặc biệt là khi sử dụng vũ lực. Putin không sợ rủi ro - các chiến dịch tại Chechnya, Crimea và Syria là bằng chứng cho thấy điều đó - nhưng trong suy nghĩ của ông, lợi ích phải lớn hơn chi phí.

Khi đối thoại là con đường duy nhất -0
Chiến tranh là điều không ai muốn.

Rút củi đáy nồi

Trở lại với hiện tại, theo AFP, đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 7-2 cảnh báo châu Âu đang đối diện với mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Song, ông nhấn mạnh, rằng vẫn luôn “có thể có một giải pháp ngoại giao” cho cuộc khủng hoảng hiện tại.

Ở một diễn biến song song, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken phủ nhận Washington đang tìm cách gây hoang mang, khi được hỏi về những cảnh báo của Mỹ đối với khả năng Nga chuẩn bị tấn công Ukraine.

Và cũng trong ngày 7-2, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nhà lãnh đạo Anh muốn đưa ra những đảm bảo với Nga về vai trò của NATO, trong đó nhấn mạnh đây là một liên minh phòng thủ - điều gián tiếp khẳng định rằng những lo ngại của Nga về NATO về cơ bản là không có cơ sở. Do đó, London muốn tiếp xúc với Moscow, để cung cấp những đảm bảo, song vẫn làm rõ rằng “đây không phải là sự nhượng bộ”.

Để rồi, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, sau khi khẳng định tình hình an ninh ở châu Âu là vấn đề quan tâm chung của cả Moscow và Paris, đồng thời bày tỏ cảm ơn Pháp luôn tham gia tích cực nhất vào việc đưa ra các quyết định cơ bản trong lĩnh vực này, Tổng thống Nga Vladimir Putin thẳng thắn bày tỏ: Nước Nga vẫn bị NATO xem là kẻ thù. Bên cạnh đó, “NATO lập luận khối này là một liên minh phòng thủ thuần túy nhưng công dân của nhiều quốc gia đã tự nhìn nhận điều đúng đắn, ví dụ như Iraq, Libya và Afghanistan”.Bởi vậy, chủ nhân Điện Kremlin tái khẳng định lập trường phản đối việc NATO mở rộng về phía Đông.

Khi đối thoại là con đường duy nhất -0
NATO vẫn xem nước Nga là địch thủ chính.

Vấn đề là, cho dù vẫn tồn tại những khúc mắc đó thì có những cánh cửa cũng đã bắt đầu được hé mở. Tổng thống Pháp khẳng định sẽ phối hợp với Nga để đảm bảo một trật tự ổn định và an ninh mới ở châu Âu, tuy nhiên, không nên được thực hiện bằng cách loại bỏ quyền gia nhập NATO của các quốc gia. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của giải pháp hạ nhiệt căng thẳng tình hình, đồng thời cam kết Paris sẽ tiếp tục các nỗ lực trong khuôn khổ định dạng Normandy (bao gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine) để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, với tính chất cốt lõi của việc thực thi thỏa thuận Minsk trong giải quyết cuộc xung đột.

Xét cho cùng, cuộc đụng độ trực diện giữa hai quyền lực quân sự hàng đầu thế giới (NATO - Nga) với hàng nghìn đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của cả hai phía là điều không ai muốn hướng tới. Đó thật sự là một bóng ma đe dọa an ninh, hòa bình, ổn định cũng như đà phát triển chung toàn cầu.

Mây Linh
.
.