Nỗi hối tiếc từ “đảo quốc sương mù”

Thứ Tư, 27/09/2023, 08:53

Đó không phải là điều bây giờ mới hiện hữu. Kể từ năm 2016, khi cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên về việc đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) chính thức diễn ra cho tới lúc quá trình ấy hoàn tất ngày 31/1/2020, kết thúc 47 năm gắn bó, vẫn luôn có những luồng dư luận phản đối âm ỉ cháy. Và càng lúc, những cách thể hiện tâm trạng muốn “trở về mái nhà chung”, đảo ngược Brexit lại càng trở nên rõ rệt hơn, theo những biến động của thời cuộc.

Tái hợp - một nhu cầu có thật

“Tôi nghĩ mọi người, từ già đến trẻ, đều đã có thể thấy rằng Brexit là một thảm họa” - tờ The Independent dẫn lời Eric Stock, một thanh niên 23 tuổi sống tại khu Bắc London.

Stock trả lời phỏng vấn như vậy, khi tham gia buổi xuống đường ngày 2/9 mang tên Cuộc tuần hành tái hợp toàn quốc (National Rejoin March/NRM) - cuộc biểu tình thu hút tới khoảng 3.000 người tham gia, với cờ các nước thành viên EU trên tay và điểm đến là bục diễn thuyết ở quảng trường Quốc hội.

Nỗi hối tiếc từ “đảo quốc sương mù” -0
“Cuộc tuần hành tái hợp toàn quốc” xác định vận động tái hợp với EU sẽ là một nỗ lực kéo dài, đồng nghĩa với một vết cắt ngày càng sâu thêm trong lòng xã hội Anh.

Cùng quan điểm với Stock, Ceira Sergeant - một thủ lĩnh trẻ của phong trào tái gia nhập - tuyên bố: “Tôi thực sự có niềm tin rằng nước Anh sẽ tái gia nhập EU. Trong năm qua, phong trào này đã phát triển theo cấp số nhân. Những người nắm quyền cần phải nhận thức được điều mà giới trẻ đặc biệt mong muốn này”.

“Các chính trị gia đã làm mọi người thất vọng và giờ đây chúng ta có thể thấy hậu quả của điều đó: Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, mà trong đó, họ đã tước đi quyền lợi của chúng ta. Kêu gọi nước Anh tái gia nhập EU sẽ là một chiến dịch lâu dài, nhưng những người trẻ tuổi đã bỏ phiếu ở lại. Đây mới chính là tương lai của chúng ta!” - Madeleina Kay, người từng nhận giải thưởng Thanh niên châu Âu năm 2018 (do Quỹ Schwarzkopf trao), làm rõ về “bước ngoặt đen tối hơn” mà nước Anh đã và đang trải qua, sau Brexit.

Dĩ nhiên, đây chưa thể coi là tâm trạng chung trong xã hội Anh hiện tại. Nói một cách chính xác, cuộc biểu tình này (cũng như những lần xuống đường trước đó trong thời gian qua) là sự biểu đạt quan điểm của giới trẻ, cũng như các công dân Anh lựa chọn khuynh hướng toàn cầu hóa và phản đối chủ nghĩa biệt lập.

Nỗi hối tiếc từ “đảo quốc sương mù” -0
Bregret - một thuật ngữ mỉa mai và cay đắng.

Dù vậy, như trang National World hé lộ: Dựa trên một số kết quả thăm dò - khảo sát, khoảng 60% người dân Anh có khả năng sẽ bỏ phiếu tán đồng việc tái hợp với EU trong tương lai.

Và The Independent bình luận: Chiến dịch của các Remainer (những người ủng hộ việc ở lại/tái gia nhập EU) đã được tiếp thêm sức mạnh, khi những con phố ở London bị tràn ngập bởi đoàn người mặc áo màu xanh lam (màu cờ EU).  

Peter Corr - người lãnh đạo, cũng là người đồng sáng lập NRM - khẳng định: “Brexit là một sai lầm khủng khiếp. Tất cả chúng ta - đặc biệt là tầng lớp lao động cũng như những người nghèo - đã phải trả giá đắt vì nó. Vì thế, chúng ta phải làm điều gì đó!”.

Bregret - khái niệm cay đắng

Nếu Brexit được hình thành bởi sự lắp ghép giữa hai từ “Britain (nước Anh)” và “Exit (rời đi), thì trong vòng 12 tháng qua, từ điển thuật ngữ quốc tế đã lại có thêm một khái niệm mới: Bregret (ghép giữa “Brexit” với “regret (hối hận)”, để chỉ những người đã bình chọn cho Vương quốc Anh rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, nhưng hiện cảm thấy hối tiếc về quyết định đó. Phái Bregret không phải là các Remainers, song đến lúc này, hai nhóm tư tưởng ấy đã đến rất gần nhau.

Nguyên nhân của sự hiện hữu ngày càng rõ nét “tâm trạng tái hợp” này là gì? Một cách ngắn gọn, đó là sự bất ổn ngày càng tăng, trong các cấu trúc chính trị - kinh tế - xã hội Anh.

Hãy ngược trở lại quá khứ gần, khi một cuộc thăm dò do YouGov tiến hành và công bố kết quả hồi cuối tháng 2/2023. Theo đó, 53% số người tham gia trả lời khảo sát cho rằng Vương quốc Anh đã sai khi lựa chọn rời EU, so với 32% vẫn tin rằng đây là quyết định đúng đắn. Một cuộc thăm dò khác của Ipsos hồi tháng 1 trước đó cũng ghi nhận kết quả 45% dân số cho rằng Brexit đã khiến cuộc sống hằng ngày của họ trở nên tồi tệ hơn. Chỉ có 11% cho rằng Brexit đã cải thiện cuộc sống của họ.

Nỗi hối tiếc từ “đảo quốc sương mù” -0
Tâm trạng tái hợp luôn âm ỉ hiện hữu ở Anh.

Trước đó nữa, cuộc thăm dò dư luận do Focaldata và UnHerd thực hiện với 10.000 người trên toàn Vương quốc Anh cuối năm 2022 cũng đưa ra kết quả tương tự. Cụ thể, có tới 54% cho biết mình “hoàn toàn đồng ý” hoặc “phần nào đồng ý” rằng “Anh đã sai lầm khi rời khỏi EU”, trong khi những người không đồng ý chiếm 28%.

Bao trùm lên tất cả, vào thời điểm đó, nền kinh tế Anh bị giới chuyên gia đánh giá sẽ là nền kinh tế hoạt động kém nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), trong vòng 2 năm tới.

Lý do là bởi, trong bối cảnh toàn bộ guồng máy kinh tế toàn cầu tê liệt bởi đại dịch COVID-19, và sau đó, chưa kịp hồi phục thì đã lại tiếp tục phải nhận những cú đòn nặng nề về giá năng lượng, giá lương thực, chi phí sinh hoạt cũng như sản xuất..., sự “lẻ loi” lại càng khiến các công dân Anh dễ bị tổn thương hơn. Nếu các thành viên còn lại trong EU có thể “tựa vào nhau”, phối hợp nhằm cố gắng giảm nhẹ các tác động của những cuộc khủng hoảng chất chồng và liên tiếp, duy trì các chuỗi cung ứng, từ đó bình ổn và xoa dịu các vấn đề của xã hội dễ dàng hơn, thì bởi vì đã “dứt áo ra đi”, nước Anh bắt buộc phải “tự lực cánh sinh”.

Tháng 7/2022, mức lạm phát ở Anh thiết lập kỷ lục mới, trong vòng 40 năm. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh trong tháng 7 đã tăng lên tới 10,1%. Đầu tháng 8/2022, mức lạm phát lên xấp xỉ 13%. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), kể từ đó đến nay, cũng hầu như thường xuyên phải giữ lãi suất ở mức cao.

Trên thượng tầng chính trị, nối nhau, các vị Thủ tướng Theresa May, Boris Johnson, Lizz Truss và hiện tại là Rishi Sunak đều chưa có đủ điều kiện cũng như phương tiện để có thể kiến tạo sự phồn vinh - như những viễn cảnh màu hồng được vẽ ra trên con đường thúc đẩy Brexit, trong vòng xoáy nghiệt ngã của thời cuộc.

Brexit, cứ thế, dần đổi màu thành Bregret.

Nỗi hối tiếc từ “đảo quốc sương mù” -0
Đã có những sự phản đối gay gắt dành cho Brexit.

Con đường vô định

 Trước mắt, như lãnh đạo Công đảng Anh - Keir Rodney Starmer khẳng định với BBC: Sẽ không có khả năng nào cho việc tái gia nhập EU, hoặc các thị trường chung, hoặc những liên minh thuế quan... Nói cách khác, nước Anh vẫn sẽ phải tiếp tục trên con đường biệt lập đã chọn, ít nhất là trong ngắn hạn (và có thể là trung hạn).

Con đường ấy, lựa chọn ấy, chắc chắn không thể dễ dàng thay đổi bởi các cuộc biểu dương rầm rộ của NRM, hay sự lan tỏa của tâm lý Bregret. Tuy nhiên, nếu không sớm tìm được những công cụ cần thiết để vực dậy nền kinh tế và ổn định cuộc sống của các giai tầng thấp hơn trong xã hội, sóng gió chắc chắn sẽ mỗi ngày một thêm gay gắt.

Chưa ai quên, ngày 1/2 năm nay, có tới gần 500.000 giáo viên, giảng viên đại học, viên chức và nhân viên lái tàu tham gia cuộc đình công lớn chưa từng có tại Anh trong nhiều năm qua, nhằm đòi hỏi cải thiện mức sống. Cuộc đình công ấy làm tê liệt nhiều hoạt động của xã hội Anh trên diện rộng và đó là cuộc đình công lớn nhất, chứ không phải duy nhất trong vòng 12 tháng qua. Các nhân viên cứu hỏa, nhân viên y tế, cùng nhiều tầng lớp cần lao khác cũng đã từng thực hiện các hình thức phản kháng tương tự, khi thu nhập của họ sụt giảm (so cả với mức lạm phát) quá sức chịu đựng.

Nỗi hối tiếc từ “đảo quốc sương mù” -0
Một khẩu hiệu trong cuộc tuần hành ngày 23/9: “Chúng tôi muốn những ngôi sao (trên lá cờ EU) trở lại!”

Thực tế đã chỉ rõ: Với Brexit, nước Anh có thể rũ bỏ các phần trách nhiệm của một cường quốc (mà các chính trị gia từng coi là gánh nặng) đối với cộng đồng châu Âu, nhưng lại không né tránh được ảnh hưởng của các biến động toàn cầu (đặc biệt là hệ lụy từ cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, nơi mà nước Anh là một trong những quốc gia viện trợ “mạnh tay” nhất cho Ukraine).

Trong mùa đông 2022, có không ít người dân Anh không đủ tiền để bật giàn sưởi cho ngôi nhà của mình. Và, vào mùa hè 2023 vừa trôi qua, những cơn sóng nhiệt ập tới cũng từng khiến rất nhiều công dân Anh khổ sở. Mà theo đà biến đổi khí hậu - môi trường toàn cầu, mỗi năm, thời tiết sẽ càng trở nên cực đoan, khó lường, khắc nghiệt. Trong khi đó, thị trường năng lượng/nhiên liệu toàn cầu - mạch máu của mọi nền kinh tế - lại nằm ngoài quyền kiểm soát và tác động của nước Anh nói riêng, cũng như phương Tây nói chung.

Chưa hẳn đã là dông bão, nhưng bầu trời London hiện vẫn còn vần vũ quá nhiều những cuộn mây đen...

Sao Linh
.
.