Ai Cập: Đánh thức những bí ẩn ngàn năm
- Phát hiện mới về nữ hoàng đẹp nhất Ai Cập cổ đại
- Tượng Ai Cập cổ đại tự... xê dịch
- Thành tựu đáng kinh ngạc của y học Ai Cập cổ đại
Rồi đến tháng 11-2017, các nhà khoa học phát hiện một mật thất trong đại Kim tự tháp Giza. Tháng cuối năm qua, các nhà khảo cổ tiếp tục phát hiện 27 bức tượng nữ thần chiến tranh Sekhmet mang đầu sư tử khi tiến hành khai quật đền thờ Pharaoh Amenhotep III ở khu vực Kom El-Hettan, phía Tây thành phố Luxor, miền Nam Ai Cập.
“Đại đế” được đưa về ánh sáng
Công lao “đánh thức” giấc ngủ ngàn năm của bức tượng được cho là của Ramses II Đại đế thuộc về các nhà khoa học ở Đức và Ai Cập khi phát hiện di tích tại một vùng đất hoang ở phía đông bắc thủ đô Cairo giữa các tòa nhà đổ nát tại Mattarya, vốn thuộc thành phố cổ Heliopolis. Theo Aymen Ashmawy, người đứng đầu nhóm khảo cổ của Ai Cập, phát hiện này cho thấy tầm quan trọng của thành phố Heliopolis, nơi thờ vị thần Mặt Trời.
Tại nơi phát hiện và đưa lên mặt đất một phần tượng Ramses II Đại đế. |
Nhà khảo cổ Dietrich Raue thuộc Trường Đại học Leipzig, người đứng đầu nhóm khoa học gia người Đức cho biết, cuộc khai quật bắt đầu từ năm 2012. Giáo sư Raue nói: “Chúng tôi đã dày công khảo sát vùng đất này. Ban đầu chúng tôi tìm thấy một số vật dụng bằng đá basalt, nhưng chỉ có thế, không có gì quan trọng, cho đến khi chúng tôi chạm đến pho tượng này, thật vô cùng bất ngờ”.
Tuy không có phù điêu hay chữ khắc nào xác nhận đây là tượng Vua Ramses II, nhưng vì địa điểm khai quật nằm gần bên tàn tích đền thờ vị pharaoh này nên có phần chắc chắn đây là tượng của ông. Ông Khlaed al-Anani, Bộ trưởng Bộ Cổ vật của Ai Cập, cho hay: “Tượng được làm từ đá quartzit (thạch anh). Đây là loại đá có độ cứng lớn, chịu phong hóa tốt, cường độ chịu nén cao. Ngoài phần dưới đầu, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nửa trên thân tượng, vương miện và một mảnh của mắt phải”.
Người ta ước tính, nếu bức tượng còn nguyên vẹn thì chiều cao phải đến 8m. Ngoài ra, đoàn thám hiểm Ai Cập-Đức cũng tìm thấy phần trên của một bức tượng đá vôi của Pharaoh Seti II, cháu nội của Ramses II, có chiều dài 80 cm. Sau khi trục vớt tất cả các mảnh của các bức tượng, khôi phục thành công và bức tượng khổng lồ được chứng minh là tượng Ramses II Đại đế, nó sẽ được đặt ở cổng vào Bảo tàng Grand Egyptian, dự kiến mở cửa năm 2018 tại Giza.
Ramses II (1303 TCN - 1213 TCN) là một trong những pharaoh vĩ đại nhất Ai Cập thời cổ đại. Đây là ông hoàng Ai Cập duy nhất có cụm từ Đại đế đặt sau tên của mình nhờ những thành tựu nổi bật trong thời gian ông trị vì đất nước. Tầm quan trọng của ông đối với lịch sử Ai Cập to lớn đến nỗi, những vị pharaoh thừa kế cũng như nhân dân Ai Cập sau này đều gọi Ramses II là “Ông tổ vĩ đại”, là “người cha của toàn quốc gia”.
Ramses II sinh ra tại bờ Đông lưu vực sông Nile vào năm 1303 TCN (có tài liệu cho là năm 1300 và việc này chưa thể xác định bởi các nhà nghiên cứu vẫn đưa ra nhiều con số mâu thuẫn nhau). Ông ra đời vào thời kỳ Tân Vương Quốc, cũng là thời điểm vàng son của Ai Cập cổ đại.
Trước khi Ramses II ra đời khoảng 200 năm, Thutmose III đã xây dựng một đế chế Ai Cập vô cùng hùng mạnh, phía Đông trải rộng đến tận Palestine, Syria; phía Nam xuống đến tận Sudan. Lúc đó, Ai Cập có vị thế vô cùng quan trọng cũng như quyền lực to lớn trong vùng. Ramses II lên ngôi từ khi còn khá trẻ, được vua cha Seti I chọn làm hoàng thái tử lúc 14 tuổi và chính thức truyền ngôi khi mới tròn 20.
Theo nhà sử học Manetho sống vào thời Ptolemy, chuyên nghiên cứu lịch sử Ai Cập, thì Ramses II đã trị vì đất nước suốt 66 năm 2 tháng, đem lại biết bao chiến tích oanh liệt cho đế chế Ai Cập lúc bấy giờ. Không chỉ thông minh tài giỏi, có tài đánh trận, trị quốc, Ramses II còn được người đời sau nhắc tới ở 2 khía cạnh đáng tự hào.
Đầu tiên, ông là một trong những Pharaoh có hậu cung đông đảo nhất cũng như có nhiều con cháu nhất! Ramses II có tới hơn 200 phi tần chính thức, hơn 150 người con, trong đó có 96 trai và 60 gái! Tuy vậy, ông lại sống rất thọ. Nhiều tài liệu ghi nhận: Ramses II sống tới 99 tuổi (một số nguồn khác lại cho rằng chỉ 87 hoặc 90, 91 tuổi). Ramses II sống lâu tới nỗi, 10 người con trai của ông còn qua đời trước cả khi vị vua này băng hà.
Điều thứ hai liên quan đến quãng đời chinh chiến oanh liệt của ông. Từ thời các quân vương tiền nhiệm, Ai Cập luôn bị những người Hittiles, kẻ thù không đội trời chung, xâm chiếm, quấy nhiễu. Hết ông nội rồi đến vua cha là Seti I luôn cố gắng lấy lại từng tấc đất bị người Hittiles chiếm mất.
Khi lên 10, ông đã được phong làm Tổng tư lệnh danh dự quân đội Ai Cập, đến 14 tuổi thì được tham chiến thực sự trong trận đánh với Lybia. Sau khi lên ngôi được 5 năm, Ramses II quyết định đem quân chinh phạt thành Kadesh của người Hittiles với hơn 40.000 quân tinh nhuệ.
Chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng nhưng chỉ một sai sót nhỏ đã suýt khiến vị vua trẻ thảm bại! Việc những tên lính trinh thám không làm tốt công việc của mình đã khiến đội quân của Ramses II bị Muwatalli II, vua của người Hittiles cùng hơn 4 vạn quân đánh úp.
Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, đương nhiên những người Hittiles chiếm ưu thế hơn do tính bất ngờ cũng như sự áp đảo về quân số. Giữa trùng vây của quân Hittiles, Ramses II đã không nao núng, cùng một đoàn tùy tùng nhỏ xông lên, quyết một mất một còn với quân địch, đồng thời tập hợp lại những binh sĩ đang tháo chạy. May mắn cho Ai Cập và cả vị vua trẻ tuổi, viện quân từ Ai Cập đã tới kịp thời và lấy lại cân bằng thế trận.
Một bức tượng nữ thần Sekhmet. |
Dù hai bên bất phân thắng bại nhưng Ramses II vẫn trở về quê hương và tuyên bố chiến thắng về phần mình. Ông đứng giữa ba quân, rút gươm và hét lên rằng: “Ta sẽ bay vút đến chúng như một con chim ưng vồ mồi, tàn sát và chém giết tất cả, ta sẽ nhấn chìm chúng vào lòng đất!”. Những năm sau đó, Ramses II vẫn tiếp tục những cuộc chiến của mình. Ramses II là người đã xây dựng một trong những hiệp ước hòa bình đầu tiên với Hittitles.
Nhờ hiệp ước hòa bình này, biên giới phía Bắc của Ai Cập bình yên trong suốt thời gian ông cầm quyền. Cho đến khi ngoài 40 tuổi, ông không còn chinh chiến mà tập trung vào việc cho xây dựng các công trình đồ sộ để thể hiện uy quyền của mình. Hàng loạt các kiến trúc kỳ vĩ ra đời, phần nào phản ánh được tầm quan trọng cũng như ảnh hưởng to lớn của Ramses II.
Mật thất của Đại Kim tự tháp Giza chứa đựng điều bí ẩn nào?
Với chiều cao nguyên thủy là 149,6 mét, Kim tự tháp Giza (hay còn gọi là kim tự tháp Kheops) được xây dựng trong giai đoạn từ năm 2509- 2483 trước Công nguyên và là công trình duy nhất còn sót lại trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại.
Các nhà khoa học đã tìm ra mật thất trong lòng kim tự tháp Giza nhờ vào công nghệ hiện đại. |
Nhóm chuyên gia thuộc Đại học Cairo được chính phủ Ai Cập tài trợ cùng Tổ chức bảo tồn HIP của Mỹ hợp tác thực hiện dự án quét kim tự tháp (ScanPyramids) nhằm khám phá những kim tự tháp Ai Cập dưới thời Cổ vương quốc, sử dụng những kỹ thuật không gây hư hại và không xâm phạm công trình, bao gồm quét 3D, thiết bị nhũ hóa và công nghệ chụp bằng hạt hạ nguyên tử - gọi là muon. Hạt muon là sản phẩm phụ của tia vũ trụ có thể xuyên qua lớp đá. Khi các hạt di chuyển qua lớp đá hoặc không khí, đường đi riêng biệt của nó cho phép phân biệt các khoảng trống với cấu trúc rắn.
Trước đây, người ta chỉ phát hiện được 3 căn phòng bên trong kim tự tháp này: Phòng đại sảnh, phòng của vua Khufu và phòng của hoàng hậu. Từ khi phát hiện ra kim tự tháp này, xác ướp của vua Khufu cũng đã bị đánh cắp cùng với những của cải được chôn theo.
Theo International Business Times, phát hiện của các nhà khoa học về căn phòng thứ tư - mật thất - được công bố trên tạp chí Nature hôm 2-11-2017. Nhóm nghiên cứu vẫn chưa rõ về kết cấu chính xác và chức năng của căn phòng mới tìm thấy, dài ít nhất 30 mét nằm bên trên Phòng đại sảnh (Grand Gallery), một hành lang dốc nối liền “Phòng vua” và “Phòng hoàng hậu”. Tuy nhiên, phát hiện này cho phép các nhà khoa học hiểu rõ hơn về kim tự tháp và cấu trúc công trình.
“Chúng tôi tránh dùng từ hầm chứa bởi đây không phải là một hầm chứa, nhưng chúng tôi biết đó là một phòng trống. Căn phòng có cùng những đặc điểm như Phòng đại sảnh, kết cấu cao 8 mét và dài 47 mét. Chúng tôi chưa rõ căn phòng tạo thành từ một cấu trúc hay vài cấu trúc liền nhau. Căn phòng rất ấn tượng và chưa có giả thuyết nào nói về sự tồn tại của nó”, Mehdi Tayoubi, trưởng nhóm nghiên cứu ở Viện HIP, cho biết.
Đến tháng 12 vừa qua, trong khuôn khổ dự án được triển khai từ năm 1998, đến nay các nhà khảo cổ học đã khai quật được 287 pho tượng nữ thần Sekhmet tại đền thờ Pharaoh Amenhotep III thuộc triều đại thứ 18 (1580-1314 trước Công nguyên).
Đây đã từng là một công trình kiến trúc tuyệt vời với một số lượng lớn chưa từng thấy tượng các vị thần và nhân vật trong triều đại, trong đó có hàng trăm bức tượng nữ thần Sekhmet - thần của chiến tranh và sự báo thù, đại diện cho thế lực đen tối của Mặt trời. Những bức tượng không bị vùi sâu trong lòng đất còn ở tình trạng tốt, trong khi một số pho khác bị hư hại do nước ngầm và muối phá hủy bề mặt.
Trước mắt, các pho tượng hiện đang được phục dựng, làm sạch và khử muối. Sau đó, tất cả sẽ được đưa trở lại nơi khai quật ban đầu khi Dự án bảo tồn đền thờ Pharaoh Amenhotep III được hoàn tất.
Đến giờ, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể vào bên trong hay biết mục đích sử dụng của mật thất vừa phát hiện trong lòng Kim tự tháp Giza là gì. Mehdi Tayoubi, nhà khoa học phát hiện căn phòng, cho biết nhóm nghiên cứu dự định làm việc với nhiều tổ chức khác để đưa ra giả thuyết về khu vực này.
Ông phát biểu: “Mật thất có thể bao gồm một hoặc nhiều cấu trúc... có thể là thư viện. Nó cũng có thể là một buồng nhỏ, hoặc bất kỳ thứ gì”.
Giới chuyên gia đánh giá đây là một trong những phát hiện đáng chú ý nhất về kim tự tháp, phần nào làm rõ hơn cách người cổ đại xây dựng những công trình khổng lồ này. Một tờ báo của Australia nhận định: Nếu có gì chúng ta học được trong năm 2017, thì đó chính là kiến thức của loài người còn rất hạn hẹp!