Chernobyl: Vùng đất chết hồi sinh

Thứ Năm, 03/05/2018, 11:14
Ngày 26-4-2018, Ukraine kỷ niệm 32 năm thảm họa Chernobyl, tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử, đã phát tán bụi phóng xạ ra nhiều nước châu Âu, đặc biệt là tại Ukraine, Belarus và Nga, sau đó là các nước Cộng hòa Xôviết.

"Chernobyl sẽ mãi mãi vẫn là một vết thương hở trong tim đất nước chúng ta", Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói trên trang Facebook cá nhân và kêu gọi "làm mọi thứ có thể để đảm bảo thảm kịch này không bao giờ xảy ra nữa". Trong đêm hôm trước, hàng trăm người đã tham gia vào một buổi lễ kỷ niệm tại Slavutitch, cách nhà máy khoảng 50 cây số.

Bùng nổ "du lịch hạt nhân"

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đang trở thành một điểm thu hút du lịch mới đối với những người ưa mạo hiểm. Maja Bandic, một phụ nữ người Croatia tuổi khoảng ngũ tuần, đã cố ý đến Ukraine để thăm nhà máy nổi tiếng này có lò phản ứng thứ tư đã phát nổ ngày 26-4-1986 gây ô nhiễm phần lớn châu Âu.

Một linh mục tại buổi lễ kỷ niệm 32 năm vụ tai nạn của nhà máy điện hạt nhân tổ chức vào ngày 26-4-2018, tại Slavutitch, cách Chernobyl khoảng 50 km.

"Tôi đã chán ngấy các bảo tàng và quá trình toàn cầu hóa. Các thành phố dần bắt đầu trông giống nhau... Tôi muốn nhìn thấy một cái gì đó hoàn toàn khác, như Chernobyl", bà Bandic cười nói với phóng viên hãng AFP ở giữa khu vực "cấm", không có người ở, trong bán kính 30 km bao quanh nhà máy.

Theo thống kê chính thức, số lượng khách du lịch đến đây ngày càng tăng: năm ngoái, khoảng 50.000 người (70% người nước ngoài) đã đến Chernobyl, tăng 35% so với năm 2016… và tăng 350% so với năm 2012. Chính quyền Ukraine gần đây đã quyết định mở cửa "vùng cấm" thuộc bán kính 30km quanh Nhà máy hạt nhân Chernobyl để phát triển du lịch.

Cuối năm ngoái, Bộ Tình trạng khẩn cấp Ukraine trình lên chính quyền sơ đồ các tuyến đường "không có nguy cơ" tại Chernobyl, theo tờ Nezavissimaia Gazeta. Kể từ nay, các cơ quan du lịch có thể giới thiệu chương trình khám phá vùng đất lịch sử này với du khách.

Tạp chí Forbes dẫn lời đại diện Bộ Du lịch Ukraine Dmitri Zarouba dự đoán Chernobyl có thể trở thành một trong những khu du lịch thu hút nhất trên thế giới, có thể đón đến 1 triệu khách mỗi năm. Cho đến nay, dù chưa chính thức nhưng vẫn có một số hãng du lịch tổ chức tham quan cho từng nhóm nhỏ du khách ưa thích mạo hiểm. Không khó khăn lắm để đăng ký một chương trình như vậy trên internet. Điều kiện để đến Chernobyl là khách phải trên 18 tuổi và trả khoản phí tham quan từ 110 - 370 euro.

Theo Bộ Tình trạng khẩn cấp Ukraine, do phóng xạ rò rỉ thành từng "mảng" tại Chernobyl nên nếu đi đúng các tuyến đường đã được kiểm tra trước sẽ không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Để tăng thêm tính an toàn, chính quyền địa phương dự định lắp đặt thêm nhiều trạm đo mức phóng xạ tại đây.

Tờ Nezavissimaia Gazeta dẫn lời Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Chernobyl Serguei Gachtchak nhận định: "Nếu được quản lý chặt chẽ, du lịch tại Chernobyl sẽ không dẫn đến nguy cơ nào cả. Trong suốt chuyến tham quan, du khách chỉ nhiễm một lượng phóng xạ rất nhỏ, không thể ảnh hưởng đến sức khỏe".

Trong khi đó, theo ông Gachtchak, du lịch "chui" đáng lo ngại hơn nhiều vì khách không biết những khu vực có độ nhiễm xạ cao để tránh, đến gần những tòa nhà có nguy cơ đổ sụp và không được cảnh báo về các loài động vật hoang dã đã chiếm cứ Chernobyl từ 25 năm nay…

Ngay lối vào chính của khu vực cấm là một quầy lưu niệm bán các loại áo thun được trang trí các biểu tượng phóng xạ màu đen và màu vàng và mặt nạ khí cao su của Liên Xô.

Theo Viktor Khartchenko, giám đốc hãng du lịch Go2chernobyl.com, đơn vị tổ chức các chuyến đi đến địa điểm này từ năm 2012, sự bùng nổ của loại hình du lịch này có thể được giải thích bởi hai yếu tố chính: kỷ niệm 30 năm ngày xảy thảm họa hồi năm 2016 và việc lắp đặt một mái vòm kim loại mới phía trên lò phản ứng bị sự cố, làm giảm đáng kể sự rò rỉ phóng xạ. Cả hai sự kiện này đều được các phương tiện truyền thông quốc tế thông tin rộng rãi, điều này đã làm giảm bớt những lo ngại của những người không muốn đi đến Chernobyl.

Khartchenko nói: "Một ngày nghỉ trong khu vực này tương đương với hai giờ bay trên Đại Tây Dương, xét về mức độ hấp thụ phóng xạ". Joel Alvaretto, một sinh viên Argentina, thú nhận rằng anh có "một chút sợ hãi" về tình trạng phóng xạ. Người ta nói rằng "chúng ta có thể thấy những ảnh hưởng của phóng xạ nhiều năm sau đó, nhưng tôi không biết", sinh viên này nói thêm.

Thiên nhiên hồi sinh mạnh mẽ hơn con người

Rời Chernobyl, tất cả khách du lịch buộc phải vượt qua kiểm tra phóng xạ. Nhiều hãng du lịch Ukraina cung cấp các tour một ngày đi đến Chernobyl, có giá từ 25 đến 650 Euro. Về chương trình: tham quan vỏ lò phản ứng bị tai nạn, thăm các ngôi làng bị bỏ hoang, xem cá da trơn khổng lồ sống ở các vùng nước phóng xạ...

Điểm nổi bật của chuyến đi là thăm Pripyat, một thị trấn ma nằm cách nhà máy chỉ vài cây số, nơi gần 50.000 cư dân đã được sơ tán trong ba giờ vào ngày 27-4-1986 và họ không bao giờ trở về nhà. Tại đây, du khách sẽ thấy những tòa nhà dân cư bị bỏ hoang, trường học nơi đồ chơi trẻ em, sách hoặc ghi chú viết tay vẫn treo quanh tường, một công viên giải trí có bánh xe lớn vẫn đứng trên quảng trường trung tâm…

Du khách chụp ảnh trong nhà văn hóa ở thị trấn ma Pripiat.

"Rất tuyệt khi nhìn thấy tất cả những điều này. Toàn bộ thành phố giờ chỉ còn là một tàn tích còn sót lại", Adam Ridemar, một sinh viên người Thuỵ Điển cùng với cha mình đến xem nơi này, nói.

Anh ta còn ngạc nhiên bởi thảm thực vật to lớn ở đây: "Tôi cứ nghĩ mình đang đi trong một khu rừng nhiệt đới ở đây". Sự hồi sinh của thiên nhiên trên những vùng đất bị bỏ hoang này, nơi những con đường trải nhựa đang bị thu hẹp bởi những đám cỏ hoang và những ngôi nhà biến mất đằng sau những bụi cây dày đặc hơn bao giờ hết. "Nó chứng minh rằng thiên nhiên luôn mạnh mẽ hơn con người. Điều đó thật tuyệt vời", Bandic nói.

Điện lại sáng tại Chernobyl

Những ngày này có rất đông công nhân trong bộ đồ lao động màu da cam đang bận rộn xung quanh các tấm pin mặt trời ở gần nhà máy hạt nhân Chernobyl. Ukraine chuẩn bị khởi động trung tâm năng lượng mặt trời đầu tiên trong khu vực bị nhiễm phóng xạ gây ra bởi thảm họa hạt nhân cách nay 32 năm, để khôi phục vùng đất bị bỏ hoang này.

Với công suất tượng trưng một megawatt, nhà máy điện này nằm cách chừng trăm mét khối thép kín khổng lồ bao bọc phần còn lại của lò phản ứng hạt nhân của Chernobyl, nơi xảy ra vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại vào năm 1986.

Nhà máy điện năng lượng này có thể cung cấp cho khoảng 2.000 hộ gia đình sống trong các căn hộ chung cư, theo giải thích của Evguen Variaguine, Giám đốc công ty Solar Chernobyl của Ukraine-Đức, đơn vị thực hiện dự án này. Solar Chernobyl đã chi ra một triệu euro để lắp đặt khoảng 3.800 tấm pin thu năng lượng mặt trời trên diện tích 1,6 hecta, gấp đôi diện tích của một sân vận động bóng đá. Công ty này hy vọng sẽ bắt đầu thu lời từ dự án trên sau năm thứ bảy.

Trung tâm năng lượng mặt trời này sẽ được khánh thành trong vài tuần tới. Solar Chernobyl dự kiến sau đó sẽ xây dựng thêm các trung tâm khác cũng ở khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trước đây để đạt được tổng cộng công suất 100 megawatts. Theo ông Variagine, đây là nơi cường độ ánh sáng mặt trời giống như ở phía nam nước Đức.

Ukraine đang tìm cách phát triển năng lượng cho riêng mình sau khi ngừng mua khí đốt của Nga do những căng thẳng giữa Moscow và Kiev. Ukraine cũng muốn làm sống lại khu vực cách ly trong bán kính 30 km xung quanh nhà máy Chernobyl, nằm cách Kiev 100 km về phía bắc và gần biên giới với Belarus.

Vào lúc 1h23 ngày 26-4-1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, cách Kiev khoảng 100 km về phía bắc, phát nổ trong một thử nghiệm an toàn. Trong mười ngày sau đó, nhiên liệu hạt nhân bị đốt cháy, phóng thích các nguyên tố phóng xạ vào trong bầu khí quyển của ba phần tư toàn châu Âu.

Tổng cộng, gần 350.000 người đã được sơ tán trong nhiều năm trong bán kính 30 cây số xung quanh nhà máy và một lãnh thổ rộng lớn hơn 2.000 km2 xung quanh nhà máy cho đến nay vẫn bị bỏ hoang không người sinh sống. Trong bốn năm, khoảng 600.000 người Xôviết đã được gửi đến hiện trường để dập tắt đám cháy và xây dựng một chiếc "chuông" bê tông chụp lên lò phản ứng gặp nạn và làm sạch các vùng lãnh thổ xung quanh nhà máy. Con số người bị chết bởi vụ nổ này hiện vẫn còn gây tranh cãi, với ước tính dao động từ 30 đến 100.000 ca tử vong.

Các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt tại Chernobyl, Ukraine.

Ba lò phản ứng khác của nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động sau thảm họa, nhưng cuối cùng toàn bộ nhà máy đã được đóng cửa vào tháng 12-2000, đánh dấu sự chấm dứt của tất cả các hoạt động công nghiệp ở Chernobyl.

Sau nhiều năm trì hoãn, một vòm thép kín khổng lồ cuối cùng đã được lắp đặt vào cuối năm 2016 trên lò phản ứng bị hỏng. Với chi phí 2,1 tỷ Euro, được tài trợ bởi cộng đồng quốc tế, cấu trúc này bao phủ bên ngoài chuông bê tông cũ, do bị nứt và không ổn định, và cho phép cô lập tốt hơn chất phóng xạ vẫn còn rất cao trong lò phản ứng. Kết quả là, hàm lượng phóng xạ trong vùng lân cận của nhà máy đã giảm 10 lần trong một năm, theo ước tính chính thức.

Con người sẽ không thể trở lại sống trong khu vực nhiễm xạ của nhà máy này "trong 24.000 năm nữa", nhưng hoạt động khai thác công nghiệp thận trọng là hoàn toàn có thể, các nhà chức trách Ukraine cho biết. "Vùng đất này rõ ràng không thể được sử dụng cho nông nghiệp, nhưng nó khá thích hợp cho các dự án công nghiệp và khoa học", Bộ trưởng Môi trường Ukraine Ostap Semerak, khẳng định với AFP vào năm 2016.

Việc "úp một chiếc chuông thép khổng lồ" lên các tàn tích của lò phản ứng hạt nhân bị hư hỏng vào cuối năm 2016 đã khuyến khích các nhà đầu tư dám mạo hiểm đầu tư vào vùng đất nhiễm xạ này. Tuy nhiên, các tấm thu năng lượng mặt trời ở Chernobyl không cắm trực tiếp xuống đất bị nhiễm xạ, mà được cố định trên kệ bê tông đặt trên mặt đất. Ông Variaguine nói: "Chúng tôi không thể khoan hoặc đào ở đây vì những quy tắc an toàn".

Từ năm 2016, các nhà chức trách Ukraine nói rằng họ có gần 2.500 ha cho các dự án phát triển năng lượng mặt trời quanh khu vực nhà máy Chernobyl. Theo Olena Kovalchuk, phát ngôn viên của chính quyền địa phương, họ đã nhận được 60 đề xuất từ các tập đoàn nước ngoài - Đan Mạch, Mỹ, Trung Quốc, Pháp.

Để khuyến khích các nhà đầu tư, Kiev hứa mua năng lượng mặt trời với giá cao hơn mức trung bình áp dụng ở châu Âu 50%, Oleksandr Khartchenko, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Kiev cho biết. Tuy nhiên, các nhà đầu tư phương Tây đã không vội vã tới Chernobyl vì họ biết tình trạng quan liêu và tham nhũng đặc hữu ở Ukraine, Khartchenko nói.

Ông Anton Oussov, cố vấn của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (Berd) cảnh báo: "Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo rằng các hoạt động công nghiệp trong khu vực Chernobyl phải diễn ra an toàn". Hiện tại, ngân hàng này chưa có dự định đầu tư nào trong khu vực này ở Ukraine.

M.T. (tổng hợp)
.
.