Cuộc đấu tranh cuối cùng tại Nhà tù Hỏa Lò trước ngày Giải phóng Thủ đô

Thứ Ba, 13/10/2015, 15:40
Những mái nhà xinh xắn của 48 hộ dân thôn Phụ Khánh nằm xen giữa 3 ngôi chùa cổ kính là chùa Lưu Ly, chùa Bích Thư và chùa Bích Hoa ngay tại trung tâm Hà Nội đã bị chính quyền thực dân Pháp san phẳng từ năm 1899 để dựng nên một nhà tù lớn nhất Đông Nam Á gọi theo tiếng Pháp là Maison Centrale, tức nhà tù Hỏa Lò.

Với chế độ giam cầm cực kỳ hà khắc, thực dân Pháp nhằm tiêu diệt ý chí chiến đấu của những chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Song, nhà cầm quyền thực dân đã bị thất bại trước ý chí kiên cường, bất khuất của các thế hệ tù chính trị.

Lịch sử ghi nhận quá trình đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Hỏa Lò là một bộ phận khăng khít của tiến trình đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc; thành quả đấu tranh của tù chính trị Hỏa Lò đều không tách rời sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, của Thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ.

Nhân kỷ niệm 61 năm Ngày giải phóng Thủ đô, chúng tôi xin trân trọng gửi tới bạn đọc một số tư liệu quý về cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản yêu nước trong nhà tù Hỏa Lò và sự hậu thuẫn hiệu quả của nhân dân Hà Nội bắt đầu từ sau Hội nghị quân sự tại Trung Giã (tháng 7/1954) cho đến trước ngày Hà Nội giải phóng (10/10/1954).

Âm mưu thâm độc của địch

Những tin tức của Hội nghị Giơnevơ, Hội nghị quân sự tại Trung Giã, về kết thúc chiến tranh, trao đổi tù binh, ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương đã dồn dập dội vào nhà tù Hỏa Lò Hà Nội qua tài liệu của Thành ủy gửi vào cho chi bộ nhà tù và qua báo chí công khai hoặc tin tức cho những người mới bị bắt, những anh em đi làm ở ngoài về kể lại.

Cuộc họp mặt truyền thống của các chiến sĩ tù chính trị tại Nhà tù Hỏa Lò (1930 - 1945) (phim lưu tại TTXVN).

Tất cả tù nhân đều phấn khởi, náo nức chờ ngày được trao trả, được về với gia đình và trở lại hoạt động cho Đảng, cho đất nước. Tuy nhiên, trước những biến chuyển mau lẹ của tình hình, chi bộ, tổ Đảng các trại vận động anh em bình tĩnh, đoàn kết, đấu tranh có tổ chức, tránh khiêu khích để bảo toàn lực lượng. Chủ trương chung là giữ gìn lực lượng, sẵn sàng đối phó với hành động của địch, thủ tiêu tù nhân trước khi chúng tháo chạy. Kế hoạch phối hợp đấu tranh, thông tin tình hình được đề ra sát sao. Các trại lập danh sách tù nhân báo cáo cho Quận ủy nội thành để phối hợp hành động đề phòng địch thủ tiêu tù chính trị, đàn áp tù nhân. Các đội tự vệ được thành lập để bảo vệ tù nhân. Kế hoạch giải phóng nhà tù khi có điều kiện cũng được suy xét lại. Công việc chuẩn bị lương thực, thuốc men, truyền đơn, khẩu hiệu được bí mật tiến hành.

Ngược lại, bọn thực dân và tay sai của chúng cai quản nhà tù thì hoang mang, dao động, phân hóa. Một số giám thị và tay sai của chúng bớt hung ác, nhưng giám ngục và bọn đứng đầu bộ máy cai quản nhà tù vẫn ngoan cố chống lại tù nhân. Chúng kéo dài, dây dưa, thậm chí không thi hành những điều quy định của Hiệp định Giơnevơ và Hội nghị quân sự Trung Giã về chế độ tù binh chiến tranh, tù chính trị. Chúng tăng cường lực lượng binh lính canh gác, kiểm tra gắt gao hơn. Viên giám ngục đã cử những tên tay sai làm cai trại, tăng cường kiểm soát, khủng bố tù nhân. Tù binh và tù chính trị bị chúng cùm chặt ở trại hoặc trong phòng tối xà lim 2, cho ăn uống tồi tệ hơn, nước tắm cũng không đủ, giờ ra ngoài bị giảm bớt.

Theo lệnh của nhà cầm quyền thực dân, giám ngục Hỏa Lò tiến hành xáo trộn tù nhân các trại, đổi người, chuyển trại, giam tù chính trị lẫn với tù thường, chuyển tù thường phạm thành tù binh, tù chính trị.

Chúng tìm cách kéo dài không trả hết những anh em là chiến sĩ, cán bộ quân sự, công an, chính quyền, đoàn thể kháng chiến của ta. Chúng lập mưu để giữ lại tù binh, tù chính trị trao trả cho chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục giam cầm hành hạ, thủ tiêu lực lượng này.

Sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy Hà Nội và Ban chi ủy nhà tù Hỏa Lò

Ban chi ủy nhà tù thời kỳ này gồm đồng chí Nguyễn Ngọc Kiền (An già) là bí thư chi bộ, đồng chí Lê Văn Thuyết, đồng chí Lê Toàn (Hải) và đồng chí Nguyễn Hữu Thụy là những chi ủy viên, luôn luôn theo dõi, nắm chắc tình hình, giữ vững liên lạc với Thành ủy và kịp thời có chủ trương chỉ đạo cụ thể. Các trại lập danh sách tù binh, tù chính trị, tìm mọi cách gửi ra bên ngoài. Viết khẩu hiệu, truyền đơn để tố cáo tội ác của địch đối với anh em tù nhân; kiên quyết đấu tranh đòi địch phải trả hết, trả đúng kỳ hạn tù binh, tù chính trị và tù thường theo quy định của Hiệp định Giơnevơ.

Tháng 8/1954, thực dân Pháp chuyển một số anh em tù binh ở căng 1 dồn lại giam chung với tù chính trị và tù thường. Đây là dịp để những tù nhân gặp gỡ, trao đổi nhằm thống nhất thực hiện các phương án đấu tranh.

Ngày 23/8/1954, thực dân Pháp ra lệnh cho tù nhân lên hai xe camnhông và nói rằng để đưa đi trao trả, nhưng kỳ thực là chúng chuyển địa điểm giam giữ để dễ bề đàn áp, thủ tiêu. Chi bộ hội ý và quyết định cử đại biểu đấu tranh đòi cho biết rõ mục đích di chuyển mới chịu lên xe. Nhưng giám ngục vẫn chuyển tù nhân đến Nhà Tiền (tức địa danh Nhà máy in Tiến Bộ ở phố Nguyễn Thái Học sau này) để phân tán lực lượng.

Chi ủy nhanh chóng chuẩn bị sẵn sàng đối phó với âm mưu của địch đem tù nhân đi phân tán hoặc thủ tiêu, sắp xếp lực lượng trên các xe để mỗi xe đều có người lãnh đạo tổ chức, chỉ huy anh em đấu tranh với địch. Chi bộ bố trí đồng chí Nguyễn Ngọc Kiền đi xe đầu cùng với các quần chúng trung kiên Nguyễn Đình Cần, Ngô Doãn Xương, đồng chí Lê Toàn, đồng chí Thứ đi xe cuối cùng.

Tại Nhà Tiền, chúng tiếp tục vi phạm điều khoản đã thỏa thuận về đối xử với tù binh chiến tranh. Chúng tiếp tục giam giữ tù nhân trong các phòng thiếu ánh sáng, ăn uống tồi tệ, thiếu nước uống, nước tắm, tù binh đau ốm không có thuốc và ít được nhận thư và quà của gia đình. Tù nhân kiên quyết đấu tranh đòi được trao trả, hoặc trả về Hỏa Lò để chờ ngày trao trả.

Nhận được báo cáo, Thành ủy và cơ sở bên ngoài đã theo sát tình hình, kịp thời tổ chức người nhà tù nhân và đông đảo đồng bào kéo đến Nhà Tiền đấu tranh phản đối kịch liệt, đòi được gặp chồng con, anh em, đòi phải đưa tù nhân đi trao trả ngay…

Cuối cùng, địch phải đưa tù nhân trở lại Hỏa Lò và được gặp người nhà trước khi đưa đi trao trả chính thức.

Theo lịch đã thỏa thuận giữa hai bên Việt-Pháp, tù nhân ở Hỏa Lò được trả lại tự do ở hai địa điểm Việt Trì vào các ngày 18, 20, 23, 24, 30 và 31/8, 1/9/1954 và Sầm Sơn trong các ngày 19 và 31/8/1954. Trên đường đi, anh em rải truyền đơn, khẩu hiệu bướm nơi đông người, hát hò, hô vang khẩu hiệu. Quần chúng nhân dân đổ ra đường chào đón những người chiến sĩ ưu tú được giải phóng khỏi cảnh lao tù. Khi tàu thủy cập bến, anh em trào dâng niềm hân hoan, sung sướng, trước sự tiếp đón ân cần, nồng hậu của đại biểu Đảng, Chính phủ, quân đội và đồng bào.

Do sự đấu tranh của ta, đợt trao trả đầu tiên đã diễn ra đúng kế hoạch và thắng lợi. Trong các đợt trao trả tù binh ở hai địa điểm Việt Trì và Sầm Sơn, về phía ta mặc dù có khó khăn đã tiến hành trao trả cho Chính phủ Pháp nhanh, gọn, chính xác. Ngược lại, phía Pháp thường dây dưa không trao trả đúng mức quy định, kéo dài ngày, thậm chí trao trả người không có tên trong danh sách hoặc có tên mà không có người.

Báo Quân đội nhân dân đã lên án và yêu cầu quân đội Pháp phải thành thật trong việc trao trả tù binh và phải đảm bảo trả hết theo đúng những điều đã thỏa thuận tại Hội nghị Trung Giã.

Ở Hỏa Lò, địch không chịu trao trả hết tù chính trị. Chúng để lại 34 tù chính trị giam cùng tù thường ở trại K. Lúc này, Ban chi ủy nhà tù còn lại 2 chi ủy viên là đồng chí Lê Văn Tuyết và đồng chí  Nguyễn Hữu Thụy. Các đồng chí nhóm họp đảng viên và quần chúng trung kiên bàn kế hoạch, động viên mọi người kiên quyết đấu tranh và động viên tù thường, binh lính địch đoàn kết đấu tranh, đòi địch phải trả hết, trả đủ tù nhân.

Thành ủy Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Toàn (Hải), người được trao trả trước ở Việt Trì, trở về Hà Nội để theo dõi, liên lạc với anh em tù chính trị còn bị giam cầm ở Hỏa Lò. Anh Nguyễn Hữu Thụy và anh Lê Toàn thường liên lạc với nhau qua hai người gác-điêng cảm tình với cách mạng.

Anh Nguyễn Hữu Thụy đã lập ba bản danh sách 34 tù chính trị, trong đó có một bản gửi tới Thành ủy, 2 bản gửi đến số nhà 11 phố Hàng Dầu, để người nhà của đồng chí Thụy trực tiếp trao cho Ủy ban Trung Giã và Ủy ban Quốc tế.

Máy chém được đặt tại Nhà tù Hỏa Lò thực dân Pháp đã sử dụng để chém đầu các chiến sĩ yêu nước và Cách mạng Việt Nam.

Vào tháng 8/1954, theo lịch rút quân, phía Pháp sắp phải rút quân đội của họ khỏi Hà Nội.

Do đề nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hội nghị Ủy ban Liên hợp đình chiến trung ương họp tại Phù Lỗ, bắt đầu bàn việc quân đội Pháp rút đi và Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội…

Tình hình diễn biến rất khẩn trương, phức tạp. Nhiệm vụ quan trọng của ta lúc này là buộc địch trao trả hết tù binh, tù chính trị trước khi chúng rút khỏi Hà Nội. Ban lãnh đạo tù nhân cử người trực tiếp gặp giám ngục chất vấn và đòi được trao trả.

Biết được âm mưu của giám ngục định chuyển số tù nhân còn lại vào Nam khi phải rút khỏi Hà Nội, lãnh đạo tù nhân quyết định tổ chức đấu tranh.

Cuộc đấu tranh tuyệt thực của tù chính trị bắt đầu sáng ngày 4/9/1954 đã được tù thường, tù binh hưởng ứng và ủng hộ.

Ngay sáng ngày 4/9/1954, hơn 800 đồng bào Hà Nội hưởng ứng cuộc đấu tranh của anh em tù nhân đã kéo đến trước nhà tù Hỏa Lò đưa yêu sách đòi phải trao trả hết tù chính trị, trả tự do cho tù thường và những binh lính phản chiến.

Những thắng lợi giòn giã

Ngày 24/9/1954, trước tinh thần phối hợp đấu tranh ở bên trong và bên ngoài giữa tù nhân và nhân dân, thực dân Pháp dù ngoan cố cũng buộc phải trao trả nốt 34 tù chính trị. Đây là chuyến trao đổi cuối cùng diễn ra ở Sầm Sơn.

Địch đưa số tù chính trị trên bằng ôtô nhà binh Pháp xuống Hải Phòng. Chi ủy đã phân công lãnh đạo và phối hợp với các tổ chức trung kiên do đồng chí Nguyễn Văn Thanh (công an) và đồng chí Hòa (quân sự) phụ trách các phương án tác chiến. Trên đường, anh em tung truyền đơn, hô khẩu hiệu, vẫy chào đồng bào…

Tới Hải Phòng, địch tập trung anh em tù nhân ở sân Nhà máy Chai, phơi nắng từ 12 giờ trưa đến 6 giờ chiều. Đến chiều tối, chúng đưa anh em xuống tàu đi ra biển. Con tàu đi trong đêm giữa biển cả mênh mông, sóng dữ. Một số người phán đoán địch có thể đưa anh em ra  biển để thủ tiêu. Lãnh đạo tù nhân động viên anh em, tin tưởng ở sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ… nhất định sẽ được trao trả. Nhưng nếu bị địch thủ tiêu, thì phải chiến đấu kiên quyết chống lại chúng, để bảo vệ mình.

Tại bãi biển Sầm Sơn, hàng ngàn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, người thân tay cầm cờ, hoa, khẩu hiệu hân hoan chào đón anh em.

Phái đoàn ta làm thủ tục tiếp nhận. Tất cả tù nhân cởi bỏ quần áo của địch và mặc quần áo mới. Anh em vui mừng cảm động ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc tung bay trước gió và sung sướng hít thở bầu không khí tự do, giải phóng và chìm đắm trong tiếng hoan hô vang dậy, trong vòng tay trìu mến của người thân và đồng chí.

Nửa tháng sau, ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng. Trong những chiến sĩ cách mạng vào làm nhiệm vụ tiếp quản nhà tù Hỏa Lò có những người nguyên là cựu tù chính trị ở đây. Lịch sử đã ghi nhận thành quả đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hỏa Lò không tách rời sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, của Thành ủy Hà Nội và sự giúp đỡ, ủng hộ của đồng bào, đặc biệt là đồng bào Thủ đô.

* Lược trích theo tài liệu "Đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hỏa Lò" của Viện Lịch sử Đảng và Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội

Đ.H.
.
.