Hé lộ 2 bức thư của Mahatma Gandhi gửi Hitler

Thứ Ba, 15/05/2018, 06:24
Trong cuốn sách có tựa đề “Les vies cachées de Gandhi” xuất bản tháng 1-2018 ở Pháp, nhà văn, nhà báo Gilles Van Grasdorff đã tiết lộ nội dung 2 bức thư mà lãnh đạo phong trào độc lập Ấn Độ Mahatma Gandhi gửi Quốc trưởng Đức quốc xã Adolf Hitler trước đây trong những năm 1939-1940.

Những bức thư này cho thấy nhà lãnh đạo Ấn Độ đã nỗ lực như thế nào để ngăn cản Hitler tiến hành chiến tranh cũng như nhanh chóng chấm dứt các cuộc xâm lược.

Theo cuốn sách trên, năm 1930, nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi nhận được một cuốn sách có tựa đề “Mein Kampf”. Đây là cuốn sách do Adolf Hitler viết và xuất bản năm 1924, trong đó trình bày tư tưởng và cương lĩnh của ông ta về Đế chế Đức một khi ông ta lên nắm quyền.

Nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi và Hitler. Ảnh: Getty.

Mahatma Gandhi đã đọc rất kỹ từng từ của Führer (trong tiếng Đức nghĩa là "lãnh đạo", ở đây ý chỉ là Adolf Hitler) khi nói về Lebensraum (một cương lĩnh quan trọng trong hệ tư tưởng Đức Quốc xã) để đưa nước Đức trở nên vĩ đại. “Trên trái đất này, chỉ có một không gian đủ lớn cho một quốc gia tự do tồn tại", Hitler viết trong cuốn sách. Khi đọc đến đây, nhà lãnh đạo Ấn Độ M.Gandhi đã mường tượng ra một thế giới mà ở nơi đó chỉ có chiến tranh, nơi sức mạnh được ngự trị và không có đất dành cho kẻ yếu.

Đó là lý do vì sao, lãnh tụ vĩ đại của Ấn Độ đã gửi thư đến Adolf Hitler để khuyên vị Quốc trưởng Đức Quốc xã nên hướng đến hòa bình nếu không sẽ “bị đánh bại bởi chính vũ khí của mình”.

Trong bức thư đầu tiên đề ngày 23-7-1939, gửi đi từ Wardha, Mahatma Gandhi viết cho Hitler có nội dung như sau:

Bạn thân mến,

Nhiều người đã đề nghị tôi viết thư cho bạn nhân danh bảo vệ nhân loại. Nhưng tôi đã phản đối yêu cầu của họ. Tôi nghĩ bạn sẽ thấy tôi không thích hợp. Tuy nhiên, vẫn có điều gì đó khiến tôi không thể phớt lờ lời đề nghị này và cần phải nói với bạn bất kể hậu quả gì sẽ xảy ra.

Hôm nay, rõ ràng rằng, bạn là người duy nhất trên thế giới có thể ngăn cản một cuộc chiến tranh nổ ra, kéo theo một thảm họa nhân loại. Bạn có thực sự tin rằng, mục đích mà bạn đang tìm kiếm sẽ trả một giá đắt không?

Hãy lắng nghe lời đề nghị này mà từ bỏ chiến tranh, đó cũng không phải là một thành công đó sao?

Dù thế nào, tôi cũng mong bạn tha thứ nếu tôi có điều gì sai khi viết thư cho bạn.

Tôi vẫn là người bạn chân thành của bạn.

M. K.Gandhi”.

Nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi.

Tuy nhiên, chiến tranh vẫn nổ ra. Mặc dù cả thế giới đang sục sôi trong biển lửa, Gandhi vẫn miệt mài theo đuổi các chính sách hòa bình và kêu gọi đấu tranh vì hòa bình. Gandhi luôn thể hiện một sự thấu hiểu sự khổ cực của người Đức bị Anh, Pháp bóc lột qua hòa ước Versailles và hiểu rằng các nỗ lực chiến tranh của Hitler một phần là để đòi lại công bằng cho dân tộc Đức cũng như những gì mà Gandhi đang đấu tranh cho người Ấn Độ khỏi xiềng xích của thực dân Anh.

Tuy nhiên, Gandhi không đồng tình với cách thực hiện của Hitler, rằng phương pháp dùng vũ lực để tranh đấu cho Hitler cũng như xâm lược các quốc gia vô tội khác như Ba Lan, Tiệp Khắc, Đan Mạch... Vì lẽ đó, Mahatma Gandhi viết bức thư thứ hai gửi Hitler. Bức thư đề ngày 24-12-1940 được gửi đi từ Wardha.

“Bạn thân mến,

Tôi muốn nói chuyện với bạn như một người bạn bình thường. Tôi không có kẻ thù. Cả cuộc đời tôi 33 năm qua là kết nối tình bằng hữu giữa loài người với nhau, bất kể sắc tộc, màu da và tôn giáo.

Tôi hy vọng bạn sẽ có thời gian và mong muốn tìm hiểu xem những người đã sống dưới ảnh hưởng của triết lý về tình bạn cho cả thế giới đó nghĩ sao về hành động của bạn. Chúng tôi không hề nghi ngờ sự can đảm và tận hiến của bạn cho quê hương mình, chúng tôi cũng không tin rằng bạn là con quái vật như những địch thủ của bạn từng mô tả.

Nhưng những lời nói và hành động của bạn, của bạn bè và những người ngưỡng mộ bạn, khiến cho chúng tôi phải tin rằng nhiều hành động của bạn là đáng lên án không phù hợp với đạo đức của loài người, nhất là từ những người tuyệt đối tin tưởng ở tình bằng hữu toàn thế giới như tôi. Chẳng hạn như việc bạn sỉ nhục Tiệp Khắc, cưỡng đoạt Ba Lan và sáp nhập Đan Mạch.

Tôi hiểu rằng, quan điểm về cuộc sống của bạn coi đó là những hành vi chính đáng. Nhưng từ thời thơ ấu, chúng ta đều đã được dạy rằng những hành động đó làm hạ thấp phẩm giá chúng ta. Vì thế chúng tôi không thể nào chúc bạn thành công.

Chúng tôi có một vị thế đặc biệt. Chúng tôi cũng chống lại đế quốc Anh giống như đảng Quốc xã. Nếu có sự khác biệt thì chỉ là ở mức độ. 1/5 nhân loại đã phải sống dưới gót giày của đế chế Anh. Nhưng sự phản kháng của chúng tôi không phải là để làm hại người dân Anh.

Chúng tôi muốn họ thay đổi, chứ không muốn đánh bại họ trên chiến trường. Chúng tôi nổi dậy, nhưng không vũ trang, chống lại ách cai trị của người Anh. Nhưng dù chúng tôi có thay đổi họ được không, chúng tôi quyết không để họ cai trị mình thông qua việc bất hợp tác bất bạo động. Đó là một phương pháp mà về bản chất là không thể dập tắt được. Nó dựa trên việc không kẻ áp bức nào có thể đạt được mục tiêu mà thiếu sự hợp tác nhất định, dù là tự nguyện hay cưỡng bức, của nạn nhân.

Bức thư đầu tiên nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi gửi Quốc trưởng Hitler. Ảnh: Getty.

Những kẻ cai trị có thể chiếm đoạt đất đai và thân thể chúng tôi, nhưng không phải là linh hồn chúng tôi. Họ chỉ có thể làm thế nếu tiêu diệt tất cả những người Ấn Độ, đàn ông, đàn bà và trẻ em. Bạn cũng sẽ không thể thống trị bằng cách đó ở những quốc gia mà bạn cưỡng đoạt. Và hãy tin tôi, rất nhiều người Ấn Độ đã tranh đấu như thế trong suốt 20 năm qua.

Phong trào độc lập của chúng tôi chưa bao giờ mạnh mẽ như thế này. Tổ chức chính trị hùng mạnh nhất, ý tôi là đảng Quốc đại Ấn Độ, đang nỗ lực vì mục tiêu cuối cùng là độc lập. Chúng tôi đã khá thành công cho tới giờ thông qua các nỗ lực phi bạo lực. Chúng tôi đã tìm thấy những phương tiện đúng đắn để chống lại đế quốc bạo lực được tổ chức tốt nhất thế giới. Bạn hẳn muốn thách thức điều đó, rằng quốc gia nào mới được tổ chức tốt hơn, Anh hay Đức.

Chúng tôi hiểu sự áp bức của đế quốc Anh với chúng tôi và những giống người không phải ở châu Âu là thế nào. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ muốn chấm dứt bạo lực của người Anh nhờ vào bạo lực của người Đức. Chúng tôi đã tìm thấy một con đường phi bạo lực mà nếu tổ chức tốt, có thể có đủ sức mạnh chống lại mọi bạo lực trên thế gian này.

Trong phương pháp phi bạo lực, như tôi đã nói, không bao giờ có thất bại. Phương pháp của chúng tôi có thể không cần tiêu tốn tiền bạc và không cần thứ khoa học của sự hủy diệt mà bạn đang thực hiện một cách hoàn hảo đó. Tôi lấy làm khó hiểu tại sao bạn không nhận ra rằng bạo lực không phải là độc quyền của ai.

Nếu không phải người Anh, thì ai đó sẽ có thể cải thiện phương pháp của họ và đánh bại bạn bằng bạo lực, như chính bạn đang đánh bại người khác. Bạn không để lại chút di sản nào để người dân của mình tự hào. Họ không thể tự hào vì những hành vi tàn bạo, dù cho nó có được lên kế hoạc khéo léo đến đâu.

Vì thế, tôi kêu gọi bạn, nhân danh loài người, chấm dứt cuộc chiến này. Bạn sẽ không mất gì nếu đưa những tranh cãi giữa bạn và người Anh ra tòa án quốc tế theo lựa chọn chung của cả hai. Nếu bạn tiếp tục chiến thắng trong cuộc chiến, điều đó không khiến bạn đúng, nó chỉ cho thấy sức mạnh hủy diệt của bạn đã lớn hơn.

Bạn hẳn biết cách đây chưa lâu, tôi kêu gọi mọi người Anh chấp nhận phương pháp của tôi. Tôi làm thế vì người Anh biết tôi là một người bạn, dù là một kẻ nổi loạn. Tôi là một người lạ với bạn và dân tộc bạn. Tôi không có can đảm kêu gọi bạn như tôi đã kêu gọi mọi người Anh. Nhưng đề xuất của tôi thực tế, quen thuộc và đơn giản.

Lúc này đây, khi mọi trái tim ở châu Âu đều mong mỏi hòa bình, chúng tôi đã tạm ngưng ngay cả cuộc tranh đấu không đổ máu của chúng tôi. Có phải là quá nhiều nếu kêu gọi bạn nỗ lực vì hòa bình lúc này, khi hòa bình không có ý nghĩa gì với cá nhân bạn, nhưng lại có ý nghĩa rất nhiều với hàng triệu triệu người châu Âu? Tôi đã định gửi một lá thư chung cho bạn và Signor (bạn) Mussolini, người tôi đã được vinh hạnh gặp mặt khi ở Rome trong chuyến thăm Anh mới đây tại Hội nghị Bàn tròn. Tôi hy vọng bạn sẽ chuyển lại lời cho bạn ấy khi nào có thể.

M. K. Gandhi”.

Bìa cuốn sách “Les vies cachées de Gandhi” của tác giả Gilles Van Grasdorff. Ảnh: Le Point.

Tuy nhiên, cả hai lần gửi thư, nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi chưa bao giờ nhận được thư hồi âm của Hitler. Có thông tin cho rằng, Hitler có nhận được các bức thư này nhưng ông ta không bao giờ thèm mở ra mà đọc nó. Cũng có nguồn thông tin khác khẳng định, những bức thư này đã bị chặn bởi Chính phủ Anh nên đã không bao giờ đến được tay Hitler.

Yên Bình
.
.