Mở lại hồ sơ về cuộc đào tẩu của chiếc MiG 25: Từ miền viễn Đông Liên Xô
- Tổng thống Peru có liên quan tới vụ đào tẩu của doanh nhân Martin Belaude?
- Vụ đào tẩu đầy bí ẩn của nữ tù nhân nổi tiếng
- Vụ mất tích máy bay MiG-25 tại bầu trời Nhật Bản
Vụ đào tẩu của Belenko đã khiến Không quân Mỹ "mừng hơn bắt được vàng" bởi lẽ trước đó, Mig 25 là nỗi ám ảnh kinh hoàng của các phi công quân sự Mỹ, kể cả phi công máy bay trinh sát SR 71 nổi tiếng bay cao đến độ "không gì có thể với tới được".
Bay “mù” để đào tẩu
14 giờ ngày 6-9-1976, một số người dân trên đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản nhìn thấy một chiếc máy bay phản lực xuất hiện sau những đám mây. Hầu như chẳng ai ngạc nhiên bởi lẽ ở Hokkaido có sân bay Hakodate, và chuyện máy bay lên xuống là chuyện thường ngày.
Belenko lúc hạ cánh xuống sân bay Hakodate. |
Ông Namura, làm việc tại tháp kiểm soát không lưu Hakodate nhớ lại: "Khi nó đến gần, tôi nhận ra đó là loại máy bay 2 động cơ phản lực, đặt dọc theo hai bên thân, sơn màu xám quân sự. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là cánh đuôi của nó in hình cờ Liên Xô. Không hề có bất cứ một liên lạc nào giữa phi công với tháp kiểm soát. Và khi tôi chưa kịp phản ứng thì nó đã đáp xuống".
Do đường cất hạ cánh không đủ dài nên chiếc máy bay chạy thêm gần 300m nữa trên đoạn đất trống trước khi dừng lại rồi chỉ vài giây, một phi công mở nắp buồng lái bước ra, rút khẩu súng ngắn đeo bên hông, chĩa lên trời nổ 2 phát như muốn tạo sự chú ý.
Mấy phút sau, hai chiếc xe hơi chở một số nhân viên sân bay Hakodate chạy đến. Từ trước tới giờ, họ chưa hề nhìn thấy loại máy bay nào tương tự như chiếc vừa đáp xuống. Rất nhanh chóng, viên phi công tự giới thiệu bằng tiếng Anh, rằng mình là Viktor Ivanovich Belenko, 29 tuổi, thuộc Sư đoàn không quân số 11, Liên Xô lái chiếc Mig 25 đào tẩu khỏi Liên bang Xô Viết.
Theo Belenko, sáng ngày 6-9, anh ta cùng một phi đội MiG 25 không mang theo vũ khí, tiến hành một chuyến bay huấn luyện. Theo kế hoạch, họ sẽ thực hiện những bài tập không chiến trên vịnh Petra Velikogo rồi vòng lại căn cứ. Tất cả những chiếc MiG đều được đổ đầy nhiên liệu, có thể bay được 1.730km trong lúc cự ly huấn luyện chỉ khoảng 1.200km...
9 phút sau khi cất cánh, lợi dụng những đám mây mù, Belenko cho máy bay tách khỏi đội hình rồi nhắm hướng Nhật Bản tiến tới. Belenko kể: "Để tránh radar của cả Liên Xô lẫn Nhật Bản, tôi phải bay rất thấp, khoảng 30m trên mặt nước biển. Nhìn bản đồ và khi đoán là đã vào không phận Nhật, tôi cho máy bay lên cao 6.000m để người Nhật phát hiện".
Lúc này, ở sân bay quân sự Chitose trên đảo Hokkaido, bộ phận trinh sát đường không thuộc Cục Phòng vệ Nhật Bản đã phát hiện chiếc máy bay lạ trên màn hình radar. Ngay lập tức, họ tìm cách liên lạc với nó qua hệ thống vô tuyến nhưng không thể nào thực hiện được vì không đúng tần số. Vài phút sau đó, Nhật điều 2 chiến đấu cơ F4 Phantom lên ngăn chặn nhưng phi công trên 2 chiếc F4 lại chẳng nhìn thấy chiếc máy bay "lạ" ở đâu, radar cũng mất dấu nó.
Hóa ra, nhằm đề phòng sự đào tẩu vì MiG 25 lúc ấy vẫn còn là bí mật tuyệt đối, bản đồ bay do Sư đoàn Không quân số 11 cung cấp cho phi công tập luyện chỉ giới hạn đến thành phố Konyushkovo ở phía đông và Uemuyskiy về phía tây nên lúc vào không phận Nhật Bản, Belenko phải bay "mù".
Ý định của Belenko là hạ cánh xuống sân bay quân sự Chitosan nhưng vì trời quá nhiều mây nên anh ta phải xuống thấp để tìm sân bay bằng mắt thường. Và cũng vì mây mù nên khi nhìn thấy sân bay Hakodate, Belenko quyết định đáp xuống mặc dù anh ta biết đường băng của nó không đủ cho chiếc MiG 25.
Những bí mật của “con quái vật trên bầu trời”
MiG 25 là tên gọi tắt của chiến đấu cơ tiêm kích đánh chặn Mikoyan-Gurevich 25 (phương Tây định danh là Foxbat), do Tập đoàn Mikoyan-Gurevich chế tạo, bay thử nghiệm năm 1964 và đưa vào phục vụ trong Không quân Liên Xô năm 1970. Nó gồm 2 động cơ phản lực Tumansky R-15 B-300, có thể đạt tốc độ tối đa 3.470km/giờ và bay cao đến 20.700m - là chiến đấu cơ bay cao nhất, nhanh nhất hồi ấy.
Thẻ căn cước quân nhân của Belenko hiện trưng bày tại bảo tàng Cơ quan tình báo Mỹ CIA. |
Được trang bị 4 tên lửa không đối không R 40 và 2 tên lửa không đối đất R 23, tầm bắn 60km, dẫn đường bằng tia hồng ngoại, MiG 25 là nỗi kinh hoàng của phi công chiến đấu Mỹ trên những chiếc Phantom F4, Thunderchief F105, F-8 Crusader, F-5 Freedom và kể cả chiếc "cánh cụp cánh xòe" F 111.
Khi chiếc MiG 25 bắt đầu đi vào thử nghiệm, các vệ tinh do thám của Mỹ, chuyên theo dõi các sân bay Liên Xô đã chụp được ảnh nó nhưng các chuyên gia phân tích vẫn chưa rõ nó là loại máy bay gì, tính năng ra sao. Họ chỉ biết đặt tên cho nó là Foxbat - nghĩa là con dơi cáo. Tình báo Không quân, tình báo Hải quân, tình báo Quốc phòng và cả CIA, Mỹ, ra sức thu thập mọi thông tin về nó nhưng hầu như không hề có một manh mối nào. Tháng 3-1971, radar Israel phát hiện nó trên bầu trời Trung Đông mà chẳng làm gì được vì nó bay nhanh gấp ba lần tốc độ âm thanh, ở độ cao gần 20km.
Vài ngày sau đó, họ lại thấy nó nhưng các chiến đấu cơ Phantom F4 của Israel chỉ "ngửi khói" bởi lẽ tốc độ của F4 không thể tới gần nó. Đến tháng 11-1971, Israel đã bắn một tên lửa lúc phát hiện nó nhưng vì nó bay quá nhanh nên khi tên lửa nổ thì nó đã mất dạng tự lúc nào. Trong một cuộc họp, các chỉ huy cao cấp của Không quân Mỹ đều thừa nhận rằng họ đang phải đối đầu với "một con quái vật bay nhanh khủng khiếp".
Trong khi ấy, Liên Xô cũng thừa biết Mỹ đang tìm cách săn lùng nó nên ngay từ năm 1973, chỉ huy các đơn vị biên phòng và lực lượng phòng không Liên Xô đã nhận được một bức điện từ Bộ Chỉ huy tối cao Hồng quân có nội dung: Phương Tây đang chuẩn bị những kế hoạch nhằm đánh cắp chiếc MiG 25. Bức điện yêu cầu các cấp chỉ huy bằng mọi cách ngăn chặn loại máy bay ấy nếu nó cố tình vượt qua biên giới mà không có lệnh trực tiếp từ tổng tham mưu.
Thế nên, lúc phi công Belenko hạ cánh chiếc MiG 25 còn nguyên vẹn xuống sân bay Hakodate thì người Mỹ "mừng hơn bắt được vàng". Chỉ 1 ngày sau khi phía Nhật Bản thông báo cho đơn vị không quân Mỹ trú đóng ở sân bay Chitosan biết về lai lịch viên phi công cùng chiếc MiG 25, một nhóm chuyên gia hàng không quân sự đã từ Okinawa bay đến Hokkaido.
Tiếp theo, nhiều nhóm khác đến từ bang Nevada, nơi Không quân Mỹ đặt căn cứ thử nghiệm những loại chiến đấu cơ thế hệ mới. So sánh chiếc máy bay ở sân bay Hakodate với hình ảnh chụp từ vệ tinh và hình ảnh do radar Israel quét được, người Mỹ nhận ra cả hai là một: Nó chính là chiếc MiG 25, được thiết kế nhằm đáp trả những chiến đấu cơ Mỹ, kể cả pháo đài bay B52 và máy bay trinh sát SR 71.
Không để phí một giây nào, ngày 25-9-1976, một máy bay vận tải Galaxy C5 đưa chiếc MiG 25 từ sân bay Hakodate đến căn cứ không quân Hyakuri - cũng nằm trên đất Nhật Bản. Tại đây, các chuyên gia Mỹ lập tức tháo rời nó thành từng mảnh và tiến hành phân tích.
Về hình thể, nó to gần bằng chiếc máy bay ném bom Lancaster dùng trong Thế chiến II. Hai động cơ phản lực R-15 có khả năng tạo ra 22,4 tấn lực đẩy. Trong lúc phần thân chiếc SR 71 được người Mỹ chế tạo bằng vật liệu titanium, có khả năng chịu được nhiệt độ rất cao thì thân chiếc MiG 25 lại chỉ được làm bằng thép, ghép với nhau một cách thủ công.
Bên cạnh đó, hệ thống radar cùng các thiết bị điện tử cũng kém tối tân hơn nếu so với những loại máy bay Mỹ nhưng thiết kế phần cánh của chiếc MiG 25 chính là yếu tố giúp nó đạt tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh. Từ những phát hiện này, các kỹ sư hàng không Mỹ đã phác thảo ra những loại chiến đấu cơ thế hệ mới, đủ sức đương đầu với "con quái vật Foxbat MiG 25", trong đó có chiếc F15 vẫn được dùng đến tận ngày nay.
Số phận phi công Viktor Belenko
Sinh ngày 15-2-1947 tại Nalchik, nước Cộng hòa Ukraine, Belenko gia nhập Không quân Xôviết năm 18 tuổi. Khi đào tẩu cùng chiếc MiG 21, anh ta mang hàm trung úy, phục vụ trong Trung đoàn máy bay tiêm kích 513, Sư đoàn Không quân số 11 đóng ở vùng Viễn Đông Liên Xô.
Chiếc MiG 25 được người Mỹ bọc cẩn thận trước khi chuyển đến căn cứ Hyakuri để nghiên cứu. |
Khi cuộc hôn nhân giữa Belenko và người vợ Nga có nguy cơ tan vỡ, anh ta trở nên suy sụp. Mặc dù đến nay nguyên nhân khiến Belenko lái chiếc MiG 25 hạ cánh xuống Nhật Bản vẫn được giữ kín nhưng người ta tin rằng Belenko đào tẩu là vì chuyện gia đình, chứ không phải anh ta là điệp viên Mỹ nằm vùng hoặc bị người Mỹ mua chuộc.
Sau vụ đào tẩu thành công, cuối năm 1976, Belenko đến Mỹ. Từ năm 1977 đến 1980, Belenko "ở ẩn" trong một căn cứ không quân Mỹ, viết lại sơ đồ tổ chức của Trung đoàn máy bay chiến đấu 513, Sư đoàn Không quân số 11 cùng số lượng, chủng loại máy bay và các phương thức hoạt động của Không quân Liên Xô.
Ngày 14-10-1980, Quốc hội Mỹ ban hành điều luật S. 2961, cho phép Belenko trở thành công dân Mỹ. Đích thân Tổng thống Jimmy Carter trao giấy chứng nhận quốc tịch cho anh ta. Vài năm sau đó, Belenko - khi ấy là kỹ sư hàng không đồng thời là nhà tư vấn cho Không lực Mỹ, kết hôn với Coral, một giáo viên âm nhạc ở bang North Dakota. Họ sinh được 2 người con trai. Giữa năm 1990, Belenko ly dị bà vợ Mỹ nhưng ông ta không bao giờ ly dị người vợ Nga của mình.
Ngày 2-10-1976, trước yêu cầu của Liên Xô, đòi phải trả lại chiếc MiG 25, phía Nhật Bản đã đưa tất cả những bộ phận của nó vào trong 30 chiếc thùng, kèm theo đó là một hóa đơn đề nghị Liên Xô bồi thường 40.000USD cho dịch vụ đóng thùng và những thiệt hại của sân bay Hakodate. Trước đó, Liên Xô đã thương lượng với Chính phủ Nhật, cho phép 1 máy bay vận tải Antonov An-22 cùng các chuyên gia hạ cánh xuống Hyakuri để kiểm tra và đưa những chiếc thùng ấy về Vladivostok nhưng phía Nhật từ chối.
Ngày 11-11, 30 thùng chứa các thành phần của chiếc MiG 25 được chuyển từ căn cứ không quân Hyakuri đến cảng Hitachi trên một đoàn xe kéo. Tại đây, chuyên gia kỹ thuật Liên Xô sau khi kiểm tra đã phát hiện mất 20 bộ phận, mà toàn là những bộ phận quyết định tính năng của MiG 25.
Ngày 15-11-1976, tàu chở hàng Taigonos của Liên Xô chất tất cả lên rồi khởi hành đi Vladivostok. Tiếp theo, Liên Xô buộc Nhật Bản bồi thường 10 triệu USD vì sự mất mát 20 bộ phận nói trên nhưng cuối cùng, cả Nhật lẫn Liên Xô chẳng ai trả cho ai một đồng nào hết!