Nga chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh ở Bắc Cực
- Tàu hải quân Nga bị hải mã đánh chìm trên biển Bắc Cực
- Nga tìm thấy 5 hòn đảo mới nhờ băng tan ở Bắc Cực
- Bắc Cực đang “nóng” lên
Từ những phát hiện mới
Phát biểu trước báo giới, Phó đô đốc hải quân Nga Alexander Moiseyev cho biết, từ cuối tháng 8, nhóm nghiên cứu thuỷ văn thuộc Hạm đội phương Bắc đã tìm thấy những dấu tích ban đầu về 5 hòn đảo có kích thước ước chừng từ 1.000m² đến 55.000m² ở vịnh Vize, ngoài khơi phía Đông Bắc quần đảo Novaya Zemlya, ngăn cách biển Barents và biển Kara.
Khi đó, thay vì cắm cờ Nga lên đảo, các thành viên của đoàn thám hiểm đã đắp một ụ đá hình tháp và gắn bảng ghi chú về khám phá của họ kèm theo một lá cờ đuôi nheo hàng hải lấy từ tàu của Hạm đội phương Bắc.
Theo lý giải của Phó đô đốc Alexander Moiseyev, sự phát lộ 5 hòn đảo này là do sông băng ở vùng Bắc Cực tan chảy. Và từ khi phát hiện ra 5 hòn đảo cho đến nay, nhóm thám hiểm đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu và lập biểu đồ cho các hòn đảo này.
"Trước đây, nơi này là sông băng. Chúng tôi tin rằng chúng là một phần của sông băng. Sự tan chảy và thay đổi nhiệt độ ở Bắc Cực đã dẫn đến việc những hòn đảo này lộ ra", Phó đô đốc Alexander Moiseyev nói.
Trong khi đó, một số nguồn tin khác lại cho rằng, năm 2016, một sinh viên hải quân Nga từng phát hiện ra những hòn đảo này khi tiến hành phân tích hình ảnh vệ tinh cho một môn học tại trường. Song phải tới năm nay, khi sông băng tan chảy nhiều hơn, các nhà thám hiểm Nga mới có thể đặt chân lên đảo.
Nga vừa tìm thấy 5 đảo bí ẩn do sông băng tan chảy. Ảnh Vice. |
Hãng Telegraph thì viết: "Nhóm 5 đảo mới được tìm thấy trước đây bị vùi lấp bởi đảo băng Nansen, còn được gọi là Vylka theo tiếng Nga, là một phần của tảng băng lớn nhất châu Âu bao phủ phần lớn hòn đảo phía Bắc thuộc quần đảo Novaya Zemlya. Hiện tượng băng tan nhanh do biến đổi khí hậu những năm gần đây được cho là lí do nhóm đảo được phát hiện. Từ 2015 - 2018, Nga đã tìm thấy trên 30 đảo, mũi đất và vịnh gần các quần đảo Novaya Zemlya và Franz Josef Land từ hình ảnh vệ tinh".
Trên thực tế, sự tan chảy của sông băng tại Bắc Cực trong giai đoạn 2015-2019 được ghi nhận là nhiều hơn bất kỳ giai đoạn 5 năm nào khác. Báo cáo của Liên Hợp Quốc về sự nóng lên toàn cầu vào tháng trước cũng đã khuyến cáo những hệ lụy từ việc sông băng tan chảy.
Một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng, khu vực này đang nóng lên không phải nhanh gấp đôi mà hơn bốn lần so với phần còn lại của thế giới. Và Nga, với sự quan tâm rất lớn tới Bắc Cực, đã mở một chuỗi các căn cứ quân sự và khoa học tại đây.
Riêng trong mùa hè năm nay, đoàn thám hiểm gồm 60 người, trong đó có nhiều chuyên gia thuộc Hiệp hội Địa lý Nga đã tới hai quần đảo Franz Josef Land và Novaya Zemlya.
Ông Denis Krets, chỉ huy của lực lượng thám hiểm phía Bắc tiết lộ: "Chúng tôi tổ chức cuộc thám hiểm đến Franz Josef Land trong 2 tháng được cho là có thời tiết ấm áp. Chúng tôi đã rất may mắn vì có thể hạ cánh trên những hòn đảo mà không phải lúc nào cũng không có băng".
Tới những chiến dịch "chinh phục"
Giới quan sát nhận định, sông băng ở Bắc Cực tan chảy không có lợi cho khí hậu Trái đất, song mở ra cơ hội khai khoáng nguồn tài nguyên khổng lồ và khả năng sử dụng tuyến đường biển phương Bắc nối khu vực châu Âu với châu Á-Thái Bình Dương.
Để tăng cường hoạt động dân sự và khai khoáng ở Bắc Cực, hồi tháng 8, Nga đã chính thức đưa nhà máy điện hạt nhân nổi hiện đại nhất thế giới mang tên Viện sĩ Lomonosov tới Bắc Băng Dương. Moscow cũng dự định đóng thêm loạt tàu phá băng hạt nhân phục vụ tham vọng chiếm ưu thế ở vùng cực này.
Việc Nga dồn dập mở lại căn cứ hải quân, tăng cường quân sự, phủ điện Bắc Cực được cho là chiến lược nhằm thực thi các tuyên bố chủ quyền của mình ở khu vực giàu tài nguyên này.
Năm 2007, hai tàu ngầm của Nga đã lặn xuống 2,5 dặm (4 km) ở Bắc Băng Dương và cắm lá cờ tổ quốc lên một mảnh của thềm lục địa tên là Lomonosov Ridge. Nổi bật giữa lưu vực Bắc Cực, lá cờ được coi như một thông điệp rõ ràng đến các quốc gia xung quanh: Nga đưa ra yêu sách đối với trữ lượng dầu khí khổng lồ nằm trong lòng đất dưới đại dương.
Nga đang tích cực mở rộng các hoạt động ở Bắc Cực. Ảnh: Flickr. |
Trang The Conversation của Australia còn đưa tin, nhà máy hạt nhân nổi Viện sĩ Lomonosov được Nga đặt trên những chiếc tàu lớn với kích thước 140m x 30m và được lái xuyên biển Na Uy và biển Barents để đến Bắc Cực. Kế hoạch của Nga là đưa 10 nhà máy điện hạt nhân nổi tương tự đến các vùng xa xôi hẻo lánh ở Bắc Cực. The Conversation cho biết mô hình nhà máy điện hạt nhân này không mới mẻ.
Mỹ đã gắn một nhà máy điện hạt nhân hoạt động chìm dưới biển vào tàu Sturgis hồi năm 1966 để cung cấp điện cho vùng kênh đào Panama từ năm 1968 đến năm 1975. Mô hình nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga có chung ý tưởng thiết kế, với hai lò phản ứng hạt nhân quân sự nhỏ được dùng để vận hành chiếc tàu phá băng.
Còn các lò phản ứng lớn hơn trên tàu được dùng để sản xuất điện và khí nóng sưởi ấm, với công suất lên đến 600MW, tương đương công suất của một trạm nhiệt điện hay điện hạt nhân dân sự trên đất liền.
"Có điện rồi thì Nga sẽ càng có thêm tiềm lực để củng cố khả năng quân sự. Điều này có thể thấy rõ qua việc các lực lượng tấn công không quân và các đơn vị vận tải hàng không Nga tiến hành tập trận ở Bắc Cực. Nhịp độ tăng dần các cuộc tập trận quân sự ở Bắc Cực - đặc biệt tập trung ở bán đảo Kola thuộc Nga - được coi là một phần trong mục tiêu bố trí các lực lượng vũ trang hỗn hợp tới năm 2020 gồm các đơn vị quân sự, biên phòng và tuần duyên để bảo vệ các lợi ích kinh tế và chính trị ngày càng tăng ở Bắc Cực.
Lực lượng quân sự Nga, đặc biệt là hải quân đã khá mạnh ở khu vực. Hạm đội lớn và mạnh nhất của Nga là Hạm đội Phương Bắc có đại bản doanh ở Severomorsk. Moscow có kế hoạch tăng cường quân sự ở Bắc Cực với 2 lữ đoàn bộ binh và thậm chí đã tăng khả năng thiết lập sự hiện diện của máy bay chiến đấu tiên tiến tại đây bằng việc lập căn cứ cho MiG-31 tầm xa ở căn cứ Rogachevo trên đảo Novaya Zemlya", The Conversation viết.
Cũng theo tờ báo này, Nga đang vận hành các tàu phá băng nhiều nhất thế giới và có nguồn tài nguyên năng lượng ước tính khoảng 8.000 tỉ USD thuộc vùng lãnh thổ Bắc Cực, với 45 tỉ thùng dầu và 23.000 tỉ mét khối khí tự nhiên. Cường quốc này cũng có đường bờ biển với Bắc Cực đã đi vào hoạt động trong nhiều thập kỷ qua.
Hiện hơn 12.000 binh sĩ Nga đang tham gia các hoạt động ở Bắc Cực và vùng Viễn Đông. Hồi đầu tháng 10, Bộ Quốc phòng Nga thông báo hai trạm radar mới cảnh báo sớm tên lửa Voronezh sẽ được đưa vào hoạt động năm 2022 tại vùng Murmansk và Cộng hòa Komi phía Bắc nước này.
Đài Sputnik đưa tin đây sẽ là những trạm radar cảnh báo sớm đầu tiên được triển khai tại vùng Viễn Bắc Nga. Cho đến nay, Moscow đã triển khai tổng cộng 7 hệ thống radar Voronezh trong chương trình xây dựng mạng lưới cảnh báo sớm tên lửa.
Hệ thống này hiện hoạt động ở một số vùng như Kaliningrad, Leningrad và Siberia. Trước đó một tháng, cơ quan báo chí của Hạm đội phương Bắc cho biết quân đội nước này đã triển khai các hệ thống phòng không S-400 Triumph tại quần đảo Novaya Zemlya ở Bắc Cực.
"Trung đoàn phòng không của Hạm đội phương Bắc của Nga triển khai trên đảo Yuzhny, thuộc quần đảo Novaya Zemlya, đã được trang bị hoàn toàn hệ thống S-400 Triumph", tuyên bố cho biết. Trong diễn biến liên quan, Lực lượng Vũ trụ Nga đã có ba vệ tinh cảnh báo sớm tấn công tên lửa và đang có kế hoạch xây dựng trạm định vị vô tuyến mới của hệ thống này tại căn cứ Sevastopol.
Tham mưu trưởng, Phó Chỉ huy Lực lượng vũ trụ, Thiếu tướng Igor Morozov trong một cuộc phỏng vấn cho tờ "Đoàn viên Thanh niên cộng sản Moscow" còn cho biết, Nga đang xây dựng các trạm định vị vô tuyến mới của hệ thống cảnh báo tại nhiều tỉnh, trong đó trạm tại căn cứ quân sự Sevastopol sẽ được khởi công trong năm nay và hoàn tất vào năm 2024. Các trạm định vị này có tên gọi là Voronhezh, sẽ là đơn vị trực chiến thường trực trong hệ thống cảnh báo…
Bên cạnh đó, Tập đoàn khí đốt Novatek của Nga đã hoàn tất kế hoạch tài chính trị giá 21,3 tỷ USD cho dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khổng lồ Bắc Cực LNG 2, dự kiến sẽ sản xuất lô hàng đầu tiên vào năm 2023. Dự án này liên quan đến việc xây dựng một nhà máy hóa lỏng khí đốt tự nhiên trên bán đảo Gydan ở khu vực Bắc Cực của Nga.
Nhà máy sẽ bao gồm 3 dây chuyền sản xuất LNG. Dây chuyền đầu tiên được lên kế hoạch vận hành vào năm 2023 và hai dây chuyền còn lại vào năm 2024 và 2026. Theo thiết kế, Bắc Cực LNG 2 dự kiến sẽ đạt công suất 19,8 triệu tấn mỗi năm, tương đương 535.000 thùng dầu mỗi ngày, từ nguồn dự trữ hơn 7 tỷ thùng dầu tương đương ở bán đảo Gydan.
Do nằm cách dự án Yamal LNG khoảng 30 km - một dự án lớn đã đi vào hoạt động từ tháng 12-2017 nên Bắc Cực LNG 2 được hưởng lợi từ sự phối hợp với cơ sở hạ tầng hiện tại của Yamal LNG; giúp Nga củng cố hơn nữa vị thế về kinh tế, năng lượng ở Bắc Cực.
Và lịch sử của "những vết chân"
Có thể thấy, Nga đang dốc toàn lực để thực hiện hoá chiến lược nắm chủ quyền ở Bắc Cực. Đến nay, không thể phủ nhận những thành công lớn bước đầu mà chính quyền Moscow đạt được trong mục tiêu này. Giới quan sát thì cho rằng, điều này hoàn toàn không bất ngờ bởi thực tế, Nga đã dành hơn một thiên niên kỷ để khám phá và phát triển Bắc Cực. Nga coi đó là lợi ích quốc gia quan trọng và sẵn sàng bảo vệ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên của khu vực - bằng vũ lực nếu cần thiết.
Cụ thể, ngay từ thời cổ đại, con người đã bị lôi kéo về phía Bắc để tìm kiếm các loại lông thú có giá trị. Các hòn đảo ở Bắc Băng Dương là nơi săn bắn tích cực cho người Pomors - người định cư Nga trên bờ Biển Trắng. Năm 1499, thành phố đầu tiên của Nga ở Bắc Cực, Pustozersk, được thành lập. Chuyến thám hiểm đầu tiên của Nga đến Bắc Cực ban đầu không có mục đích nghiên cứu. Semyon Dezhnev được gửi đến đó để tìm hải mã và xương cá.
Nhưng khi đi vòng quanh Chukotka, anh đã thực hiện một khám phá quan trọng - eo biển giữa Á-Âu và Bắc Mỹ. Dưới thời Peter Đại đế vào đầu thế kỷ 18, Nga cho xây dựng một hạm đội hùng mạnh, mở ra cơ hội lớn hơn cho nghiên cứu vùng cực.
Sau các cuộc thám hiểm của Vitus Bering, anh em nhà Laptev và Semyon Chelyuskin trong giai đoạn 1734-1743, một bản đồ chi tiết về bờ biển, sông và đảo của Bắc Cực Nga đã được biên soạn. Những chuyến đi đã đi vào lịch sử và được gọi là Cuộc thám hiểm vĩ đại ở phía Bắc.
Vào thế kỷ 19, những người tiên phong ở Bắc Cực của Nga đã chịu áp lực từ các nhà thám hiểm nước ngoài. Đó là lý do tại sao, ví dụ, quần đảo lớn Franz Josef Land ở Bắc Băng Dương mang một cái tên không phải của Nga, mặc dù thuộc về Nga. Trong những năm sau đó, Nga rất muốn không chỉ khám phá mà còn phát triển khu vực Bắc Cực. Để cho phép điều hướng quanh năm, tàu phá băng cực đầu tiên thế giới Yermak được ra mắt vào năm 1899.
Và vào năm 1916, trước thềm cuộc cách mạng, Murmansk được thành lập, ngày nay là một trong những trung tâm đô thị lớn nhất ở miền Bắc nước Nga. Chính phủ đã làm tất cả những gì có thể để lôi kéo người dân di chuyển đến Bắc Cực.
Năm 1932, Otto Schmidt đã thực hiện chuyến đi không ngừng nghỉ đầu tiên trên một tàu phá băng qua tuyến đường biển phía Bắc dọc theo bờ biển Bắc Cực. Trước những tàu phá băng như vậy, những con tàu bình thường bắt đầu ra khơi liên tục từ Murmansk đến Vladivostok trong khoảng thời gian vài tuần đến hai tháng.
Năm 1937, Liên Xô mở trạm nghiên cứu băng trôi đầu tiên trên thế giới ở Bắc Băng Dương. Tổng cộng có 31 trạm như vậy cuối cùng được xây dựng vào thời Xôviết, và mười trạm nữa thời kỳ nước Nga hiện đại. Chưa dừng lại ở đó, vào trung tuần tháng 6 năm 1937, một máy bay thử nghiệm tầm xa ANT-25 dưới sự chỉ huy của Valery Chkalov đã thực hiện chuyến bay thẳng đầu tiên trên thế giới từ Liên Xô (cũ) đến Mỹ qua Bắc Cực.
Trong thời kỳ hậu chiến, Liên Xô (cũ) đã cho ra mắt một hạm đội phá băng mạnh mẽ, bao gồm cả các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, ở khu vực Bắc Cực. Bên cạnh các tàu dân sự, Bắc Cực từng chứng kiến những cuộc chiến ngầm giữa Liên Xô (cũ) và Mỹ. Các tàu ngầm của hai nước liên tục chơi trò "mèo vờn chuột".
Cuộc khủng hoảng kinh tế thời hậu Xôviết đã tác động mạnh đến lợi ích của Nga ở Bắc Cực. Từ năm 1991 đến 2003, đất nước này không có nhiều hoạt động ở Bắc Cực và điều này mở ra sự khai thác mới cho các nước phương Tây và thậm chí cả các quốc gia ngoài Bắc Cực như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh chính của Nga vẫn là các quốc gia Bắc Cực (Na Uy, Đan Mạch, Mỹ và Canada) và dẫn đến các tranh chấp lãnh thổ vô tận cho vùng lãnh thổ giàu tài nguyên này.
Nhưng giờ đây, Nga đã có lập trường cứng rắn hơn về chính sách Bắc Cực. Để đảm bảo an ninh cho lợi ích của mình trong khu vực, Bộ chỉ huy chiến lược chung của Hạm đội Phương Bắc đã được thành lập, được gọi đơn giản là lực lượng Bắc Cực.
Biểu tượng mạnh mẽ của tham vọng Nga ở Bắc Cực là chuyến thám hiểm vùng cực năm 2007. Lần đầu tiên, các tòa nhà tắm nước sâu chạm đáy đại dương ở khu vực Bắc Cực và một lá cờ Nga bằng titan ở độ sâu 4.302 mét được dựng lên.