Người sỹ quan quân báo quả cảm

Thứ Tư, 10/07/2019, 08:56
Từ đó đến nay đã 40 năm. Thậm chí tôi không dám nghĩ rằng người sỹ quan quân báo Việt Nam quả cảm Văn An đã hy sinh trong trận chiến của cuộc tổng tiến công sau đó ở miền Nam. Cho dù trong bất cứ tình thế nào thì cậu ấy vẫn luôn là người chiến thắng.


Chúng tôi đã làm quen với nhau tại Quân y viện Hà Nội vào năm 1966. Trong lúc đi dạo quanh chiếc sân nhỏ của khu điều trị, có một người mảnh khảnh, tầm thước dáng thể thao mặc bộ pijama bước lại gần tôi. Anh ta có khuôn mặt đẹp nhưng sắc vàng tái có nét gì đó trông giống như diễn viên điện ảnh người Pháp Philippe Girard trong bộ phim "Fan Fan tulip". Nhìn mặt có thể đoán anh ta chừng 30-35 tuổi.

Anh hỏi tôi bằng tiếng Anh:

- Xin lỗi, anh là người nước nào?

- Liên Xô - tôi trả lời.

Cựu chiến binh, chuyên gia quân sự Nga Nicolai Kolesnik.

- Liên Xô? Hay quá! Thiếu tá Văn An - anh ta mỉm cười tự giới thiệu bằng tiếng Nga và chìa tay cho tôi - Thế tên anh là gì?

- Nicolai -  tôi nắm tay anh và trả lời.

- Anh đã bị thương phải không?

- Không, tôi phải vào đây vì nhiễm trùng đường ruột. Hiện chưa có chẩn đoán chính xác. Nghi bị kiết lỵ, còn anh vì sao phải vào viện?

- Tôi bị thương ở cánh tay, chỗ này đây - Văn An trả lời, chỉ vào phía trên cánh tay trái. Vết thương đã gần như được chữa lành và không đau nhưng tôi bị những cơn sốt rét hành hạ, nhất là vào buổi tối. Chắc anh cũng nhận thấy sắc vàng sẫm trên khuôn mặt tôi?

- Vâng, tôi đã chú ý ngay đến điều này. Văn An, thế anh ở đây đã lâu chưa?

- Đã hai tháng nay rồi. Còn anh, Nicolai, anh làm công việc gì tại Việt Nam?

- Không hẳn vậy. Tôi đang phục vụ trong quân đội, còn ở đây tôi giảng dạy cho chiến sỹ Việt Nam sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không, để họ có thể bắn rơi máy bay Mỹ.

- Thế ư? Cậu là chuyên gia tên lửa? Đúng thế không, Nicolai? - Văn An thốt lên, bất giác chuyển sang gọi tôi là "cậu" - Có lần tôi đã nhìn thấy tên lửa của các bạn bắn trúng hai máy bay Mỹ, các mảnh vỡ đã bay ra. Một thứ vũ khí tuyệt vời.

- Văn An, thế cậu học tiếng Nga ở đâu mà nói thạo thế, ở Liên Xô phải không?

- Không, tại các khóa học đặc biệt. Ngoài tiếng Nga tôi còn nói được 5 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Trung Quốc, Lào, Campuchia, có thể dịch được tiếng Thái. Tất cả những nước đó, trừ nước Anh, tôi đã đến một thời gian. Gần đây tôi thường phải sử dụng tiếng Anh và tiếng Lào nhiều hơn, nhưng ở những nơi mà tôi đến mọi người đều tưởng tôi là người Pháp.

- Thế cậu đã ở đâu, Văn An? Hãy nói rõ hơn xem nào, nếu không phải là bí mật?

Văn An suy nghĩ một lúc, nhìn vào mắt tôi với vẻ dò hỏi.

- Nicolai, bây giờ thì tôi không thể kể hết mọi chuyện với cậu được, nhưng rồi có lúc tôi sẽ kể điều gì đó có thể.

Thời gian sau đó mối quan hệ hàng ngày của chúng tôi đã chuyển thành tình bạn từ lúc nào không hay. Những khi thời tiết tốt tôi thường cùng Văn An đi dạo trong khuôn viên của quân y viện. 

Văn An đã kể về bản thân, về các chiến dịch mà anh từng tham gia. Anh không còn gia đình nữa: cha và mẹ anh đã hy sinh từ thời kháng chiến chống Pháp, còn anh chưa kịp lấy vợ. Người yêu của anh tên là Giang đang học để trở thành bác sỹ, nhưng khi cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa bắt đầu thì cô đã tình nguyện vào quân đội và được điều đến bệnh viện dã chiến của lực lượng vũ trang Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 

Kể từ sau đó họ chỉ tình cờ gặp nhau được một lần trên đường qua phà trên sông Mê Công. Giang đã đi hộ tống nhóm chiến sỹ bị thương chuyển ra Bắc điều trị, nơi có một lần Văn An trở lại sau khi điều dưỡng. Cuộc gặp chỉ diễn ra trong 5 phút khi họ đưa những người bị thương từ trên bờ xuống thuyền. Khi chia tay, Giang nói rằng cô vẫn yêu  anh như xưa và sẽ chờ đợi cho đến ngày chiến thắng.

Vào những khi trời mưa Văn An mời tôi đến phòng của mình, chúng tôi chơi cờ và nghe nhạc. Văn An có một chiếc radio nhỏ hiệu "Octawoa" và một số đĩa hát nhựa dùng đã lâu nhưng lúc đó chúng thực sự trở thành thứ đồ giá trị. Giai điệu yêu thích nhất mà chúng tôi thường nghe nhiều hơn cả là bài ca buồn sâu lắng "Mưa" do ca sỹ nổi tiếng người Nam Tư Georger Marianovich hát bằng tiếng mẹ đẻ Serbi. 

Tôi và Văn An nghe đã học thuộc gần như toàn bộ lời ca và đôi khi dưới tiếng mưa rơi chúng tôi hát theo Marianovich: "Mưa, mưa, mưa bất tận, và những giọt lệ rơi xuống ly…". 

Theo tôi, đó là một trong những bài hát hay nhất trong số những tiết mục của Georger Marianovich. Và thế là trải qua nửa thế kỷ thì cuối cùng tôi đã tìm thấy bài "Mưa thu". Dần dần Văn An đã bình phục và bắt đầu chơi bóng bàn với những người khác. Cậu ta chơi hay và say mê nhưng chóng bị mệt và thường phải nghỉ giải lao.

***

Trước khi tôi xuất viện không lâu, cậu ấy đã kể cho tôi nghe câu chuyện cậu ấy đã bị thương ra sao:

"Một lần, tôi phải đi bắt liên lạc với một đội du kích đang hoạt động ở khu "B" để chuyển cho họ những thông tin quan trọng về việc chuẩn bị cho chiến dịch quân sự quy mô lớn. Địa điểm và thời gian đã được báo trước. Khu vực đó tôi biết rõ, vì thế để không thu hút sự chú ý, tôi đã đến nơi hẹn một mình mà không có người dẫn đường.

Ông Lê Ngọc Hương - Chủ tịch Hội các Cựu chiến binh Việt Nam sống tại Nga và ông nicolai Kolesnik - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Xôviết chiến đấu tại Việt Nam.

Trong bộ quần áo nông dân địa phương tôi đã chọn cách đi theo con đường mòn trên núi để đến nơi đã định trong cả ngày. Mặt trời đã sắp lặn, khi chỉ còn phải đi vài cây số nữa thì tôi hiểu rằng mình đang bị theo dõi. Đến chỗ đoạn đường dốc hình vòng cung của con đường mòn, một làn gió nhẹ thổi sau lưng và tôi cảm thấy có mùi khói thuốc lá của Mỹ. Nếu như đó là du kích thì họ đã chẳng phải giữ kẽ và nhất định đã có cách xác định danh tính của tôi. 

Ở vùng này không người nào có thể đi qua mà không bị phát hiện. Nếu như trong vòng 3 ngày không ai trong số các du kích xác định được danh tính người lạ hoặc không phải là người được ủy thác thì người đó khó mà được thoát trở về. Như vậy là kẻ thù đã đi theo tôi và bọn họ có nhiệm vụ theo dõi xem tôi đi tới đâu và với mục đích gì.

Không có cách nào để khẳng định những nghi ngờ của mình, tôi tiếp tục vừa đi vừa suy nghĩ kế hoạch hành động. Khi ra khỏi lối rẽ của con đường mòn mờ tối tôi đã nấp sau những thân cây lớn. Vũ khí của tôi gồm một khẩu súng ngắn, dao, lựu đạn và chiếc cung tên. Tôi đã lắp sẵn mũi tên vào cung để sẵn sàng. Sau vài phút thì tôi nghe thấy tiếng những bước chân và trong khoảng sáng của con đường mòn tôi nhìn thấy hai bóng người nhấp nhô trong trang phục của quân "mũ nồi xanh".

Lăm lăm vũ khí trong tay, bọn họ thận trọng đi nối bước nhau, chăm chú quan sát phía trước và liên tục nhìn quanh. Đi đầu là tên trung sỹ, như vậy là đằng sau chúng còn có ai đó, chắc chắn là chúng có 4 tên. Hai tên đầu đi ngang qua và một phút sau tôi nhìn thấy hai tên nữa: một tên da trắng dáng người thấp, đằng sau hắn là tên da đen cao lêu đêu.

Tôi để cho chúng tới gần hơn. Đã đến lúc hành động. Tôi bắn mũi tên vào tên Mỹ da trắng, mũi tên không gây tiếng động đã trúng đích làm hắn giơ tay chới với rồi ngã xuống rên rỉ. Tên da đen không hiểu chuyện gì đã xảy ra liền cúi xuống tên bị ngã. Tôi nhảy ra khỏi chỗ nấp và dùng dao đâm dưới xương bả vai tên này. Tên da đen gầm lên như một con trâu và đột ngột im lặng đổ gục xuống bên cạnh. 

Tôi nghe thấy tiếng la hét và tiếng chân chạy trở lại của hai tên đầu. Tôi đã kịp lấy đi khẩu súng tự động của tên da đen, đó là khẩu AK của Liên Xô rồi vội vàng chạy né sang một bên. Tôi chờ đợi và chuẩn bị tiếp tục chiến đấu. Tên thứ nhất là viên trung sỹ với vẻ mặt méo đi vì sợ hãi từ sau lùm cây nhảy ra. Tôi nã một loạt đạn ngắn, hắn ngã xuống. Cùng lúc đó cũng có một loạt đạn bắn về phía tôi. 

Tôi cảm thấy như có một cú đánh đau nhói, bỏng rát ở cánh tay trái nhưng tôi vẫn còn kịp bắn trả thêm một loạt nữa, rồi tiếng súng ngừng hẳn. Nén đau một lát, tôi lục soát những tên bị chết, gỡ ra tấm bản đồ và con dao của tên trung sỹ, tháo chiếc đồng hồ từ tay tên Mỹ da trắng, nhặt chiếc cung lên, vội vã băng vết thương rồi đi tiếp.

Phải nói là chiếc cung này đã cứu tôi không chỉ một lần và tôi rất quý nó. Đó là thứ vũ khí hiệu quả mà không cầu kỳ: đơn giản, chính xác và không phát ra tiếng động. Cuộc gặp được ấn định đã diễn ra đúng thời gian và vài ngày sau đó quân du kích đã thực hiện thành công chiến dịch tiêu diệt, đánh tan căn cứ của Mỹ. Kẻ địch đã bị những tổn thất lớn. 

Không một chiếc máy bay trực thăng nào kịp cất cánh, chính xác hơn là chúng đã bay vào không trung, bị tách biệt khỏi phi hành đoàn hoặc đã bị bắn cháy rơi xuống mặt đất. Sau chiến dịch đó tôi được tặng thưởng huy chương và không lâu sau đó được chuyển ra Bắc để điều trị. Vừa bình phục tôi lại trở vào Nam, có điều là căn bệnh sốt rét quái ác vẫn không chịu buông tha".

***

Trước khi xuất viện, tôi và Văn An đã trao đổi địa chỉ cho nhau: Tôi ghi cho cậu ấy địa chỉ của mẹ tôi, còn cậu ấy thì ghi địa chỉ của người cô đang sống ở Hà Nội. Một năm sau khi trở về Liên Xô, vào mùa đông năm 1967 tôi nhận được một bức thư ngắn của Văn An. Cậu báo rằng đã chiến đấu ở miền Nam, còn bây giờ lại đang điều dưỡng tại Hà Nội. Cậu đề nghị tôi gửi cho một chiếc đài bán dẫn nhỏ. 

Trích đoạn bức thư cuối cùng của Nguyễn Văn An gửi ông Nicolai Kolesnik.

Với suất học bổng theo chế độ sinh viên là 40 rúp của mình, để thực hiện đề nghị của Văn An với tôi là điều không dễ. Nhưng vào các buổi chiều tôi đã làm việc ở phòng thí nghiệm tại khoa truyền dẫn điện của mình và mỗi tháng được nhận thêm 50 rúp. Tới kỳ lương sau, tôi đã mua tại GUM (cửa hàng bách hóa tổng hợp) một chiếc đài bán dẫn 2 băng tần và ra bưu điện Kirovski gửi bưu kiện quý giá đó tới Hà Nội.

Vào cuối tháng 4 tôi lại nhận được thư của Văn An. Cậu ấy viết rằng rất thích chiếc đài bán dẫn và cám ơn vì món quà đó. Cậu thông báo về những đợt ném bom lớn ở miền Bắc, nơi cậu ấy lại đang phải điều dưỡng sau khi hoàn thành nhiệm vụ khó khăn. 

Tôi lập tức viết trả lời Văn An, tôi kể về những kỳ nghỉ hè và kể một chút về cuộc sống tại trường của mình. Văn An đã không trả lời bức thư này. Một thời gian sau đó tôi đã viết cho Văn An hai bức thư nữa, nhưng cũng không nhận được hồi âm. Đến đây thì liên lạc thư từ của chúng tôi đứt đoạn… Tôi không biết được cuộc sống sau đó của cậu ấy ra sao.

Từ đó đến nay đã 40 năm. Thậm chí tôi không dám nghĩ rằng người sỹ quan quân báo Việt Nam quả cảm Văn An đã hy sinh trong trận chiến của cuộc tổng tiến công sau đó ở miền Nam. Cho dù trong bất cứ tình thế nào thì cậu ấy vẫn luôn là người chiến thắng.

Theo những thông tin đầu tiên nhận được (từ tháng 3 năm 2008) thông qua diễn đàn của Hội cựu chiến binh Nga thì ông Nguyễn Văn An vẫn còn sống sau chiến tranh, nhưng đã mất trước khi có thông tin trên khoảng 5-6 năm. Ông có một người bà con sống tại Nha Trang.

N.Kolesnik, Tháng 1-2007

* Hồi ký của Nicolai Nicolaevich Kolesnik, cựu chuyên gia quân sự Nga tại Việt Nam-viết từ tháng 1-2007

Bích Nguyễn (dịch từ báo Cựu chiến binh Nga)
.
.