Nguyễn Bình – Vị tướng huyền thoại: Ngã xuống cho Nam Bộ đứng lên

Thứ Bảy, 04/03/2017, 15:00
"Ngã xuống cho Nam Bộ đứng lên" là câu ca ngợi của sử gia người Pháp P.Sê-nút chuyên về Đông Dương khi đánh giá về Trung tướng Nguyễn Bình.

Ngày 29-9-1951, trên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ, Trung tướng Nguyễn Bình bị phục kích và hy sinh tại Campuchia. Ông hy sinh quá sớm trong khi mới đi được một quãng đường ngắn trong cuộc trường chinh vĩ đại - cuộc trường chinh lớn nhất của thế kỷ 20 mà dân tộc ta đã trải qua. "Ngã xuống cho Nam Bộ đứng lên" là câu ca ngợi của sử gia người Pháp P.Sê-nút chuyên về Đông Dương khi đánh giá về Trung tướng Nguyễn Bình.

Phong cách Nguyễn Bình

Sự nghiệp quân sự của Trung tướng Nguyễn Bình kể từ tháng 3-1945, trải qua hơn nửa năm ở miền Bắc và gần 6 năm ở miền Nam đã đưa ông trở thành một vị tướng quả cảm, nghĩa hiệp, giàu đức hy sinh, lòng dũng cảm và tài thao lược của quân đội và nhân dân Việt Nam. Anh em ở Chiến khu Trần Hưng Đạo đều thân mật gọi ông là "anh Bình", anh em ở Nam Bộ gọi ông là "anh Ba Bình", các bà má Nam Bộ lại gọi ông một cách trìu mến, giản dị, đúng chất Nam Bộ là "thằng Khu trưởng", "thằng Trung tướng".

Trung tướng Nguyễn Bình tạm biệt chiến khu Đ để ra Việt Bắc năm 1951.

Những người gọi là giang hồ hảo hớn trong lực lượng Bình Xuyên, trong các giáo phái hầu hết đều bị thuyết phục bởi phong cách và hành động can trường, nghĩa hiệp của ông. Những cái tên khét tiếng một thời như Dương Văn Dương, Huỳnh Văn Trí… đều khuất phục trước bản lĩnh và tài nghệ của Nguyễn Bình. Mọi người đều không bao giờ quên hành động dũng cảm và quyết liệt của Nguyễn Bình trong phiên tòa xử Ba Nhỏ mà ông là chánh án.

Ba Nhỏ là một tay giang hồ thứ thiệt trong lực lượng Bình Xuyên, dưới quyền của Dương Văn Dương. Tuy nhiên, khi đã về với cách mạng, Ba Nhỏ vẫn không thay đổi tính khí ngang tàng, thậm chí còn ngang nhiên cho lính cướp của dân và giết người vô tội. Nguyễn Bình quyết trừng trị Ba Nhỏ để giữ vững kỷ luật quân đội và nêu gương cho người khác.

Tuy nhiên, anh em trong lực lượng Bình Xuyên đã ký một bản kiến nghị tha cho Ba Nhỏ trong đó Mười Lực đứng đầu danh sách. Đứng trước một tình thế khó khăn, nếu vẫn xử tử Ba Nhỏ sẽ gây ảnh hưởng sự đoàn kết trong nội bộ và chính Nguyễn Bình trở thành kẻ thù của các chi đội trong lực lượng Bình Xuyên.

Nhưng với bản lĩnh của một người từng ngang dọc, Nguyễn Bình đề nghị Dương Văn Dương yêu cầu Mười Lực rút đơn kiến nghị. Sau đó phiên tòa xét xử công khai, chánh án Nguyễn Bình tuyên Ba Nhỏ án tử hình. Mặc dù ngang tàng hống hách nhưng đối với Nguyễn Bình, Ba Nhỏ luôn tâm phục khẩu phục.

Người này biết rõ tội trạng của mình, sẵn sàng nhận cái chết. Ba Nhỏ đã hành xử theo kiểu giang hồ, xin phép được tự hành quyết và đề nghị Nguyễn Bình cho mượn khẩu súng ngắn ông luôn đeo bên mình. Cả phiên tòa hồi hộp nín lặng vì sợ Ba Nhỏ sẽ nhắm súng vào ai đó bóp cò, và người đó rất có thể là Nguyễn Bình.

Nhưng Nguyễn Bình vẫn điềm nhiên rút súng của mình giao cho Ba Nhỏ và Ba Nhỏ đã tự thi hành bản án. Phiên tòa có một không hai này không những không gây mất đoàn kết trong nội bộ mà ngược lại đã tăng thêm uy tín rất lớn của Nguyễn Bình trong lực lượng Bình Xuyên, khiến ai nấy đều thêm nể phục.

Một câu chuyện khác cũng làm mọi người nể phục không kém. Tại Chi đội 4 của Huỳnh Văn Trí (Mười Trí) có Vũ Tam Anh, Bùi Hữu Phiệt là những kẻ cơ hội núp sau danh cách mạng để hoạt động. Chúng chủ trương ám sát Nguyễn Bình rồi đổ cho Mười Trí để gây nghi kỵ, chia rẽ trong lực lượng ta. Để thực hiện ý đồ thâm độc trên, chúng kết hợp với tên Sáu "Xít-xong" là một tên lính mã tà thuộc đơn vị đàn áp nổi loạn của Pháp.

Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định tại chiến khu An Phú Đông.

Tên Sáu là người tham gia kháng chiến từ đầu trong bộ đội Bà Quẹo của Mười Trí, do vậy được Mười Trí tin tưởng, không nghi ngờ gì. Tên Sáu giả chữ ký của Mười Trí viết thiệp mời Nguyễn Bình qua Chi đội 4 để dự tiệc và bàn chuyện cơ mật. Lúc đó, hai cơ quan gần nhau, đóng ở Bình Hòa, gần sông Vàm Cỏ Đông. Vũ Tam Anh, Bùi Hữu Phiệt cho bố trí những tay súng thiện xạ ở gần một ngôi miếu sát bờ sông.

Nhận được thiệp mời, Nguyễn Bình một mình bơi xuồng qua Chi đội 4 mà không đem theo một vệ sĩ nào. Đại đội trưởng Hứa Văn Yến khuyên Nguyễn Bình nên cẩn thận nhưng ông vẫn một mình xuống xuồng nhổ sào tách bến. Gần tới nhà Mười Trí, ngang ngôi miếu bỗng có tiếng súng nổ, Nguyễn Bình nhanh chóng ngồi thụp xuống xuồng nhưng không kịp, đạn đã trúng cánh tay phải, rất may là chỉ bỉ bị thương phần mềm.

Trên bờ nổ thêm mấy phát súng nữa nhưng không trúng. Tình thế cấp bách, bỗng từ xa có tiếng súng giải vây. Thì ra Hứa Văn Yến không an tâm nên đưa theo một số người âm thầm theo sau Nguyễn Bình để phòng ngừa bất trắc. Bọn mưu sát nhanh chân tẩu thoát. Hứa Văn Yến lập tức đưa Nguyễn Bình về băng bó vết thương.

Sáng hôm sau Nguyễn Bình qua Chi đội 4 để tìm hiểu chuyện đáng tiếc trên. Mười Trí hoàn toàn không hay biết gì, khi nghe Nguyễn Bình kể, ông liền tập hợp điểm quân thì thấy thiếu 3 người: Sáu "Xít-xong", Bùi Hữu Phiệt và Vũ Tam Anh.

Nguyễn Bình nhẹ nhàng khuyên Mười Trí: "Anh Mười nên cẩn thận giao du. Tôi biết anh Mười có máu giang hồ kỳ hiệp, tứ hải giai huynh đệ nhưng cũng nên phân biệt người tốt với kẻ xấu, người ngay với kẻ gian. Đây là một kinh nghiệm cho anh Mười xử thế".

Mười Trí rất xúc động trước thái độ của Nguyễn Bình. Ông cứ đinh ninh Khu trưởng sẽ nổi cơn thịnh nộ đập bàn quát mắng về chuyện để bọn Phòng Nhì cài cấy người vào để mưu sát Khu trưởng, không ngờ Nguyễn Bình lại nhẹ nhàng khuyên răn như thế.

Nỗi kinh hoàng của quân Pháp

Đối với thực dân Pháp, cái tên Nguyễn Bình trở thành nỗi khiếp sợ kinh hoàng. Những nhà bình luận, đánh giá phương Tây thời bấy giờ đã đánh giá ông với những lời lẽ trân trọng và thán phục.

Nhà sử học Fréderic Chemit viết: "Nguyễn Bình, nhờ sức kiên trì đã thống nhất được các lực lượng du kích và có những lối đánh táo bạo làm cho đối thủ kinh hoàng". Nữ Tiến sĩ người Mỹ Ellen Hammer đánh giá: "Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bình, các bộ đội kém tổ chức, thiếu súng đạn, gặp nhiều khó khăn trở ngại, dần dần trưởng thành, trở nên hữu hiệu và đáng sợ. Những ý đồ chia rẽ Việt Nam dưới sự ra đời của "quốc gia Nam Kỳ tự trị" vào mùa thu năm 1946 của Pháp đã hoàn toàn thất bại trước sự tiến công của quân du kích dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bình".

Và nghiễm nhiên ông trở thành tâm điểm theo dõi số một của Phòng Nhì Pháp. Tuy nhiên, là một người quả cảm, quyết đoán, dám nghĩ dám làm, không bao giờ lùi bước trước gian nguy, Nguyễn Bình thường xuyên cải trang ra vào Sài Gòn lúc đó đang bị quân Anh, Pháp chiếm đóng. Mỗi lần đột nhập như thế, ông đều vượt qua hệ thống mật vụ, chỉ điểm dày đặc của Pháp.

Mộ liệt sĩ Trung tướng Nguyễn Bình tại Nghĩa trang liệt sĩ TP HCM.

Ngày 29-1-1946 Phòng Nhì báo cáo lên Bộ Tổng tham mưu quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương: "Người có tên Nguyễn Bình, Tham mưu trưởng quân Việt Minh vào Sài Gòn mỗi tuần lễ khoảng ba lần, trong một bộ quần áo Tàu với một thẻ căn cước mang tên Trần Đại do bang Triều Châu cấp. Mỗi lần vào, ông ta thường đến cơ sở Hồng Bàng ở đường Lagrandière. Ông ta rất được Hoa kiều bảo vệ".

Ngày 18-12-1946, đại úy Keller của Phòng Nhì Pháp lại có một bản báo cáo chi tiết: "Ngày 17-12 thấy Nguyễn Bình ở ngã tư đường Verdun và đường Chasseloup. Ông ta ngồi trong một chiếc xe hơi màu vàng, đằng trước và đằng sau có hai xe hơi màu đen chở đầy người mặc quần áo Tàu đi hộ tống, tất cả các xe đều bám đầy bụi đường chứng tỏ xe đã chạy một quãng đường dài. Cả đoàn xe đi theo đường Galliéni về hướng Chợ Lớn".

Ngày 26-5-1947, một ký giả người Pháp tên là Pierre Doublet đã đăng trên báo Sài Gòn một bài tường thuật hai lần bắt hụt Nguyễn Bình. Một lần tên chỉ điểm báo cho đồn Pháp biết là có thấy mấy người bảo vệ của Nguyễn Bình trên một đường phố ở Chợ Lớn. Khu phố này lập tức bị bao vây và người chỉ điểm bị bắt, bị tra tấn ngay tại chỗ nhưng anh quyết không khai.

Sau đó quân Pháp dùng dao găm nhọn đâm nhiều nhát vào người anh ta, lúc đó anh ta biết rằng Nguyễn Bình đã được dân chúng báo tin rồi, mới khai Nguyễn Bình đang trú ngụ tại nhà một Hoa kiều.

Một sĩ quan Pháp lập tức phóng xe Jeep đến nơi thì chủ nhà cho biết Nguyễn Bình vừa đi khỏi 5 phút. Một lần khác, chiếc xe tải của quân đội Pháp chở một vài người tình nghi bị bắt trong một cuộc bố ráp. Trong số này có một người lạ mặt, mặc quần áo Tàu, đeo kiếng đen. Bỗng từ đám đông, một quả lựu đạn được liệng vào bánh xe. Trong lúc hỗn loạn, người lạ mặt đã biến vào đám đông. Người đó chính là Nguyễn Bình.

Ngoài hai lần trên, một lần nữa trong khi đi thị sát ở Thủ Dầu Một, Nguyễn Bình bị quân Nhật bắt cùng với người nữ giao liên tên Thanh. Chúng cho giải cả hai người về Sài Gòn để giao cho quân Pháp. Trên đường bị áp giải, Nguyễn Bình và người nữ giao liên đã dùng mưu trí thoát được và trở về căn cứ một cách an toàn.

Hoàn thành sứ mệnh

Tháng 6-1951, Trung tướng Nguyễn Bình nhận được điện của Trung ương triệu tập ra Bắc. Ngày 6-7-1951, ông khởi hành từ Chiến khu Đ ở Tân Uyên với một đội bảo vệ 22 người, dự tính thời gian đi đường phải mất 6 tháng mới ra tới Việt Bắc. Suốt cả dọc đường cả đoàn vừa đói khát vừa ốm đau mà Nguyễn Bình là người bị nặng nhất.

Có những ngày quá yếu, ông không thể lê bước được nữa, đội bảo vệ phải để ông nằm trên đất Campuchia, qua các tỉnh Svâyriêng, Prâyveng, Krachiê, Kompong Chàm mới ngừng lại ở phum Baseck bên bờ sông Sêrêpok chờ tin tức của đội trinh sát đi tiền trạm dò tình hình địch rồi sẽ vượt sông sang Hạ Lào.

Bất ngờ ngày 29-9-1951, một toán lính người Miên do trung úy Pháp Giattoni chỉ huy đi ngang qua đó. Gặp Nguyễn Bình, chúng nổ súng hạ sát ngay mà không biết ông là ai. Mãi hơn 2 tháng sau, Bộ Tư lệnh Pháp mới biết người bị giết hôm đó chính là Trung tướng Nguyễn Bình. Chúng đã có một hành động dã man là khai quật mộ ông, chặt lấy bàn tay phải mang về Sài Gòn cho Phòng Nhì xác minh.

Ngày 26-12-1951, Florian Birouste - viên trưởng phòng xét nghiệm căn cước của Phòng Nhì đã gửi lên Tham mưu trưởng liên quân Pháp và Cao ủy Pháp một bản báo cáo kỹ thuật rất chi tiết về kết quả xác minh, đại khái nội dung như sau: Các kỹ thuật viên, sau khi rửa sạch bùn đất trên bàn tay, đã bơm dầu paraffine rồi bơm không khí dưới da cho phồng lên, sau đó bôi một lớp mực in tay mỏng lên để cho nổi rõ các nếp vân tay. Rồi họ chụp ảnh từng ngón tay và phóng lên 25 lần.

Với những tấm ảnh này, họ đem so sánh với vân tay điểm chỉ trong phiếu căn cước của Nguyễn Phương Thảo do phòng xét nghiệm căn cước tư pháp Sài Gòn lập khi Nguyễn Phương Thảo bị kết án 5 năm tù, đày đi Côn Đảo. Các vết vân tay giống nhau hoàn toàn, Phòng Nhì kết luận người bị giết ngày 29-9-1951 chính xác là Nguyễn Phương Thảo, tức Nguyễn Bình.

Tin Trung tướng Nguyễn Bình hy sinh đã làm cả nước bàng hoàng, nhất là quân và dân Nam Bộ. Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết lòng tiếc thương ông, một vị tướng quả cảm, tài ba, một con người sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông hy sinh khi mới 43 tuổi, để lại phía sau nhiều dự định dang dở, là một tổn thất lớn cho cách mạng.

Ngày 29-2-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 84/SL truy tặng Trung tướng Nguyễn Bình Huân chương Quân công hạng Nhất. Ông chính là người đầu tiên trong Quân đội nhân dân Việt Nam được nhận Huân chương cao quý này.

Đặc biệt, trong Sắc lệnh truy tặng Huân chương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi rõ thành tích, công trạng của Trung tướng Nguyễn Bình. Đây là một trường hợp hết sức đặc biệt, ghi rõ công trạng vào quyết định khen thưởng.

Duy Tường
.
.