Nguyễn Bình – Vị tướng huyền thoại: Trui rèn nơi địa ngục trần gian

Thứ Ba, 21/02/2017, 11:35
Thời gian thụ án tại Côn Đảo, nhiều tù nhân Quốc dân Đảng đã chuyển tư tưởng sang chủ nghĩa cộng sản, trong đó có 3 nhân vật nổi trội là Trần Huy Liệu, Nguyễn Phương Thảo và Tưởng Dân Bảo. Ba người bị những phần tử quá khích trong Quốc dân Đảng tại Côn Đảo tuyên án "tử hình".

Trần Huy Liệu, Tưởng Dân Bảo thoát chết, Nguyễn Phương Thảo bị đâm mù một mắt. Tuy vậy, họ vẫn vững tâm theo đuổi lý tưởng, được những người cộng sản giác ngộ, trui rèn và sau này trở thành những tên tuổi lớn của cách mạng Việt Nam.

Cảm tình với Cộng sản

Ra Côn Đảo, những tù nhân Quốc dân Đảng được giam chung trong một dãy dài. Trần Huy Liệu và Nguyễn Phương Thảo được xếp chung một phòng. Trong tù Trần Huy Liệu vẫn ung dung như lúc làm báo viết văn ở Sài Gòn. Với bọn lính canh, đại bàng trong tù, Trần Huy Liệu rất lịch sự nhưng không khúm núm, sợ sệt. Nhờ có Trần Huy Liệu mà Nguyễn Phương Thảo luôn vững tâm.

Vài tháng sau, có thêm một chuyến tù Quốc dân Đảng bị đưa ra đảo. Trong số này có một nhân vật người Bắc to cao vạm vỡ, đó là Trần Xuân Độ, quê Hải Phòng. Trần Xuân Độ là người "thiếu chữ" so với các bạn tù nhưng thừa gan lỳ, tốt tính. Những chuyện nặng nhọc như khiêng vác, ai cũng ngại thì ông luôn xung phong. Chuyện săn sóc tù bị bệnh truyền nhiễm, ho lao, tù hủi ai cũng gớm ghiếc, thì ông luôn tình nguyện.

Lính Pháp tại tỉnh lỵ Lạng Sơn.

Trong một vụ tranh đấu đòi cải thiện chế độ lao tù, bọn Pháp đàn áp rất mạnh, chúng huy động lính tráng dùng ma-trắc đánh đập tù nhân không nương tay. Lập tức Trần Xuân Độ xông tới, đưa tấm lưng vạm vỡ của mình ra đón đỡ đòn cho anh em tiểu tư sản thành thị. Xong trận khủng bố, lưng ông bầm tím những vết roi gân bò và ma-trắc, nhiều mảng da bị tróc ra máu chảy đầm đìa.

Gặp được người đồng hương Hải Phòng, Nguyễn Phương Thảo rất mừng. Đúng là tha hương ngộ cố tri, nhưng lại trong cảnh ngộ quá éo le. Nguyễn Phương Thảo cùng những bạn tù thay nhau chăm sóc cho Trần Xuân Độ. Trong những lần trò chuyện, Nguyễn Phương Thảo được biết Trần Xuân Độ hơn mình gần chục tuổi, tên thật là Phạm Xuân Đại, nguyên là thợ sắt của hãng Cacric Hải Phòng.

Ông gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng tháng 10-1928 với biệt hiệu được anh em đặt cho là "Gan lỳ tướng quân" vì ông rất gan dạ và lỳ đòn. Ông bị thực dân Pháp kết án tù chung thân. Lúc các vết thương sắp lành, sáng nào Trần Xuân Độ cũng tình nguyện ra quét lá bàng ngoài sân. Nguyễn Phương Thảo tò mò nên cũng tình nguyện đi theo và được biết vì sao Trần Xuân Độ thích quét lá bàng. Chính vì sự tò mò này là cơ duyên đưa ông đến với những người cộng sản và cũng là lý tưởng cả cuộc đời hoạt động cách mạng sau này.

Trại 2 gồm hai dãy khám dài đối diện nhau, cách một sân rộng. Bên này nhìn thấy bên kia một cách dễ dàng. Bên này là tù Quốc dân Đảng, bên kia là tù Cộng sản. Khi quét lá bàng, tù nhân hai bên có thể trao đổi vài câu mà không sợ bọn lính hay bạn tù nghe được.

Vì thế Trần Xuân Độ và Nguyễn Phương Thảo hay nói chuyện với anh em bên tù Cộng sản và được biết một sự thật hai người không thể ngờ: nhờ biết tổ chức, biết đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ nhau những khó khăn, người mạnh làm giúp phần của người yếu, người biết chữ dạy người không biết chữ, người chính trị cao dạy người chính trị thấp... mà anh em bên dãy tù Cộng sản rất có tổ chức và hừng hực tinh thần chiến đấu.

Không như ở dãy của Nguyễn Phương Thảo, ở tù mà còn phân biệt giai cấp, ăn cơm cũng có người hầu, người quạt. Đó là nhóm "Đại Việt quan lại", cũng theo chủ nghĩa Tam dân nhưng phần lớn là quan lại hoặc con ông cháu cha, làm cách mạng mà chưa bỏ được thói quen ăn trên ngồi trốc.

Những khám phá về dãy bên kia Nguyễn Phương Thảo đều thì thầm với Trần Huy Liệu. Thế là vài ngày sau, Trần Huy Liệu tập hợp một số anh em trẻ trong phòng lại nói chuyện tình hình. Với tài kể chuyện hấp dẫn, Trần Huy Liệu đã thu hút hầu hết anh em trong phòng. Một số anh em khác phòng cũng tham gia. Không khí ở dãy tù Quốc dân Đảng có phần sinh động hơn trước. Và theo gợi ý của Trần Huy Liệu, Nguyễn Phương Thảo mở lớp dạy văn hóa cho các anh em bạn tù, vì có văn hóa, học chính trị mới dễ hiểu hơn. Trần Xuân Độ tuy lớn hơn gần chục tuổi nhưng vẫn chịu khó ngồi học một người trẻ tuổi hơn mình.

Không chỉ có bộ ba Trần Huy Liệu, Nguyễn Phương Thảo, Trần Xuân Độ luôn hướng tầm mắt về dãy bên kia mà còn có vài nhóm khác như nhóm Tưởng Dân Bảo cũng xung phong quét lá bàng để bí mật tiếp xúc với dãy tù Cộng sản.

Tưởng Dân Bảo cũng là một nhà cách mạng nổi tiếng Việt Nam. Ông sinh năm 1907 tại huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Lúc lên 5, ông theo gia đình đến sinh sống ở Hải Phòng.

Năm 18 tuổi, gia đình sa sút, ông phải bỏ dở việc học để đi làm thư ký đánh máy cho một công sở thuộc chính quyền thành phố. Do thái độ khinh thị của những người thực dân đối với người bản xứ, trong ông đã hình thành tinh thần dân tộc, định hướng cho quá trình hoạt động cách mạng sau này. Ông tham gia hoạt động trong tổ chức Nam Đồng Thư xã cùng một số bạn bè thân thiết đồng chí hướng.

Sau khi Việt Nam Quốc dân Đảng thành lập, ông được bầu làm Trưởng ban Trinh sát, phụ trách Việt Nam khách sạn ở Hà Nội, một tổ chức kinh doanh tạo nguồn tài chính cho đảng, đồng thời là nơi liên lạc hội họp của đảng. Khách sạn có một dàn nhạc dân tộc trong đó ông trực tiếp chơi đàn tranh, đàn tính, kéo nhị, trình bày và phổ biến các bài ca yêu nước. Khi tổ chức Quốc dân Đảng bị chính quyền thực dân đàn áp, Tưởng Dân Bảo bị bắt và bị kết án 10 năm tù, đày ra Côn Đảo.

Bị Quốc dân Đảng thanh trừng

Một hôm Trần Xuân Độ thông báo cho Nguyễn Phương Thảo một tin rất quan trọng. Những người cầm đầu dãy Quốc dân Đảng đã thấy sự chuyển hướng của nhóm Trần Huy Liệu. Họ quyết định lập ban thanh trừng, tuyên bố tử hình "bọn phản đảng". Trần Xuân Độ khuyên Nguyễn Phương Thảo nên hết sức cẩn thận. Nguyễn Phương Thảo báo ngay cho Trần Huy Liệu, nhưng Trần Huy Liệu vẫn tiếp tục công khai bày tỏ quan điểm của mình như trước.

Nhân dân Sài Gòn - Gia Định đồng lòng đứng lên kháng chiến.

Thế rồi chuyện phải đến đã đến, vào nửa đêm trong lúc cả phòng chìm trong giấc ngủ, một bóng đen di động với con dao mài rất bén. Hắn đến chỗ Trần Huy Liệu đang nằm ngủ thẳng tay cắt cổ ông. Trần Huy Liệu chỉ kịp kêu lên một tiếng, máu chảy đỏ cả ngực...

May mà tiếng kêu ấy đã cứu thoát ông, bọn lính gác đêm nghe thấy liền bấm đèn pin chạy tới. Hung thủ vội vàng bỏ chạy về chỗ mình và giả bộ như không có gì xảy ra. Cả phòng thức giấc, Trần Huy Liệu được đưa đi cấp cứu kịp thời. Mọi người vui mừng được biết Trần Huy Liệu đã thoát chết đồng thời nguyền rủa bọn chủ trương giết người không cùng chính kiến với mình.

Dù bị lên án, bọn quá khích vẫn tiếp tục ra tay. Nạn nhân thứ hai cũng bị cắt cổ vào nửa đêm. Và cũng rất may là lính gác tới kịp, hung thủ bỏ chạy và nạn nhân được cấp cứu kịp thời. Nạn nhân thứ hai chính là Tưởng Dân Bảo.

Hai vụ cắt cổ xảy ra trong vòng một tuần khiến cả dãy lo sợ. Nạn nhân thứ ba sẽ là ai đây? Nguyễn Phương Thảo nghĩ ngay đến mình nên đề phòng rất cẩn thận. Nhiều đêm liền ông thức trắng và luôn luôn nằm trong thế thủ, hễ thấy động là tấn công ngay.

Nhưng thức ròng rã ba đêm mà kẻ sát nhân vẫn không dẫn xác tới. Đến hôm thứ tư thì quá mệt mỏi, vừa đặt lưng xuống Nguyễn Phương Thảo ngủ lúc nào không hay. Chớp ngay thời cơ, tên sát nhân đã mò đến dùng bàn chải đánh răng đâm vào mắt trái Nguyễn Phương Thảo. Dù được chăm sóc tận tình, nhưng con mắt đã không cứu được, ông phải chịu thương tật suốt đời.

Tuy mất một mắt nhưng Nguyễn Phương Thảo thấy mình sáng hơn trước. Ông đã trả giá đắt khi chọn đảng. Chủ nghĩa Tam dân rất đẹp với tôn chỉ độc lập tự do, hạnh phúc là đỉnh cao của dân tộc, dân quyền, dân sinh, nhưng đó chỉ là khẩu hiệu suông để mê hoặc thiên hạ, còn bọn cầm đầu thì chỉ theo mục đích hèn hạ là vinh thân phì gia và không ngần ngại thủ tiêu những đồng đảng khác chính kiến.

Từ bệnh xá nhà tù trở về trại 2, Nguyễn Phương Thảo đã biến thành người khác về nhân dạng cũng như về tâm hồn. Ông thất vọng về Quốc dân Đảng đã cướp đi của ông một con mắt nhưng ông không trách người đã đưa mình vào đảng này. Trần Huy Liệu cũng là nạn nhân của những cụm mỹ từ "dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc".

Năm 1936, tại Pháp, Mặt trận Bình dân lên cầm quyền. Do áp lực phong trào đòi thả tù chính trị ở Đông Dương, chính quyền thực dân buộc phải trả tự do cho nhiều tù nhân chính trị, trong đó có Trần Huy Liệu, Nguyễn Phương Thảo, Trần Xuân Độ và Tưởng Dân Bảo…

Đoạn tuyệt quá khứ

Ra tù, Nguyễn Phương Thảo không quay lại Sài Gòn mà trở về quê ở Hưng Yên. Nguyễn Phương Thảo chính thức ly khai Quốc dân Đảng, đổi tên thành Nguyễn Bình như để đoạn tuyệt quá khứ và bước vào một cuộc đời mới. Và chính cái tên Nguyễn Bình sau này trở nên lừng lẫy cả trong Nam ngoài Bắc, làm cho thực dân Pháp kinh hồn bạt vía.

Thời gian đầu hoạt động cách mạng ở quê nhà, Nguyễn Bình gặp rất nhiều khó khăn, bị mật thám Pháp theo dõi liên tục. Năm 1936, đang hoạt động trong phong trào Bình dân thì ông bị bắt ở Thái Nguyên. Bằng mưu trí và sự dũng cảm, ông vượt ngục, trở về hoạt động ở Hưng Yên. Năm 1938, Nguyễn Bình lại bị bắt ở Hưng Yên. Ra tù năm 1942, ông được đồng chí Hoàng Quốc Việt (tức Hạ Bá Cang) phái lên Lai Châu hoạt động với nhiệm vụ sưu tầm nguyên liệu để chế tạo lựu đạn.

Từ tháng 8-1941 Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đã có một nghị quyết rất quan trọng cho vận mệnh của đất nước, đặt vận mệnh giải phóng dân tộc lên trên hết, xây dựng một mặt trận thật rộng rãi, đoàn kết toàn dân là Mặt trận Việt Minh, chủ trương giành chính quyền bằng bạo lực cách mạng, trong đó có việc xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng, khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa. Vào thời điểm này, có được vũ khí là vấn đề cực kỳ quan trọng, là công tác trung tâm của nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ cách mạng.

Với tinh thần của nghị quyết như thế, sau khi từ Lai Châu trở về Hưng Yên, đầu năm 1943 Nguyễn Bình được Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ giao nhiệm vụ phụ trách công tác binh vận và mua sắm vũ khí cho cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, tuy nhiên Nguyễn Bình đã hăng hái nhận lời và quyết tâm hoàn thành sứ mệnh. Và thực tế lịch sử chứng minh Trung ương đã chọn không nhầm người.

Thời gian này phong trào cách mạng ở Hải Phòng bị thực dân Pháp khủng bố gắt gao nên Nguyễn Bình quyết định chọn địa bàn Bần Yên Nhân, tỉnh Hưng Yên để gây dựng cơ sở cách mạng, sau đó sẽ mở rộng ra những vùng lân cận. Và mục tiêu trước mắt của ông là đánh chiếm đồn Bần Yên Nhân của Pháp để kiểm soát cả khu vực, tạo cơ hội thuận lợi cho việc tập trung vũ khí.

Có thể nói đây là trận đánh của một tài năng quân sự, mở màn cho hàng loạt những chiến công vang dội của Nguyễn Bình. Trận đánh kinh điển này về sau được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là "một trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ", thể hiện được sự mưu trí, sáng tạo, chớp đúng thời cơ. Và quan trọng hơn là tài chỉ huy quyết đoán của Nguyễn Bình trong bối cảnh hết sức khó khăn.

(Còn tiếp)

Duy Tường
.
.