Những nữ tướng lừng danh trong lịch sử thế giới

Thứ Tư, 08/03/2017, 16:46
Jeanne d'Arc được coi là một vị thánh bảo hộ của Pháp. Bà từng chỉ huy quân đội Pháp chống lại người Anh trong Cuộc chiến Trăm năm. Năm 1430, Jeanne bị bắt và kết tội phù thuỷ. Một năm sau đó, khi mới 19 tuổi, bà bị thiêu sống trên dàn hỏa.


Hai Bà Trưng "ba thu gánh vác sơn hà"

Trong tất cả các tài liệu lịch sử của Việt Nam, từ các thư tịch cổ hay những tài liệu khảo cứu hay được biên soạn sau này, khi đề cập về thời kỳ hơn nghìn năm Bắc thuộc đều dành những lời trang trọng để nói về hai vị nữ Anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng đã dũng cảm phát động và lãnh đạo nhân dân cả nước vùng lên đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đông Hán, lên ngôi xưng vương (Trưng nữ vương) lập nên nền độc lập, tự chủ trong vòng gần ba năm. Hai Bà là biểu tượng của khí phách quật cường của dân tộc Việt Nam những năm sau công nguyên.

Nơi thờ Hai Bà và các nữ tướng có công trong cuộc khởi nghĩa (đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh).

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn thư viết: "Thái Thú quận Giao Chỉ là Tô Định dùng chính sự tham lam tàn bạo. Mùa xuân, tháng hai (năm Canh Tý, 40 sau CN), Vua (Trưng Trắc) khổ vì Thái Thú Tô Định dùng pháp luật hà khắc để trói buộc, lại thêm thù Tô Định đã giết chết chồng của mình (là Thi Sách), bèn cùng với em là Trưng Nhị nổi binh, đánh vào trị sở của châu. Tô Định chạy về nước. Các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đều hưởng ứng, Trưng Nữ Vương lấy được sáu mươi lăm thành ở Lĩnh Nam rồi tự lập làm vua (…)

"Nhà Hán phong cho Mã Viện làm Phục Ba Tướng Quân, phong cho Phù Lạc Hầu là Lưu Long làm phó tướng,đem quân sang xâm lược. Mùa xuân, tháng giêng (năm Nhâm Dần, 42), Mã Viện đi men theo ven biển mà tiến vào nước ta, san núi làm đường đến hơn một ngàn dặm, đánh nhau với Vua ở Lãng Bạc (phía Tây của La Thành gọi là Lãng Bạc). Vua thấy thế giặc mạnh, tự thấy quân mình ô hợp, khó có thể chống nổi, bèn lui về giữ Cẩm Khê. Sau phải trẫm mình trên sông Hát để bảo toàn khí tiết…".

Khi dấy binh khởi nghĩa, dưới trướng của Hai Bà còn quy tụ nhiều nữ tướng kiệt xuất như Thánh Thiên, Lê Chân, Thiều Hoa, Bát Nàn… Nữ tướng Thánh Thiên sau được phong làm Thái Bảo chư hầu từng "cưỡi ngựa hồng xông vào trận địa, chém đầu ba tướng giặc". Đối đầu với đạo quân Mã Viện, "Thánh Thiên công chúa đem quân giao chiến với quân Hán ba, bốn lần, một tay chém non ngàn quân giặc, khiến quân Hán phải lùi sang vùng Mã Giang, biểu tấu về vua Hán rằng 'Nam bang có nữ tướng Thánh Thiên dụng binh như thần, trí dũng thiên phương, không sao phục được. Xin bệ hạ phái thêm các tướng giỏi và tiếp thêm quân sĩ sang giúp sức".

Sau khi Hai Bà Trưng mất, Thánh Thiên công chúa cùng số binh sĩ còn lại xông pha trận địa, phá vòng vây, chém tướng nhà Hán. Nhưng quân Hán quá đông, Thánh Thiên công chúa vượt qua vòng vây chạy thẳng ra bờ sông Nhật Đức, phóng ngựa xuống sông tuẫn tiết.

Khí tiết Nhụy Kiều Tướng Quân Triệu Thị Trinh

Sau thất bại của Trưng Nữ Vương, hàng vạn người bị giết hoặc bị bắt đi đày biệt xứ. Chính sử của Trung Quốc cũng ghi nhận: Chỉ tính riêng ở quận Cửu Chân, nơi cách khá xa trung tâm của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mã Viện đã giết đến hơn 5.000 người. Hơn 300 tùy tướng của Hai Bà Trưng bị Mã Viện bắt đi đày sang tận Linh Lăng tháng 10 năm 220, Hán Hiến đế bị giết, nhà Hậu Hán đến đó là cáo chung và Trung Quốc lâm vào một thời kỳ hỗn chiến loạn lạc triền miên, sử gọi đó là thời Tam Quốc.

Trong số 3 nước tranh hùng của thời Tam Quốc, nhà Ngô đã thay thế nhà Hậu Hán đô hộ nước ta. Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, không triều đại phong kiến Trung Quốc nào để lại dấu ấn đô hộ tàn bạo đến mức khủng khiếp như nhà Ngô .

Triệu Thị Trinh là em gái của Huyện lệnh Triệu Quốc Đạt. Bà không những dung nhan xinh đẹp, can đảm, mưu trí hơn người mà còn lừng danh vì khí tiết không cam mình cúi đầu dưới ách đô hộ của ngoại bang. Bà đã để lại cho đời câu nói đầy khẩu khí anh hùng: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá tràng cá kình ở ngoài biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ cho nhân dân chứ quyết không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người". Khi Bà Triệu bước vào tuổi thanh xuân thì cuộc hỗn chiến Tam Quốc (Ngô, Thục và Ngụy) cũng đang hồi quyết liệt nhất.

Để giữ vững tương quan về thế và lực và làm thay đổi cục diện theo hướng ngày càng có lợi cho mình, nhà Ngô đã tìm đủ mọi cách để vơ vét sức người và sức của trên mọi vùng đất mà chúng đang nắm quyền cai trị. Nhân lòng căm phẫn của nhân dân và cũng nhân cơ hội trung tâm của phong trào đấu tranh chống các thế lực đô hộ phương Bắc đang chuyển dịch dần ra Cửu Chân, từ đất quê hương của mình, Bà Triệu đã phát động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.

Năm 248, từ chân núi Tùng ở khu vực Phú Điền (nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá), Bà Triệu đã hạ lệnh xuất quân, nhất loạt tấn công quyết liệt vào các lỵ sở của quân Ngô tại quận Cửu Chân. Đời truyền rằng: "Bà Triệu ra trận, chân đi guốc ngà, đầu đội nón ngà, lưng thắt dải lụa, ngực che yếm vàng, mình cưỡi bành voi, dáng mạo thật oai phong lẫm liệt" (Truyền thuyết dân gian về Bà Triệu ở vùng Thanh Hoá). Nghĩa quân của bà thế lực ngày càng mạnh, quân số có tới hàng vạn người đánh thắng quân Ngô nhiều trận, giết chết viên thứ sử Giao Châu.

Vua Ngô phải cử danh tướng Lục Dận làm thứ sử Giao Châu kiêm chức Hiệu úy, đem thêm 8.000 quân sang nước ta đàn áp phong trào khởi nghĩa. Sau một cuộc bao vây ráo riết của quân giặc, Bà Triệu phải rút về núi Tùng Sơn. Bà quỳ xuống vái trời đất: "Sinh vi tướng, tử vi thần" (Sống làm tướng, chết làm thần) rồi rút gươm tự vẫn, đó là vào ngày 22-2 năm Mậu Thìn - 248.

"Hòa bình của Mặt Trăng"

Ahhotep I (nghĩa là Hòa bình của Mặt Trăng) là một nữ hoàng của Ai Cập cổ đại, bà sống vào khoảng những năm 1560 - 1530 trước Công nguyên. Ahhotep I là một nữ hoàng được sử sách đánh giá là người đóng vai trò then chốt trong việc tạo lập triều đại thứ 8 của Ai Cập cổ đại.

Nữ hoàng Ahhotep I.

Bà đã lãnh đạo quân đội chống lại người Hyksos, sau được chôn cất cùng những vũ khí tượng trưng và 3 cờ danh dự vốn được tặng thưởng cho những chiến tích quân sự đặc biệt. Nội dung các dòng chữ khắc trên một bia tưởng niệm Ahhotep I cho hay: "Bà là người đã hoàn thành các nghi lễ chăm lo cho Ai Cập...; quan tâm tới quân lính Ai Cập, bảo vệ đất nước. Bà cũng đưa những người lưu vong quay trở lại và tập hợp những kẻ đào tẩu;  bình định Thượng Ai Cập và trục xuất những kẻ phiến loạn".

Nữ vương bộ tộc dám đương đầu với quân La Mã

Boudicca (năm 60 hoặc 61 sau Công nguyên) là nữ vương của bộ tộc Iceni, miền đông Anh trong thế kỷ thứ I trước Công nguyên. Mặc dù rất nhiều người bản địa căm ghét sự chiếm đóng của lực lượng La Mã nhưng một số người vẫn cộng tác với La Mã và bộ tộc Iceni dưới sự lãnh đạo của  Prasutagus, chồng của Boudicca, là một trong những "vương quốc chư hầu".

Tranh minh họa nữ vương Boudicca.

Khi Prasutagus qua đời, người La Mã thấy không cần thiết phải tôn trọng bất kỳ thoả thuận nào với ông và nắm quyền kiểm soát toàn bộ khu vực. Khi Boudicca chống đối, bà bị đánh đập dã man. Không những thế, theo tương truyền, bà còn phải chứng kiến cảnh các con gái mình bị quân La Mã đem ra hãm hiếp.

Boudicca đã tập hợp quân đội và thu hút sự tham gia của các bộ tộc khác vốn cũng muốn vùng lên chống người La Mã. Bà đã đánh thắng quân La Mã trong các trận chiến lớn ở Colchester, London và St Albans trước khi chịu thua lực lượng hùng hậu của kẻ thù. Nữ hoàng của người Iceni được cho là đã uống thuốc độc tự vẫn nhằm tránh bị bắt giữ và làm nhục bằng cách dẫn giải khắp các đường phố ở Rome trước khi bị hành hình.

Nữ võ sĩ Samurai

Tomoe Gozen (1157-1247) là một trong số rất ít nữ võ sĩ samurai trong xã hội Nhật Bản xưa kia. Theo các tài liệu lịch sử, không chỉ có nhan sắc khuynh thành, Tomoe Gozen còn là một cung thủ thiện xạ và là tay kiếm xuất sắc. Tomoe Gozen là một trong số ít ỏi những nữ võ sĩ Samurai và đã tham gia cuộc chiến phe phái Genpei (1180-1185).

Sau khi bang chủ của bà bị đánh bại trong trận chiến Awazu, bà được yêu cầu cao chạy xa bay hơn là tự sát để tránh bị bắt giữ vì ông sẽ cảm thấy xấu hổ khi chết cùng một phụ nữ. Rất nhiều bí ẩn xung quanh những gì đã xảy ra với Tomoe sau đó, một số người nói bà đã từ bỏ chiến đấu, một số người lại cho rằng bà đã đấu với một Samurai nổi tiếng có tên Wada Yoshimori và lấy người này làm chồng.

Nữ Thánh của nước Pháp không bị hỏa thiêu?

Jeanne d'Arc được coi là một vị thánh bảo hộ của Pháp. Bà từng chỉ huy quân đội Pháp chống lại người Anh trong Cuộc chiến Trăm năm. Năm 1430, Jeanne bị bắt và kết tội phù thuỷ. Một năm sau đó, khi mới 19 tuổi, bà bị thiêu sống trên dàn hỏa.  

Nữ Thánh Jeanne d'Arc.

Vào đầu thế kỷ XIX, học giả lỗi lạc Pierre Caziot cho xuất bản cuốn khảo cứu dày 2 tập, trong đó ông thử chứng minh là Jeanne d'Arc đã được cứu thoát khỏi giàn hỏa và sau đó sống dưới cái tên Jeanne d'Armoaz.

Trong cuốn sách khảo cứu của P. Sarmoaz có ghi: "Không phải Jeanne d'Arc bị thiêu ngày 30-5-1431, mà là "một nhân vật khác". Cũng ngày hôm đó nữ tướng đã được bí mật cứu thoát khỏi Rouen và một thời gian dài sau thì bà lấy chồng- Bá tước R. D'Armoaz- tại thành phố Arlon, gần biên giới Luxembourg, bà mất năm 1449 ở Piulini gần thành phố Nancy thủ phủ xứ Lorraine, được chôn trong một giáo đường với bia mộ hẳn hoi".

Phụ Hảo - nữ tướng khai sinh chiến thuật phục kích

Vũ Đinh là một vị vua nổi tiếng cuối đời Thương. Trong phép trị nước, ông không có tư tưởng dòng dõi và tư tưởng trọng nam khinh nữ, đã để cho vợ mình là Phụ Hảo chỉ huy đại quân của triều Thương. Theo những tư liệu có liên quan trong văn giáp cốt, Phụ Hảo là một tướng lĩnh tài năng, chinh nam phạt bắc, tiếng tăm vang dội.

Tượng nữ tướng Phụ Hảo ở Ân Khư.

Trong những cuộc chiến tranh Vũ Đinh tiến hành nhằm chống lại sự quấy nhiễu của các bộ tộc, quốc gia xung quanh, có lúc Phụ Hảo làm tướng tiên phong, có lúc một mình thống lĩnh đại quân.

Trong trận đánh với Ba Phương, bà đã dẫn quân bày trận mai phục, chờ quân của Vũ Đinh đánh đuổi Ba Phương vào trong vòng mai phục, lập tức xông ra tấn công tiêu diệt, lập được chiến công lẫy lừng, là trận phục kích được ghi chép sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Quang Học (tổng hợp)
.
.