Quan hệ Nga-Pháp qua cuốn sách “Tướng De Gaulle và nước Nga”

Thứ Năm, 12/04/2018, 18:02
Trong cuộc phỏng vấn với thời báo Le Monde, cựu Tổng thống Pháp, ông Francois Hollande cho biết, hiện nay, mối quan hệ giữa Pháp và Nga đã không còn tốt như xưa. Có thể nhận thấy điều này qua việc, tỉ trọng của Pháp trong thương mại nước ngoài tại Nga trong năm 2017 đã giảm từ 3,87% xuống còn 2,44% và từ vị trí thứ 10 rơi xuống vị trí thứ 14.

Để hiểu thêm về mối quan hệ giữa Nga và Pháp vì sao lại trở nên như vậy, mời độc giả hãy đọc thật kỹ cuốn sách “Tướng De Gaulle và nước Nga” của nhà văn Hélène Carrère d'Encausse, đã được xuất bản vào tháng 12-2017.

Cuốn sách quan trọng

Cuốn sách này gồm ba phần, trong hai phần đầu tiên, tác giả viết về các sự kiện theo trình tự thời gian, rất đầy đủ và hợp lý. Trong phần cuối, tác giả nêu lên suy nghĩ của bà về quá trình “hòa hoãn”. Trong quá trình này, Tướng De Gaulle đã biết nắm bắt thời gian, ông làm mọi việc để bắt đầu xây dựng lại đất nước. Khi viết cuốn sách này, bà Carrère d'Encausse đã thu thập và sử dụng những thông tin mà bà lấy được từ đoàn tùy tùng đi theo Tướng De Gaulle thời bấy giờ.

Nhưng vấn đề là tất cả đều dựa trên kí ức của những người kể lại, do đó, những thông tin này rất dài dòng, rườm rà, cần mất nhiều thời gian để cắt gọt. Bên cạnh đó, bà còn lấy thêm nguồn tin từ trên sách báo hay các tài liệu lưu trữ của Nga và Liên Xô.

Cuốn sách “Tướng De Gaulle và nước Nga” của nhà văn Hélène Carrère d'Encausse.

Năm 1983, bà thu thập được những tài liệu đầu tiên, như bộ sưu tập các tài liệu trao đổi từ năm 1941 đến năm 1945. Năm 2016, bà tìm được thêm một số bài khác của Mikhail Lipkin, viết về chuyến đi của Tướng De Gaulle tới Liên Xô vào năm 1966 và các bài có nội dung tương tự sau đó hay các tác phẩm của Moltchanov và Obitchkina. Từ tất cả những điều trên có thể thấy được vì sao cuốn sách này của bà lại nhận được nhiều sự quan tâm từ phía độc giả đến vậy.

Qua cuốn sách, họ có thể thấy được các chính sách của Tướng De Gaulle không chỉ xuất phát từ quan điểm riêng của nước Pháp mà bao hàm trong đó còn có thêm quan điểm của Liên Xô. Hơn thế nữa, cuốn sách này còn cho thấy rõ, Tướng De Gaulle đã đấu tranh chống lại Mỹ và đôi khi là nước Liên Xô, để bắt mọi người phải hiểu và có một tầm nhìn về thế giới đa cực.

Nước Pháp tự do, trong cuộc chiến giữa Roosevelt, Hitler và Stalin

Phần đầu tiên trong cuốn sách tập trung vào mối quan hệ giữa Tướng De Gaulle với Liên bang Xôviết từ năm 1940 đến năm 1946. Trong phần này, tác giả đã xoáy sâu vào những định kiến đang tồn tại lúc bấy giờ ở cả hai bên, vào những nguyên nhân sâu xa đã dẫn đến sự bất hòa trong quan hệ hai nước vào cuối năm 1944, bên cạnh đó, bà cũng viết về “Hiệp ước liên minh và hỗ trợ lẫn nhau”.

Do sự bất đồng lẫn nhau trong các quan điểm về chính trị, cả hai bên đã đi đến kết luận, họ cần mối quan hệ đồng minh “cồng kềnh”, phức tạp nhưng cũng không thể thiếu này. Bởi vì, đối với Tướng De Gaulle, ông bị ám ảnh với việc cần phải khôi phục lại vị thế và thứ bậc cho nước Pháp. Ngoài ra, ông cũng lo sợ Pháp sẽ bị đặt dưới sự quản lý của Chính phủ Quân sự Đồng minh tại những Lãnh thổ chiếm đóng (AMGOT). Vậy nên, ông đã liên minh với Liên Xô, hay nói một cách chính xác hơn là ông cảm thấy mối quan hệ đồng minh Pháp-Liên Xô này là tuyệt đối cần thiết.

Tướng De Gaulle và Alexei Kosygin, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Liên Xô tại Paris năm 1966.

Thêm vào đó, đây còn là một tầm nhìn xa của Tướng De Gaulle cho giai đoạn hậu chiến tranh, “quan hệ liên minh đảo ngược” này theo đánh giá của ông là cách tốt nhất để ông có thể giành thắng lợi trước Đức. Tương tự như vậy, đối với Stalin và các nhà lãnh đạo của Liên Xô, việc công nhận Pháp quốc tự do cũng có thể giúp họ mở rộng mối quan hệ với các nước đồng minh phương Tây khác.

Vì mối quan hệ đồng minh phức tạp này, nên vào tháng 12-1944, Tướng De Gaulle đã bay tới Liên Xô. Chuyến đi này đã dẫn đến việc kí kết bản “Hiệp ước đồng minh và tương trợ lẫn nhau” giữa hai nước. Nhưng sau đó, khi thời kì Chiến tranh Lạnh bắt đầu, bản hiệp ước này cũng nhanh chóng không còn giá trị.

Tuy nhiên, vì những lí do riêng của hai bên, nên họ lại tiếp tục duy trì bản hiệp ước này. Sau năm 1958, bản hiệp ước có ý nghĩa “lót đường” này cho Tướng De Gaulle đã giúp ông quay về và trở thành Tổng thống Pháp. Vì vậy, có thể nói, trong một số điểm, tầm nhìn xa của vị tướng tài ba này mới thật ấn tượng làm sao.

Pháp nắm quyền chủ động tuyệt đối

Trong phần thứ hai, tác giả đề cập đến mối quan hệ giữa Liên Xô và Pháp sau khi Tướng De Gaulle quay trở lại nắm quyền vào năm 1958. Trước hết, mối quan hệ này đã bị “cầm chừng” một mặt do De Gaulle muốn tiến hành hòa giải với Đức (trong thời điểm Liên Xô đang cố gắng thừa nhận Cộng hòa dân chủ Đức), mặt khác là do sự kiên quyết cực đoan của ông mỗi khi có khủng hoảng xảy ra, như tại Berlin hay Cuba.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) đón đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại lâu đài Versailles ngày 29-5-2017.

Do vậy, việc Pháp rút khỏi tổ chức NATO thúc đẩy quá trình “xích lại gần nhau” trong mối quan hệ với Liên Xô. Ngoài ra, quyết định này của Pháp còn có liên quan đến việc quốc gia này có dự định thúc đẩy chương trình phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Hai năm sau ngày mất của Tướng De Gaulle, vào năm 1971, lần đầu tiên Pháp thực hiện một chuyến tuần tra trên biển bằng chiếc tàu ngầm đầu tiên của họ. Sự độc lập về chiến lược này của Pháp đã giúp họ xây dựng nền hòa bình.

Năm 1966, Tướng De Gaulle đã thực hiện chuyến đi đến Liên Xô lần thứ hai, đây là một sự kiện rất nổi tiếng thời bấy giờ. Nhưng khi việc răn đe bằng vũ khí hạt nhân bắt đầu xuất hiện, Liên Xô đã bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận về Pháp, và nhận thức của Tướng De Gaulle về trật tự thế giới cũng đã thay đổi.

Hai nước bắt đầu bước vào giai đoạn “hòa hoãn” trong quan hệ,  thậm chí ngay cả khi giữa hai bên vẫn còn tồn tại những bất đồng lớn về quan điểm thì, các mối liên hệ về kinh tế, khoa học và văn hóa cũng vẫn tiếp tục phát triển. Sau đó, các sự kiện diễn ra vào những năm 1980, đã xác nhận những phân tích của Tướng De Gaulle về trật tự thế giới là đúng.

Sự cần thiết của việc xây dựng một thế giới đa cực

Thời gian đã chứng minh cho trực giác, cũng như các phân tích vững chắc dựa trên các yếu tố về lịch sử, địa lý và văn hóa của Tướng De Gaulle. Về cơ bản, ý tưởng của nhà lãnh đạo tài ba này trong việc đưa Pháp trở lại vị trí hàng đầu của một trong những cường quốc của thế giới dựa trên yếu tố về hòa bình. Việc Pháp thu được những thành quả trong  phát triển vũ khí hạt nhân đã làm phá vỡ thế độc quyền của Mỹ và Liên Xô, dần dần đã giúp xây dựng lại hòa bình tại châu Âu.

Đây là một điểm rất quan trọng cần phải ghi nhớ, vì ngày nay chúng ta đang có xu hướng viết lại lịch sử về Chiến tranh Lạnh và phóng đại vai trò của việc xây dựng các thể chế tại châu Âu (từ Cộng đồng kinh tế châu Âu đến Liên minh châu Âu). Trong khi các thể chế này không đóng bất cứ vai trò nào trong các sự kiện đã xảy ra vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Điều quan trọng cần phải chú ý ở đây là ý tưởng về việc xây dựng một thế giới đa cực rất cần thiết để duy trì nền hòa bình và đảm bảo an ninh tại châu Âu.

Không phải chúng ta đang tự đánh lừa bản thân về các xung đột đang diễn ra trong một thế giới đa cực hay nói một cách đơn giản là việc xây dựng một thế giới như vậy đã tạo ra sự xung đột. Nhưng, kết quả của các cuộc xung đột này sẽ ít nghiêm trọng và ít đe dọa hơn nếu nó xảy ra trong thế giới đơn cực sao? Khi mà viễn cảnh về cuộc xung đột đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng rõ ràng hơn, thì ý tưởng về việc xây dựng thế giới đa cực sẽ có một vai trò rất quan trọng.

Nhưng, đối với một thế giới đã trở nên thực sự đa cực, thì Pháp phải tự giải phóng mình ra khỏi cơ chế bảo trợ của NATO và EU. Hơn nữa, họ phải khẳng định mạnh mẽ rằng, châu Âu không phải là tất cả của các thể chế của châu Âu, và rằng châu Âu không phải là chỉ có các quốc gia trong Liên minh châu Âu mà thôi. Nhưng bên cạnh đó, Liên minh châu Âu phải trở thành một Liên minh các quốc gia có chủ quyền.

Năm 2010 đã đặt dấu chấm hết cho một thế giới “đơn cực” được thiết lập từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh (1991), bằng tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi ông thừa nhận một “trật tự thế giới đa đối tác”. Tuy nhiên, phải đến Tổng thống kế nhiệm Donald Trump, khi chính sách “Nước Mỹ trên hết” được khẳng định và sự “bình đẳng”, “cân bằng”, “cùng có lợi”, “có đi, có lại”… trong quan hệ quốc tế được ông Trump nhắc đi nhắc lại nhiều lần, khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rằng một thế giới “đa cực, đa trung tâm” đang định hình rõ nét hơn.

Về nước Pháp ngày nay, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận vai trò không thể thiếu của Nga trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế, nhất là những gì liên quan tới châu Âu. Quan hệ Paris-Moskva hiện không mấy tốt đẹp. Hai nước Nga và Pháp đã đối đầu nhau gay gắt vì cuộc khủng hoảng ở Syria và việc Moskva hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Pháp cũng là một trong những nước thành viên chính của Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy thực thi chính sách trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Bản thân tổng thống Macron cũng là người không thiện chí với Nga. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Macron được cho là người có lập trường cứng rắn với Nga hơn các đối thủ chính của ông này.

Ông Macron cũng từng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga nếu không có tiến triển trong việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk ở Ukraine. Nhưng đó có lẽ là quan điểm cũ. Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh châu Âu đang khúc mắc nhiều vấn đề sau khi ông Trump đắc cử tổng thống, ông Macron là người thức thời nên đã chọn cho mình một chính sách ngoại giao độc lập để khẳng định vị thế của Pháp trên trường quốc tế. Đó là vài lý do khiến ông chủ Điện Élysée bất ngờ gặp ông chủ Điện Kremlin tại lâu đài Versailles ngày 29-5-2017.

Báo chí Pháp cho rằng việc Tổng thống Macron mời Tổng thống Putin là một bằng chứng cụ thể cho thấy Paris đang khẳng định một chính sách đối ngoại độc lập so với các nước phương Tây khác. Đối với tân Tổng thống Pháp, cuộc gặp với Tổng thống Nga cho phép ông khẳng định thêm uy tín trên trường quốc tế.

Thực tế, cử chỉ này của Tổng thống Macron không đi ngược lại quan hệ đặc biệt vốn có giữa Paris và Moskva trong thời gian qua. Trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Taomina, Sicily, Italia, ngày 27-5-2017, Tổng thống Macron đã phải lên tiếng thừa nhận tầm quan trọng của việc đối thoại với Nga trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng. Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng cộng đồng quốc tế thực sự cần sự tham gia của Nga vào việc giải quyết là tình hình tại Ukraine, tại Syria.

Theo giới phân tích, ông Macron đã rất thực tế khi nhìn nhận nhiều vấn đề quốc tế sẽ không thể được giải quyết và giải quyết có hiệu quả nếu vắng Moskva, mà việc cấm vận Nga đã gây ra điều đó.

M.T. (tổng hợp)
.
.