Vụ thảm sát ở đầm lầy Ramree, Myanmar

Thứ Ba, 11/09/2018, 14:50
Đầu tháng 2-1945, bị bao vây bởi trung đoàn 146 Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh và Lữ đoàn 26 bộ binh Ấn Độ, hơn 1.000 lính Nhật thuộc Trung đoàn 121 đã rút lui bằng cách băng qua đầm lầy Ramree, phía nam Miến Điện (Buma - nay là Myanmar) để bắt tay với một trung đoàn Nhật Bản khác ở cách đó 20km.

Thế nhưng, khi cố gắng vượt qua đầm lầy dài khoảng 8km, hơn 1.000 lính Nhật đã bị những con cá sấu đói tàn sát, và chỉ có 20 người sống sót. Đây được xem là vụ thảm sát tự nhiên lớn nhất trong lịch sử, gây ra bởi loài động vật hoang dã nổi tiếng hung dữ...

Bối cảnh của cuộc rút lui

Nằm ở phía nam Miến Điện, đảo Ramree (hay còn gọi là Yangbye) có chiều dài 80km, rộng 32km với địa hình tương đối bằng phẳng nên dưới mắt các nhà chiến lược quân sự Anh, đây là nơi lý tưởng trong việc xây dựng sân bay để các máy bay ném bom Anh quốc có thể tung ra những cuộc oanh kích nhắm vào các vị trí phòng thủ của quân đội phát xít Nhật trên toàn lãnh thổ Miến Điện.

Thời điểm đầu năm 1945, phòng thủ đảo Ramree là Trung đoàn 121 bộ binh cùng một tiểu đoàn pháo binh và một tiểu đoàn công binh Nhật, quân số hơn 1.000 người dưới sự chỉ huy của Đại tá Kanichi Nagazawa. Trong các hang động trên sườn núi nhìn thẳng xuống bãi biển, lính Nhật đã xây dựng nhiều công sự phòng thủ rất kiên cố với pháo binh hạng nặng và vô số súng cối, súng máy.

Trung đoàn 121 Nhật Bản vượt qua một con suối trên đảo Ramree.

Nó kiên cố đến nỗi vài giờ trước cuộc tấn công diễn ra vào ngày 14-1-1945, một lực lượng hùng hậu gồm các phi đoàn máy bay ném bom B-24, B-25 thuộc Sư đoàn 224, Không quân Hoàng gia Anh và các tàu hải quân như chiến hạm Elizabeth, tàu sân bay Ameer, tàu tuần dương Phoebe, các tàu khu trục Rapid, Napier, Norman và Pathfinder… liên tục ném bom, nã pháo dọn đường nhưng thiệt hại của quân Nhật hầu như không đáng kể.

Khi những đợt ném bom và những trận bắn phá vừa ngớt, Sư đoàn 26 bộ binh Ấn Độ xông lên, tấn công các vị trí của quân Nhật trên đảo Ramree nhưng gặp phải sự kháng cự mãnh liệt. Hôm sau, ngày 14-1, họ được Lữ đoàn 4 bộ binh Ấn Độ tăng viện nhưng mãi đến 23-1, hai đơn vị này mới chiếm được Kyaukpyu. Mất thêm 3 ngày nữa, họ chiếm Mayin và Yanbauk. Cả 3 nơi ấy đều là vị trí phòng thủ tiền tiêu của quân Nhật.

Ngày 24-1, ba tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 146 Thủy quân lục chiến Anh quốc chiếm đảo Cheduba, cách đảo Ramrre 10km về phía tây nam, hình thành thế gọng kìm bao vây quân Nhật. Biết không chống cự nổi, hơn 1.000 lính Nhật theo lệnh Đại tá Kanichi Nagazawa rút lui về phía nam đảo, nơi có 1 trung đoàn bộ binh Nhật đang phòng thủ.

Theo nhận định của các chuyên gia quân sự - cả Anh quốc lẫn Nhật Bản - thì quyết định của Đại tá Kanichi Nagazawa là quyết định liều lĩnh vì con đường rút lui từ bờ biển Ramree đến bắc đảo dài 16km, trong đó có 8km đi xuyên qua một đầm lầy, nơi hầu như không hề có dấu chân người lui tới, kể cả dân bản xứ. Trung tá Williams Hyde, chỉ huy Trung đoàn 146 Thủy quân lục chiến Anh quốc nói: "Người Nhật tin rằng chúng tôi không bao giờ nghĩ là họ sẽ rút lui theo con đường ấy nên sẽ không tổ chức truy kích. Vì thế theo họ, tử địa lại chính là lối thoát an toàn…".

Vụ thảm sát trong đầm lầy

Nửa khuya ngày 29-1, những người lính Nhật đầu tiên lặng lẽ rút khỏi các vị trí phòng thủ sau khi đã phá hủy các khẩu đại bác bằng cách tháo lấy bộ phận kim hỏa, còn nòng súng họ đổ cát vào. Đến 4 giờ sáng, hơn 1.000 quân nối đuôi nhau, tiến về phía nam.

Cá sấu trong đầm lầy Ramree.

Trung sĩ Kawabata, một trong những người sống sót nhớ lại: "Người Anh hoàn toàn không biết gì về cuộc triệt thoái của chúng tôi. Họ vẫn nằm chen chúc trong những giao thông hào đào vội vã trên bờ biển. Vài giờ đầu tiên, chúng tôi đi khá nhanh nhưng đến 9 giờ sáng, lúc thủy triều lên thì thảm họa bắt đầu vì nước biển đã khiến cho bùn nhão ra, rất khó nhọc để rút chân lên trước khi bước thêm bước nữa…".

1 giờ trưa hôm sau, ngày 30-1, hơn 1.000 lính Nhật đã đến ven rìa trung tâm đầm lầy. Họ bị tấn công bởi hàng nghìn những con muỗi đói cùng các loài côn trùng khác như ruồi vàng, ve, rắn, bọ cạp. Lúc này, phần lớn đều khát nước vì số nước mang theo đã cạn. Vẫn theo trung sĩ Kawabata, nước đầm lầy là nước mặn nên không thể uống được. Nhiều người tìm cách bắt những con cua rồi nhai sống nhằm làm dịu cơn khát.

Đã vậy, thỉnh thoảng pháo binh Anh Quốc lại bắn từng loạt đại bác để chặn đường rút lui của họ. Kawabata nói: "Dưới chân chúng tôi là bùn nhão, chẳng thể đào hầm được nên cả trung đoàn phơi mình chịu trận. Cũng may là người Anh chỉ bắn hú họa nên không gây thiệt hại gì".

Ngày 1-2, Trung đoàn 121 Nhật Bản đặt những bước chân đầu tiên vào đầm lầy Ramree. Dựa trên bản đồ, chỉ khoảng 8km nữa là họ sẽ bắt tay với một trung đoàn Nhật khác ở phía nam đảo.

Theo lời tường thuật của Thiếu úy George Cadwell, chỉ huy tiểu đội trinh sát thuộc Trung đoàn 146 Thủy quân lục chiến Anh Quốc: "Trưa 30-1, trung đoàn chúng tôi phát hiện quân Nhật đã rút khỏi các vị trí phòng thủ, và dấu vết để lại là họ đi về phía đầm lầy. Theo lệnh trung đoàn trưởng, tiểu đội trinh sát của tôi bám theo họ. Đến khuya ngày 1-2, lúc đang nghỉ ngơi ở một bãi đất khô ráo cạnh khu rừng đước thì đột nhiên chúng tôi nghe thấy nhiều tiếng súng nổ cùng những tiếng la hét, cách chúng tôi khoảng hơn 1km. Đêm ấy trời rất tối, tôi không rõ quân Nhật đang đụng độ với đơn vị nào nên tôi gọi về trung đoàn xác minh. Sau khi biết là không hề có quân Anh hay quân Ấn Độ ở khu vực đó, tôi đề nghị pháo binh bắn hủy diệt…".

Tiếng la hét và những tiếng súng vang lên chính là lúc 1.000 lính Nhật bị tấn công bởi những con cá sấu đói, sống trong đầm lầy Ramree. Đây là loài cá sấu nước mặn nổi tiếng hung dữ nhất thế giới. Sang Kyul, một nông dân ở ngôi làng Kywan nằm gần đầm lầy cho biết cá sấu trong đầm dài trung bình 7m, nặng chừng 1 tấn. Và bởi vì gần nửa thân hình của 1.000 lính Nhật bị ngập trong bùn nên họ không thể bỏ chạy. Cách chống cự duy nhất của họ chỉ là những phát súng bắn bừa vào khoảng không tối đen, nơi phát ra tiếng động.

Nhà tự nhiên học Bruce Stanley Wright sau nhiều năm tìm hiểu đã mô tả cuộc thảm sát này trong cuốn sách "Bản phác thảo động vật hoang dã", xuất bản năm 1962: "Đêm đó là cái đêm khủng khiếp nhất của những người lính Nhật. Những con cá sấu đói lâu ngày bị kích động bởi những tiếng chân bì bõm và mùi mồ hôi người rồi sau đó là mùi máu của những nạn nhân đầu tiên, đã điên cuồng lao vào cuộc cắn xé trong đầm lầy ngập mặn. Lúc thủy triều xuống, mặt trời lên, một lần nữa bữa tiệc dọn sẵn lại bày ra trước mắt chúng. Những phần còn lại của các thi thể được giải quyết bởi lũ chim kền kền. Trong số hơn 1.000 lính Nhật bước vào đầm lầy Ramree, chỉ 20 người còn sống…".

Theo trung sĩ Kawabata, trong bóng tối ông chỉ cảm nhận được những cú quẫy đạp của những con vật rất to lớn khiến bùn sình văng lên tung tóe cùng những tiếng thét đau đớn của các nạn nhân và tiếng súng nổ.

Ông kể: "Tôi là một trong những người cuối cùng đặt chân xuống đầm lầy nên nhờ vậy, tôi kịp quay lui. Cách tôi không xa lắm, có ai đó đã rút chốt lựu đạn vì tôi thấy một chớp lửa bùng lên rồi theo sau là tiếng nổ kinh hồn". Không dám chờ trời sáng để hiểu việc gì xảy ra vì đạn pháo binh bắt đầu rơi xuống, Kawabata và một số người khác chạy về phía họ đã xuất phát, và bị lính Anh bắt làm tù binh. Trong cuốn sách Kỷ lục Guinness xuất bản năm 1965, vụ thảm sát đầm lầy Ramree được ghi nhận là: "Số lượng người tử vong nhiều nhất trong một cuộc tấn công bởi cá sấu".

Những nghi vấn về vụ thảm sát Ramree

Hai ngày sau vụ thảm sát Ramree, dựa theo lời khai của các tù binh, lính Anh tiến vào đầm lầy nhưng trước đó, ngay trong đêm nghe thấy tiếng súng và tiếng la hét, tiểu đội trinh sát của thiếu úy George Cadwell đã gọi pháo binh bắn hủy diệt, và quân Anh lẫn Ấn Độ đã nã khoảng 200 viên đạn 105mm vào khu vực này nên khi vào đầm lầy, những người lính thuộc Trung đoàn 146 Thủy quân lục chiến Anh Quốc chỉ nhìn thấy nhiều cây đước gãy đổ vì mảnh đạn cùng vài xác lính Nhật, thân thể mất một số bộ phận.

Nhóm trinh sát Anh quốc tiến vào đầm lầy Ramree.

Ngoài ra, đầm lầy vẫn im lìm với mặt nước màu nâu đen, đôi lúc mới thấy một con cá sấu với cái đầu và đôi mắt vô hồn nhô lên. Theo nhà tự nhiên học Bruce Stanley Wright, rất có thể trận bắn phá của pháo binh Anh quốc đã tiêu diệt nhiều con cá sấu cũng như lính Nhật - kể cả còn sống, bị thương hoặc đã chết. Và đặc tính của đầm lầy là hút các vật nặng xuống dưới nên chỉ những tử thi nằm ở chỗ cạn mới được tìm thấy.

Thế nhưng, vẫn có những ý kiến phản đối và một trong những ý kiến ấy phát xuất từ nhà động vật học nhiệt đới McLynn. Ông nói: "Để giết 1.000 người thì ít nhất trong đầm lầy phải có từ 500 đến 600 con cá sấu vì đặc tính của cá sấu là khi đã no, chúng không ăn mồi nữa. Câu hỏi đặt ra là với 500, 600 con cá sấu thì trước đó, chúng sống bằng gì bởi lẽ hệ sinh thái của đầm lầy ngập mặn, nếu có cá sấu thì khó có loài động vật nào có thể ở chung. Sau khi giết và ăn thịt 1.000 lính Nhật, thời gian về sau thức ăn của chúng là gì mặc dù một con cá sấu khi no mồi, có thể nhịn đói từ 3 đến 4 tháng. Hơn nữa, cho đến nay vẫn chưa hề có một cuộc khai quật, tìm kiếm hài cốt nào để chắc chắn rằng một trung đoàn lính Nhật đã vùi thây trong đầm lầy…".

Nhằm khẳng định cho lập luận của mình, McLynn dẫn lời một số cư dân Miến Điện sống ở những khu vực xung quanh. Theo những cư dân này, đầm lầy Ramree có cá sấu nhưng không nhiều đến mức vài trăm con. Sebawang, người đã ở ven rìa đầm lầy gần 50 năm cho biết nơi đây hầu như chẳng có một sản vật nào mang lại lợi ích kinh tế nên chẳng ai đến. Ông nói: "Mỗi lần thủy triều lên, một số loài cá theo con nước vào đầm lầy và nó là thức ăn cho cá sấu. Nhưng chẳng ai đếm được có bao nhiêu con".

Về phía người Nhật, sau chiến tranh họ thừa nhận đã mất hầu như toàn bộ Trung đoàn 121 bộ binh cùng một tiểu đoàn pháo binh và một tiểu đoàn công binh, quân số hơn 1.000 người, kể cả Đại tá Trung đoàn trưởng Kanichi Nagazawa nhưng họ chỉ giải thích là "đã hy sinh trong chiến đấu".

Theo nhà tự nhiên học Charles Osborn, giảng viên Đại học Oxford, Anh Quốc, câu trả lời tạm chấp nhận được là khi đi qua đầm lầy, hầu hết trong số 1.000 lính Nhật chết vì đầm lầy Ramree khá sâu, có chỗ sâu đến 4m. 

Dưới sức nặng của cơ thể cùng súng đạn và các trang thiết bị, họ bị hút xuống đáy rồi khi thủy triều lên, nó xóa đi tất cả mọi dấu vết: "Cũng có thể một số bị cá sấu ăn thịt vì có vài xác người đã mất một phần thân thể được lính Anh tìm thấy nhưng những tiếng súng và tiếng la hét thì theo tôi, họ bắn và họ kêu la là để cầu cứu vì trong đêm tối, họ không dám bắn ra xung quanh vì sẽ bắn nhầm người của mình…".

Và như vậy, vụ thảm sát đầm lầy Ramree được cho là đã gây ra bởi loài cá sấu nước mặn vẫn còn là một dấu hỏi.

Vũ Cao (theo History - Ramree Massacre)
.
.