Cuộc đời buồn của Tổng lãnh sự Bồ Đào Nha từng chống lại Phát xít Đức

Chủ Nhật, 31/10/2021, 12:43

Trong suốt những năm Thế chiến II, hàng trăm nghìn người Do Thái ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Pháp… đã thoát khỏi những trại tập trung, những lò hơi ngạt của phát xít Đức nhờ vào sự can đảm và lòng tận tụy của một số người không ngại nguy hiểm cho bản thân và gia đình. Hầu hết họ đã được lịch sử vinh danh. Tuy nhiên, có những người xả thân vì nhân loại nhưng tên tuổi họ vẫn nằm trong bóng tối, mà nhà ngoại giao Bồ Đào Nha Aristides de Sousa Mendes là một điển hình…

Từ một mẩu giấy trong hồ sơ

Tháng 3-2020, Kark Wilhem, nhà sử học người Đức trong khi sưu tập các tài liệu về Thế chiến 2 để chuẩn bị cho cuốn sách của mình, dự định sẽ xuất bản vào năm 2025 nhân kỷ niệm 80 năm ngày đánh bại chủ nghĩa phát xít, đã tình cờ nhìn thấy một mẩu giấy nhỏ trong hồ sơ của Cơ quan mật vụ Đức Quốc xã Gestapo, do chỉ huy Heinrich Himmler ký, nội dung “Bí mật thủ tiêu ngay lập tức Aristides de Sousa Mendes khi có cơ hội”.

jew1.jpg -0
Aristides de Sousa Mendes và bà Angelina, vợ đầu của ông.

Mẩu giấy với những dòng chữ ngắn ngủi đã kích thích sự tò mò của Kark Wilhem. Suốt 1 năm sau đó, ông tạm gác việc sưu tầm tư liệu để tìm hiểu vì sao Aristides de Sousa Mendes (từ đây gọi tắt là Mendes) chỉ là một cá nhân nhưng đã khiến Heinrich Himmler phải tự tay bút phê ra lệnh. Việc tìm hiểu đã đưa Kark Wilhem đến Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Israel, Mỹ và các kho lưu trữ tài liệu của Cơ quan mật vụ Gestapo, gặp gỡ những nhân chứng rồi cuối cùng, nhân vật Mendes được Kark Wilhem tái hiện một cách đầy đủ.

Đó là tuần lễ thứ hai của tháng 6-1940, Mendes hầu như không ra khỏi phòng riêng của mình. Là Tổng lãnh sự Bồ Đào Nha tại Bordeaux, Pháp, Mendes sống trên lầu 4 của tòa nhà lãnh sự nhìn ra sông Garonne cùng vợ và 2 trong số 14 người con. Tất cả đều lo lắng trước những gì đang xảy ra ở Pháp.

1 tháng trước đó, ngày 10-5-1940, quân Đức đã kiểm soát hầu như toàn bộ nước Pháp mà không gặp sự kháng cự nào đáng kể. Những báo cáo của các viên chức lãnh sự gửi về cho Mendes mô tả: “Không có gì giống như chúng tôi đã từng thấy. Một nửa dân số Paris, hàng trăm nghìn người Bỉ, 10, 12 tỉnh thành trên khắp nước Pháp, tổng cộng 6 triệu đến 10 triệu người đang vật vờ trên những con đường với xe hơi cá nhân, xe tải, xe đạp, xe do ngựa kéo hoặc cuốc bộ. Đi đâu và đi được bao xa thì chẳng ai biết…”.

jew2.jpg -0
Người chạy nạn tập trung bên ngoài lãnh sự quán Bồ Đào Nha ở Bordeaux với hy vọng được cấp thị thực.

Trong những giờ phút tuyệt vọng ấy, đất nước Bồ Đào Nha trung lập là một cứu cánh. Nếu được cấp thị thực, người chạy nạn có thể qua Tây Ban Nha rồi từ đó đến Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha. Ở Lisbon, họ dễ dàng lên tàu hoặc máy bay đi Mỹ, Argentina, Brasil…, nơi chiến tranh chưa đến. Hồ sơ lưu trữ của Lãnh sự quán Bồ Đào Nha tại Bordeaux, Pháp cho thấy hàng nghìn người tập trung bên ngoài tòa nhà lãnh sự ở số 14 Quai Louis XVIII. Cách đó hai dãy nhà, một trong những quảng trường lớn nhất châu Âu là Place des Quinconces, người chạy nạn dựng trại bằng thùng các-tông, lều bạt hoặc ở ngay trong xe hơi. Công văn của Mendes gửi về Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha nêu rõ: “Quân đội Đức tổ chức những cuộc bố ráp trên khắp nước Pháp, ngày nào cũng có vài trăm người bị bắt. Nhiều chính khách, đại sứ, các bộ trưởng, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, giáo sư, học giả, nghệ sĩ nổi tiếng, nhà báo, thành viên của các gia đình cầm quyền, các nhà công nghiệp và doanh nhân, sinh viên đại học…, có gốc gác Do Thái hoặc liên quan đến Do Thái đều mong được chúng tôi bảo vệ”.

Mặc dù công văn đã được gửi đi nhưng Mendes không hề hy vọng bởi lẽ 7 tháng trước đó, Tổng thống Bồ Đào Nha Antonio de Oliveira Salazar đã âm thầm ban hành một thông tư, gọi là Thông tư 14, cấm các nhà ngoại giao của mình cấp thị thực cho người chạy nạn, đặc biệt là người Do Thái. Mặc dù về lý thuyết, Tổng thống Salazar vẫn giữ thái độ trung lập nhưng trên thực tế, việc “trung lập” của Bồ Đào Nha tùy thuộc vào các sự kiện nên khi quân đội Đức xé nát châu Âu, Tổng thống Salazar lại càng không muốn khiêu khích Hitler và người lãnh đạo Tây Ban Nha là tướng Francisco Franco thân Đức.

Liều mạng cứu người

Vài ngày trôi qua mà không nhận được công văn trả lời của Bộ Ngoại giao trong lúc tình hình càng lúc càng tồi tệ, nhất là khi lính Đức tiến hành kiểm tra rồi bắt đi nhiều người đang mỏi mòn chờ đợi trước lãnh sự quán, ông Mendes quyết định mở cửa Lãnh sự quán, cho những người lớn tuổi, ốm yếu, bệnh tật, trẻ em và phụ nữ đang mang thai vào trú ẩn. Ông lập danh sách của những người đã vào ở bên trong lãnh sự quán, gửi về Lisbon xin ý kiến cho phép họ nhập cảnh.

Mãi đến ngày 21-6-1940, Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha mới trả lời cho ông Mendes. Bức điện chỉ vỏn vẹn vài dòng: “Recusados vistos - Thị thực bị từ chối. Bất kỳ vi phạm nào về vấn đề này sẽ được xem là cố tình chống lại ý kiến của Bộ Ngoại giao. Nó sẽ dẫn đến các thủ tục liên quan đến việc bổ nhiệm và bãi nhiệm”. Theo con trai Mendes: “Nhận được câu trả lời, cha tôi vào phòng, đóng cửa suốt 2 ngày.  Đến sáng ngày thứ 3, ông xuất hiện và tuyên bố: “Tôi sẽ cấp thị thực cho tất cả những ai có yêu cầu dù vì việc này mà tôi bị bãi nhiệm”.

jew3.jpg -0
Hộ chiếu của những người được ông Mendes cấp thị thực trưng bày tại khu tưởng niệm Yad Vashem.

Nhằm tăng tốc hoạt động của mình trước khi Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha và quân đội Đức Quốc xã phát hiện, Mendes nhờ sự giúp đỡ của 2 con trai ông và một số nhân viên lãnh sự quán. Họ gặp từng người để lấy hộ chiếu, đóng dấu thị thực rồi đưa Mendes ký tên. Mendes còn thuyết phục Phó lãnh sự Bồ Đào Nha tại thành phố Toulouse là Manuel Vieira Braga cấp thị thực cho người chạy nạn. Trong số những người thoát khỏi sự săn lùng của Đức Quốc xã, có nhà sử học Do Thái Arnold Wiznitzer, giáo sư Eduardo Neira, người sau này đã góp phần vào việc chế tạo thuốc kháng sinh, các ông trùm ngân hàng như Edward, Eugene, Henri và Maurice de Rothschild, ca sĩ Madeleine Blauschild, người khi đó bị Gestapo truy nã, Archduke Otto von Habsburg, Hoàng gia Áo…

Hồ sơ lưu trữ của Cơ quan mật vụ Gestapo tại Tây Ban Nha cho thấy chỉ trong 7 ngày cuối tháng 6-1940, đã có hơn 30.000 nghìn người đi qua biên giới Pháp, Tây Ban Nha với hộ chiếu có thị thực của Tổng lãnh sự quán Mendes. Thông tin ấy nhanh chóng về đến Lisbon, Bồ Đào Nha khiến Tổng thống Salazar nổi giận. Trong một cuộc điện thoại trực tiếp cho Mendes, Tổng thống Salazar nói như gắt: “Bắt đầu từ bây giờ, tôi nghiêm cấm ông cấp thị thực cho bất kỳ ai nhập cảnh Bồ Đào Nha”. Chưa hết, Tổng thống Salazar còn cử ông Pedro Teotonio Pereira, Đại sứ Bồ Đào Nha tại Tây Ban Nha đến Bordeaux để điều tra việc cấp thị thực.

Cơ quan mật vụ Gestapo khi đó dù biết việc làm của ông Mendes nhưng vì các nguyên tắc ngoại giao, họ không thể tự tiện xông vào Lãnh sự quán Bồ Đào Nha để bắt giữ những người đang ẩn náu trong đó, mà họ chỉ thiết lập một mạng lưới, bí mật giám sát lãnh sự quán suốt 24/7. Ngoại trừ nhân viên lãnh sự, bất cứ ai từ trong đó đi ra đều bị tạm giữ để xác minh. Chưa hết, đích thân chỉ huy Gestapo là Heinrich Himmler còn đề nghị tướng Francisco Franco, lãnh đạo Tây Ban Nha đóng cửa biên giới với tất cả những ai xuất cảnh mà thị thực trong hộ chiếu của họ do Mendes ký.

Trong quá trình điều tra về việc Mendes tự ý cấp thị thực cho người tị nạn, Đại sứ Bồ Đào Nha tại Tây Ban Nha Pedro Teotonio Pereira đã đến Hendaye, một thị trấn ven biển của Pháp nằm dọc biên giới Tây Ban Nha. Tại đó, ông tận mắt chứng kiến gần 10.000 người không được biên phòng Tây Ban Nha cho phép nhập cảnh với lý do “thị thực ký bởi Mendes là vô hiệu”. Cuối cùng, ngoài một số quay về Toulouse rồi vượt biên giới sang Thụy Sĩ, gần 8.000 ngươi còn lại bị Gestapo đưa vào trại tập trung rồi bị giết trong phòng hơi ngạt.

Ngày 24-9-1940, Tổng thống Salazar ra lệnh triệu hồi Mendes về Bồ Đào Nha. Ngày 7-10, một buổi họp xét xử Mendes được Bộ Ngoại giao tiến hành thông qua những bằng chứng do Tây Ban Nha cung cấp. Với 15 cáo cuộc, trong đó có cả những cáo buộc của Cơ quan mật vụ Gestapo, Mendes thừa nhận một số trong 15 cáo buộc chống lại ông  là đúng. Trước những thành viên trong hội đồng xét xử, ông nói rất ngắn gọn: “Tôi có thể đã sai lầm nhưng sai lầm của tôi là làm theo tiếng gọi của lương tâm. Vì thế, tôi vui lòng nhận lãnh hậu quả do những việc làm ấy mang lại”.

“Tôi thà đứng về phía lương tâm để chống lại một số người”

Cuối tháng 10-1940, Tổng thống Salazar thông báo cho các đại sứ của mình rằng Mendes đã bị cách chức nhưng sau đó, Salazar lại cho rằng hình phạt cách chức là chưa tương xứng với những hành vi của Mendes. Bằng cách sa thải Mendes khỏi ngành ngoại giao, Tổng thống Salazar quyết tâm chấm dứt sự nghiệp chính trị của Mendes. Lúc nhận quyết định sa thải, Mendes bình thản nói một câu, và nó đã trở nên nổi tiếng ở Bồ Đào Nha cho đến tận bay giờ: “Tôi thà đứng về phía lương tâm để chống lại một số người còn hơn là cùng một số người chống lại lương tâm”.

Tháng 8-1948, Angelina, vợ Mendes chết, 14 đứa con ông ly tán khắp nơi. Sau đó ông kết hôn với bà Cibial. Hai vợ chồng sống trong cảnh nghèo đói vì lương hưu của ông đã bị cắt. Nhà của Mendes phải bán để trang trải các khoản nợ. Hơn 30.000 người được ông cứu thoát chẳng ai hay biết gì về hoàn cảnh của ông. Mùa xuân năm 1964, Mendes bị đột quỵ rồi 3 ngày sau, ông qua đời. 

Năm 1961, việc làm của Mendes mới được biết đến qua sự chứng nhận của những người Do Thái đã được ông cứu sống. Đích thân David Ben-Gurion, Thủ tướng đầu tiên của Israel tự tay trồng 20 cây mang tên Mendes trong khuôn viên dinh thủ tướng. Tại Yad Vashem, khu tưởng niệm những người Do Thái bị giết bởi chế độ Quốc xã, Mendes được vinh danh là một trong những “Người công chính” của thế kỷ 20.

Năm 1986, 70 nghị sĩ thuộc Quốc hội Mỹ đã ký một lá thư gửi Tổng thống Bồ Đào Nha Mario Soares, đề nghị công nhận những việc làm vì lòng nhân đạo của Mendes. Năm sau, Hạ viện Mỹ thông qua một nghị quyết tôn vinh Mendes vì “trung thành với các mệnh lệnh của lương tâm mình”. Cũng trong năm đó, Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha và Tổng thống Mario Soares đã thay mặt chính phủ xin lỗi gia đình Mendes đồng thời khôi phục chức danh Tổng lãnh sự cho ông.

Theo nhà sử học Kark Wilhem, việc làm của Mendes có thể không bằng bác sĩ Lazowski hay bà Irena Sendle hoặc doanh nhân Oskar Schindle - là những cá nhân đã cứu sống hàng chục nghìn người Do Thái thoát khỏi cái chết diệt chủng, nhưng nó đáng để suy ngẫm bởi Mendes là người đầu tiên trong Thế chiến II làm được điều này…

Vũ Cao (Theo Wars History)
.
.