Ký ức chiến tranh của một vị tướng

Thứ Ba, 03/05/2022, 20:39

Sinh ra tại ấp Trung Thạnh, cái nôi phong trào cách mạng của xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cậu bé Nguyễn Quốc Diệp, tên thường gọi Hai Diệp sống cùng ông ngoại, quanh năm làm bạn với bưng biền, với dòng sông, con cá, nơi những mái tranh nghèo bị địch tràn vào bình định, đóng đồn bốt. Từ truyền thống cách mạng quê hương, Hai Diệp bắt đầu tham gia vào cuộc chiến như một lẽ tự nhiên.

1. Chiến tranh qua đi, nhưng ký ức về một giai đoạn lịch sử đầy những tổn thương mất mát vẫn vẹn nguyên trong lòng Thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quần chúng nhân dân khắp vùng Chợ Gạo đồng loạt nổi dậy. Trước thế tiến công của ta sau trận Ấp Bắc, địch tăng cường đôn quân bắt lính, xây dựng bộ máy kìm kẹp ở cơ sở, kết hợp với lực lượng chủ lực hành quân càn quét dọc theo các tuyến giao thông nhằm hỗ trợ lực lượng địa phương đóng đồn, xây dựng các khu gom dân.

nhan.jpg -0
Nhân dân huyện Chợ Gạo xuống đường mừng ngày giải phóng

Thời điểm đó ở vùng nông thôn miền Tây chưa có điện lưới quốc gia, bà con đi lại vào buổi tối chủ yếu là đốt đuốc bằng rơm hoặc lá dừa. Cuộc sống của nhân dân trong khu địch bình định bị kìm kẹp trăm bề.

Cứ vào buổi chiều mỗi ngày, Hai Diệp thường đi vào trong xóm nơi có đồn địch đóng quân dạo chơi, tối ngủ lại nhà người quen, sáng thì trở về. Không ai để ý tới một cậu bé mới 14 tuổi, nhưng Hai Diệp thì đã không còn là một cậu nhóc bưng biền nữa, trong suy nghĩ của Hai Diệp lúc nào cũng trỗi dậy lòng căm thù giặc sâu sắc.

Trong những lần đi dạo chơi như vậy, Hai Diệp biết được bí mật hoạt động của địch. Các đồn địch liên lạc với nhau bằng mật hiệu 3 phát súng. Nhưng để cho chắc chắn hơn, vào ban đêm Hai Diệp lấy bùn ở dưới ruộng trét lên mặt đường lộ và sáng hôm sau kiểm tra thấy dấu giày của địch in trên bùn có nghĩa đêm qua chúng hành quân vào làng. Hai Diệp tìm một chiếc cây dài lấy miếng vải móc lên đó rồi cắm ở một vị trí trống trải. Quân ta ở trong rừng trèo lên ngọn cây nhìn ra cánh đồng thấy ám hiệu cây bẹo là biết có địch, từ đó sẽ tránh được đụng độ, bảo toàn bí mật hoạt động cho các chiến sĩ cách mạng.

Nhận thấy vai trò của cậu bé Hai Diệp rất quan trọng, các bác trong xã đã liên hệ để giao nhiệm vụ thám thính, thăm dò, theo dõi tình hình hoạt động của địch trong ấp Trung Thạnh. Từ đó, Hai Diệp trở thành chiến sĩ “nhí” hoạt động công khai giữa lòng địch.

Ký ức chiến tranh của một vị tướng -0
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp là người luôn đau đáu với quê hương Tiền Giang
 

Gần cạnh đồn địch trong ấp có một tiệm tạp hóa nhỏ, Hai Diệp quan sát thấy địch trong đồn hay ra quán mua đồ dùng vào mỗi độ lãnh lương tháng nên cấp tốc về báo cấp trên. Từ thông tin của Hai Diệp, du kích xã chuẩn bị một trận phục kích đánh địch ngay tại tiệm tạp hóa của bà Năm Anh, một cơ sở cách mạng của ta.

Ký ức chiến tranh của một vị tướng -0
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp trả lời chất vấn khi là Giám đốc công an tỉnh Tiền Giang

Trước trận đánh, Hai Diệp được chỉ thị nắm vững các ám hiệu, khẩu lệnh để truyền đi tín hiệu chính xác nhất cho người chỉ huy. Cụ thể, nếu địch mang theo máy PRC 25 thì Hai Diệp nói “ê, bắt được con cá trê bự lắm”, nếu có súng M79 phải nói “ê, tôi bắt được con cá lóc bự lắm”, nếu địch đi một tiểu đoàn, mật hiệu sẽ là “ê, để cho tôi đòn bánh tét”.

Các đội mai phục vào vị trí xung quanh tiệm tạp hóa, khi Hai Diệp hô khẩu lệnh, các cánh quân của ta đồng loạt nổ súng, địch bất ngờ, hoảng loạn không kịp trở tay, tên bỏ chạy, tên bị thương, tên bị tiêu diệt tại chỗ. Tiếng súng ngớt, Hai Diệp từ quán chạy ra thu giữ vũ khí, đạn dược cất giấu rồi mang về giao cho tổ chức. Sau trận đánh, Hai Diệp được tặng danh hiệu “Thanh niên Đồng Khởi”, phần thưởng cao quý cho tinh thần anh dũng kiên cường của một thanh niên yêu nước, hết lòng giúp sức cho cách mạng. 

Trở về sau nhiệm vụ kiên gan, Hai Diệp lại là đứa cháu nhỏ bé, hàng ngày chăm sóc ông ngoại để mẹ đi kháng chiến. Mẹ Hai Diệp, bà Mười Bé (Trương Thị Bé) tham gia cách mạng biền biệt cho đến ngày giải phóng, trở về quê nhà giữ chức Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Chợ Gạo, sau là Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Tiền Giang. 

2. Quay trở lại nhiệm vụ của cậu bé Hai Diệp suốt những năm 1972-1973 tại vùng địch bình định. Dù không bị phát hiện công khai, nhưng địch nghi ngờ Hai Diệp hoạt động cho cách mạng. Trong một lần đang đi tát nước mạ cùng mợ Bảy, Hai Diệp nghe tiếng súng nổ ngay phía sau lưng, quay lại thì thấy một tốp lính đang hằm hè nhìn mình chửi thề, trên tay cầm cuốn sổ ghi tên đối tượng tình nghi theo cách mạng. Hai Diệp vừa bước chân lên bờ đã bị “ăn” ngay vài cú đá trời giáng vào người. Một tên chạy vào nhà bà Năm gần đó lấy nước hòa cùng xà bông mang ra dốc ngược miệng Hai Diệp đổ vào khiến cậu bé sặc sụa. Chúng lôi Hai Diệp xuống ao nhấn nước và tiếp tục đổ xà bông vào họng. Thấy tình hình nguy kịch, bà Năm chạy ra giải vây nên đận đó Hai Diệp thoát được trận đòn của lính ngụy.

Sau trận bị dìm đầu, đổ xà bông vào miệng, Hai Diệp càng thêm căm thù quân địch nhiều hơn. Cậu ngỏ lời xin cậu Chín vũ khí đi trả thù nhưng cậu Chín chỉ đưa cho một trái lựu đạn tự chế. Thời cơ tới khi Hai Diệp nghe được thông tin tên đồn trưởng Tư Râu đã bắn 3 phát súng hướng về phía đồn Tân Bình Thạnh và 3 phát hướng đồn Trung Chánh. Sau đó, Hai Diệp thấy địch kéo ra khỏi đồn khoảng 1 tiểu đội, ngồi dọc cửa đồn hướng về ấp Trung Thạnh. Hai Diệp chạy về rủ thêm một người bạn cùng xóm là Bảy Cho đi gài lựu đạn.

Ký ức chiến tranh của một vị tướng -0
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp

Lần đầu tiên dùng lựu đạn, Hai Diệp hoàn toàn không mảy may sợ hãi hoặc băn khoăn lo lắng bất cứ nguy hiểm nào đang chờ đợi mình ở phía trước. Trong đầu của cậu bé 15 tuổi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là tiêu diệt được bọn ác ôn đang giày xéo quê hương mình. Đây là loại lựu đạn tự chế có hai móc tai phía trên chóp, muốn gài được thì phải rút móc ra, khi rút chốt mà không khéo léo giữ ấn lò xo phía dưới sẽ bung lên phát nổ gây tan nát thịt xương. Trước khi gài, Hai Diệp nói Bảy Cho tránh xa để nếu có nổ thì một mình chết thôi.

Dù cậu Chín chỉ hướng dẫn qua một lần, Hai Diệp đã ghi nhớ và biết gài thành công. Xong việc, hai đứa chạy về ngôi nhà của ông già ở mé sông xin ngủ nhờ. Mọi việc đều phải giữ bí mật tuyệt đối, Hai Diệp nhắn ông già tầm 4 giờ sáng thì gọi mình dậy để đi gỡ câu, thực chất là đi kiểm tra “thành quả” trái lựu đạn hồi hôm xem có tên lính nào dính bẫy không. Vừa bước ra khỏi nhà một đoạn, Hai Diệp phát hiện bà Tư Xíu đang đốt đuốc đi về phía con lộ có cài lựu đạn. Phản xạ bộc phát và tự nhiên, Hai Diệp và Bảy Cho chạy thật nhanh đuổi theo kêu bà Tư dừng lại vì sợ bà bước tới chỗ gài lựu đạn sẽ gặp nguy. Không ngờ, tiếng thét của hai đứa trẻ lọt vào tầm ngắm của địch. Số là tối qua, địch hành quân qua con lộ và đạp trúng chiếc giây gài lựu đạn nhưng lựu đạn bị lép không nổ, chúng phát hiện bị mai phục liền phục kích tại khu vực con lộ đón lõng hòng bắt sống chủ nhân của trái lựu đạn.

Ký ức chiến tranh của một vị tướng -0
Trở về đời thường, ông vui thú với mảnh vườn nhỏ và tích cực tham gia công tác xã hội

Tiếng kêu của Hai Diệp chẳng khác nào là câu trả lời “tôi gài lưu đạn”. Bà Tư Xíu cũng nhanh miệng hô lên: “có lính”. Hai Diệp nhanh trí kéo Bảy Cho chạy thật nhanh. Cuộc rượt đuổi gay cấn diễn ra trên con lộ xung quanh là cánh đồng mênh mông lúa đang trổ bông, Hai Diệp và Bảy Cho mạnh ai nấy chạy, rồi nhanh chóng tách nhau ra để phân tán lực lượng địch. Hai Diệp lao như bay về căn nhà lá của bà Sáu, rất khôn khéo, cậu không mở tấm cửa phên lá mà chui tọt qua lỗ hổng phía dưới, trèo ngay lên giường ngồi gấp chăn mềm như một người vừa thức dậy. Hai tên lính lăm lăm súng trường ập vào đạp cửa, chúng lùng sục khắp trong nhà, ra sau nhà, lật tung chuồng gà, chuồng vịt, kiểm tra bệ nước xem có dấu vết của ai mới rửa chân tay không.

Sau một hồi lùng sục không thấy người đâu, chúng nói với nhau: “Có lẽ nó lủi xuống ruộng lúa rồi”, và bỏ đi. Ở trên giường, cậu bé Hai Diệp nín thở từng hồi. Lúc ấy, chỉ cần chúng lật tấm chăn lên là phát hiện ra “hung thủ” ngay, vì chân tay Hai Diệp lúc này còn lấm lem bùn đất, quần áo xộc xệch vương đầy    cỏ dại, không có người nào đang ngủ mà trong cảnh như vậy cả. Và nếu điều đó xảy ra, chắc chắn Hai Diệp sẽ bị bắt và thủ tiêu ngay, sau đó thì bị lôi xác ra phơi khô ở ruộng lúa.

Thoát chết trong gang tấc, Hai Diệp và Bảy Cho không dám hé môi với bất cứ ai về vụ gài lựu đạn. Nhưng, tuyệt nhiên Hai Diệp không hề có cảm giác sợ hãi. Cậu vẫn tích cực tham gia hoạt động bí mật cho tổ chức như giao liên, tối đến cầm súng theo các cô chú trong xã đi hoạt động, từng ngày mong chờ thời khắc giải phóng quê hương.  

Ngày 30-4-1975, Đài Phát thanh Sài Gòn phát đi quân lệnh: Tất cả binh lính, sĩ quan, đồn bốt của quân lực Việt Nam Cộng hòa ngừng bắn. Đến 10 giờ 30, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Từ 12 giờ trở đi, cả Thị xã Mỹ Tho bùng nổ khí thế tiến công và nổi dậy. Quân giải phóng chiếm pháo địch, chiếm máy bay địch tại Giếng Nước, tiếp quản Tiểu khu Định Tường, chiếm căn cứ quân sự Đồng Tâm, đánh chìm tàu hải quân địch trên sông Cửu Long… Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lan truyền như vũ bão về miền quê cách mạng Chợ Gạo, nhân dân hò reo vui mừng sung sướng không nói nên lời. Hai Diệp chạy ra đường, cùng bà con cô bác hòa vào lời ca chiến thắng, mắt rưng rưng nhòa lệ.

3.Sau giải phóng, Hai Diệp được đưa về làm bảo vệ Huyện ủy Chợ Gạo rồi chuyển ngành sang làm Công an tỉnh Tiền Giang. Ông lần lượt giữ những vị trí Phó Giám đốc rồi Giám đốc Công an tỉnh. Năm 2015, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp được Bộ Công an phân công giữ chức Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông. Năm 2018, hoàn thành nhiệm vụ của một người chiến sĩ Công an nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp trở về đời thường, nhưng ông luôn đau đáu về quê hương, nơi vẫn còn những bà má cùng bao người bạn thuở hàn vi từng đi làm giao liên, đi gài lựu đạn đánh địch. Ông đã vận động những người bạn của mình, quyên góp, giúp đỡ sửa chữa lại nhà cho đồng đội, xây dựng nhà tình nghĩa cho bà Tư Xíu, bà Năm, những bà má năm xưa đã che chở, bảo bọc ông thoát khỏi họng súng của quân thù.

Ông luôn trân trọng và tự hào về những tháng năm tuổi trẻ của mình, vì đã cống hiến một chút sức lực, trí tuệ cho quê hương và cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông mong rằng, thế hệ trẻ ngày nay luôn nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc đóng góp xây dựng và làm giàu cho quê hương đất nước. 

Ngọc Hoa – Hào Linh
.
.