Lịch sử trên những con kênh

Chủ Nhật, 06/11/2022, 20:54

Một trong những đặc trưng của TP Hồ Chí Minh là có hệ thống kênh rạch len lỏi vào sâu trung tâm đô thị, tạo nên nét rất riêng so với các thành phố lớn khác như Nha Trang, Quy Nhơn, Huế hay Đà Nẵng.

Đó sẽ là một tiềm năng có sẵn, vừa với khả năng khai thác kinh tế, xây dựng thương hiệu du lịch, đồng thời còn tạo cơ hội giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ thông qua hàng loạt những cây cầu bắc qua kênh rạch mang tên các anh hùng dân tộc, ông Phan Xuân Anh - chuyên gia du lịch đường thủy TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.

Dòng kênh của những ký ức

Từ kinh nghiệm của một chuyên gia du lịch đường thủy, ông Phan Xuân Anh cho rằng nơi nào có hoạt động du lịch trên sông thì dòng sông nơi đó được cải tạo tốt, môi trường tương đối trong lành, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nhà nước và xã hội. Điều ông nói gợi nhớ lại vào thời điểm năm 2000, TP Hồ Chí Minh vay Ngân hàng thế giới khoảng 200 triệu USD để đầu tư cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Tuyến kênh dài chưa tới 10km nhưng được chia làm 2 đoạn: đoạn từ cầu Thị Nghè lên đầu nguồn gọi là Nhiêu Lộc, phần đổ ra sông Sài Gòn gọi là Thị Nghè. Nhưng phải mất 10 năm ròng mới cải tạo được như ngày hôm nay.

cay.jpg -0
Cây cầu mang tên chiến dịch Điện Biên Phủ bắc qua đoạn kênh Thị Nghè

Tuy tuyến kênh không dài nhưng gắn liền với sự phát triển của TP Hồ Chí Minh từ thời chúa Nguyễn đến nay đã ngoài 300 năm. Bên trong chất chứa biết bao thăng trầm, biến thiên của thời cuộc, vậy mà đến giờ vẫn giữ nguyên được tên gọi quen thuộc từ thuở sơ khai. Theo sách Sài Gòn năm xưa của cố học giả Vương Hồng Sển, cái tên Nhiêu Lộc, theo dân gian ngày xưa có một người đàn ông tên là Đặng Lộc, giữ chức Nhiêu học (Theo từ điển khoa bảng Việt Nam - Wikipedia tiếng Việt, vào năm 1674, chúa Nguyễn Hoàng cho mở khoa thi Chính đồ, người đỗ hạng nhất gọi là giám sinh, được bổ làm tri phủ, tri huyện; hạng nhì, gọi là sinh đồ được bổ làm huấn đạo; hạng ba, cũng gọi là sinh đồ nhưng bổ làm Nhiêu học).

Người này đã bỏ công sức, tiền của sửa sang lại hệ thống kênh rạch, khơi thông dòng chảy ra sông Sài Gòn, nhằm phục vụ giao thương, giúp dân chúng đi lại dễ dàng, từ đó dân chúng gọi con kênh này là Nhiêu Lộc để tưởng nhớ đến ông. Cũng theo sách trên, vào thời chúa Nguyễn, quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân đến đây giúp dân khai phá vùng đất này, con gái ông lấy chồng là ông nghè, nên người dân gọi cô là bà nghè Nguyễn Thị Khánh, và gọi cầu và khúc sông này là bà Nghè; nhưng các quan không chịu xưng hô như vậy mà đổi lại gọi là Thị Nghè.

Cũng kể từ đó, Nhiêu Lộc - Thị Nghè tạo nên con đường thủy nội đô vô cùng thuận lợi cho chuyên chở, họp chợ. Về mỹ quan đô thị, đây là con đường thủy đẹp bậc nhất Sài Gòn xưa, vẻ đẹp thoáng đãng, trong xanh của dòng kênh bên cạnh các địa cảnh của đất Sài Gòn thuở xưa với Bến Thành, Chợ Lớn… xứng danh vùng đất trên bến dưới thuyền, tạo nên đô thị phồn hoa. Bởi vậy ngày nay “nếu không biết khai thác làm du lịch, bảo vệ môi trường thì rất uổng phí”, ông Phan Xuân Anh chia sẻ. Vì thực tế sau khi kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được cải tạo xong, có khoảng thời gian dài không khai thác khiến cho một lượng lớn bùn đất, lục bình, nước thải bồi lắng làm cho dòng kênh trở lại ô nhiễm nặng.

Cuối năm 2015, thành phố có chủ trương phát triển du lịch đường thủy, khuyến khích xã hội hóa đầu tư các sản phẩm mới và dịch vụ du lịch đường sông. Nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư sản phẩm, xây dựng tour tuyến, bến bãi, trong đó có tuyến du lịch đường thủy nội đô đầu tiên trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ra đời. Tuyến du ngoạn đường thủy này đi xuyên qua các quận 1, 3, Phú Nhuận và Bình Thạnh bằng thuyền máy và thuyền nhỏ chèo tay, di chuyển được cả thời điểm nước lớn lẫn nước ròng mà không sợ ảnh hưởng bởi môi trường nước.

Và kể từ khi xúc tiến các hoạt động du lịch trên tuyến kênh này, việc xử lý môi trường nước, nạo vét lòng kênh thường xuyên được cải tạo, chất lượng nguồn nước đã thay đổi, không còn mùi hôi thối. Ngay cả vào thời điểm nước ròng trơ đáy, người ngồi trên thuyền cũng không có cảm giác dòng kênh từng một thời được gọi là “dòng kênh đen” do bị ô nhiễm nặng. Thay vào đó là vẻ đẹp trong xanh của dòng kênh, nhìn lên hai bên bờ, công viên nối tiếp công viên, một không gian thoáng đãng với những hàng cây xanh tươi tốt hoa nở bốn mùa. Tuy chưa có cuộc thăm dò chính thức nào được công bố, thế nhưng những người dân sinh sống trên hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa chạy dọc hai bên bờ kênh mà chúng tôi tiếp xúc đều tỏ ra tự hào, cho rằng đây là hai trong số ít ỏi những con đường thuộc loại đẹp nhất của TP. Hồ Chí Minh hiện thời, nếu xét về tiêu chí không gian và chỉ số cây xanh. Họ còn nói vui, chỉ những ai may mắn lắm mới hưởng được chút lộc trời ban. Bởi vậy giờ đây kênh Nhiêu Lộc còn được gọi là kênh “nhiều lộc”. Nghĩa là dòng kênh không chỉ đem lại vẻ đẹp hai bên bờ mà còn mang lại nhiều “tài lộc” khi mà giá trị nhà cửa hai bên bờ kênh tăng lên cả chục lần so với vài năm trước.

Lịch sử trên những con kênh -0
Một chiếc thuyền có tên là Thuyền Quy, đưa người tham quan du ngoạn trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Học môi trường và lịch sử trên sông 

Theo ông Phan Xuân Anh, phát triển du lịch đường thủy ở TP. Hồ Chí Minh có hai tour cần được hỗ trợ là tour môi trường và giáo dục lịch sử trên sông. Ông cho biết cả hai tour này vừa được triển khai trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhằm phục vụ cho đối tượng chính là học sinh, sinh viên.

Ông nói một chuyến du ngoạn đầy ý nghĩa trên dòng kênh xanh chỉ mất độ hai giờ đồng hồ nhưng giúp cho du khách nói chung, đặc biệt là sinh viên, học sinh nói riêng hiểu sâu hơn về giá trị của dòng kênh xanh trong việc đầu tư cải tạo và bảo vệ môi trường. Người tham gia trải nghiệm hiểu được các nguyên lý cơ bản trong việc xử lý rác thải, nước thải sao cho không bị ảnh hưởng đến môi trường nước trên kênh.

Ngoài ra còn giúp các em biết thêm một số loài cây có giá trị, góp phần bảo vệ môi trường được trồng nhiều, dọc hai bên bờ kênh như: sao đen, viết, nhạc ngựa. Mặc dù đó là những loài cây lấy gỗ hoặc tán che bóng mát nhưng trong giới làm du lịch gọi đây là loài “cây môi trường” vì có tán rộng, quang hợp tốt, ít rụng lá, không sâu bọ…

Anh Nguyễn Trung Thịnh, nhà ở Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh cùng cậu con trai học lớp 7, sau khi trải nghiệm tour môi trường trên dòng Nhiêu Lộc -  Thị Nghè tỏ ra hài lòng, cho rằng ở trên bờ các em học về “cây môi trường”, dưới nước học cách xử lý rác, nước thải, đây là tour rất bổ ích cho các em học sinh, sinh viên.

Hay như câu chuyện thả cá phóng sinh trên dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè, theo ông Phan Xuân Anh cũng phải cân nhắc và kiểm soát thật kỹ. Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, nên cho phép thả những loại cá có thói quen sinh sống ở tầng đáy, còn thả những loại cá sinh sống ở mặt nước thì rất nguy hại. Bằng chứng trong nhiều năm qua, chỉ cần liên tục vài ba cơn mưa nặng hạt đầu mùa, nước tràn xuống kênh mang theo các chất độc và rác thải sinh hoạt không phân hủy (bao nilon, ly nhựa…) bịt kín mặt nước, gây ô nhiễm cục bộ, khiến cá không hô hấp được, gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt trên diện rộng. Mà hầu hết những loài cá “xấu số” đó là loài sống ở tầng mặt nước, làm ảnh hưởng đến môi trường rất nhiều trong thời gian dài.

Lịch sử trên những con kênh -0
Những chiếc thuyền rơm du lịch trên kênh

Trong chuyến du hành trên thuyền, tính từ đầu bến cầu Thị Nghè (Q.1) đến cuối bến nơi chân cầu Lê Văn Sỹ (Q.3) dài độ 5 cây số, du khách còn được chiêm ngưỡng một phần vẻ đẹp của 9 cây cầu mang tên nhiều vị anh hùng dân tộc bắc ngang dòng kênh. Như cầu Lê Văn Sỹ gắn với chân dung người bí thư thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn trong những năm đầu kháng chiến. Ông hy sinh khi mới 38 tuổi.

Kế đến cầu Công Lý bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nối đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa với đường Nguyễn Văn Trỗi chạy vào sân bay Tân Sơn Nhất. Cây cầu gắn liền với sự kiện lịch sử nổi tiếng về người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đặt bom nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara vào năm 1964. Nhưng mưu sự không thành, anh Trỗi bị giặc bắt và bị xử tử. Ngày nay gần nơi chân cầu còn có tượng đài ghi nhớ công lao của người anh hùng.

Không xa mấy là cầu Hoàng Hoa Thám, gợi nhớ đến lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài gần 30 năm, ghi một dấu son trong lịch sử kháng Pháp thời cận đại. Cây cầu chỉ dài 104 mét nhưng phải trải qua 3 chủ đầu tư, kéo dài đến 12 năm mới hoàn thành. Trong tương lai nếu có cuộc bình xét cây cầu nào có thời gian thi công xây dựng lâu nhất Việt Nam thì có lẽ cầu Hoàng Hoa Thám đoạt kỷ lục!

Nằm cạnh bên cầu Hoàng Hoa Thám, còn có cây cầu sắt già nua mang tên một danh tướng đời Trần với những chiến công vang danh thiên cổ trong cuộc chiến chống Nguyên Mông là Trần Khánh Dư. Một con người có tài mưu lược, dụng binh, uyên thâm văn võ, song cũng nhiều tật.

Đi về hướng Đa Kao còn có cầu mang tên nhân vật lịch sử Bùi Hữu Nghĩa. Ông là một trong những nhà yêu nước thời cận đại (thời Nguyễn), mang tư tưởng tiến bộ, cương trực, thanh liêm, bất khuất trước cường quyền. Ông được nhân dân truyền tụng về đạo đức của một người chồng, người cha trọn vẹn nghĩa tình và là một người thầy mẫu mực xứng đáng cho học sinh các thế hệ sau noi theo…

Qua dưới mỗi cây cầu, du khách có điều kiện được tái hiện những bức tranh gắn liền với những giai đoạn lịch sử nhất định. Có thể nói đó là những bài học lịch sử quý giá dành cho du khách, giúp người thưởng ngoạn được tận mắt trực quan sinh động.

Việc lồng ghép lịch sử như thế này thật độc đáo, giúp bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể tiếp cận lịch sử một cách nhẹ nhàng, dễ nhớ. Đặc biệt là những bài học lịch sử về lòng biết ơn tổ tiên trên đoạn kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đấy còn là lòng tự hào của dân tộc nói chung, của TP. Hồ Chí Minh nói riêng.

Kỳ Phương
.
.