Sự hy sinh thầm lặng của các nữ điệp viên Liên Xô

Thứ Năm, 14/03/2024, 14:10

Ngày Quốc tế Phụ nữ vừa qua đi, cũng là dịp để tưởng nhớ các nữ anh hùng trên “mặt trận vô hình”. Cho đến nay, tiểu sử của nhiều nữ điệp viên Liên Xô vẫn được coi là bí mật quốc gia.

Xin trân trọng giới thiệu câu chuyện của Đại tá tình báo đã nghỉ hưu Oleg Kholodov về số phận đặc biệt của ba nữ điệp viên Liên Xô: Gohar Vartanyan, Galina Fyodorova và Africa de las Heras.

Ngọc quý không chỉ ở cái tên

Do tuổi cao, Đại tá Oleg Kholodov không có dịp gặp hai nhân viên tình báo Liên Xô nổi tiếng này khi hoạt động ở nước ngoài. Ông gặp họ khi họ đã trở về Liên Xô và bồi hồi nhớ lại những con người hết sức đáng mến này - vợ chồng nhà tình báo Vartanyan.

Gohar Vartanyan là viên kim cương sáng giá của ngành tình báo Liên Xô. Không phải vô cớ mà trong ngôn ngữ Armenia, tên bà có nghĩa là “viên ngọc quý”. Trong chiến tranh, bà được trao tặng Huân chương Cờ đỏ. Trong số các nữ điệp viên mật Liên Xô, không ai có vinh dự được nhận phần thưởng cao quý này. Chồng bà, ông Gevork Vartanyan, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì gần 50 năm làm việc trong lĩnh vực tình báo.

Sự hy sinh thầm lặng của các nữ điệp viên Liên Xô -0
Nữ điệp viên Gohar Vartanyan.

Tại sao người phụ nữ Armenia, ngay từ nhỏ chuyển từ Gyumri đến Iran, lại trở thành sĩ quan tình báo Liên Xô? Như Gohar đã nhiều lần nói, tình yêu là “thủ phạm” gây ra điều đó. Năm 16 tuổi, bà gia nhập nhóm chống phát xít của người chồng và chiến hữu tương lai của mình Gevork Vartanyan.

Lúc đầu, anh trai bà tham gia nhóm này, còn cô bé Gohar 13 tuổi chỉ giúp đỡ anh. Nhưng ba năm sau, bà trở thành thành viên chính thức của nhóm “Bảy kỵ binh hạng nhẹ” nổi tiếng. Nhóm tình báo này được Trung tâm đặt tên như vậy vì các nhân viên tình báo trẻ chủ yếu đi xe đạp theo dõi bọn gián điệp Đức. Ngay cả trước khi quân đội Liên Xô tiến vào Iran, họ đã xác định được hơn 400 điệp viên tình báo Đức. Chính nhờ sự giúp đỡ của họ mà trong thời gian Hội nghị thượng đỉnh Tehran, Stalin, Churchill và Roosevelt đã được cứu mạng.

Chuyện xảy ra như sau. Qua nhà tình báo Liên Xô nổi tiếng Nikolay Kuznetsov, Moscow  biết rằng phát xít Đức định thủ tiêu Stalin, Churchill và Roosevelt. Một lần, khi hoạt động ở hậu tuyến địch, Nikolay đã được một trong những sĩ quan phát xít tin cậy và tiết lộ rằng một toán quân Đức do Otto Skorzeny, trung tá của Lực lượng Vũ trang SS, nhân vật thân cận của Adolf Hitler, chỉ huy, đang chuẩn bị đổ bộ xuống Tehran.

Sau khi nhận được thông tin này, nhóm tình báo Liên Xô ở Iran được giao nhiệm vụ tìm kiếm lực lượng đổ bộ. Và vận may đã mỉm cười với vợ chồng Vartanyan - họ là những người đầu tiên phát hiện ra 6 tên Đức nhảy dù xuống khu vực Qom, cách thủ đô Tehran 80 km. Về sau hóa ra, đây là tốp dẫn đầu. Nhiệm vụ của chúng là liên lạc với Berlin và chuẩn bị điều kiện cho việc đổ bộ của lực lượng chính do Skorzeny cầm đầu. Chúng đã bị bắt khi đang liên lạc với trung tâm của mình.

Những tên biệt kích Đức bắt đầu làm việc với Berlin theo lệnh của tình báo Liên Xô. Nhưng dù sao,  nhân viên điện đài của chúng vẫn kịp truyền đi tín hiệu nguy hiểm. Bọn phát xít hiểu rằng ở Iran chúng không được chào đón. Buộc phải hủy bỏ chiến dịch.

Tất nhiên, thật đáng tiếc là lúc bấy giờ không thể bắt hoặc tiêu diệt tất cả những tên phát xít do Skorzeny cầm đầu. Dẫu sao, chúng ta cũng đã ngăn chặn được một âm mưu khủng bố và cứu được các lãnh tụ của Tam cường - Đại tá Oleg Kholodov nói.

Sự hy sinh thầm lặng của các nữ điệp viên Liên Xô -0
Ông Gevork Vartanyan, chồng của điệp viên Gohar Vartanyan.

Sau Iran, nhiều năm liền, cặp vợ chồng nhân viên tình báo hoạt động ở nhiều nước trên thế giới. Cho đến nay, vẫn chưa thể kể hết về giai đoạn này trong cuộc đời họ. Chỉ đến năm 2000, một số nhiệm vụ của họ mới được giải mật - và vợ chồng Vartanyan mới có điều kiện kể chút ít về cuộc đời mình. Nhưng phần lớn tiểu sử của họ vẫn được giữ bí mật: chẳng hạn như danh sách đầy đủ các nước, nơi gia đình nhà tình báo đã hoạt động. Người ta chỉ biết một số nước, ví dụ như Ý, nơi cặp đôi này đã thiết lập được nhiều mối quan hệ hữu ích, kể cả với giám đốc CIA tương lai và các quan chức cấp cao khác. Những mối quan hệ này về sau đã giúp họ rất nhiều khi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng.

Gohar là nhà tình báo chuyên nghiệp trình độ cao. Bà hiểu rằng chỉ một sai sót nhỏ nhất cũng có thể khiến vợ chồng bà phải trả giá bằng thất bại, dẫn đến án tù dài hạn, thậm chí là chung thân. Đó là lý do vì sao bà quyết định không sinh con. Sau này bà hết sức hối tiếc về điều đó, bà cho rằng đây là sự hy sinh lớn nhất của một nhà tình báo hoạt động bí mật.

Trở về Liên Xô, vợ chồng nhà tình báo Vartanyan dành nhiều thời gian làm việc với thế hệ nhân viên tình báo mới, những người được họ truyền lại kinh nghiệm vô giá của mình. Và khi rảnh rỗi, Gohar và Gevork thích đi du lịch. Tất nhiên, họ không được phép ra nước ngoài, bù lại, họ được đến thăm nhiều vùng khác nhau của nước Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ.

Điệp viên Zhanna

Đại tá Oleg Kholodov kể tiếp về một nữ anh hùng tình báo nữa của Liên Xô - Galina Fyodorova. Nhiều năm liền bà hoạt động bí mật ở châu Âu dưới mật danh “Zhanna”.

Trong nhiều thập kỷ, Galina Fyodorova đã cùng chồng cung cấp cho Trung tâm những thông tin rất quan trọng về hoạt động của NATO. Khi được giải mật, họ tổ chức cuộc gặp gỡ với các nhà báo, một số người tỏ ra rất ngạc nhiên.

“Tại sao họ lại trở về nhỉ? - một phóng viên trẻ hỏi một phóng viên khác - Họ sở hữu một công ty giàu có như vậy, có một khoản tiền lớn trong tài khoản ngân hàng. Họ có thể sống sung túc ở bên ấy".

Sự hy sinh thầm lặng của các nữ điệp viên Liên Xô -0
Nữ điệp viên Zhanna – Galina Fyodorova.

Khi được nghe kể lại cuộc trò chuyện tình cờ này của các phóng viên, lúc đầu, nữ tình báo Galina Fyodorova thậm chí không hiểu thực chất của câu hỏi “thực dụng” đó. Bà kể, ở phương Tây, vợ chồng bà có nhà riêng trong thành phố, người hầu, biệt thự sang trọng bên bờ biển, những chiếc “Mercedes” và “Lincoln” đỗ trong gara. Số tiền trong tài khoản ngân hàng lớn đến mức họ có thể sống vương giả trong suốt quãng đời còn lại của mình.

- Hiện nay chúng tôi sống trong một căn hộ hai phòng khiêm tốn và hài lòng với mức lương hưu khiêm tốn không kém - Galina Fyodorova cười. - Những người trẻ này hoài nghi: liệu có nên đánh đổi hàng triệu USD ở nước ngoài để lấy đồng lương hưu còm cõi ở quê nhà không? Câu trả lời tự nó nảy sinh: đây là đất nước của chúng tôi, đây là mồ mả của cha mẹ chúng tôi, đây là nhà của chúng tôi, nơi chúng tôi sinh ra, học tập và lớn lên, đây là đồng bào của chúng tôi. Ngoài ra, cả hai chúng tôi đều là người Nga và nước Nga là Tổ quốc của chúng tôi, đây là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Tổ quốc chỉ có một! Nhà văn Ivan Turgenyev nói rất đúng: “Tổ quốc có thể sống mà không cần mỗi chúng ta, nhưng bất cứ ai trong chúng ta cũng không thể sống thiếu Tổ quốc”.

Nhiều năm liền, nữ điệp viên Zhanna phải sống xa tổ quốc, người thân và bạn bè. Do công việc nguy hiểm và rủi ro thường xuyên rình rập, giống như ông bà Vartanyan, bà không có hạnh phúc được làm mẹ. Trước khi qua đời, Galina Fyodorova thừa nhận: “Không gì trên đời này có thể bù đắp được sự hy sinh như vậy”.

Nhưng bà không nguyền rủa số phận mình. Khi trở về Tổ quốc, trong báo cáo về công việc đã thực hiện ở nước ngoài, Galina Fyodorova viết: “Chúng tôi đã tổ chức ít nhất 300 cuộc gặp gỡ bí mật, khoảng 200 buổi phát thanh với Moscow và qua các kênh khác, chúng tôi đã chuyển khoảng 400 tài liệu bí mật quan trọng về Trung tâm”.

Nhờ điệp viên Zhanna, ban lãnh đạo đất nước đã kịp thời nhận được thông tin rất đầy đủ về kế hoạch tấn công hạt nhân phòng ngừa vào Liên Xô và có thể thực hiện các biện pháp đối phó.

- Chính hai vợ chồng Fyodorov đã cứu tất cả chúng ta khỏi số phận bi thảm của Hiroshima và Nagasaki - Đại tá Kholodov kết thúc câu chuyện của mình về nữ điệp viên Zhanna.

Africa de las Heras

Đại tá Oleg Kholodov tiếp tục câu chuyện về một nữ điệp viên Liên Xô tuyệt vời khác. Bà có cái tên đặc biệt - Africa (Châu Phi). Đây là cái tên mà bố bà, một sĩ quan Tây Ban Nha, đặt cho con gái mình, vốn sinh ra ở một nước Châu Phi - Maroc. Trong các tài liệu tác chiến của Trung tâm ở Moscow, bà mang mật danh “Patria - Rodina”. Và chỉ những người rất thân thiết là đồng nghiệp và học viên, mới gọi bà một cách trìu mến và thân thương - Maria Pavlovna hay Châu Phi của nước Nga.

Người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, dũng cảm này là sĩ quan tình báo thành đạt của Liên Xô trong hơn 45 năm. Cho đến nay, hầu hết các nhiệm vụ mà Africa tham gia vẫn được đóng dấu “Tuyệt mật”. Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, người phụ nữ trẻ Tây Ban Nha di cư sang Liên Xô đã xin được ra mặt trận. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nhân viên điện đài, bà tham gia nhóm đặc nhiệm tình báo “Những người chiến thắng” dưới sự chỉ huy của D. Medvedev.

Sự hy sinh thầm lặng của các nữ điệp viên Liên Xô -0
Con tem in hình nữ điệp viên Africa de las Heras.

Mùa hè năm 1944, Africa de las Heras trở thành nhân viên tình báo mật. Ngoài tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha, bà còn thông thạo tiếng Pháp và tiếng Nga. Năm 1947, Trung tâm quyết định cử bà sang hoạt động tình báo ở một trong những nước Mỹ Latinh, nơi bà định cư 20 năm. Trong suốt thời gian đó, nữ tình báo đã hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng là thu thập và chuyển những thông tin tình báo có giá trị về Trung tâm.

Africa đã phục vụ trong các cơ quan an ninh quốc gia Liên Xô hơn 45 năm. Phần lớn thời gian bà làm việc ở nước ngoài trong điều kiện bí mật. Bà chỉ nghỉ hưu vào năm 1985 ở tuổi 76 với cấp bậc đại tá. Ba năm sau, vào ngày 8/3/1988, nữ sĩ quan tình báo qua đời - đúng ngày Quốc tế Phụ nữ và ngày bà chuẩn bị được trao tặng huy hiệu “Chiến sĩ An ninh danh dự”.

Khi nhận xét về nữ tình báo huyền thoại Africa, các học trò của bà nói “Africa de las Heras là một nữ điệp viên mật đích thực. Ở bà có tất cả: tinh thần dũng cảm, lương tâm, sự trung thực đáng kinh ngạc và lòng ngay thẳng cao độ”.

Mộ của Africa de las Heras nằm tại nghĩa trang Khovanskoye của thủ đô Moscow. Năm 2011, nước Nga đã sản xuất bộ phim “Patria: Người phụ nữ sau bức màn bí mật” nói về nữ tình báo vĩ đại Patria. Năm 2019, xuất hiện con tem in hình ảnh bà. Tên của bà được khắc trên tượng đài vinh danh các nhân viên tình báo Liên Xô trước trụ sở của Cơ quan Tình báo Đối ngoại. Bà được tặng thưởng Huân chương Lênin, Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng II, hai Huân chương Sao đỏ, nhiều huy chương, trong đó có hai Huy chương “Vì lòng dũng cảm” và huy hiệu “Chiến sĩ An ninh danh dự”.

Kim Thanh Hằng
.
.