Những ký ức bi hùng của các cựu tù chính trị Côn Đảo

Thứ Bảy, 19/04/2025, 14:01

Chiến tranh đã lùi xa 50 năm nhưng trong tâm trí các cựu tù Côn Đảo, ký ức về những năm tháng trong lao tù chưa bao giờ phôi phai. Họ đã đi qua những trận đòn roi tàn bạo, những cơn đói triền miên, những khoảnh khắc đối mặt với lằn ranh sinh tử nhưng vẫn giữ ý chí kiên trung, niềm tin sắt son vào thắng lợi của cách mạng.

Ngày 19/4/2025, tại các di tích Đền thờ Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hàng Keo, Trại Phú An (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Ban liên lạc cựu tù Côn Đảo phối hợp với UBND huyện Côn Đảo, Đồn Công an Côn Đảo đã tổ chức Lễ giỗ chung các anh hùng liệt sĩ Côn Đảo nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Côn Đảo.

Tham dự có Trung tướng Châu Văn Mẫn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND cùng gần 100 cựu tù Côn Đảo, cựu tù kháng chiến; lực lượng vũ trang; đoàn viên thanh niên và đông đảo nhân dân huyện Côn Đảo.

50 năm giải phóng Côn Đảo – Những ký ức bi hùng -0
Trung tướng Châu Văn Mẫn thăm lại bạn tù, ông Nguyễn Xuân Viên ở lại xây dựng Côn Đảo.

Tại buổi lễ, các cựu tù Côn Đảo đã ôn lại ý nghĩa của Lễ giỗ chung, đồng thời hồi tưởng lại những năm tháng đầy bi tráng và những thời khắc đáng nhớ tại các trại tù của Côn Đảo tròn 50 năm về trước. Điển hình là những tù chính trị Trại 6B là những người có tổ chức tốt, tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất. Cường quyền không làm lung lay ý chí cách mạng của những người cộng sản. Những chi bộ, đảng bộ vẫn ra đời trong ngục tù tăm tối đầy đau thương và căm phẫn. Đó là những hạt nhân cho những cuộc đấu tranh không hề khuất phục, góp phần làm nên những thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Ngay trong đêm 30/4/1975, Ban An ninh của Trại 6B được phát triển thêm một bước về tổ chức, quy mô lớn hơn. Sáng ngày 1/5/1975, lực lượng tù chính trị làm chủ Côn Đảo, lực lượng An ninh Trại 6B đã nhanh chóng tiếp quản Ty cảnh sát Quốc gia tỉnh Côn Sơn, cùng các lực lượng khác tiếp quản cơ sở vật chất, đài ra đa vô tuyến điện, kho tàng tài liệu của địch. Lực lượng vũ trang đã phát triển thành một đại đội. Toàn thể tù chính trị được quân sự hóa, các anh vai mang bao gạo, chị em mang túi cứu thương, tất cả chung một ý chí đứng lên bảo vệ Côn Đảo.

“Sáng ngày 4/5/1975, tàu hải quân chở bộ đội ra tiếp quản Côn Đảo, tàu mang theo 500 ảnh Bác Hồ được các tù nhân giải phóng rước về các phòng, các trại. Anh em tù chính trị ở các trại truyền tin nhau kéo về trụ sở ủy ban hô vang trời, mừng vui không sao kể xiết”, cựu tù Sầm Thanh Liêm, Bí thư đoàn Thanh niên Nguyễn Văn Trỗi Trại 6B, Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị Trại 6B chia sẻ.

50 năm giải phóng Côn Đảo – Những ký ức bi hùng -0
Ông Mai Hồng thắp hương liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Côn Đảo giải phóng, đoàn cựu tù Côn Đảo đầu tiên gồm những người tử tù và người bệnh nặng được đưa xuống tàu về đất liền. Ông Phạm Hồng (91 tuổi) được mệnh danh là người tù già nhất Côn Đảo với hơn 18 năm sống trong ngục tù. Ông là một trong những người rời Côn Đảo trong chuyến tàu cuối cùng ngày 16/5/1975. Đây là lần thứ 3, người cựu tù trở lại Côn Đảo trong không khí linh thiêng và tự hào kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng Côn Đảo, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đứng trước bia tưởng niệm các liệt sĩ tại Trại 6B, ông Phạm Hồng nghẹn ngào: “Đó là câu chuyện dài với hành trình gian khổ của những cựu tù Côn Đảo, nơi được mệnh danh “địa ngục trần gian” hay "Côn Lôn đi dễ khó về/ Già đi bỏ xác, trai về nắm xương" đã chiếm trọn một phần thanh xuân, tuổi trẻ và cả những nỗi đau thể xác, tâm hồn người tù chúng tôi”.

Còn ông Mai Hồng (87 tuổi) dù ở Quảng Ngãi xa xôi nhưng năm nào ông Hồng cũng trở về tham dự Lễ giỗ tập thể của các liệt sĩ, những đồng đội một thời chung gian khổ ở chuồng cọp. Dù mang trong mình nhiều thương tật do di chứng của những trận đòn roi tra tấn năm xưa, nhưng ông Mai Hồng vẫn cảm thấy cuộc đời mình thật may mắn, vì vẫn còn có ngày về trong vòng tay của người thân, trong khi đồng đội có biết bao người đã ngã xuống ngay trước mắt.

50 năm giải phóng Côn Đảo – Những ký ức bi hùng -0
Niềm vui trong ngày gặp lại của các cựu tù Côn Đảo.

Trong số những người tù tình nguyện ở lại bảo vệ và xây dựng Côn Đảo có Trung tướng Châu Văn Mẫn. Trung tướng Châu Văn Mẫn cho biết, lúc đó còn khoảng 2.500 dân ở Côn Đảo là vợ con của binh lính, giám thị, công chức chế độ cũ, tù thường phạm của chế độ cũ thụ án tù chung thân hoặc tử hình. Việc đầu tiên sau giải phóng là gom thường phạm vào quản lý trong các trại, phân loại, chia thành nhiều nhóm. Những người tội nhẹ thì tiếp tục lao động cải tạo, tội nặng thì cho học tập chính trị. Đồng thời, phải bảo đảm ANTT trên toàn đảo để ổn định tình hình, bảo vệ nhà tù khỏi bị đập phá...

50 năm giải phóng Côn Đảo – Những ký ức bi hùng -0
Ông Phạm Hồng, người có hơn 18 năm ở nhà lao Côn Đảo đọc lại tên những đồng đội của mình được khắc trên tấm bia tại Trại 6B.

Năm nào cũng vậy, khi tháng 4 về, Trung tướng Châu Văn Mẫn lại hướng lòng mình về Côn Đảo, nơi ông đã biến nhà tù của địch thành nơi hoạt động cách mạng và tình yêu biển đảo. Giờ đây, ông vẫn luôn trăn trở và canh cánh với đồng đội nằm lại. “Máu xương của đồng đội phải được ghi nhận, được tôn thờ bằng những nghĩa cử cao đẹp nhất của những người còn sống. 50 năm qua, những cựu tù Trại 6B chúng tôi vẫn luôn gắn bó với nhau, không phải để hoài niệm quá khứ hào hùng, mà để cùng nhau làm những điều có ý nghĩa, để khắc ghi sự kiên trung bất khuất của những đồng đội”, Trung tướng Châu Văn Mẫn chia sẻ.

Ngọc Thiện
.
.