Ba Lan nổi đóa vì Donald Tusk tái đắc cử Chủ tịch EU

Thứ Sáu, 17/03/2017, 17:45
Quan hệ giữa Ba Lan và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang căng thẳng sau khi Warsaw thất bại trong việc ngăn cản một người nước mình - cựu Thủ tướng Donald Tusk - tái đắc cử chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ việc cạnh tranh giữa hai đảng phái chính trị trong nước Ba Lan.

Cựu thủ tướng Donald Tusk đã tái đắc cử chức Chủ tịch EU với tỉ lệ gần như tuyệt đối, 27 trên 28 thành viên EU ủng hộ, chỉ có duy nhất một phiếu chống là Ba Lan, đất nước của chính ông. Ông Tusk là sự lựa chọn được ủng hộ nhiều nhất cho cương vị Chủ tịch EU và sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai, 2 năm rưỡi, kết thúc vào năm 2019, để dìu dắt khối vượt qua nhiệm vụ đàm phán Brexit đầy khó khăn và căng thẳng.

Ông Donald Tusk tái đắc cử Chủ tịch EU.

Thông tin về việc Tusk tái đắc cử được phát ra từ Thủ tướng Bỉ Charles Michel hôm 9-3-2017 khi ông này lên mạng xã hội Twitter viết lời chúc mừng ông Tusk ngay sau cuộc họp thành viên khối. Ngay sau đó, Chính phủ Ba Lan đã lên tiếng biểu hiện sự phản đối.

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Witold Waszczykowski gọi kết quả bỏ phiếu bầu ông Tusk là "sự độc tài chuyên chế của Berlin" - ám chỉ việc đa số các quốc gia ủng hộ ông Tusk là do nể sợ quyền lực quá mạnh của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Phát biểu của ông Waszczykowski phản ánh quan điểm chung của đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền ở Ba Lan.

PiS đã liên tục lên tiếng phản đối cái gọi là "sự kiểm soát của Berlin đối với EU". Điều này không hoàn toàn không có lý, bởi trên thực tế nhiều vấn đề được đưa ra giải quyết ở EU đều phải chịu sự chi phối mạnh từ Berlin, cụ thể như vấn đề nợ công của Hy Lạp trong mấy năm qua.

Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo.

Szydlo lặp đi lặp lại lý lẽ cho rằng "Tusk không phải là một chủ tịch tốt của EU" mà không đưa ra được luận điểm nào khác sắc bén hơn. Và bà Szydlo cũng không làm theo chỉ dẫn của lãnh đạo đảng PiS Jaroslaw Kaczynski là phải đấu tranh trực tiếp với Berlin trong vấn đề không cho ông Tusk tái đắc cử. Những người ủng hộ ông Kaczynski đều gọi Tusk là "ứng viên của nước Đức".

Sự phản đối của Warsaw đối với kết quả bỏ phiếu của EU có nguyên nhân từ việc Chính phủ do đảng PiS chống lại việc ông Tusk tiếp tục ngồi ở vị trí đứng đầu EU, và Warsaw đã liên tục tìm cách ngăn cản điều này xảy ra.

Tuy nhiên, khi cố ngăn ông Tusk tái đắc cử, Ba Lan bỗng thấy mình đơn độc trong sân chơi, vì hầu như tất cả các quốc gia thành viên còn lại trừ Ba Lan, ngay cả những đồng minh truyền thống đều đã đứng về phía đa số ủng hộ ông Tusk. Ba Lan đã hy vọng Thủ tướng Hungary Viktor Orban sẽ về phe với mình để ngăn việc bầu chọn ông Tusk, nhưng rốt cuộc Orban cũng đã đứng về phía ủng hộ ông Tusk.

Không phải ông Orban bỏ rơi đồng minh một cách vô tình như thế. Thực ra ông cũng đã cố gắng hòa giải, tìm một lối ra thỏa hiệp giữa Ba Lan và các thành viên còn lại của EU nhưng không thành công. Bà Szydlo cũng rất thất vọng với Thủ tướng Anh Theresa May vì trước đây các nghị sĩ EU của đảng Bảo thủ và các nghị sĩ EU của PiS ngồi chung phe cánh với nhau, còn hiện nay bà May đã thay đổi quan điểm bảo thủ và cũng đứng vào hàng ngũ ủng hộ ông Tusk, dù biết rằng ông Tusk sẽ là người đứng ra chủ trì tiến trình đàm phán Brexit với Anh.

Việc Ba Lan quyết liệt ngăn cản ông Tusk tái đắc cử Chủ tịch EU có liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau. Trong đó, mâu thuẫn, xung đột nội bộ quốc gia Ba Lan là nguyên do quan trọng nhất. Chính phủ Ba Lan trong mấy năm qua liên tục cáo buộc ông Tusk lợi dụng vị trí lãnh đạo EU để can thiệp, thao túng chính trị nội bộ trong nước Ba Lan và cáo buộc ông đứng về phía Brussels chống lại Warsaw trong cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề tuân thủ pháp luật tại Ba Lan.

Mâu thuẫn gay gắt nhất có lẽ là cuộc tranh cãi xoay quanh vụ tai nạn máy bay ở Smolensk, Nga, làm chết cựu Tổng thống Lech Kaczynski, anh trai ông Jaroslaw Kaczynski, vào năm 2010. Ông Kaczynski đổ lỗi cho ông Tusk có trách nhiệm trong việc gây ra vụ tai nạn này.

Cuộc điều tra vụ tai nạn đó đã kết luận tai nạn do lỗi của phi công và thời tiết xấu, nhưng đãng PiS của ông Kaczynski vẫn khăng khăng cho rằng Chính phủ của ông Tusk khi đó phải chịu trách nhiệm. Các nhà phân tích  tin rằng Chính phủ Ba Lan và đảng PiS hy vọng phá hỏng việc tái đắc cử của ông Tusk để đưa người của mình ra ứng cử thay thế ông Tusk.

Chính phủ Ba Lan đã tiến hành bước đi quyết định, đề xuất đưa nghị sĩ EU Jacek Saryusz-Wolski, một thành viên khác cùng đảng Diễn đàn Công dân (CPP) với ông Tusk ra tranh cử, nhưng ông Saryusz-Wolski tuy là người từng có công đưa Ba Lan vào EU, nhưng ông này lại chưa từng làm Thủ tướng, một tiêu chuẩn bắt buộc để được bầu làm Chủ tịch EU trong khi ông Tusk đã làm Thủ tướng từ năm 2007 đến 2014.

Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo khẳng định Ba Lan sẽ trả đũa cho thất bại này bằng cách ngăn không cho thông qua bản thông cáo chung của Hội nghị thượng đỉnh EU. Đây sẽ lại là một cuộc đấu gay go, vì thông cáo Hội nghị thượng đỉnh là một văn bản quan trọng, nó chuyển tải quan điểm, chính sách của toàn khối EU, trong đó có những vấn đề đang nóng, như tăng trưởng kinh tế, di dân và tình hình Tây Balkans (việc Kosovo đòi có quân đội riêng, xung đột, bất ổn tại một số quốc gia nghi là có sự chọc phá của Nga).

Nhưng Ba Lan có vẻ khó thành công với chiêu bài này, vì cho dù bị Ba Lan ngăn cản, văn bản đó vẫn có thể được thông qua theo một quy trình thủ tục khác, và vì thế nếu quyết tâm thực hiện hành động trả đũa EU, Ba Lan sẽ tự cô lập mình thêm.

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.